Trong bối cảnh Ngân sách Nhà nước còn eo hẹp, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Public private partnership - gọi tắt là PPP) trong lĩnh vực giáo dục được coi là một xu thế tất yếu.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, việc huy động nguồn lực xã hội thông qua các dự án PPP đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực nhằm giảm thiểu áp lực cho Chính phủ, đồng thời là “đòn bẩy” để nâng cao chất lượng giáo dục của đất nước.
Ở Việt Nam, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2025 đã nêu rõ: “Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo”.
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/1/2021 được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội nhằm thu hút hiệu quả đầu tư từ phía khu vực tư nhân vào lĩnh vực giáo dục.
Ngày 29/03/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Thế nhưng từ đó đến nay, các dự án PPP trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam vẫn rất hạn chế, còn tồn tại nhiều vướng mắc và chưa đạt được hiệu quả. Thậm chí, đối với nhiều cơ sở giáo dục đại học, đây vẫn là vấn đề vô cùng mới mẻ và khó thực hiện.
Để có được bức tranh tổng thể về phương thức đầu tư theo đối tác công tư (phương thức PPP) trong lĩnh vực giáo dục đại học ở nước ta, phóng viên của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kiên – Giảng viên Trường Đại học Luật, Phó Giám đốc Quỹ Phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội. Được biết, ông Trần Kiên cũng là chuyên gia trực tiếp thực hiện các dự án PPP của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kiên chuyên gia trực tiếp thực hiện các dự án PPP của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC |
Phóng viên:Thưa Phó Giáo sư Trần Kiên, ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học ở nước ta hiện ở mức rất thấp, số liệu của Bộ Tài chính năm 2020 cho thấy, ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học chỉ chiếm 0, 27% GDP. Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn eo hẹp, cần có nhiều hơn cơ chế mở để thu hút nguồn đầu tư của tư nhân cho giáo dục đại học, đặc biệt là ưu đãi về thuế, tài chính. Quan điểm của thầy về vấn đề này như thế nào?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kiên: Tôi nghĩ nhận định trên có phản ánh đúng một phần của thực tế.
Hiện nay, việc hợp tác giữa các trường đại học với các đối tác tư nhân được triển khai vô cùng phong phú, đa dạng, thực hiện dưới nhiều hình thức, trong nhiều hoạt động khác nhau như giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, hợp tác về mặt thương mại – dịch vụ, tư vấn, chuyển giao công nghệ…như xã hội hoá giáo dục, hợp đồng hợp tác, liên danh, liên kết…
Tuy nhiên, các cách thức hợp tác này cũng gặp phải một số rào cản nhất định ảnh hưởng đến hiệu quả hợp tác. Những rào cản này đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến như:
Thứ nhất, hiện nay, Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng hay các đơn vị giáo dục công lập nói chung của Việt Nam thường phải chịu sự chi phối, điều chỉnh của rất nhiều nguyên tắc liên quan đến luật công, ngoài Luật Giáo dục nói chung, còn có Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước,… Nên khi các đơn vị sự nghiệp công lập muốn sử dụng nguồn lực công của mình để hợp tác sẽ gặp khá nhiều khó khăn, phải trải qua một quy trình chặt chẽ, với mức thời gian và quy định cứng. Điều đó khiến các doanh nghiệp cá nhân tư nhân tuy có rất nhiều ý tưởng và mong muốn đầu tư nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện được.
Lấy ví dụ như ở Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay, có nhiều sản phẩm, đối tượng quyền sở hữu trí tuệ cực kỳ giá trị thuộc quyền sở hữu của trường, do chính các nhà nghiên cứu/ giảng viên của trường nghĩ ra và được các cá nhân/ doanh nghiệp tư nhân đặt vấn đề khai thác sản phẩm. Nhưng những rào cản về Luật Khoa học và công nghệ, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Sở hữu trí tuệ hay quy định trong Luật Doanh nghiệp không cho cán bộ, công chức, viên chức có quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp (Điểm b, Khoản 2, Điều 17, Luật Doanh nghiệp 2020),… khiến cho những sản phẩm ấy khó đưa vào khai thác trong thực tế được.
Thứ hai, là rào cản về cách thức tiếp cận. Đây là một điều dễ hiểu vì đối với các trường đại học công lập nói chung, giảng viên, nghiên cứu viên thường có suy nghĩ và tiếp cận về nghiên cứu, giảng dạy, chuyển giao công nghệ từ góc nhìn sứ mệnh mang tính chất phụng sự xã hội mà không đặt nặng vấn đề về lợi nhuận, kinh doanh, thương mại,… Trong khi các doanh nghiệp tư nhân thì lại hướng đến vấn đề này. Họ cần phải có sự rành mạch, chi tiết về vấn đề tiền nong, phân chia lợi nhuận… Từ đó dẫn đến sự khác biệt về mặt nhận thức giữa các bên.
Thứ ba, rào cản về mặt nguồn lực, bao gồm cả yếu tố nhân lực và vật lực.
Về mặt nhân lực, để tiến hành các hoạt động hợp tác đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng, bỏ nhiều công sức, tâm huyết tham gia. Tuy nhiên, ở các trường đại học, nguồn nhân lực này thường là những giảng viên, nghiên cứu viên, họ còn tham gia công tác nghiên cứu, giảng dạy, nên việc phải tham gia thêm các hoạt động thương mại hoá sản phẩm rất khó.
Về mặt tài chính, muốn hợp tác được trước hết chúng ta cần phải đặt ra câu hỏi “Các trường lấy đâu ra nguồn lực tài chính để thúc đẩy những hoạt động hợp tác ban đầu?”. Đây là vấn đề mà không phải trường đại học nào cũng có câu trả lời.
Những lý do trên đã trở thành rào cản rất lớn đối với việc các doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư vào môi trường giáo dục. Vì vậy, cần có các cơ chế để tháo gỡ những khó khăn đó.
Còn khi nhắc đến những ưu đãi về thuế, tài chính, tôi sẽ nhìn nhận ở góc độ của nhà đầu tư tư nhân nhiều hơn. Bởi trên thực tế, những đơn vị sự nghiệp công lập đều rất thuận lợi trong các vấn đề này. Họ là các pháp nhân phi thương mại cung ứng dịch vụ công, do đó, thường thì họ sẽ không phải chịu thuế trừ trường hợp có lợi nhuận, hay được giao đất, cho thuê đất mà không phải trả tiền sử dụng đất.... Vấn đề đặt ra ở đây là chưa chắc nhà đầu tư tư nhân đã được hưởng những ưu đãi như các đơn vị sự nghiệp công lập khi hợp tác với các đơn vị sự nghiệp công lập để đầu tư vào giáo dục.
Từ đó, đòi hỏi doanh nghiệp tư nhân phải tính toán, lựa chọn lĩnh vực và phương pháp đầu tư sao cho phù hợp để được hưởng những ưu đãi tốt nhất. Cá nhân tôi nhận thấy, nếu nhà đầu tư đi theo hình thức liên doanh liên kết sẽ rất khó để được hưởng những ưu đãi về thuế, tài chính, bởi hiện nay quy định về hình thức này còn chưa rõ ràng. Nhưng nếu đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), sẽ giúp nhà đầu tư được hưởng ưu đãi nhiều hơn.
Phóng viên: Chúng ta đã có Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), nhưng việc hiện triển khai Luật này trong giáo dục còn nhiều vướng mắc, chưa đạt được hiệu quả. Trong khi đó, ở lĩnh vực giao thông vận tải, các dự án PPP đã thực hiện tương đối nhiều. Theo thầy, đâu là nút thắt trong việc thực hiện các dự án PPP giáo dục?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kiên: Dưới góc độ của nhà đầu tư tư nhân, PPP vẫn là một hình thức đầu tư nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Nhưng ở Việt Nam, để nhìn thấy lợi nhuận từ việc đầu tư PPP trong giáo dục quả thực là không dễ dàng. Nhiều khi, nó không thể đong đếm cụ thể như trong lĩnh vực giao thông vận tải hay một số lĩnh vực khác.
Khi đầu tư PPP trong lĩnh vực giáo dục, câu hỏi quan trọng nhất mà các nhà đầu tư sẽ đặt ra là dòng tiền và nguồn thu đến từ đâu? Đặc biệt, khi hợp tác với các đơn vị sự nghiệp công lập, nhà đầu tư sẽ phải chịu nhiều sự ràng buộc hơn bởi những quy định của pháp luật công. Tất cả đều được coi là rào cản lớn cho các nhà đầu tư.
Trên thực tế, vẫn có các dự án PPP được triển khai ở lĩnh vực giáo dục. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong hơn 20 năm triển khai các quy định về PPP (từ năm 1997 – 2019), có 6 dự án PPP trong giáo dục. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là các dự án này đều thực hiện dưới hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng), vì thế không liên quan đến phần vận hành, hay dòng tiền của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, đầu tư PPP trong giáo dục là tương đối mới mẻ, các quy định về PPP trong lĩnh vực này hiện còn thiếu vắng. Nếu như trong lĩnh vực giao thông, sau khi có Luật, Nghị định về PPP, Bộ Giao thông vận tải đã rất tích cực ban hành các quy định có liên quan, chi tiết đến từng vấn đề như lợi nhuận định mức, thời hạn thu hồi, thay đổi…
Trong khi đó, lĩnh vực giáo dục lại không tìm thấy quy định tương tự nào của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu sớm có các quy định liên quan thì nhà đầu tư sẽ tự tin hơn khi đầu tư PPP vào giáo dục.
Ngoài ra, việc xác định rõ cơ quan có thẩm quyền và các vấn đề có liên quan để giải quyết vướng mắc cũng là một rào cản lớn hiện nay.
Ví dụ, theo Luật PPP, Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các dự án, đồng thời có thể giao kết hoặc ủy quyền giao kết hợp đồng PPP. Nhưng cũng có nhiều vấn đề quan trọng nằm ngoài thẩm quyền của Đại học Quốc gia Hà Nội như đất đai thuộc thẩm quyền của huyện hoặc của tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương; hay vấn đề ưu đãi đầu tư sẽ phải thông qua quy định của Bộ Giao thông vận tải hoặc của Ủy ban nhân dân tỉnh/ thành phố;… Điều đó ảnh hưởng đến sự tiếp cận của các nhà đầu tư đối với dự án.
Phóng viên: Thầy đã chia sẻ về những khó khăn của các nhà đầu tư khi thực hiện dự án PPP trong lĩnh vực giáo dục. Vậy với kinh nghiệm của một người trực tiếp nghiên cứu, tiến hành các dự án PPP của Đại học Quốc gia Hà Nội trong giai đoạn hiện nay, thầy nhận thấy, về phía các cơ sở giáo dục đại học sẽ có khó khăn gì khi thực hiện hợp tác công tư?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kiên: Phải nói một điều rằng, cơ sở giáo dục đại học phải rất dũng cảm mới dám làm dự án PPP trong bối cảnh hiện nay, điều này xuất phát từ nhiều lý do:
Thứ nhất, do các quy định về PPP trong giáo dục còn mới mẻ và chưa đầy đủ. Do đó phải vừa làm vừa học hỏi do chưa có cái nhìn toàn diện, cụ thể về vấn đề này.
Thứ hai, đặt trong bối cảnh vừa qua có rất nhiều dự án sai phạm, dẫn đến một số cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật. Vì thế mà tâm lý các trường cũng còn nhiều e ngại dù rất muốn triển khai các dự án PPP.
Thứ ba, bản thân các trường đại học hoặc các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay không có kinh nghiệm trong vấn đề hợp tác công tư này. Mà đây lại là lĩnh vực cực kỳ phức tạp, là tổng hợp của nhiều yếu tố như đất đai, tài sản, hợp đồng, thiết kế, quy hoạch, bảo vệ môi trường, tài chính, đầu tư,… và vận hành theo những quy tắc của cả luật tư lẫn luật công. Trong khi đó, từ trước đến nay các đơn vị này không vận hành theo những quy tắc đó, phần lớn là chịu sự điều chỉnh của luật công. Điều này khiến cho việc đàm phán, đánh giá, phê duyệt các đề xuất dự án trở thành rào cản lớn với các cơ sở giáo dục công.
Thứ tư, chính vì những dự án PPP trong giáo dục còn nhiều mới mẻ, nên đa số các trường đại học chưa chuẩn cả về hệ thống và kỹ năng. Bởi, PPP là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố vô cùng phức tạp, muốn làm được những dự án này phải thiết lập được một quy trình chặt chẽ từ khâu đào tạo cán bộ, xây dựng thể chế, chủ động làm việc với nhiều bộ ban ngành, các nhà đầu tư để tháo gỡ vướng mắc…
Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay được coi là đơn vị tiên phong thực hiện các dự án PPP trong lĩnh vực giáo dục. Ảnh minh họa: VNU |
Ở Việt Nam hiện nay, ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội thì chưa có một đơn vị sự nghiệp công lập nào làm PPP trong giáo dục cả, vì họ chưa đủ nguồn lực, kinh nghiệm để làm việc này. Phần lớn những nơi dám làm đều là các Ủy ban nhân dân tỉnh đứng ra, vì họ có kinh nghiệm chuyên môn và nguồn nhân lực hơn.
Kể cả như Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay được coi là đơn vị tiên phong thực hiện các dự án PPP trong lĩnh vực giáo dục cũng vẫn phải vừa làm, vừa học. Được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Đại học Quốc gia Hà Nội đã mạnh dạn tiên phong triển khai và nhận được sự quan tâm đề xuất của các nhà đầu tư trong việc chuẩn bị các dự án PPP.
Phóng viên:Theo quan điểm của thầy, việc thực hiện PPP có giúp thu hẹp khoảng cách trong cơ hội học tập và bất bình đẳng xã hội hay không?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kiên: Tôi ủng hộ quan điểm thực hiện PPP giáo dục giúp thu hẹp khoảng cách trong cơ hội học tập và bất bình đẳng xã hội.
Bởi khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu tiếp cận đối với giáo dục đào tạo và nghiên cứu ngày càng nhiều. Nhưng trên thực tế, nhà nước chỉ có thể đáp ứng nhu cầu này một phần dù có cố gắng mấy đi chăng nữa. Nếu chỉ đợi Ngân sách nhà nước đáp ứng thì không biết bao giờ mới đủ để giúp nền giáo dục phát triển, đặc biệt theo hướng hiện đại, chất lượng cao như mong muốn. Do đó, phần còn lại sẽ phải đến từ những nguồn lực khác như nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài…
Bản thân PPP cũng chỉ là một kênh nguồn lực để mở rộng, thúc đẩy sự cung ứng dịch vụ về giáo dục, khoa học công nghệ tốt hơn cho xã hội. Với sự tham gia của các dự án PPP, chúng ta có thể tạo thêm cơ sở vật chất, các hình thức dịch vụ giáo dục mới,… thì rõ ràng đó là cơ hội giúp nhiều người trong xã hội được hưởng lợi hơn.
Tất nhiên, cũng sẽ có những ý kiến trái chiều. Nhưng chúng ta cần phải thẳng thắn với nhau, việc bất bình đẳng giáo dục là chuyện có thật và nó xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác như việc bất bình đẳng trong thu nhập, gia đình, xã hội...
Chức năng của Nhà nước trong trường hợp này là đảm bảo cho mọi công dân có quyền tiếp cận và hưởng các những dịch vụ giáo dục cơ bản với chất lượng đảm bảo cho người dân. So với thế giới, điều này đang được Nhà nước ta thực hiện khá tốt. Đặc biệt, Việt Nam chúng ta đã nỗ lực để tạo điều kiện cho người dân có cơ hội được tiếp cận với giáo dục đại học một cách đại trà – là một nỗ lực rất đáng kể.
Tuy nhiên, với các nhu cầu được tiếp cận với dịch vụ giáo dục chất lượng cao, quốc tế, hiện đại thì nhà nước chưa thể đảm bảo được ngay trong điều kiện nguồn lực công hiện hành. Do đó, hợp tác công tư sẽ bổ sung nguồn lực, giúp các cơ sở giáo dục công lập có thể mở rộng phạm vi cung ứng dịch vụ tới nhiều người hơn, với chất lượng cao hơn.
Và trong bối cảnh hiện nay, PPP hoàn toàn thực hiện đúng vai trò của mình, giúp thu hẹp khoảng cách trong cơ hội học tập và công bằng xã hội.
Phóng viên: Từ bức tranh tổng thể của các dự án PPP trong lĩnh vực giáo dục hiện nay ở Việt Nam, thầy có đề xuất giải pháp gì để ngành giáo dục có thể đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là tăng cường triển khai mối quan hệ đối tác công tư PPP đạt hiệu quả hơn không?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kiên: Khi khảo sát, thống kê chuyên sâu về các dự án PPP, tôi thấy số lượng thực tế của các dự án PPP trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam hiện nay cũng là khá nhiều, có thể khoảng 20 – 30 dự án PPP liên quan đến lĩnh vực giáo dục (bao gồm cả những dự án đã triển khai thành công và không thành công).
Thống kê được con số này là bởi có những dự án PPP mang bản chất của lĩnh vực giáo dục nhưng lại do cơ quan có thẩm quyền khác phê duyệt (mà không phải trường đại học hay Bộ Giáo dục và Đào tạo). Vấn đề này có thể do việc thống kê chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác, dẫn đến việc nhận diện chưa hoàn chỉnh về các dự án hợp tác công tư trong giáo dục.
Ví dụ như các dự án PPP cho các trường đại học ở địa phương, điển hình là Dự án Xây dựng ký túc xá Trường Đại học Y - Dược Hải Phòng được xếp vào lĩnh vực y tế. Nhưng về bản chất, dự án này thuộc lĩnh vực giáo dục.
Về mặt kinh tế, qua kinh nghiệm của giáo dục tư nhân cho thấy đầu tư vào giáo dục được coi là lĩnh vực tiềm năng, tạo lợi nhuận tốt. Số lượng 20 - 30 dự án trên cũng cho thấy, việc thực hiện PPP trong giáo dục cũng tương đối rộng mở. Vì thế, vấn đề đặt ra lúc này là làm sao để có thể vừa cân bằng được khoản lợi nhuận mong muốn của nhà đầu tư, vừa giữ vững được ý nghĩa của dịch vụ công.
Nói về việc làm sao để ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học có thể đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp nói chung và tăng cường hiệu quả hợp tác công tư nói riêng, theo tôi, chúng ta nên đặt mình vào vị trí của nhà đầu tư, lắng nghe xem họ cần gì để hỗ trợ cho đúng hướng.
Vì vậy, tôi mong muốn khi xây dựng các chính sách, quy định pháp luật liên quan đến đầu tư của doanh nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tiếp cận theo hướng đẩy mạnh tư duy đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy nhà đầu tư tư nhân trong phạm vi có thể. Bản thân công việc đầu tư đã khó, nếu chịu nhiều sự kiểm soát, hạn chế của tư duy quản lý sẽ khiến các nhà đầu tư e ngại, ít muốn đầu tư hơn.
Bên cạnh đó, tôi mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nhanh chóng triển khai các quy định hướng dẫn có liên quan, hoặc tham mưu cho Chính phủ làm cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định có liên quan về mở rộng phạm vi của PPP trong lĩnh vực giáo dục.
Bởi hiện nay, khái niệm PPP trong giáo dục có rất nhiều vấn đề, những quy định về lĩnh vực trong PPP giáo dục rất hẹp. Ví dụ như dự án của Đại học Quốc gia Hà Nội trên Hòa Lạc là dự án tổng thể PPP giáo dục, nhưng nếu trong dự án chúng tôi xây thêm cả sân vận động, hay khách sạn,… thì liệu có được quy định thuộc lĩnh vực giáo dục hay không?...
Để nhanh chóng hoàn thiện các quy định về PPP trong giáo dục, tôi kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên học tập các Thông tư của Bộ Giao thông vận tải về PPP. Theo tôi biết, hiện nay rất nhiều nhà đầu tư đang chờ, chỉ đợi quy định cụ thể hơn của pháp luật là sẵn sàng đầu tư. Trong khi đó, quy định của Bộ Giao thông vận tải về hợp tác công tư hiện làm tương đối kỹ, mình chỉ cần điều chỉnh lại và ban hành sẽ nhanh chóng hơn, giúp nhà đầu tư sớm có cơ sở để xây dựng hồ sơ đề xuất của họ.
Thông tư này phải rõ ràng, quy định cụ thể về lợi nhuận định mức và những chi phí được tính dành cho dự án PPP giáo dục, quy hoạch, thiết kế, hợp đồng mẫu,…
Quy định phải rõ ràng, cụ thể thì việc triển khai thực hiện mới thuận lợi hơn.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kiên!