Học viện Chính sách và Phát triển thành lập theo Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 04/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Về tổ chức, Học viện trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Học viện Chính sách và Phát triển là cơ sở đào tạo đại học và sau đại học trong lĩnh vực chính sách phát triển, kinh tế và quản lý.
Học viện có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao về lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, quản lý, quản trị, luật và chính sách phát triển, có tư duy năng động, sáng tạo, đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức, bồi dưỡng tư vấn và phản biện chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành kế hoạch và đầu tư, của đất nước.
Hiện tại, Học viện Chính sách và Phát triển do Tiến sĩ Giang Thanh Tùng là Chủ tịch Hội đồng học viện và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nhà giáo ưu tú Trần Trọng Nguyên là Giám đốc học viện.
Học viện Chính sách và Phát triển có địa chỉ tại Khu đô thị Nam An Khánh, An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Sao Mai |
Qua tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong báo cáo ba công khai một số năm học gần đây của Học viện Chính sách và Phát triển cho thấy, học viện có sự nhầm lẫn trong thống kê số liệu khi thực hiện công khai về quy mô đào tạo.
Đơn cử, trong báo cáo ba công khai năm học 2020-2021, học viện lại báo cáo quy mô đào tạo của năm học 2021-2022, làm cho số liệu về quy mô đào tạo của năm học 2020-2021 và năm học 2021-2022 giống hệt nhau (đều là 4.722 người).
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Đông - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, bộ phận công nghệ thông tin của học viện đã tải nhầm dữ liệu quy mô đào tạo của năm học 2021-2022 vào phần quy mô đào tạo của báo cáo ba công khai năm học 2020-2021.
Bảng công khai thông tin chất lượng đào tạo của Học viện Chính sách và Phát triển năm học 2020-2021 và năm học 2021-2022 y hệt giống nhau. Ảnh chụp màn hình ngày 6/12/2023. |
Sau khi có phản ánh của Tạp chí, học viện đã tiến hành cập nhật lại số liệu quy mô đào tạo của năm học 2020-2021. Cụ thể, tổng quy mô đào tạo của năm học 2020-2021 là 3.925 (trong đó quy mô đào tạo khối ngành III là 1.659, khối ngành VII là 2.266).
Ảnh quy mô đào tạo năm học 2020-2021 của Học viện Chính sách và Phát triển sau khi điều chỉnh lại. Ảnh chụp màn hình ngày 17/12/2023. |
Bảng thể hiện quy mô đào tạo của Học viện Chính sách và Phát triển qua các năm, thống kê theo báo cáo ba công khai năm học 2021-2022; 2022-2023; 2023-2024. (Bảng: Sao Mai) |
Dựa theo bảng số liệu trên, từ năm học 2021-2022 (tổng 4.722 người) đến năm học 2022-2023 (tổng 5.433 người), tổng quy mô đào tạo của học viện tăng 711 người.
Nhưng từ năm học 2022-2023 (tổng 5.433 người) đến năm học 2023-2024 (tổng 5.410 người), tổng quy mô đào tạo của học viện giảm 23 người.
Về nội dung này, Trưởng phòng Quản lý đào tạo của Học viện cho hay, các năm học 2021-2022, 2022-2023 và 2023-2024, học viện đều tăng quy mô đào tạo so với các năm liền kề trước đó.
Sở dĩ số liệu trong báo cáo ba công khai từ năm học 2022-2023 đến năm học 2023-2024, quy mô đào tạo của Học viện giảm 23 người là do thống kê tại thời điểm thực hiện báo cáo ba công khai của năm học 2023-2024 vào ngày 30/8/2023 nên chưa tính số sinh viên trúng tuyển năm 2023, cũng như chưa trừ số sinh viên tốt nghiệp năm 2023.
Đến ngày 13/9/2023, học viện đã công bố danh sách sinh viên trúng tuyển và nhập học năm 2023 với tổng 1.530 sinh viên.
Như vậy, trong năm học 2023-2024, tổng quy mô đào tạo của học viện là 5.855 (đã cộng sinh viên trúng tuyển năm 2023 và trừ sinh viên tốt nghiệp ra trường năm 2023), tăng 422 người so với năm học 2022-2023 (tổng 5.433 người ).
Tổng quy mô đào tạo của Học viện Chính sách và Phát triển. Bảng: Sao Mai |
"Theo số liệu cập nhật đến ngày 30/9/2023, quy mô đào tạo đại học của học viện từ năm học 2022-2023 đến năm học 2023-2024 tăng 422 sinh viên. Đây là mức tăng ổn định theo chiến lược phát triển của học viện (đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt) chứ không phải giảm", cô Đông chia sẻ.
Tuyển sinh thạc sĩ gặp khó do điều kiện đầu vào và đầu ra ngoại ngữ
Theo tìm hiểu của phóng viên, quy mô đào tạo thạc sĩ của Học viện Chính sách và Phát triển không ổn định qua các năm.
Biểu đồ thể hiện quy mô đào tạo thạc sĩ của Học viện Chính sách và Phát triển. Biểu đồ: Sao Mai |
Cụ thể, theo biểu đồ trên, từ năm học 2021-2022 (tổng 179 học viên) đến năm học 2022-2023 (tổng 103 học viên) giảm 76 học viên.
Từ năm học 2022-2023 (tổng 103 học viên) đến năm học 2023-2024 (tổng 171 học viên) tăng 68 học viên.
Theo cô Đông, hiện tại, học viện đào tạo thạc sĩ đối với 5 ngành: gồm 3 ngành thuộc Khối ngành III (Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, và Chính sách công) và 2 ngành thuộc Khối ngành VII (Kinh tế phát triển và Kinh tế quốc tế). Tổng quy mô đào tạo thạc sĩ của năm học 2023-2024 (trong báo cáo ba công khai tính đến ngày 30/8/2023) là 171 học viên, tăng 68 học viên so với năm học 2022-2023. Quy mô đào tạo thạc sĩ những năm qua vẫn chưa đạt chỉ tiêu tuyển học viên cao học xác định theo năng lực đào tạo của học viện.
Chia sẻ thêm về việc năm học 2023-2204 học viện tăng quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Thế Vinh - Phó Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, học viện trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, định hướng của Bộ đối với học viện là đào tạo nhân lực chất lượng cao, đặc biệt có chuyên môn sâu. Bộ khuyến khích học viện tăng số lượng đào tạo trình độ thạc sĩ nhằm đào tạo đội ngũ chuyên gia không chỉ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà còn phục vụ cho các ngành, lĩnh vực khác mà Bộ phụ trách.
"Học viện chuẩn bị đầy đủ về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đào tạo thạc sĩ. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ có một số khó khăn nên quy mô học viên tăng chậm. Nguyên nhân bởi người học gặp khó trong thực hiện yêu cầu ngoại ngữ đầu vào và ngoại ngữ đầu ra theo quy định tại Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ", thầy Vinh chia sẻ.
Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 5 Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ quy định đối tượng và điều kiện dự tuyển là: "Có năng lực ngoại ngữ từ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam".
Và theo Khoản 3, Điều 5 Chương II của Thông tư 23 cũng quy định ứng viên đáp ứng yêu cầu quy định ngoại ngữ khi có một trong các văn bằng, chứng chỉ như sau:
a) Bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên ngành ngôn ngữ nước ngoài; hoặc bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên mà chương trình được thực hiện chủ yếu bằng ngôn ngữ nước ngoài;
b) Bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên do chính cơ sở đào tạo cấp trong thời gian không quá 02 năm mà chuẩn đầu ra của chương trình đã đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ đạt trình độ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
c) Một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ tương đương Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam quy định; hoặc các chứng chỉ tương đương khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký dự tuyển.
Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 12 Thông tư số 23 quy định công nhận tốt nghiệp và cấp bằng thạc sĩ phải có trình độ ngoại ngữ đạt yêu cầu theo chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trước thời điểm xét tốt nghiệp; được minh chứng bằng một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ tương đương Bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
Hoặc các chứng chỉ tương đương khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, hoặc bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên ngành ngôn ngữ nước ngoài;
Hoặc bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên ngành khác mà chương trình được thực hiện hoàn toàn bằng ngôn ngữ nước ngoài.
Cũng theo Tiến sĩ Vinh, tháng 11/2023, Học viện Chính sách và Phát triển được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ đầu tiên là ngành Tài chính - Ngân hàng (học viện có 2 phó giáo sư và 3 tiến sĩ đúng ngành). Sau khi có quyết định cho phép mở ngành, học viện đã ra thông báo tuyển sinh đợt 1 năm 2024 với tổng chỉ tiêu 05 nghiên cứu sinh.
Theo Điều 6 Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT Quy định điều kiện, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, quy định một trong các điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ là có ít nhất 01 giáo sư, hoặc 02 phó giáo sư và 03 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, trong đó có 01 giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên (không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của các ngành khác), chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.