Bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng là một trong những hoạt động quan trọng và bắt buộc, thể hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục. Đây cũng là yếu tố nền tảng giúp cơ sở giáo dục duy trì, cải tiến và nâng cao chất lượng các lĩnh vực hoạt động, đồng thời là cơ sở để thực hiện quyền tự chủ tại các trường.
Công tác này đã được quy định cụ thể trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Chính vì vậy, hoạt động bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng cần được thực hiện hiệu quả và nghiêm túc.
Mặc dù, trong những năm gần đây, giáo dục đại học Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những thành quả đáng ghi nhận, song vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế cần khắc phục.
Có trường 2-3 năm liên tiếp tuyển sinh vượt chỉ tiêu nhưng vẫn đạt kiểm định chất lượng
Điều 16, Tiêu chuẩn 13: Tuyển sinh và nhập học, Mục 3, Chương II, Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học quy định:
1. Tiêu chí 13.1: Xây dựng kế hoạch, chính sách và truyền thông để tuyển sinh cho các chương trình đào tạo khác nhau của cơ sở giáo dục.
2. Tiêu chí 13.2: Xây dựng các tiêu chí để lựa chọn người học có chất lượng cho mỗi chương trình đào tạo.
3. Tiêu chí 13.3: Quy trình giám sát công tác tuyển sinh và nhập học được thực hiện.
4. Tiêu chí 13.4: Có các biện pháp giám sát việc tuyển sinh và nhập học.
5. Tiêu chí 13.5: Công tác tuyển sinh và nhập học được cải tiến để đảm bảo tính phù hợp và hiệu quả.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, có trường đại học 2 năm liên tiếp tuyển sinh vượt chỉ tiêu nhưng vẫn đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Thậm chí, có trường vượt chỉ tiêu 2 năm liên tiếp ở tất cả các ngành nhưng vẫn thông qua kiểm định. Có thể kể đến một số trường nhiều năm liền tuyển sinh vượt chỉ tiêu nhưng vẫn đạt chất lượng kiểm định như: Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ...
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung chuyên nghiên cứu đối sánh kiểm định chất lượng và bảo đảm chất lượng bên trong của Hoa Kỳ và Việt Nam. Hiện, bà đã có thẻ kiểm định viên vùng HLC- Hoa Kỳ. Sau khi về nước, Tiến sĩ Nhung tiếp tục tham gia hội đồng tư vấn bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng quốc gia tư vấn các chính sách liên quan đến kiểm định chất lượng, cho hay: "Chỉ tiêu tuyển sinh và nhập học cũng là một trong những tiêu chí quan trong trong kiểm định chất lượng của cơ sở giáo dục đại học. Các trường cũng cần tuân thủ tiêu chí này thì mới được xác định đạt chất lượng kiểm định hay không. Tuy nhiên, ở Việt Nam, cơ sở giáo dục đại học chỉ cần đạt 80% bộ tiêu chí kiểm định trở lên là được công nhận.
Chính vì thế, về chỉ tiêu tuyển sinh và số sinh viên trúng tuyển nhập học nếu các trường nằm trong 20% còn lại thì vẫn có thể được công nhận đạt chất lượng. Trong trường hợp cơ sở giáo dục 2-3 năm liên tiếp tuyển sinh vượt chỉ tiêu ở tất cả các ngành mà vẫn đạt chất lượng thì có thể tiêu chí đó nằm ở 20% còn lại”.
Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung nghiên cứu đối sánh kiểm định chất lượng và bảo đảm chất lượng bên trong của Hoa Kỳ và Việt Nam. Ảnh: NVCC |
Trong khi đó, Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: “Trước hết, nên phân biệt kiểm định chất lượng với tuân thủ pháp luật. Hai khía cạnh này có những nội dung trùng nhau nhưng có nhiều nội dung khác nhau, và mục đích khá khác nhau, thẩm quyền thực hiện kiểm định chất lượng và kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ pháp luật lại rất khác nhau... Do đó, không nên đồng nghĩa vi phạm pháp luật với kém chất lượng.
“Căn cứ vào tài liệu hướng dẫn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (dựa trên bộ tiêu chuẩn và các hướng dẫn của AUN-QA) thì việc tuân thủ pháp luật về tuyển sinh chỉ nằm trong 1 tiêu chí. Như vậy, nếu các tiêu chí khác vẫn đạt chất lượng thì tiêu chuẩn này vẫn đạt chất lượng.
Nếu sau đánh giá mà chương trình đào tạo có ít nhất 80% số tiêu chí đạt yêu cầu, trong đó mỗi tiêu chuẩn có ít nhất 50% số tiêu chí đạt yêu cầu thì chương trình đào tạo vẫn đạt yêu cầu. Vì vậy, việc vượt chỉ tiêu tuyển sinh có thể nằm ở 20% tiêu chí không đạt yêu cầu nên không ảnh hưởng đến kết quả chung của việc đánh giá chất lượng đào tạo”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh.
Đề xuất các tiêu chí cốt lõi về chất lượng cần đạt 100% thì mới được thông qua kiểm định
Theo Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung, để công tác kiểm định chất lượng đạt hiệu quả cần xem xét kỹ lưỡng các tiêu chí hơn. Thay vì chỉ cần đạt 80% các tiêu chí như hiện nay thì cần nâng chuẩn chất lượng lên cao hơn. Nhất là với các tiêu chí cốt lõi liên quan đến công tác tuyển sinh, đào tạo… ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục.
“Trong quá trình tư vấn về bộ tiêu chuẩn, tôi cũng cho rằng nên yêu cầu phải đạt hết 100% chứ không phải mức 80% như hiện nay. Theo bộ tiêu chí mới đang đề xuất đưa ra một số yêu cầu về những tiêu chí cốt lõi trong chất lượng đào tạo giáo dục đại học là bắt buộc phải đạt được.
Với cá nhân tôi, tôi đề xuất đã là kiểm định chất lượng giáo dục thì các cơ sở cần đạt 100% các tiêu chí thì mới được thông qua kiểm định. Như vậy để tránh trường hợp rơi vào 20% còn lại nhưng lại nằm trong tiêu chí về chất lượng như tuyển sinh, nhập học sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo thực tế.
Vì theo kinh nghiệm quốc tế là bắt buộc phải đạt hết 100% các tiêu chí mới được thông qua kiểm định. Trong trường hợp có những tiêu chí không đạt thì họ sẽ cho thời gian 6 tháng đến 1 năm để cải tiến, nghĩa là có điều kiện kèm theo. Như vậy, các cơ sở giáo dục phải tiếp tục cải tiến, sửa đổi và báo cáo lại những tiêu chí chưa đạt. Sau đó, khi đã đạt hết các tiêu chí này thì mới thông qua kiểm định chất lượng.
Còn hiện nay ở Việt Nam cũng có quy định về việc cải tiến chất lượng. Tuy nhiên, sau đó, cải tiến như thế nào thì các trung tâm kiểm định chưa làm mạnh phần này. Tôi thấy hiện nay đa phần là kiểm định, còn hậu kiểm định vẫn chưa được sát sao. Mặc dù là các cơ sở giáo dục họ vẫn gửi những báo cáo về các tiêu chí không đạt nhưng việc theo sát báo cáo ấy như thế nào, để xem họ có đạt không thì vẫn còn hạn chế”.
Chính vì thế, Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung kiến nghị Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như cơ quan chủ quản của các cơ sở giáo dục đại học cần có sự quản lý sát sao hơn nữa.
"Ngay ở trong các trường đại học hiện nay cũng có bộ phận kiểm định chất lượng tuy nhiên vẫn chưa thực sự sát sao. Các Bộ, ngành cũng như các bộ phận có liên quan cần xem xét và có những hành động thiết thực, cụ thể để cải tiến tình trạng ấy, tránh các trường hợp tương tự, thiếu các tiêu chí cốt lõi về chất lượng nhưng vẫn thông quan kiểm định xảy ra trong tương lai", Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung nêu quan điểm.
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Với các cơ sở giáo dục đại học sau khi có khóa sinh viên đầu tiên thì phải kiểm định chất lượng. Còn nếu không kiểm định được thì phải tạm dừng tuyển sinh và cải tiến chất lượng cho tới khi đạt yêu cầu thì mới được tiếp tục tuyển sinh.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy, việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu đôi khi cũng không phải do các trường cố tình tuyển vượt mà cũng do một số bất cập trong vấn đề tuyển sinh. Đôi khi các trường để tránh tỷ lệ thí sinh ảo mà phải gọi cao hơn so với chỉ tiêu để phòng rủi ro.
Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Phạm Minh |
Được biết, theo quy định hiện hành tại Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT, bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục gồm 25 tiêu chuẩn bao gồm: Tầm nhìn, sứ mạng và văn hóa; Quản trị; Lãnh đạo và quản lý; Quản trị chiến lược; Các chính sách về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng; Quản lý nguồn nhân lực; Quản lý tài chính và cơ sở vật chất; Các mạng lưới và quan hệ đối ngoại; Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong; Tự đánh giá và đánh giá ngoài; Hệ thống thông tin đảm bảo chất lượng bên trong; Nâng cao chất lượng; Tuyển sinh và nhập học; Thiết kế và rà soát chương trình dạy học; Giảng dạy và học tập; Đánh giá người học; Các hoạt động phục vụ và hỗ trợ người học; Quản lý nghiên cứu khoa học; Quản lý tài sản trí tuệ; Hợp tác và đối tác nghiên cứu khoa học; Kết nối và phục vụ cộng đồng; Kết quả đào tạo; Kết quả nghiên cứu khoa học; Kết quả phục vụ cộng đồng; Kết quả tài chính và thị trường.