ĐH Ngân hàng TP.HCM nêu lý do quy mô đào tạo thạc sĩ, hệ vừa học vừa làm giảm

30/10/2023 06:38
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-5 năm học liên tiếp, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM không có giảng viên cơ hữu nào là giáo sư, tuy nhiên số giảng viên là phó giáo sư lại tăng.

Qua tìm hiểu của phóng viên trong báo cáo 3 công khai các năm học gần đây của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, có thể thấy rằng, quy mô đào tạo của trường có nhiều biến động.

Quy mô đào tạo trong những năm học gần đây của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh.

Quy mô đào tạo trong những năm học gần đây của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ bảng số liệu trên cho thấy, quy mô đào tạo tiến sĩ của trường từ năm học 2018-2019 đến năm học 2022-2023 có xu hướng giảm, từ 74 người (2018-2019) xuống 66 người (2020-2021), tuy nhiên đến năm học 2022-2023 lại tăng lên 84 người.

Quy mô đào tạo thạc sĩ của trường cũng chỉ tăng lên vào năm học 2019-2020, sau đó lại có xu hướng giảm từ 863 người (năm học 2019-2020) xuống 684 người (năm học 2022-2023).

Trong khi đối với hệ đào tạo đại học chính quy, số sinh viên của trường lại giảm ở năm học 2019-2020, sau đó lại có xu hướng tăng từ 9.384 người học (năm học 2019-2020) lên 11.185 người học (năm học 2022-2023).

Số người học hệ vừa làm vừa học của trường lại giảm mạnh qua các năm học (giảm 1.078 người kể từ năm học 2018-2019 đến năm học 2022-2023).

Lý giải nguyên nhân vì sao quy mô đào tạo thạc sĩ của trường có xu hướng giảm trong những năm gần đây, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, xu thế hiện nay, nhiều bạn chọn học lên thạc sĩ từ rất sớm, có sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp đại học đã lựa chọn tham gia học luôn lên cao học do có mức học bổng hỗ trợ tương đối tốt, …

Chính vì vậy, khác với trước kia là thường học viên các lớp thạc sĩ hầu như phải 3 năm mới hoàn thành xong chương trình, nhiều bạn trẻ hiện nay lại hoàn thành chương trình học và ra trường khá nhanh, chỉ hoàn thành từ khoảng 1 năm rưỡi đến 2 năm. Vậy nên, sau mỗi đợt tốt nghiệp, quy mô đào tạo thạc sĩ đang học tất yếu cũng sẽ tụt đi rất nhanh.

Và dù Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh có tuyển sinh ổn định hệ thạc sĩ cũng không thể “bù” kịp được với đội ngũ học viên đang tốt nghiệp nhanh chóng như vậy.

Đối với hệ đào tạo vừa học vừa làm cũng có xu hướng giảm trong những năm qua, thầy Trung bày tỏ, hệ đào tạo này đang giảm dần vì theo xu hướng hiện nay, thường các em sẽ lựa chọn học lên thạc sĩ luôn hoặc chỉ học thêm các khóa học ngắn hạn.

Ngoài ra, từ năm học 2019-2020, báo cáo này cũng cho biết thêm, trường có đào tạo người học đối với chương trình liên kết đào tạo trong nước và với nước ngoài. Hiện, hệ đào tạo này chỉ có ở khối ngành III của trường.

Theo đó, ngày 04/10/2019, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định số 2189/QĐ-ĐHNH về việc ban hành khung chương trình đào tạo đại học chính quy quốc tế cấp song bằng ngành Quản trị kinh doanh.

Quy mô đào tạo theo chương trình liên kết của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh.

Quy mô đào tạo theo chương trình liên kết của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh.

Có thể thấy, quy mô đào tạo đối với chương trình liên kết này của trường đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ tại tất cả các hệ đào tạo, đặc biệt là ở hệ đại học chính quy quốc tế cấp song bằng đã tăng thêm 162 người sau 3 năm học.

Khối ngành III của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh gồm các ngành học: Tài chính – Ngân hàng; Kế toán; Quản trị kinh doanh; Luật kinh tế; Hệ thống thông tin quản lý

Khối ngành VII gồm các ngành học: Kinh tế quốc tế; Ngôn ngữ Anh

Bên cạnh đó, tình hình đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh qua các năm cũng có nhiều điểm đáng chú ý.

Qua tìm hiểu, phóng viên thấy rằng, thông tin về đội ngũ giảng viên tại các năm học được tính đến các thời gian không giống nhau: năm học 2018-2019, thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu không ghi tính tới ngày bao nhiêu; năm học 2019-2020, thông tin này được tính tới ngày 15/09/2020; năm học 2020-2021 được tính tới ngày 01/09/2021; năm học 2022-2023 được tính tới ngày 31/05/2023.

Lý giải nguyên nhân vì sao có các mốc thời gian khác nhau như vậy, thầy Trung cho hay, theo mỗi năm khác nhau, tùy theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường có thể phải công khai trước ngày 30/09 hoặc 31/12 để tính chỉ tiêu cho năm tuyển sinh tiếp theo.

Tuy nhiên, đối với năm học 2022-2023, Bộ quy định hạn thực hiện báo cáo 3 công khai là ngày 31/05/2023, nhằm phù hợp với năm tuyển sinh 2023, năm đầu tiên áp dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS).

Ngoài ra, qua số liệu từ báo cáo 3 công khai các năm học gần đây cũng cho thấy, trong 5 năm học gần đây, trường không có giảng viên cơ hữu nào là giáo sư; số giảng viên cơ hữu là phó giáo sư tăng nhẹ từ 15 giảng viên (năm học 2018-2019) lên 18 người (năm học 2022-2023).

Tuy nhiên, số giảng viên cơ hữu là phó giáo sư chỉ tập trung vào Khối ngành III, khối ngành VII của trường không có giảng viên cơ hữu nào là phó giáo sư.

Hơn nữa, số giảng viên cơ hữu là thạc sĩ vẫn chiếm đa số và tăng thêm 55 người sau 4 năm học (có giảm nhẹ vào năm học 2020-2021). Đặc biệt, số giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ của trường tăng mạnh qua các năm học, với số lượng tăng là 83 người sau 4 năm học.

Xét riêng từng ngành, qua các năm, Tài chính – Ngân hàng vẫn là ngành học có số giảng viên nhiều nhất trong số đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường; trong khi đó, Luật Kinh tế là ngành học có ít giảng viên cơ hữu nhất.

So sánh đề án tuyển sinh năm 2023 và đề án tuyển sinh năm 2022 cũng cho thấy thông tin, số giảng viên thỉnh giảng của trường cũng có xu hướng tăng qua các năm, từ 51 người (năm 2022) lên 82 người (năm 2023).

Tường San