Ngày 10/12/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức triển khai tập huấn trực tuyến trên toàn quốc về dạy học tích hợp và hoạt động trải nghiệm. Vì thế, một số lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đã nêu những băn khoăn về việc tổ chức thi học sinh giỏi cuối cấp trung học cơ sở đối với các môn tích hợp.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học đã chia sẻ rằng kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ áp dụng đối với học sinh trung học phổ thông. Các kỳ thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ở cấp học dưới, do các địa phương chủ động theo hướng bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tinh thần chung là sẽ không thi đơn môn vì theo nguyên tắc chương trình học môn gì thì sẽ thi môn đó. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 học môn Khoa học tự nhiên chứ không phải học môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; Lịch sử và Địa lý cũng vậy, do đó các kỳ thi sẽ thi môn tích hợp chứ không thi đơn môn trong môn tích hợp.
Việc học môn gì thi môn đó là đúng nhưng đặt trong bối cảnh ngành giáo dục đang triển khai một số môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở có thể sẽ xảy ra nhiều bất cập khi thực hiện bởi thực tế phần nhiều các trường trung học cơ sở vẫn đang phân công giáo viên phân môn nào dạy phân môn đó chứ chưa có giáo viên tích hợp.
Ảnh minh họa: VTV.vn |
Thi học sinh giỏi cấp trung học học cơ sở chương trình 2006 và 2018 sẽ thay đổi ra sao về số môn thi
Hiện nay, các địa phương vẫn đang duy trì kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp trung học cơ sở (học sinh lớp 9) đối với vòng huyện và vòng tỉnh. Năm nay là năm thi học sinh giỏi cuối cùng của chương trình 2006 gồm có 10 môn thi: Toán; Ngữ văn; Ngoại ngữ; Tin học; Giáo dục công dân; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Lịch sử; Địa lý.
Năm học 2024-2025 tới đây- năm đầu tiên thực hiện chương trình 2018 ở lớp 9. Nếu kỳ thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở vẫn được các địa phương tổ chức sẽ còn lại 7 môn thi, gồm: Toán; Ngữ văn; Ngoại ngữ; Tin học; Giáo dục công dân; Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý.
Trên danh nghĩa số môn thi sẽ giảm nhưng thực tế số lượng giáo viên ôn thi học sinh giỏi ở chương trình 2018 vẫn không khác so với chương trình 2006 vì hiện nay gần hết các trường trung học cơ sở vẫn đang bố trí giáo viên dạy theo phân môn. Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH của Bộ ban hành ngày 10/10 vừa qua cũng cho phép các phân môn dạy song song, kiến thức phân môn nào, giáo viên môn đó dạy, giáo viên đó kiểm tra.
Đối với những môn thi độc lập, riêng lẻ thì việc nhà trường phân công giáo viên nào, giáo viên đó ôn và họ chủ động trong việc ôn thi, trách nhiệm và quyền lợi được thực hiện độc lập, không ràng buộc với nhau. Thế nhưng, 2 môn tích hợp: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý có thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề.
Môn Khoa học tự nhiên sẽ có 3 giáo viên ôn; môn Lịch sử và Địa lý sẽ có 2 giáo viên ôn luyện cho học trò. Việc bố trí thời gian ôn thi tưởng dễ nhưng sẽ phát sinh nhiều chuyện đi kèm. Bởi vì các môn học này cho dù là 2-3 phân môn nhưng nó vẫn chỉ là 1 môn học.
Tất nhiên, nếu nhà trường tính tiết cho giáo viên ôn tập thì cũng chỉ tính 1 môn; nếu học sinh đạt giải học sinh giỏi mà cấp trên có khen thưởng cũng chỉ tính 1 môn. Lúc đó, nhiều chuyện phức tạp sẽ xảy ra. Tiền có thể chia nhau nhưng giấy khen không thể chia nhau. Vậy ai đứng tên để khen thưởng?
Các minh chứng để xét thi đua hiện nay yêu cầu rất cụ thể về các thành tích. Vì thế, nếu nhường nhau thì không sao, nhưng ai cũng muốn đứng tên để khen, cuối năm có thành tích, minh chứng để xét thi đua thì nhà trường giải quyết ra sao cho vừa lòng 2-3 giáo viên đối với các môn tích hợp?
Hơn nữa, việc ôn thi học sinh giỏi có năm đậu, năm rớt và năm nay giáo viên này ôn, sang năm có thể nhà trường phân công giáo viên khác ôn thi. Nên không thể nói năm nay giáo viên này đứng tên nhận giấy khen, năm học sau đến người khác.
Ngược lại, nếu rớt, biết đâu lại có ý kiến tại giáo viên phân môn kia ôn không tốt nên rớt vì điểm phân môn này cao. Những thị phi thì làm sao mà tránh được.
Bản thân người viết bài này đã chứng kiến việc 2 giáo viên ôn thi 1 môn nhưng do giáo viên ôn giai đoạn đầu nhận công tác khác mà nhà trường phải phân công 1 giáo viên tiếp tục ôn thi. Thế nhưng, sau đó có học sinh đạt giải cấp tỉnh. Hai người được nhà trường định hướng là người nhận giấy khen, người nhận tiền.
Tuy nhiên, ai cũng muốn nhận giấy khen chứ không muốn nhận tiền vì số tiền thưởng chỉ mang tính tượng trưng. Sau đó, sự việc này tiếp tục ồn ào dai dẳng mãi và họ mất đoàn kết mấy năm trời chỉ vì cái giấy khen cấp tỉnh khen tặng thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi.
Học sinh ôn thi học sinh giỏi có quyền lợi gì?
Thực tế, việc học sinh ôn thi học sinh giỏi rất áp lực và vất vả vì số buổi ôn tập nhiều, bài tập, đề thi mà giáo viên giao cho bao giờ cũng rất nhiều. Vì thế, những em ôn thi học sinh giỏi dù môn mình ôn thi có thêm kiến thức, có ưu thế khi thi vào trường trung học phổ thông chuyên nhưng các môn học khác sẽ bị chểnh mảng.
Nếu duy trì được học lực giỏi đối với tất cả các môn học thì các em phải nỗ lực vượt bậc và rất vất vả trong quá trình học tập.
Tuy nhiên, điều thiệt thòi nhất của những em tham gia ôn thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở đạt giải cấp tỉnh từ giải Ba trở lên không được cộng điểm ưu tiên trong kỳ thi tuyển sinh 10 như trước đây nữa.
Trước đây, thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì có chế độ cộng điểm khuyến khích cho học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh.
Việc cộng điểm khuyến khích đối với học sinh giỏi cấp tỉnh được thực hiện từ năm 2014 đến năm 2019- khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ra văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT. Tại văn bản này, chế độ cộng điểm khuyến khích của các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương trong kỳ thi vào lớp 10 đã được hủy bỏ.
Vì thế, kể từ năm 2019 đến nay, học sinh cấp trung học cơ sở khi tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh đạt giải Nhất, Nhì, Ba đã không còn được cộng điểm khuyến khích như trước đây.
Tuy nhiên, các địa phương vẫn tổ chức kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh đối với học sinh lớp 9. Một số địa phương còn tổ chức cả lớp 6, lớp 7 và lớp 8 với tinh thần “giao lưu”.
Việc bỏ cộng điểm khuyến khích đối với những học sinh đạt giải cấp tỉnh là một thiệt thòi cho học sinh vì các em phải ôn luyện gần cả 1 năm học lớp 9, thậm chí còn sớm hơn. Nhưng, trước đây tất cả các môn thi đều là môn thi độc lập dù sao mọi thứ vẫn còn đơn giản hơn.
Khi thực hiện chương trình 2018, Khoa học tự nhiên sẽ có 3 phân môn, tương đương với 3 môn học của chương trình 2006; môn Lịch sử và Địa lý cũng tương đương với 2 môn học của chương trình 2006.
Trong khi, theo chia sẻ của Vụ Giáo dục Trung học trong tập huấn trực tuyến ngày 10/12 vừa qua thì học sinh sẽ thi cả môn thi tích hợp. Điều này cũng đồng những em thi học sinh giỏi các môn tích hợp phải học nhiều hơn gấp 2-3 lần so với chương trình hiện hành. Điều này, sẽ gây quá tải cho học sinh.
Thiết nghĩ, từ nay cho đến năm học 2024-2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần định hướng và có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với các môn thi tích hợp. Bên cạnh đó, các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cần thực hiện tốt công tác tham mưu để giáo viên và học sinh có thể ôn luyện, học tập bớt áp lực.
Suy cho cùng, kỳ thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở tổ chức cũng tốt mà không tổ chức càng tốt hơn vì quanh đi, quẩn lại cũng chỉ có vài trường có nhiều giải. Bởi không phải địa phương nào cũng tách bạch khâu ôn tập, ra đề, chấm thi riêng biệt mà có những nơi, có những giáo viên kiêm một lúc 2-3 “vai” khác nhau trong kỳ thi này nên tính công tâm, khách quan của kỳ cũng mai một ít nhiều.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.