Sáng ngày 20/12, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam và Hội thảo khoa học “Nhận diện những nhân tố mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam”.
Quang cảnh buổi lễ |
Tham dự chương trình có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hoàng - Phó Vụ Trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương.
Về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có sự tham dự của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga – Ủy viên Ban thường vụ Ban Chấp hành Hiệp hội, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội; Tiến sĩ Văn Đình Ưng – Trưởng Ban Thông tin và Truyền thông của Hiệp hội.
Về phía Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, có Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng trường; Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Hiệu trưởng nhà trường.
Chương trình còn có sự tham dự của lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục đại học, chuyên gia trong lĩnh vực kiểm định, đảm bảo chất lượng giáo dục đại học.
Phát biểu chào mừng buổi lễ, Giáo sư Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ niềm vui và sự trân trọng khi các đại biểu về dự buổi lễ ra mắt Câu lạc bộ và chương trình Hội thảo.
Giáo sư Chử Đức Trình phát biểu tại buổi lễ. |
Giáo sư Chử Đức Trình cho biết, Việt Nam hiện nay cần phải nắm bắt cơ hội cuối cùng để vươn lên vị trí của một quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu thế giới trước khi dân số Việt Nam trở thành dân số già.
Thế mạnh thực sự và duy nhất của Việt Nam là nguồn nhân lực, nếu bỏ qua nguồn lực này thì không thể phát triển.
Chúng ta tự hào có hệ thống giáo dục phổ thông rất tốt, thành tích xóa mù chữ cao so với các nước có thu nhập trung bình giống nước ta. Tuy nhiên, nếu nhìn sang giáo dục đại học thì không được như vậy.
Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam còn có quá nhiều việc phải làm, việc quan trọng nhất của hệ thống giáo dục hiện nay là công tác đảm bảo chất lượng.
Công tác đảm bảo chất lượng phải xuất phát từ nhu cầu phát triển nội tại của cơ sở giáo dục, đảm bảo chất lượng phải xuất phát từ bên trong, được thể hiện trong mọi hoạt động: giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, quản trị đại học,…
Phải khẳng định, đảm bảo chất lượng không chỉ là sự sống còn của các cơ sở giáo dục đào tạo mà còn là sự sống còn của cả hệ thống giáo dục Việt Nam. Đảm bảo chất lượng cuối cùng là phải đảm bảo chất lượng về kiến thức, kỹ năng, về kỷ luật, đạo đức của người học,...
Các đại biểu tham dự buổi lễ. |
“Trường Đại học Công nghệ rất vinh dự được tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.
Tôi cho rằng, chỉ có sự đồng hành của các trường đại học, đồng thời phải có sự đồng hành của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý, của xã hội thì chúng ta mới xây dựng được hệ thống giáo dục đại học tiên tiến. Và đây là cái gốc để xây dựng một tương lại tươi sáng cho nguồn nhân lực lao động của Việt Nam.
Chỉ có như vậy, chúng ta mới vươn lên thành các trường đại học có đẳng cấp quốc tế, vươn lên thành các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo toàn cầu và Việt Nam mới có thể vươn lên trong chuỗi giá trị cao của công nghệ toàn cầu.
Sự ra đời của Câu lạc bộ là diễn đàn tích cực cho công tác đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, chúng ta sẽ có nhiều không gian trao đổi, chia sẻ và dẫn dắt các trường về đảm bảo chất lượng trong thời gian tới, dẫn dắt hệ thống giáo dục hội nhập quốc tế”, Giáo sư Chử Đức Trình khẳng định.
Tiến sĩ Văn Đình Ưng công bố Quyết định thành lập Câu lạc bộ. |
Tại buổi lễ, Tiến sĩ Văn Đình Ưng – Trưởng Ban Thông tin và Truyền thông của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã công bố Quyết định thành lập Câu lạc bộ Mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam và Quyết định Công nhận Chủ nhiệm Câu lạc bộ.
Theo đó, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức được cử làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội là Thư ký Câu lạc bộ.
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trao Quyết định thành lập Câu lạc bộ cho Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức. |
Các Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ gồm:
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược - Đại học Huế;
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật Bình Dương;
Tiến sĩ Trần Việt Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương, Thành phố Hồ Chí Minh;
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn;
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga - Ủy viên Ban thường vụ Ban Chấp hành Hiệp hội, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội;
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Đại học Thái Nguyên.
Phó Giáo sư Lê Huy Hoàng và Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ chúc mừng Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ |
Chia sẻ tại buổi lễ ra mắt Câu lạc bộ, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho biết: Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trong nhiều năm qua đã thành lập nhiều câu lạc bộ, và các câu lạc bộ đã hoạt động rất sôi nổi, hiệu quả giúp các trường, các đơn vị có không gian học hỏi, trao đổi, chia sẻ để phát triển vươn lên.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội nhấn mạnh, nước Việt Nam muốn phát triển thì vấn đề chất lượng giáo dục đại học phải thực sự được quan tâm.
Ngày xưa chúng ta tự hào về nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của đất nước nhưng nhìn vào thực tế hiện nay, chúng ta phải thừa nhận nguồn tài nguyên là có hạn, không phải là nguồn để chúng ta khai thác làm giàu cho đất nước.
Ngày nay, chỉ có công nghệ, trí tuệ, nhân lực mới là yếu tố quan trọng để đưa đất nước tiến lên. Muốn làm được việc này, phải phát triển hệ thống giáo dục đại học, quan tâm đến vấn đề đào tạo con người.
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ kỳ vọng Câu lạc bộ sẽ là không gian trao đổi học tập giúp các trường nâng cao chất lượng. |
"Phát triển đại học về số lượng cũng cần nhưng chất lượng lại cần hơn, cần nhất. Câu lạc bộ Mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam ra đời sẽ tập hợp được những đơn vị, cá nhân có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề đảm bảo chất lượng giáo dục đại học. Chúng ta cùng nhau trao đổi kinh nghiệm để phát triển mạnh mẽ hơn.
Đây cũng là điều mà Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng.
Ngay trong khuôn khổ buổi lễ ra mắt Câu lạc bộ, chúng ta đã tổ chức được Hội thảo, đây là một hoạt động rất thiết thực, và từ đây, chúng ta sẽ cùng nhau hỗ trợ để câu lạc bộ ngày càng phát triển”, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ khẳng định.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt, Giáo sư Nguyễn Đình Đức – Chủ nhiệm Câu lạc bộ chia sẻ, buổi lễ với sự tham gia của nhiều thầy cô, chuyên gia cho thấy tầm quan trọng của vấn đề đảm bảo chất lượng giáo dục đại học và và sự quan tâm của các trường đại học đến việc đảm bảo chất lượng giáo dục.
Nhấn mạnh về vai trò của giáo dục đại học, Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho biết, giáo dục đại học là rường cột, nếu giáo dục đại học không đổi mới thì đất nước không thể cất cánh vươn lên. Và khoa học công nghệ cùng giáo dục đào tạo chính là hai chiếc "đũa thần" để đưa đất nước phát triển.
Giáo dục đại học bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu còn phải tham gia giải quyết những vấn đề lớn của đất nước.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức phát biểu tại buổi lễ. |
Giáo sư Nguyễn Đình Đức khẳng định: Câu lạc bộ sẽ bám sát Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu và thảo luận về các chủ đề như : thúc đẩy hoàn thiện thể chế và mô hình tự chủ đại học; mô hình đại học – trường đại học ở Việt Nam; đẩy mạnh khai thác và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục đại học; xây dựng đại học số của Việt Nam; Xây dựng chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo hội nhập với quốc tế và bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; đánh giá thực trạng và cơ cấu, quy mô ngành nghề đào tạo ở Việt Nam; giải pháp nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên Việt Nam,...
Các đại biểu tham dự buổi lễ chụp ảnh kỷ niệm. |
Câu lạc bộ cũng sẽ nghiên cứu thảo luận về các chủ đề rất thiết thực như: đổi mới chuẩn đầu ra và cấu trúc chương trình đào tạo; nâng cao hiệu quả và chất lượng các hoạt động khảo thí và kiểm định chất lượng trong các cơ sở giáo dục đại học ; đẩy mạnh STEM trong giáo dục đại học; chia sẻ tài nguyên, học liệu trong hệ thống giáo dục đại học; giải pháp nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ và chất lượng các hoạt động nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học nhằm đáp ứng những yêu cầu cao về chất lượng nguồn nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.