Hiện nay, cả nước có 103 cơ sở đào tạo giáo viên, trong đó có 15 trường đại học sư phạm (6 trường đại học sư phạm và 6 trường đại học sư phạm kĩ thuật, 2 trường đại học sư phạm thể dục thể thao và 1 trường đại học sư phạm nghệ thuật), 50 trường đại học đa ngành và trường đại học đặc thù (ngoại ngữ, nghệ thuật, thể thao) có đào tạo giáo viên; 20 trường cao đẳng sư phạm và 18 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên.
Điều đáng nói là hệ thống giáo dục phổ thông của Việt Nam có tính thống nhất cao từ mục tiêu và chương trình,… nhưng các cơ sở đào tạo giáo viên cơ bản độc lập trong đào tạo, thiếu tính liên thông và gắn kết.
Chính vì vậy, việc sắp xếp, bố trí lại hệ thống đào tạo giáo viên trong cả nước hiện nay là hết sức cần thiết.
Cơ sở đào tạo giáo viên có vai trò quan trọng đối với nền giáo dục nước nhà
Từ trước đến nay, mỗi khi nói đến trường sư phạm người ta thường ví là “máy cái”. Trong thực tế các trường sư phạm không chỉ quan trọng đối với công tác đào tạo giáo viên mà còn rất quan trọng trong bồi dưỡng thường xuyên, nghiên cứu khoa học giáo dục, tư vấn chính sách…
Nếu quan tâm thực sự đến nền giáo dục nước nhà thì trước hết phải chú tâm đầu tư cho các trường sư phạm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng số, trí tuệ nhân tạo phát triển, thực tế cũng đã xuất hiện những suy nghĩ về một viễn cảnh không cần giáo viên và không cần trường lớp.
Và tất nhiên ở một khía cạnh nào đó, suy nghĩ như vậy chưa hẳn hoàn toàn sai, nhưng sẽ rất tai hại nếu tất cả đều ủy thác niềm tin vào một cuộc cách mạng giáo dục dựa hoàn toàn trên nền tảng số và trí tuệ nhân tạo.
Nhà giáo còn được ví là nghệ sĩ tâm hồn và điều đó hoàn toàn đúng trong bất kì hoàn cảnh nào.
Để có người thầy thấu hiểu triết lí giáo dục, am tường tri thức khoa học, nhuần nhuyễn về nghiệp vụ sư phạm và nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục là cả một “công trình vĩ đại”.
Trường sư phạm cũng chỉ là một bên có liên quan góp phần xây nên công trình đó và là yếu tố có tính chất rất căn bản.
Phần còn lại phụ thuộc vào chính sách của nhà nước, sự quan tâm của chính quyền địa phương và văn hóa ứng xử với giáo dục của toàn xã hội…
Để chất lượng giáo dục được cải tiến liên tục và năng lượng tích cực được lan tỏa trong xã hội ngày một nhiều hơn, rất cần đội ngũ nhà giáo thực sự tốt.
Để có nhà giáo tốt phải có trường sư phạm thực sự mạnh. Để có trường sư phạm thực sự mạnh phải cần sự đầu tư đích đáng từ nhà nước.
Hiện nay, các trường sư phạm đều là trường công lập. Tuy nhiên, trong bức tranh tổng thể, nguồn đầu tư cho các trường sư phạm không đáng kể so với hệ thống giáo dục và cả nền kinh tế.
Trong khi yêu cầu của xã hội, áp lực từ các bên liên quan mỗi ngày một cao, các trường sư phạm gần như “gồng mình” để sống và cống hiến vì sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Bức tranh chung
Hiện nay, mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên đã bao phủ cả nước, nhưng thực sự phân bố không đều, phần lớn vẫn tập trung ở các thành phố lớn, trong khi đó vai trò của các trường cao đẳng sư phạm ngày càng mờ nhạt dần.
Giai đoạn từ 2010 đến nay, nhìn chung các trường sư phạm có sự phân hóa rất mạnh.
Nhóm 7 trường sư phạm chủ chốt gồm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Vinh, Trường Sư phạm Hà Nội 2 được tham gia dự án ETEP đã có sự kết nối, hợp tác chặt chẽ, cũng như tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới giáo dục một cách hiệu quả, đặc biệt năng lực đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cũng được cải thiện đáng kể.
Bên cạnh đó, hơn 100 cơ sở giáo dục trên cả nước có đào tạo giáo viên, bao gồm cả các trường đa ngành và đặc thù như ngoại ngữ, nghệ thuật, thể thao.
Các cơ sở này ít có mối liên thông, liên kết và có trường không thuộc chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Do đó, định hướng đổi mới từ chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ít được quan tâm và chưa được “thẩm thấu” đáng kể trong đội ngũ giảng viên giảng dạy các ngành sư phạm…
Đào tạo giáo viên chuyên ngành vẫn nặng về chuyên môn, nhẹ về triết lí và nghiệp vụ.
Vấn đề về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, đặt hàng đào tạo giáo viên vẫn chưa được thông suốt và triển khai một cách hiệu quả. Câu chuyện khủng hoảng thừa - thiếu giáo viên vẫn chưa có đường hướng giải quyết căn cơ…
Quy hoạch là rất cần thiết nhưng đổi mới quản lí mới thực sự căn bản
Hiện nay, hầu hết các vùng và các tỉnh, thành đều có cơ sở đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, người học vẫn có xu hướng chọn các trường đại học sư phạm ở các thành phố lớn để học.
Thực tế cho thấy, trong mấy năm qua tuyển sinh sư phạm chủ yếu thuận lợi ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, đồng thời chất lượng tuyển sinh ở các cơ sở này cũng ngày càng tốt hơn rất nhiều.
Mặc dù các trường sư phạm nằm ở trung tâm lớn, tuyển sinh tốt nhưng năng lực đào tạo không phải vô hạn và do vậy, rất khó có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu giáo viên cho các địa phương.
Trong năm 2023, cả nước còn thiếu 113.101 giáo viên so với định mức. Điều đáng nói là thiếu giáo viên không chỉ là số lượng, cũng như không dễ dàng sắp xếp, phân bổ một cách đơn giản như các ngành nghề khác.
Ngược lại rất khó khăn vì sự chênh lệch giữa các vùng, địa phương cũng như giữa các cấp học và môn học…
Do vậy, nếu chỉ dựa vào một bên liên quan rất khó có thể giải quyết được dễ dàng và nếu chỉ trông chờ vào chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng rất khó có thể có một giải pháp phù hợp cho tất cả.
Chính vì lẽ đó, việc quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên là phải xác định dựa vào nhiều yếu tố, trong đó không gian lãnh thổ là yếu tố rất đáng quan tâm.
Trong thực tế, đã có quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng là một điểm thuận lợi cho quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên.
Dựa vào đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chú ý đến các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục mà bố trí các trường sư phạm trọng điểm, để tập trung đầu tư “máy cái của máy cái”, đồng thời giao nhiệm vụ phụ trách chính trong nghiên cứu khoa học, dự báo và tham mưu chính sách; nghiên cứu phát triển chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn và xu thế; tổ chức đào tạo và bồi dưỡng; hỗ trợ, chia sẻ đối với các trường địa phương, cơ sở đào tạo vệ tinh, các phân hiệu tương tự như mô hình “chỉ đạo tuyến” trong y tế…
Như vậy nguồn đầu tư mới đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.
Căn cứ để sắp xếp các trường sư phạm trọng điểm và chủ chốt hiện nay cần thực sự quan tâm đến kết quả tuyển sinh cũng như khả năng tuyển dụng nguồn lực chất lượng cao.
Trên cơ sở đó sẽ bố trí mạng lưới các trường sư phạm vệ tinh và phân hiệu. Đặc biệt cần tránh cách bố trí dàn trải, phân mảnh, chia đều, thiếu sự kết nối và cát cứ vùng miền…
Mặc dù quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, nhưng đổi mới mô hình quản lí nhà nước về giáo dục đào tạo mới thực sự là căn bản và bền vững.
Cần xác định rõ việc phân cấp quản lí, phân quyền cho địa phương và các cơ sở đào tạo; phân chia phạm vi đào tạo, bồi dưỡng và chịu trách nhiệm cũng như phân phối lại nguồn lực đầu tư một cách hợp lí mới đảm bảo sự phát triển bền vững.
Tóm lại, để phát triển giáo dục nói chung và đào tạo giáo viên nói riêng đúng với phương châm “quốc sách hàng đầu” thì quy hoạch mạng lưới là rất cần thiết; đổi mới mô hình quản lí nhà nước là rất quan trọng.
Tuy nhiên, chế độ ưu tiên đối với nhà giáo, chính sách đầu tư đối với các trường sư phạm và trách nhiệm đồng hành của chính quyền địa phương cũng như toàn xã hội đối với hệ thống giáo dục mới thực sự là yếu tố quyết định đối với sự phát triển của nền giáo dục và đào tạo nước nhà.