STEM là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng các kiến thức khoa học công nghệ, kỹ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể.
Đây là phương pháp giáo dục tiên tiến, tạo cơ hội cho học sinh phát huy khả năng sáng tạo, vận dụng kiến thức tổng hợp, tự học, tự nghiên cứu của mình. Đồng thời là cơ sở quan trọng để các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Những năm gần đây, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh chú trọng đưa giáo dục STEM vào các cơ sở giáo dục nhằm trang bị cho học sinh kiến thức đa lĩnh vực, kỹ năng mềm, đáp ứng mục tiêu “học đi đôi với hành”.
Ở cấp trung học, giáo dục STEM đã được các địa phương trong tỉnh thực hiện từ nhiều năm nay, bằng nhiều hình thức như trải nghiệm thực tế hoặc tổ chức các câu lạc bộ, gắn hoạt động STEM vào các cuộc thi.
Đối với giáo dục tiểu học và mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có văn bản hướng dẫn thực hiện từ năm học 2022-2023. Theo đó, một số trường đã bắt đầu đưa bài học STEM vào hoạt động chăm sóc, giáo dục học sinh.
Ngày hội STEM năm học 2022-2023 tại Trường Trung học cơ sở Chu Văn An, thành phố Cẩm Phả (Ảnh: CTV) |
Tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Hạ Long), từ năm học 2020-2021, nhà trường triển khai giáo dục STEM thành công ở nhiều lớp. Học sinh đã đóng góp nhiều sản phẩm đa dạng thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, toán,...
Cô Bùi Thị Lan Phương, Hiệu trưởng Tiểu học Trần Quốc Toản cho biết, với giáo dục STEM, mỗi giờ học, học sinh được đặt trong tình huống thực tế và cần đưa ra phương án giải quyết liên quan đến kiến thức đã được học.
Quá trình đó sẽ giúp các em áp dụng kiến thức toán, kỹ thuật, công nghệ và nghệ thuật vào giải quyết vấn đề thực tiễn một cách sáng tạo. Xây dựng môi trường học tập hứng thú, khơi gợi niềm say mê học tập, mở ra cơ hội khám phá, ứng dụng kiến thức vào cuộc sống, giúp định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Hình thức đưa giáo dục STEM vào trường học cũng rất linh hoạt, phong phú, như câu lạc bộ, hoạt động trải nghiệm thực tế; hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật; dạy các môn học chính khóa theo bài học STEM...
Trong đó, việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm liên quan đến STEM và ứng dụng công nghệ trong dạy và học đã giúp học sinh nhà trường biết vận dụng kiến thức vào thực tế để chế tạo làm các sản phẩm hữu ích.
Còn tại Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (thành phố Cẩm Phả), các chương trình ngoại khóa Ngày hội STEM đã đưa phương pháp giáo dục này tiếp cận gần hơn với học sinh,
Ngày hội STEM hằng năm của nhà trường luôn thu hút đông đảo học sinh tham gia với hàng trăm sản phẩm sáng tạo được thực hiện bởi học sinh. Nổi bật có các sản phẩm như: nhà nổi giúp phòng chống lũ lụt, máy bắn cầu lông, cây sơ đồ tư duy,...
Tạo sân chơi bổ ích cho học sinh toàn tỉnh
Một trong những điểm mạnh của phương pháp giáo dục STEM là giáo dục theo hướng tích hợp liên môn thay cho việc dạy đa môn nhưng rời rạc. Để giải quyết một vấn đề của thực tiễn thì không chỉ cần đến kiến thức của một môn học mà phải tổng hoà, tích hợp kiến thức của nhiều môn học.
Theo đó, bên cạnh việc lồng ghép giáo dục STEM vào các bài học, nhiều trường học ở Quảng Ninh đã tổ chức những câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, cuộc thi sáng tạo cho học sinh, để đánh giá, biểu dương nỗ lực của giáo viên cũng như học sinh trong việc tổ chức dạy và học. Đồng thời lựa chọn các đề tài, dự án nghiên cứu gửi tham gia cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Ninh”.
Học sinh nghiên cứu tài liệu để thực hiện sản phẩm (Ảnh: CTV) |
Cuộc thi này không chỉ thúc đẩy giáo dục STEM trong trường học mà còn góp phần đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với việc giải quyết những vấn đề thực tiễn, phát huy tính tích cực, sáng tạo và tự chủ của học sinh, phù hợp với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tại cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Ninh lần thứ VIII năm 2023”, hầu hết các sản phẩm tham gia cuộc thi đều có sử dụng kiến thức, kỹ năng của phương pháp giáo dục STEM.
Nổi bật trong đó, Trường Trung học cơ sở Mạo Khê I (thị xã Đông Triều) có 2 sản phẩm được đánh giá có chất lượng cao, lọt vào vòng thi cấp tỉnh cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Ninh lần thứ VIII năm 2023.
Trong đó, sản phẩm “Dư địa chí Đông Triều” là một trong những sản phẩm thuộc lĩnh vực mô hình dành cho học tập có tính ứng dụng cao trong thực tế.
Qua khảo sát, nhóm tác giả nhận thấy hiện nay với tốc độ phát triển của Internet, các thiết bị điện tử được sử dụng rộng rãi, học sinh có thể sử dụng thiết bị di động để lên mạng tìm kiếm thông tin.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm mất nhiều thời gian do lượng thông tin không tập trung, nhiều thông tin trùng lặp, khó kiểm soát.
Vì vậy, việc xây dựng một phần mềm có đầy đủ thông tin giúp các bạn học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông có thể dễ dàng tìm hiểu về môn lịch sử địa phương; có những thông tin đúng đắn được xác thực giúp giáo viên và học sinh học tập dễ dàng, chính xác hơn là điều rất cần thiết.
Sản phẩm “Tái chế vì Hạ Long xanh” của Trường Trung học cơ sở Hồng Hải, thành phố Hạ Long (Ảnh: CTV) |
Sản phẩm “Tái chế vì Hạ Long xanh” của Trường Trung học cơ sở Hồng Hải (thành phố Hạ Long) cũng được đánh giá cao.
Học sinh đã sử dụng chai nhựa, ống hút sữa, thìa sữa chua, đồ chơi nhựa, cây nhựa từ lẵng hoa, gỗ, tre, bìa carton, giấy, nắp chai, bìa decan... để làm thành mô hình thuyền du lịch, vừa mang lại giá trị về thẩm mĩ, vừa hỗ trợ được một số hoạt động như học tập, quảng bá du lịch.
Sản phẩm tập trung giới thiệu và quảng bá về các địa điểm nổi tiếng, món ăn, lễ hội và văn hoá ở Hạ Long, Quảng Ninh, phù hợp với các tiết dạy về giáo dục địa phương cho học sinh; dạy STEM kích thích tư duy sáng tạo tìm hiểu và làm sản phẩm tái chế.