Ngày 20/12, trong khuôn khổ buổi Lễ ra mắt Câu lạc bộ Mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cũng đã diễn ra Hội thảo khoa học: “Nhận diện những nhân tố mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam”.
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Tiến sĩ Trần Việt Anh – Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương, Thành phố Hồ Chí Minh đồng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo khoa học: “Nhận diện những nhân tố mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam” được tổ chức tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Xây dựng đại học số và những tiêu chí mới trong kiểm định chất lượng
Tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức có chia sẻ về vấn đề: “Nhận diện những nhân tố mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học”.
Giáo sư Đức khẳng định, nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao là cốt lõi cho sự phát triển của quốc gia, điều này phải được thống nhất trong nhận thức.
Muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao, cần phải xây dựng chiến lược phát triển con người Việt Nam trong giai đoạn mới; đồng thời phải đầu tư mạnh mẽ cho các trường đại học trọng điểm. Cùng với đó, phải luôn xác định tự chủ đại học là một xu thế tất yếu.
Giáo sư Đức cũng đặt vấn đề về việc hoàn thiện thể chế, chính sách về mô hình đại học, trường đại học; về quản trị đại học cách mạng 4.0, tiến tới xây dựng đại học số. Đồng thời đổi mới căn bản và toàn diện từ đầu vào và đầu ra, có chính sách đãi ngộ thật tốt với trí thức.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức chia sẻ tại hội thảo. |
Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ cho biết, đặc trưng cơ bản của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là công nghệ thông tin, nền tảng số và IoT, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa.
Mô hình đại học cách mạng công nghiệp 4.0 (đại học đổi mới sáng tạo) sẽ có 3 thành phần: nghiên cứu khoa học (chiếm 50%); đổi mới sáng tạo (30%) và chuyển đổi số (20%). Đây là những yếu tố phải được xây dựng trong chiến lược phát triển nhà trường.
Đây là những nhân tố mới trong mô hình đại học cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà chúng ta phải hoàn thiện, phải làm tốt hơn trong thời gian tới.
Tương ứng với những nhân tố mới này, cần phải có các tiêu chí mới trong đảm bảo chất lượng, xếp hạng, cụ thể là: tiêu chí trong nghiên cứu; tiêu chí trong đổi mới sáng tạo – khởi nghiệp và tiêu chí chuyển đổi số.
Bàn về đại học số, Giáo sư Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh, đại học số phải có 6 đặc trưng: khả năng tự động thích ứng, khả năng tự nhận thức, khả năng tự động ra quyết định, khả năng tự học, khả năng dự báo và khả năng tự vận hành.
Để xây dựng một đại học số thì phải đáp ứng được 6 tiêu chí này, muốn vậy phải có phần mềm, dữ liệu, trí tuệ nhân tạo. Xây dựng đại học số không thể chỉ đơn thuần là có Platform, vì như thế là chúng ta chỉ mới dừng lại ở mức số hóa.
Và trong tương lai, chúng ta phải tiến tới xây dựng các đại học số. Hiện nay đã có quy hoạch các đại học quốc gia nhưng chưa nói đến đại học số. Vậy nếu có đại học số, việc kiểm định chất lượng, đảm bảo chất lượng phải có cách tiếp cận mới.
Khi đó, triết lý, nội dung chương trình đào tạo cũng thay đổi, hướng tới giáo dục khai phóng, giáo dục mở, học tập suốt đời và cá nhân hóa ở mức cao.
Giáo dục trong thời đại 4.0 sẽ có các tiếp cận chương trình mới.
Thứ nhất là tiếp cận đơn ngành/môn: nghĩa là tìm kiếm các giải pháp cho một vấn đề thông qua “ống kính” của một môn học duy nhất.
Thứ hai là tiếp cận đa ngành/môn: Là chuyên gia từ hai hoặc nhiều ngành hơn góp phần chuyên môn riêng biệt vào một giải pháp.
Thứ ba là tiếp cận liên ngành/môn: Là chuyển giao các giải pháp từ một môn học này sang môn học khác để giải quyết một vấn đề.
Thứ tư là tiếp cận xuyên ngành/môn: Là các tiếp cận mới được tạo ra và tích hợp trong quá trình giải quyết các vấn đề xã hội phức tạp, có thực.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh: Triết lý đào tạo trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 phải nói đến khai phóng, STEM, đào tạo tầm nhìn, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng cũng phải chú ý đến những khía cạnh này. Như vậy đảm bảo chất lượng phải đi sâu vào việc có đảm bảo triết lý hay không.
Các cấu thành đảm bảo chất lượng cũng cần thay đổi, bao gồm: Cấu trúc chương trình 4.0; Nội dung (STEM, liên ngành) 4.0; Chuẩn đầu ra (toàn cầu hóa, kỹ năng thích nghi); tiêu chí đánh giá tầm nhìn; Tiêu chí đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; Các phương pháp, mô hình đào tạo mới.
Kiểm định khối ngành sức khỏe cần hướng tới hội nhập quốc tế
Tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược - Đại học Huế đã chia sẻ về vấn đề “kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đại học khối Khoa học sức khỏe”.
Giáo sư Nguyễn Quốc Huy chia sẻ về kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đại học khối Khoa học sức khỏe. |
Giáo sư Nguyễn Quốc Huy cho biết, tính đến ngày 31/10/2023, khối ngành Khoa học sức khỏe đã có 52/58 đơn vị đào tạo được kiểm định, bao gồm cả 2 cơ sở giáo dục đào tạo ngành “Kỹ thuật y sinh” là Đại học Bách Khoa Hà Nội và Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; có 56 chương trình đào tạo được kiểm định theo chuẩn Bộ Giáo dục và Đào tạo, 11 chương trình đào tạo được kiểm định theo chuẩn AUN-QA, 1 chương trình đào tạo theo chuẩn ABET kiểm định lần 2 chương trình đào tạo “Kỹ thuật y sinh” (Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); có 09 chương trình đào tạo cao học được kiểm định (07 chương trình đào tạo theo chuẩn Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2 chương trình đào tạo theo chuẩn AUN- QA).
Theo Giáo sư Nguyễn Quốc Huy, cần kiểm định chương trình đào tạo khối Khoa học sức khỏe theo chuẩn WFME, điều này thể hiện tính hội nhập quốc tế và sự công nhận quốc tế.
Từ 2024, người tốt nghiệp đại học từ trường y quốc tế được WFME công nhận có thể tiếp tục theo học chương trình Nội trú để hành nghề tại nhiều quốc gia: Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc, New Zealand …
Tính đến ngày 20/12/2023, trong danh mục các trường y của thế giới được tổ chức kiểm định thế giới công nhận thì Việt Nam có 24 trường.
Chúng ta đang nhận được sự ủng hộ về chính sách của cơ quan quản lý, đồng thời cũng cần chú ý đến các vấn đề như: xu thế chuyển đổi sang đào tạo dựa trên năng lực; Hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong; Xây dựng năng lực hệ thống kiểm định; Tiến tới kiểm định theo chuẩn WFME.
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga - Ủy viên Ban thường vụ Ban Chấp hành Hiệp hội, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã chia sẻ về “chất lượng các chương trình đào tạo dưới góc nhìn của kiểm định chất lượng giáo dục”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga chia sẻ tại Hội thảo. |
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Phương Nga, các trường đại học hiện rất tích cực kiểm định các chương trình đào tạo. Số lượng các chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng giáo dục chiếm tỷ lệ xấp xỉ 15% tổng số chương trình đào tạo hiện hành trong các cơ sở giáo dục đại học.
Về tổng thể, có 3 tiêu chí được đánh giá cao nhất là đội ngũ giảng viên, đội ngũ nhân viên; người học và hoạt động hỗ trợ người học. Các tiêu chí có kết quả đánh giá còn thấp và cần cải thiện là chuẩn đầu ra chương trình đào tạo; chuẩn đầu ra học phần; phân tích đánh giá kết quả học tập các học phần.
Nguyên nhân là do chưa thành thạo trong việc xây dựng và xác định chuẩn đầu ra; chưa phân tích phổ điểm của các đề thi học phần.
Chính vì vậy, thời gian tới, các cơ sở đào tạo cần có các khóa tập huấn về xây dựng chuẩn đầu ra, phân tích đánh giá các đề thi và xây dựng ngân hàng câu hỏi thi.