3 năm liên tiếp tuyển vượt chỉ tiêu, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM lý giải

12/10/2023 06:32
Sao Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại diện trường cho biết, chỉ tiêu năm 2022 trong Đề án tuyển sinh 2023 chưa tính chỉ tiêu của phương thức ưu tiên xét tuyển theo đề án của trường.

Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Bộ Công thương) tiền thân là Trường Huấn nghiệp Gò Vấp do các tu sĩ dòng Don Bosco thành lập 11/11/1956.

Trải qua quá trình phát triển, tháng 12/2004, trường được nâng cấp thành Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh theo quyết định số 214/2004/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ và Trường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017 theo Quyết định số 902/QĐ-TTg ngày 23/6/2015, bắt đầu thực hiện từ năm học 2015-2016.

Hiện tại, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh là Tiến sĩ Phan Hồng Hải.

Trường xác định tầm nhìn trở thành trường đại học hàng đầu của Việt Nam (đứng trong top 10 trường đại học trong nước), tiên phong trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong 4 năm học, quy mô đào tạo của trường tăng 20,74%

Theo báo cáo ba công khai của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh từ năm học 2018-2019 đến năm học 2021-2022, quy mô sinh viên của trường tăng lên, đặc biệt, tăng mạnh từ năm học 2020-2021 đến năm học 2021-2022.

Biểu đồ thể hiện quy mô sinh viên qua các năm học của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. (Biểu đồ: Sao Mai).

Biểu đồ thể hiện quy mô sinh viên qua các năm học của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. (Biểu đồ: Sao Mai).

Theo biểu đồ trên, nhìn chung tổng quy mô sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh từ năm học 2018-2019 (28.436 người) đến năm học 2021-2022 (34.332 người) tăng 5.896 người (tăng 20,74%).

Xét theo trình độ đào tạo, quy mô đào tạo sinh viên đại học chính quy của trường tăng nhiều nhất. Cụ thể, từ năm học 2020-2021 đến năm học 2021-2022, quy mô đào tạo đại học chính quy tăng gần 5.000 chỉ tiêu.

Chia sẻ về năm học 2021-2022 quy mô đào tạo đại học tăng mạnh, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:

"Trước đây, trường đào tạo cả hệ cao đẳng chính quy. Do đó, mặc dù năng lực đào tạo đại học của trường lớn hơn chỉ tiêu công bố nhưng để đảm bảo chất lượng, nhà trường đã đăng ký chỉ tiêu nhỏ hơn năng lực thực tế. Kể từ năm 2020 trở đi, theo quy định Luật Giáo dục đại học, các trường đại học không được phép đào tạo cao đẳng, do đó nhà trường đã chuyển toàn bộ năng lực đào tạo trình độ cao đẳng sang đào tạo trình độ đại học và tăng quy mô đào tạo trình độ đại học như đã công khai".

Cũng theo thầy Nhân, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo năng lực đào tạo của nhà trường hàng năm được thực hiện đúng theo các quy định hiện hành và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt trước khi đề án tuyển sinh thông qua và khai báo trên Cổng thông tin xác định chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường).

Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường).

Với quy mô đào tạo sau đại học, năm học 2021-2022, trường có tổng 50 nghiên cứu sinh, tăng 41 người tính từ năm học 2018-2019. Tuy nhiên, quy mô đào tạo thạc sĩ có xu hướng giảm (từ năm học 2018-2019 đến năm học 2021-2022, số học viên thạc sĩ giảm 155 người).

Với đào tạo hệ vừa làm vừa học, quy mô giảm từ năm học 2018-2019 đến năm học 2021-2022 là 204 người.

Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo 6 khối ngành. Đáng chú ý, trong báo cáo ba công khai năm học 2020-2021, ở nội dung công khai quy mô sinh viên, đối với đào tạo tiến sĩ, khối ngành III có 9 người, khối ngành V có 10 người, khối ngành VII có 5 người nhưng tổng có 15 người.

Quy mô sinh viên của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh qua các năm học. (Bảng: Sao Mai).

Quy mô sinh viên của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh qua các năm học. (Bảng: Sao Mai).

Lý giải về số liệu quy mô đào tạo tiến sĩ năm học 2020-2021, thầy Nhân cho biết: "Do dữ liệu được cung cấp từ nhiều đơn vị phòng, ban khác nhau nên quá trình soạn thảo đã cộng sai quy mô đào tạo trình độ tiến sĩ năm học 2020-2021. Quy mô đào tạo trình độ tiến sĩ của năm học 2020-2021 chính xác là 24. Nhà trường sẽ cho cập nhật lại thông tin này".

Dựa theo bảng số liệu trên, nếu xét về quy mô tuyển sinh theo khối ngành thì khối ngành III, khối ngành V và khối ngành VII có quy mô đào tạo đại học chính quy nhiều nhất. Đây cũng là các khối ngành đào tạo trình độ tiến sĩ và thạc sĩ.

Giai đoạn từ năm học 2018-2019 đến năm học 2021-2022, quy mô đào tạo đại học chính quy khối ngành III tăng ít (27 người), khối ngành V tăng 2.424 người và khối ngành VII tăng 2.879 người.

Cũng dựa theo bảng số liệu trên, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu mở đào tạo khối ngành II, IV và VI từ năm học 2019-2020 đối với trình độ đại học chính quy. Quy mô sinh viên đại học chính quy của các khối ngành này nhỏ.

Trong đó, từ năm học 2019-2020 đến năm học 2021-2022, quy mô sinh viên đại học chính quy khối ngành II tăng 155 người; quy mô sinh viên đại học chính quy khối ngành VI tăng 212 người. Tuy nhiên, quy mô sinh viên đại học chính quy khối ngành IV có xu hướng giảm 209 người.

Khối ngành II, IV và VI không đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ (trừ khối ngành IV có đào tạo thạc sĩ từ năm học 2021-2022) và hệ vừa làm vừa học.

Số sinh viên trúng tuyển nhập học 3 năm liên tiếp cao hơn chỉ tiêu

Theo Đề án tuyển sinh năm 2023 và Đề án tuyển sinh năm 2022 cho thấy, số chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học (theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, sử dụng kết quả học tập lớp 12 và sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức) và số sinh viên trúng tuyển nhập học như sau:

Số chỉ tiêu và số sinh viên trúng tuyển nhập học của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh trong các năm. (Bảng: Sao Mai).

Số chỉ tiêu và số sinh viên trúng tuyển nhập học của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh trong các năm. (Bảng: Sao Mai).

Theo bảng số liệu trên, năm 2022 có số sinh viên trúng tuyển nhập học vượt 1.675 sinh viên so với chỉ tiêu.

Năm 2021, số sinh viên trúng tuyển nhập học vượt 81 sinh viên so với chỉ tiêu 8.164.

Năm 2020, số sinh viên trúng tuyển nhập học vượt 401 sinh viên so với chỉ tiêu 8.057.

Như vậy, nếu dựa theo bảng, trong 3 năm gần đây, năm 2022 có số sinh viên trúng tuyển nhập học vượt chỉ tiêu tuyển sinh nhiều nhất, sau đó đến năm học 2020 và năm 2021.

Chia sẻ về vấn đề này, theo thầy Nhân, chỉ tiêu năm 2022 trong Đề án tuyển sinh năm 2023 (các bảng từ trang 7 đến trang 11) chưa tính chỉ tiêu của phương thức ưu tiên xét tuyển theo đề án tuyển sinh của nhà trường (Xem Đề án tuyển sinh năm 2023 của trường TẠI ĐÂY).

Riêng phương thức ưu tiên xét tuyển (gồm nhiều đối tượng như: học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trở lên, học sinh trường chuyên, học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế,...), trường có hội đồng xét riêng vì không cùng hệ quy chiếu thang điểm nên không đưa chỉ tiêu và điểm vào các bảng này trong đề án tuyển sinh năm 2023.

Chỉ tiêu và số lượng nhập học các năm 2020, 2021, 2022 như sau (tất cả đều được xác định đúng theo các quy định hiện hành và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt trước khi đề án tuyển sinh được thông qua và được khai báo trên Cổng thông tin xác định chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo):

Năm 2022, chỉ tiêu tuyển sinh là 9.396, số sinh viên nhập học thực tế là 8.696 (đạt 92.55% so với chỉ tiêu).

Năm 2021, chỉ tiêu tuyển sinh là 8.164, số sinh viên nhập học thực tế là 8.245 (đạt 100.99% so với chỉ tiêu).

Năm 2020, chỉ tiêu tuyển sinh là 8.057 chỉ tiêu, số sinh viên nhập học là 8.458 (đạt 100.49% so với chỉ tiêu).

"Như vậy, năm 2022 nhà trường tuyển không đạt chỉ tiêu, năm 2020 và 2021 có tuyển vượt nhưng nằm trong giới hạn cho phép (Nghị định 138/NĐ-CP/2013 và Nghị định 04/NĐ-CP/2021 của Chính phủ).

Các năm 2021, 2022, nhà trường đón đoàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến kiểm tra công tác đào tạo, tuyển sinh và có kết luận là trường đã thực hiện tốt và đúng quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh", thầy Nhân cho biết.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường tương đối cao

Theo báo cáo ba công khai của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường thấp nhất là 66%, cao nhất là 100% (theo khối ngành).

Biểu đồ thể hiện tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường qua các năm gần nhất của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. (Biểu đồ: Sao Mai).
Biểu đồ thể hiện tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường qua các năm gần nhất của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. (Biểu đồ: Sao Mai).

Dựa vào biểu đồ trên, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường biến động qua các năm. Tuy nhiên, nhìn chung tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tương đối cao. Chỉ có khối ngành IV tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm sau 1 năm khoảng trên 60%.

Cụ thể, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường cao nhất là năm học 2018-2019 (các khối ngành đều từ 88% trở lên); và khối ngành VI (năm học 2021-2022 tổng 5 sinh viên tốt nghiệp, 100% các em có việc làm sau 1 năm ra trường).

Hai năm học 2020-2021 và năm học 2021-2022, khối ngành IV có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường thấp nhất trong tất cả các khối ngành.

Năm học 2020-2021, không khối ngành nào có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường trên 90%.

Về công khai thông tin đào tạo theo đơn đặt hàng của nhà nước, báo cáo ba công khai của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh qua các năm cho thấy trường không đào tạo theo đơn đặt hàng.

Cũng theo báo cáo ba công khai của trường, diện tích đất/sinh viên; diện tích sàn/sinh viên ổn định qua các năm học:

Diện tích đất/sinh viên; diện tích sàn/sinh viên của Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh chụp màn hình).

Diện tích đất/sinh viên; diện tích sàn/sinh viên của Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh chụp màn hình).

Như vậy, dựa vào bảng trên, chiếu theo Dự thảo Thông tư quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, ở Tiêu chí 3.1 quy định: "Diện tích đất trên một sinh viên chính quy, quy chuẩn theo trình độ, lĩnh vực đào tạo và vị trí khuôn viên, không nhỏ hơn 25 mét vuông đối với cơ sở đào tạo và phân hiệu (nếu có)", thì diện tích đất/sinh viên của nhà trường chưa đạt theo quy định Dự thảo thông tư.

Theo quy định phân chia khối ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các khối ngành đào tạo của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh như sau:

Khối ngành II: Thiết kế thời trang.

Khối ngành III: Kế toán, Kiểm toán, Tài chính – Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Maketing, Kinh doanh quốc tế, Thương mại điện tử, Luật kinh tế, Luật quốc tế.

Khối ngành IV: Công nghệ sinh học.

Khối ngành V: Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ chế tạo máy, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông, Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, Công nghệ kỹ thuật điện và điều khiển tự động hóa, Công nghệ kỹ thuật hóa học, Công nghệ kỹ thuật nhiệt, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Công nghệ thực phẩm, Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Công nghệ may, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông

Khối ngành VI: Dinh dưỡng và khoa học thực phẩm, Dược học.

Khối ngành VII: Quản lý tài nguyên và môi trường, Quản lý đất đai, Ngôn ngữ Anh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.

Sao Mai