Trường chuyên tuyển sinh như thế nào đối với các môn tích hợp kể từ năm 2025?

03/09/2023 06:41
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Môn Khoa học tự nhiên được tách ra thành 3 môn: Vật lí; Hóa học; Sinh học. Môn Lịch sử và Địa lý được tách thành 2 môn: Lịch sử; Địa lí ở cấp Trung học phổ thông.

Chỉ còn đúng 1 năm học nữa là các trường học thực hiện cuốn chiếu xong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chính vì thế, ngày 17/3/2023 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Phương án tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 để lấy ý kiến xã hội.

Việc thực hiện chương trình mới theo hình thức cuốn chiếu sẽ kết thúc vào năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Bộ đã công bố dự thảo Phương án tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 nhưng đối với kỳ thi tuyển sinh 10 vẫn chưa có chỉ đạo hay dự thảo hướng dẫn nào của Bộ.

Đối với những học sinh lớp 9 thi vào các trường Trung học phổ thông không chuyên thì đơn giản nhưng những học sinh có dự kiến sẽ thi vào các trường Trung học phổ thông chuyên thì các em cũng cần biết hình thức thi tuyển vào lớp 10 chuyên như thế nào, nhất là các môn chuyên có liên quan đến các môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở.

Các môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở sẽ tách thành các môn độc lập ở cấp Trung học phổ thông (Ảnh minh họa: Nguyên Khang)

Các môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở sẽ tách thành các môn độc lập

ở cấp Trung học phổ thông (Ảnh minh họa: Nguyên Khang)

Cấp Trung học cơ sở 2 môn nhưng lên cấp Trung học phổ thông sẽ chia thành 5 môn

Hiện nay, những lớp đang dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp Trung học cơ sở có 2 môn học tích hợp, đó là: môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lí. Nhưng, đến khi lên cấp Trung học phổ thông, 2 môn học này được tách ra thành 5 môn học độc lập.

Môn Khoa học tự nhiên được tách ra thành 3 môn: Vật lí; Hóa học; Sinh học. Môn Lịch sử và Địa lý được tách thành 2 môn: Lịch sử; Địa lí. Điều đặc biệt là trong 5 môn học này có tới 4 môn thành môn học lựa chọn cho các tổ hợp. Riêng môn Lịch sử vừa là môn học bắt buộc, vừa là môn học lựa chọn.

Việc 2 môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở là những môn học bắt buộc nhưng lên cấp Trung học phổ thông được tách thành các môn học độc lập và phần lớn các môn học này trở thành môn học lựa chọn là một chủ trương phù hợp vì đây là thời điểm học sinh bước vào giai đoạn định hướng “giáo dục nghề nghiệp”.

Tuy nhiên, theo mô hình trường phổ thông hiện nay thì các tỉnh (thành) trên cả nước đều có ít nhất 1-2 trường Trung học phổ thông chuyên. Một số thành phố lớn còn có trường Trung học phổ thông chuyên trực thuộc trường đại học.

Vì thế, đối với các trường trung học phổ thông chuyên hiện nay sẽ có các lớp chuyên: Toán; Ngữ văn; Ngoại ngữ; Tin học; Lịch sử; Địa lí; Hóa học; Sinh học; Vật lí.

Cũng như các lớp chuyên khác, những lớp chuyên Lịch sử; Địa lí; Hóa học; Sinh học; Vật lí lâu nay vẫn thi các môn cơ sở là Toán; Ngữ văn; Ngoại ngữ (điểm hệ số 1) và môn chuyên (tính điểm hệ số 2) với thời gian làm bài 150 phút. Điều này có nghĩa là các lớp chuyên tuyển đầu vào rất chú trọng môn chuyên để đào tạo chuyên sâu ở cấp Trung học phổ thông.

Thế nhưng, sau khi kết thúc lớp 9 của chương trình 2018, học sinh sẽ thi đầu vào sẽ thực hiện ra sao khi có tới 5 môn chuyên ở cấp Trung học phổ thông chỉ là các phân môn trong 2 môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở? Vì thế, việc thi tuyển đầu vào cho các lớp chuyên sẽ thi môn tích hợp hay thi phân môn theo lớp chuyên?

Nếu thi môn chuyên ở cấp Trung học phổ thông bằng cả môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở thì không thực sự cần thiết vì môn tích hợp có từ 2-3 phân môn nhưng thi phân môn thì nên gọi môn thi đó là gì? Chẳng lẽ học sinh suốt 4 năm trời học môn tích hợp nhưng đến khi thi vào lớp 10 lại được tách nhỏ ra từng phân môn thì sẽ không phù hợp với mục tiêu của chương trình 2018.

Mong Bộ có hướng dẫn sớm về 2 môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở và phương án thi tuyển sinh 10 từ năm 2025

Cùng với việc ban hành dự thảo Phương án tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025, có lẽ Bộ cũng nên có một chỉ đạo hoặc phác thảo sơ lược và định hướng thi tuyển sinh 10 từ năm 2025 đối với các trường Trung học phổ thông chuyên cũng là việc làm cần thiết.

Nếu có phương án, hoặc văn bản chỉ đạo thì giáo viên, học sinh cấp Trung học cơ sở sẽ biết cách dạy và học, cũng như việc định hướng cho học trò. Năm học 2023-2024 này, chương trình 2018 đã triển khai giảng dạy đến lớp 8 nên học sinh cũng cần biết phương án thi tuyển sinh 10 như thế nào để các em chuẩn bị một cách tốt nhất cho tương lai.

Tại chương trình “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục” ngày 15/8 vừa qua, nhiều giáo viên cũng đã có nhiều chia sẻ, tâm tư với Bộ trưởng về các môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở.

Trao đổi vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Trong thời gian tới, Bộ sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp trung học cơ sở. Song, điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc. Điều chỉnh để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục”.

Những thông tin từ Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn vẫn đang được giáo viên cấp Trung học cơ sở trông chờ xem Bộ “có thể điều chỉnh” hay không và điều chỉnh thì sẽ thực hiện như thế nào?

Nếu tách 2 môn tích hợp thành 5 môn học độc lập như trước đây thì việc thi vào lớp 10 chuyên đơn giản. Nhưng, nếu vẫn duy trì 2 môn: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí như hiện nay thì phương án thi tuyển sinh 10 của các trường Trung học phổ thông chuyên sẽ thi môn chuyên bằng môn học hay phân môn?

Thiết nghĩ, nếu Bộ “có thể điều chỉnh” các môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở thì nên có phương án điều chỉnh càng sớm, càng tốt để giáo viên ổn định công việc giảng dạy của mình.

Đặc biệt, giáo viên các môn học tích hợp, học sinh cấp Trung học cơ sở có những định hướng cần thiết cho việc tuyển sinh 10 từ năm 2025. Bởi lẽ, với cách thiết kế các mạch kiến thức, các chủ đề của môn Khoa học tự nhiên và cách bố trí giảng dạy hiện nay ở các nhà trường mà không có những chỉ đạo sớm của Bộ thì rất khó cho học sinh khi các em sẽ thi vào các lớp chuyên Hóa học; Sinh học; Vật lí.

Chẳng hạn như môn Khoa học tự nhiên hiện nay không được bố trí học liền mạch theo phân môn mà vài tuần học phân môn này xong rồi đến các phân môn còn lại nên học sinh khó khăn trong việc hệ thống kiến thức của từng phân môn. Tất nhiên, sẽ khó khăn hơn đối với các em thi vào lớp chuyên ở cấp Trung học phổ thông.

Vì thế, Bộ cần sớm có chỉ đạo đối với các môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở và có thể định hướng về phương án thi tuyển sinh 10 vào trường Trung học phổ thông chuyên đối với các môn học tích hợp sớm nhất có thể là điều cần thiết.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN CAO