Hiệp hội tổ chức hội nghị Ban Chấp hành lần thứ IV, nhiệm kỳ II

15/12/2023 13:59
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiệp hội đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình công tác năm 2023 và đạt được những kết quả đáng kể.

Sáng ngày 15/12, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ IV, nhiệm kỳ II, báo cáo tình hình triển khai và kết quả hoạt động trong năm 2023, dự kiến chương trình công tác năm 2024 của Hiệp hội.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chủ trì hội nghị, dự trực tuyến.

Ngày 15/12, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 4 nhiệm kỳ II. Ảnh: PM

Ngày 15/12, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 4 nhiệm kỳ II. Ảnh: PM

Hiệp hội có nhiều kiến nghị quan trọng đối với giáo dục đại học

Tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã báo cáo hoạt động của Hiệp hội trong năm 2023.

Theo chia sẻ của Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, năm qua, Hiệp hội đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình công tác năm 2023 và đạt được những kết quả đáng kể.

Về các hoạt động chính, Hiệp hội đã chủ động liên hệ để báo cáo trực tiếp, hoặc bằng văn bản với lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, với lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương các vấn đề liên quan đến giáo dục đại học.

Trước đó, năm 2022, Chủ tịch Hiệp hội đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ một số kiến nghị quan trọng liên quan đến tự chủ đại học; điều chỉnh lại hệ thống giáo dục quốc dân; hệ thống kiểm định và thực hiện công tác kiểm định chất lượng; Đổi mới căn bản cơ chế tài chính đối với giáo dục đại học; chủ trương về hợp tác công tư trong giáo dục,…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ báo cáo về hoạt động của Hiệp hội trong năm 2023. Ảnh: PM

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ báo cáo về hoạt động của Hiệp hội trong năm 2023. Ảnh: PM

Đầu tháng 11/2023, Chủ tịch Hiệp hội đã gặp và báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính 4 vấn đề của giáo dục đại học:

Một là cần tái cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học;

Hai là về tự chủ đại học;

Ba là chỉ đạo thúc đẩy việc phát triển các trường đại học ngoài công lập không vì mục đích lợi nhuận;

Bốn là quyết tâm xây dựng thành công một số trường đại học đẳng cấp quốc tế, tham gia tốp 200 trường hàng đầu thế giới trong vòng 15-20 năm tới.

Thủ tướng đã lắng nghe và gợi ý lãnh đạo Hiệp hội có thể tiếp tục báo cáo trực tiếp với Thủ tướng thêm một số vấn đề khác;

Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội đã làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương về việc phối hợp giữa Hiệp hội với Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc đánh giá thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW.

Hiệp hội cũng đã tham dự nhiều hội nghị, hội thảo do Bộ/ban ngành, Ủy ban tổ chức. Cụ thể như các hội thảo về tự chủ đại học; hội thảo khoa học do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông về chiến lược phát triển du lịch của địa phương; hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức về “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học, thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”; Hội thảo về “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học” do Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức....

Hiệp hội cũng đã thăm và làm việc với Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Nam Cần Thơ vào ngày 11/05/2023; Chủ trì Hội thảo khoa học quốc gia về “Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ” tại Cần Thơ ngày 12/5/2023 và các buổi tọa đàm khoa học khác do Hiệp hội tổ chức hàng tuần; Chủ trì họp giao ban hàng tuần, …

Về công tác tổ chức, trong năm 2023, nhìn chung Hiệp hội vẫn duy trì sự ổn định tổ chức, không có gì đột biến so với năm trước. Thay đổi về nhân sự không nhiều, cụ thể, tổng số hội viên hiện nay là 359 (trong đó số hội viên tổ chức là 334; số hội viên cá nhân là 25). Ban chấp hành hiện có 101 Ủy viên, trong đó bầu bổ sung 03 ủy viên trong năm 2023.

Về nghiên cứu đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp, kiến nghị với các cấp quản lý, Hiệp hội tiếp tục báo cáo và kiến nghị với lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước cùng các cơ quan quản lý các cấp có liên quan để xem xét tháo gỡ một số vấn đề như: Thực hiện đầu tư đúng mức để giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu; Thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục; Cơ cấu lại hệ thống giáo dục đào tạo, quy hoạch mạng lưới các trường cao đẳng, đại học, trong đó có hệ thống các cơ sở sư phạm đào tạo giáo viên các cấp học, trình độ chất lượng của hệ cao đẳng hiện nay; Cơ cấu nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập khu vực, quốc tế; Khôi phục lại nhiệm vụ đào tạo trình độ cao đẳng chuyên nghiệp cho các cơ sở giáo dục đại học.

Về tổ chức hội nghị khoa học quốc gia và các tọa đàm hàng tuần: Trong năm 2023, hoạt động nghiên cứu khoa học tiếp tục được quan tâm và đạt được hiệu quả thiết thực.

Hiệp hội đã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với tiêu đề: Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ tại Cần Thơ.

Trong năm 2023 đã tổ chức được 35 cuộc tọa đàm khoa học vào thứ Sáu hàng tuần, chủ yếu thường trực Hiệp hội tham dự, có mời thêm một số chuyên gia có uy tín tham gia với các chủ đề quan trọng liên quan đến giáo dục.

Hội nghị Ban chấp hành lần thứ IV, nhiệm kỳ II của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Hội nghị Ban chấp hành lần thứ IV, nhiệm kỳ II của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Về công tác truyền thông và sinh viên, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam – cơ quan ngôn luận của Hiệp hội thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, thường xuyên cập nhật tin tức, bài viết liên quan đến giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học rất nhanh chóng, kịp thời với hàm lượng sâu, rộng.

Trang điện tử của Hiệp hội (avnuc.vn) do Ban Truyền thông và Sinh viên phụ trách chính, có sự phối hợp của Văn phòng. Trong năm 2023, Trang tin đã có ít nhiều cải tiến về quản lý, điều chỉnh lại giao diện. Các văn bản thuộc chủ trương của Hiệp hội đã được cập nhật kịp thời.

Về hợp tác quốc tế, Hiệp hội vẫn duy trì quan hệ với một số đối tác quốc tế: Hội đồng Anh, Tổ chức THE của Vương quốc Anh về xếp hạng các đại học, Tổ chức văn hóa giáo dục của Đài Loan và các hội về giáo dục của Hàn Quốc, Nhật Bản....

Thường trực Hiệp hội đã phối hợp với Tổ chức văn hóa giáo dục của Đài Loan tại Việt Nam tổ chức hội thảo về những hỗ trợ của một số trường đại học của Đài Loan dành cho du học sinh Việt Nam.

Ban Hợp tác quốc tế đã làm việc với Hội đồng Anh để cùng phối hợp dự thảo chương trình hợp tác giữa Hội đồng Anh và Hiệp hội. Chương trình hợp tác giữa hai bên đang được hoàn thiện để chuẩn bị cho lễ ký kết hợp tác giữa hai tổ chức vào đầu năm 2024.

Thường trực Hiệp hội tiếp đón Đoàn của Phòng Thông tin văn hóa - Đại sự quán Hoa Kỳ ở Việt Nam, 2 bên đã nhất trí chung về dự kiến chương trình hợp tác trong thời gian tới và đang triển khai các hoạt động cụ thể.

Về công tác hội viên và hỗ trợ hoạt động của các câu lạc bộ: Đến nay Hiệp hội đã thành lập được 26 câu lạc bộ các khối trường cùng ngành nghề đào tạo, cùng Bộ quản lý, cùng khu vực địa phương…

Hầu hết các câu lạc bộ đã chủ động hình thành tổ chức hoạt động định kỳ hàng năm, sinh hoạt chuyên môn học thuật, hỗ trợ lẫn nhau; các trường tham gia rất nhiệt tình, trách nhiệm và có được những lợi ích thiết thực.

Trong năm 2023 đã có 22 Câu lạc bộ đã tổ chức được 35 cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên môn.

Về công tác tài chính, kế toán: Hằng năm, Ban Tài chính đều lập dự toán thu – chi một cách phù hợp, thực hiện chi tiêu nghiêm túc, tiết kiệm, minh bạch, hiệu quả, đảm bảo cho hoạt động của Hiệp hội thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, có sự chung tay hỗ trợ nhiệt tình của các trường hội viên cũng như một số đơn vị trực thuộc cho các hoạt động trong năm của Hiệp hội.

Về công việc của Văn phòng, nhìn chung, các công việc được giao đã giải quyết khá kịp thời, không bị ách tắc, phục vụ tốt điều hành chỉ đạo triển khai các hoạt động, sự kiện quan trọng, nổi bật của Hiệp hội (tổ chức hội thảo, làm việc với các đối tác, chuẩn bị tổ chức các cuộc họp định kỳ trong năm của Hiệp hội, chuẩn bị các báo cáo sơ kết, tổng kết,…) cũng như các việc thường xuyên.

Về hoạt động của các tổ chức trực thuộc, đến cuối tháng 11 năm 2023, ngoài Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội có 24 pháp nhân trực thuộc hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo.

Nhìn chung, các đơn vị đã hoạt động rất tích cực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, Thường trực Hiệp hội cũng nhận thấy một số hạn chế yếu kém cần được khắc phục kịp thời. Một vài Ban chuyên môn hoạt động chưa được đều, một vài công việc chưa đảm bảo được tiến độ.

Trong năm chưa tổ chức được buổi làm việc, chưa ký kết được Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ của ngành giáo dục giữa Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo với Lãnh đạo Hiệp hội.

Kiên trì với mục tiêu góp ý, tư vấn, phản biện chính sách giáo dục

Dự kiến chương trình công tác của Hiệp hội trong năm 2024, Hiệp hội sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo khoa học: Hội thảo khoa học quốc gia thường niên của Hiệp hội. Hội thảo với nội dung: Nghiên cứu đề xuất chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển công nghệ cao, trước hết là công nghiệp bán dẫn; Hội thảo về cơ cấu và trình độ nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tiếp tục duy trì tổ chức tọa đàm thứ sáu hàng tuần nhằm nghiên cứu trao đổi những nội dung chủ yếu như: Những bất cập trong cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay nói chung, trong giáo dục đại học nói riêng và ảnh hưởng tiêu cực đến việc đào tạo nguồn nhân lực xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập khu vực và quốc tế.

Năm 2024, Hiệp hội sẽ tiếp tục kiến nghị với cấp trên thực hiện thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo đúng với quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017.

Tiếp tục nghiên cứu trao đổi các nội dung liên quan đến việc đẩy mạnh đổi mới giáo dục đại học.

Hiệp hội tiếp tục nghiên cứu đề xuất chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển công nghệ cao, trước hết là công nghiệp bán dẫn.

Tiếp tục Nghiên cứu, nâng cao nhận thức về chính trị xã hội và khoa học giáo dục; tư vấn phản biện xã hội; tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động, sự phát triển của Hiệp hội.

Trọng tâm của những hoạt động này là: Hệ thống giáo dục quốc dân, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở sư phạm đào tạo giáo viên; Tự chủ đại học, trường đại học đẳng cấp quốc tế; Phát triển các trường đại học ngoài công lập không vì mục đích lợi nhuận; vai trò tổ chức đảng trong cơ sở giáo dục đại học; Bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các cơ quan, tổ chức nước ngoài để trao đổi kinh nghiệm về các mô hình trường đại học tiên tiến, các chương trình đào tạo xuất sắc, các thành tựu khoa học công nghệ mới và việc trao đổi, bồi dưỡng chuyên gia cho các đơn vị và các thành viên của Hiệp hội.

Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội kiêm Trưởng ban tài chính của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có báo cáo về tài chính, quyết toán Quỹ Hiệp hội năm 2023. Ảnh: PM

Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội kiêm Trưởng ban tài chính của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có báo cáo về tài chính, quyết toán Quỹ Hiệp hội năm 2023. Ảnh: PM

Cũng tại hội nghị, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban tài chính của Hiệp hội đã có báo cáo về tài chính, quyết toán Quỹ Hiệp hội năm 2023 và dự toán thu chi năm 2024.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Hảo - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Kiểm tra của Hiệp hội đã trình bày báo cáo của Ban Kiểm tra năm 2023.

Hội nghị cũng đã thống nhất bầu Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ - Viện trưởng Viện Công nghệ VinIT - Uỷ viên Ban Chấp hành Hiệp hội trở thành Ủy viên Ban thường vụ Hiệp Hội nhiệm kỳ II.

Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng cho hoạt động của Hiệp hội trong thời gian tới.

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ bày tỏ mong muốn sẽ có những đóng góp của Viện Công nghệ VinIT cho các hoạt động của Hiệp hội. Đồng thời, đồng hành cùng các trường đại học trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghệ cao.

Phó Giáo sư Trần Quang Quý – Phó Chủ tịch Hiệp hội chia sẻ sự đồng tình với báo cáo đánh giá về hoạt động của Hiệp hội năm 2023.

Theo Phó Giáo sư Trần Quang Quý, hoạt động của các câu lạc bộ trong năm qua rất hiệu quả, bổ ích, giúp hệ thống các trường đại học liên kết, thảo luận các vấn đề quan trọng theo từng khối ngành, đạt hiệu quả tốt.

Hiệp hội cũng đã có nhiều đề xuất về đổi mới giáo dục. Các ý kiến rất đúng và trúng nhưng khó thực hiện trong một sớm một chiều, chính vì vậy, Hiệp hội cần kiên trì thực hiện những công việc này.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng cần tiếp tục góp ý liên quan đến hệ thống giáo dục quốc dân, tự chủ đại học sau khi có tổng kết thực Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Phó Giáo sư Trần Quang Quý cũng kiến nghị, bổ sung công việc năm 2024, Hiệp hội sẽ tham gia góp ý cho việc xây dựng Luật Nhà giáo. Đây là một vấn đề quan trọng của giáo dục giai đoạn hiện nay.

Tổng kết hội nghị, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội cho biết, trong năm qua, Hiệp hội có nhiều ý kiến, kiến nghị có giá trị như: Kiến nghị về đầu tư công cho giáo dục để đúng với tinh thần "giáo dục là quốc sách hàng đầu"; kiến nghị về tự chủ đại học; không thu thuế với trường đại học; thống nhất hệ thống giáo dục quốc dân theo tinh thần Nghị quyết 29; xây dựng các trường đại học không vì lợi nhuận; phát triển các trường đại học chất lượng cao; duy trì hệ thống các trường cao đẳng sư phạm và phát triển dần lên thành các trường đại học đa ngành, trong đó có đào tạo sư phạm.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, trong bối cảnh thực hiện tổng kết 40 năm đổi mới giáo dục và 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, Hiệp hội cần tiếp tục tranh thủ đóng góp ý kiến vì sự phát triển của giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, bên cạnh đó góp ý cho các vấn đề về văn hóa, khoa học công nghệ.

Hiệp hội cũng chú trọng tổ chức các hội thảo, nhiều cuộc tọa đàm, mời các trường cùng tham dự để bàn luận, đề xuất các ý kiến quan trọng nhằm phát triển hệ thống giáo dục đại học.

Phạm Minh