Thủ tướng nêu giải pháp tăng cường hợp tác công - tư trong y tế, giáo dục

05/11/2022 18:07
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Thủ tướng, Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến xây dựng giá trị thương hiệu ở cả khu vực công và tư, tăng cường hợp tác công - tư, nhất là lĩnh vực y tế, GD.

Chiều ngày 5/11, sau phần kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 - Thanh tra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Sửa đổi quy định còn bất cập trong điều hành giá và nguồn cung xăng dầu

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các đại biểu Quốc hội đã có nhiều đánh giá sâu sắc, trí tuệ, trách nhiệm. Hầu hết ý kiến thống nhất nội dung các báo cáo của Chính phủ, đánh giá cao những kết quả đạt được trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự đồng hành giám sát của Quốc hội, sự nỗ lực của Chính phủ cùng sự đồng lòng chung sức của các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, toàn thể nhân dân, tình hình kinh tế xã hội 10 tháng qua tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, thu ngân sách nhà nước tăng 16,2 % so với cùng kỳ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 14,1%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, thời gian tới Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục lãnh đạo chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, khắc phục tồn tại yếu kém, thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm đạt được những chỉ tiêu đã đề ra.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp chiều ngày 5/11. Ảnh: quochoi.vn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp chiều ngày 5/11. Ảnh: quochoi.vn.

Về công tác chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần tuyệt đối không lơ là, nhưng cũng không hoang mang dao động, cần bình tĩnh, linh hoạt, nâng cao năng lực dự báo, kiên định mục tiêu đã đặt ra, đặt lợi ích của nhân dân lên trên cùng, củng cố niềm tin của nhân dân, góp phần phục hồi, phát triển bền vững.

Về thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, thời gian qua Chính phủ từng bước chỉ đạo nâng cao khung khổ pháp lý về thị trường chứng khoán. Thủ tướng Chính phủ cho biết, đến nay thị trường vốn đã phát triển đầy đủ với quy mô tăng mạnh.

Tuy nhiên có hiện tượng tăng trưởng nóng, nhiều rủi ro. Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi các quy định pháp luật liên quan, thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả để đảm bảo thị trường lành mạnh, bền vững.

Thời gian tới, Chính phủ đề nghị Quốc hội sửa đổi pháp luật về chứng khoán, tài chính, rà soát chấn chỉnh nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, góp phần phát triển bất động sản, nhà ở cho đối tượng yếu thế với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.

Về điều hành giá và nguồn cung xăng dầu, Chính phủ đã có điều chỉnh kịp thời, chủ động chỉ đạo sản xuất hai nhà máy lọc dầu trong nước, đảm bảo nhu cầu của người dân. Thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường phòng chống buôn lậu, điều hành giá xăng dầu linh hoạt, nâng tổng mức dự trữ quốc gia, sửa đổi các quy định còn bất cập.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn.

Về giải ngân đầu tư công, Thủ tướng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện đồng bộ giải pháp để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, tình hình giải ngân vẫn chưa đạt yêu cầu, số vốn chưa giải ngân còn khá lớn. Việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% còn rất chậm.

Những hạn chế này xuất phát từ công tác lập kế hoạch vốn, chuẩn bị đầu tư ở một số cơ quan chưa sát với thực tế, quy trình thủ tục mất thời gian, sự phối hợp giữa các cơ quan còn chưa chặt chẽ, người đứng đầu e ngại trách nhiệm. Chính phủ đang khắc phục những hạn chế, kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan trong công tác này.

Về tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, bên cạnh nguyên nhân khách quan, còn có tâm lý sợ trách nhiệm, quy định pháp luật còn vướng mắc. Để sớm khắc phục tình trạng này, các bộ, ngành địa phương cần nghiên cứu kỹ càng, rà soát tổng thể, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật bất cập, đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của người đứng đầu, đẩy mạnh kiểm tra giám sát, đảm bảo công tác đấu thầu minh bạch, khách quan.

Về tăng năng suất lao động, Thủ tướng cho rằng đây là chính sách quan trọng, được đặc biệt quan tâm. Tốc độ tăng năng suất của nước ta chưa đủ nhanh để bắt kịp thế giới, do chất lượng nhân lực hạn chế, trình độ kỹ thuật lạc hậu… Thủ tướng cho rằng cần có cơ chế chính sách phù hợp để đào tạo nhân lực gắn với sự phát triển khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thị trường nhân lực hiện đại, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh phong trào thi đua, cải cách tiền lương.

Khắc phục tình trạng “trên trải thảm, dưới trải đinh”

Chất vấn Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh bày tỏ băn khoăn về giải pháp trước tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên trải thảm, dưới trải đinh”. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh bày tỏ băn khoăn về giải pháp trước tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên trải thảm, dưới trải đinh”. Ảnh: quochoi.vn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, đáng trân trọng, nhiều cử tri cho rằng vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên trải thảm, dưới trải đinh”; vẫn còn tư tưởng làm ít sai ít, làm nhiều sai nhiều... Đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm về những vấn đề này cũng như giải pháp khắc phục trong thời gian tới?” - nữ đại biểu đề cập.

Liên quan đến chất vấn của nữ đại biểu về công tác cải cách hành chính, ý thức, thái độ của cán bộ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam là quốc gia đang đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, trong 35 năm đổi mới, đạt được thành tích rất lớn, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, công chức, viên chức. Trong quá trình vận hành, trưởng thành lớn lên cùng đất nước, lớn lên cùng sự phát triển chung, chúng ta phải kiên trì hoàn thiện thể chế, dùng rất nhiều biện pháp để đơn giản bộ máy, tinh giản biên chế, thu hút người tài…

Thủ tướng nhấn mạnh: “Các cơ quan trong hệ thống chính trị phải rà soát, tổng kết một số nghị quyết của Đảng, với tinh thần chung là chỉ ra kết quả, bất cập để có giải pháp tốt hơn đối với công tác xây dựng đội ngũ công chức, viên chức trong sạch, tận tụy phục vụ Nhân dân, với quan điểm của Đảng lấy “xây” là chiến lược về cơ bản, lâu dài, “chống” là quan trọng, thường xuyên”.

Đối với chất vấn về còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, Thủ tướng cho rằng, tình trạng này đang từng bước được cải thiện nhưng cần kiên trì. Bên cạnh triển khai các biện pháp đồng bộ, cũng cần động viên tinh thần, khen thưởng kịp thời, xử lý vi phạm phải nghiêm minh, công tác cán bộ phải dân chủ, phải công khai, minh bạch…

Tham gia chất vấn tại phiên họp, Đại biểu Hoàng Anh Công - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cho biết, tại Báo cáo giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân trong giai đoạn 2016-2021 nhận định trong thời gian qua, việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người đứng đầu các cơ quan hành chính một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Đại biểu Hoàng Anh Công - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên nhắc đến tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tiếp công dân, không đối thoại với dân của cán bộ. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Hoàng Anh Công - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên nhắc đến tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tiếp công dân, không đối thoại với dân của cán bộ. Ảnh: quochoi.vn.

Theo đó, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tiếp công dân, không đối thoại với dân, thiếu quyết liệt, công tâm, khách quan trong việc giải quyết dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm, trở thành những vụ việc tồn đọng kéo dài.

Đại biểu Hoàng Anh Công đề nghị Thủ tướng có giải pháp khắc phục dứt điểm cái tình trạng trên.

Về vấn đề giải quyết khiếu kiện kéo dài, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, giải pháp đặt ra là cần rà soát việc quy định liên quan đến quy chế, pháp luật còn phù hợp với thực tiễn hay không.

Đồng thời, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành trong việc tiếp công dân, cần thể hiện tinh thần trách nhiệm, không né tránh, đặc biệt nêu cao tinh thần gương mẫu trong việc tiếp công dân của người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tiếp công dân.

Tăng cường hợp tác công - tư trong y tế, giáo dục, phát triển kinh tế số

Chất vấn tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho biết, hiện nay, việc hợp tác công tư đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc định giá thương hiệu. Vị đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết: “Theo Thủ tướng trong thời gian tới có giải pháp nào công khai, minh bạch để giải quyết vấn đề này? Nếu có được định giá thương hiệu công thì việc phát huy hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục sẽ được phát huy rất hiệu quả?”.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định quan tâm đến khó khăn trong việc định giá thương hiệu và định giá công - tư. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định quan tâm đến khó khăn trong việc định giá thương hiệu và định giá công - tư. Ảnh: quochoi.vn.

Về vấn đề xây dựng thương hiệu công, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra rằng, việc xây dựng thương hiệu đối với các nước trên thế giới khá bài bản và được tiến hành từ khá lâu. Theo đó, khi định giá cơ sở, tổ chức nào đó thì bao gồm cơ sở vật chất, con người, trong đó có thương hiệu.

Tới đây, Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến xây dựng giá trị thương hiệu, không chỉ ở khu vực công mà ở cả khu vực tư. Cần tăng cường nhận thức về thương hiệu và giá trị thương hiệu, thực hiện hợp tác công - tư, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục. Khi hợp tác công - tư phải tính giá trị thương hiệu của mình…

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ cho biết, theo Báo cáo của Chính phủ, phần tỉ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP hiện nay là khoảng 10%. Chúng ta đang đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉ trọng này đạt được khoảng 30%. Tuy nhiên, thời gian từ nay đến 2030 còn rất ít, khoảng 8 năm để thực hiện được mục tiêu.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ chất vấn về giải pháp đạt được mục tiêu về kinh tế số. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ chất vấn về giải pháp đạt được mục tiêu về kinh tế số. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết Chính phủ sẽ có những giải pháp như thế nào để đạt được mục tiêu về kinh tế số nêu trên?

Liên quan đến nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, chuyển đổi số là xu thế, được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, kinh tế số sẽ len lỏi vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, nên cần tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng thể chế phù hợp, khả thi, đảm bảo phát triển đúng hướng, bền vững, nhanh, kiểm soát những điều chưa đúng hướng, chưa lành mạnh.

Nhấn mạnh con người là chủ thể, động lực cho sự phát triển, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần có giải pháp tăng cường nguồn nhân lực; trong đó có quan tâm đến khu vực vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, không ai bị bỏ lại phía sau trong phát triển chuyển đổi số. Nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng số, cần huy động nguồn lực lớn, cần dựa vào xã hội hóa, hợp tác công tư, vay vốn nước ngoài để đáp ứng tốc độ phát triển. Các cấp các ngành đều phải tích cực nhập cuộc.

Ngân Chi