Mùng 3 Tết thầy: Chuyện xưa và nay

12/02/2024 06:37
Tường San

GDVN - Dù cho xã hội hiện đại và phát triển đến đâu, mùng 3 Tết thầy vẫn là phong tục đẹp và cần được duy trì, lưu giữ.

“Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” là câu nói đã in sâu vào tâm trí mỗi người dân Việt Nam và trở thành một nét truyền thống văn hóa không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, xuân về

Người thầy là biểu tượng thiêng liêng, cao quý trong xã hội xưa

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trương Quang Học - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào Tạo, Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ, “Mùng 3 Tết thầy” được biết đến là dịp để chúng ta thể hiện tinh thần "uống nước nhớ nguồn", thăm và chúc Tết thầy, cô giáo; tỏ lòng biết ơn những người đã truyền chữ, dạy nghề... cho các học trò được thành danh, thành tài và thành người.

Chữ “thầy” ở đây cũng cần được hiểu theo nghĩa rộng, trước hết là những thầy giáo, cô giáo đã dạy cho chúng ta từ khi tấm bé đến lúc trường thành trong các nhà trường. Thậm chí, “thầy” còn bao gồm cả những người chúng ta chưa được gặp trong cuộc đời, nhưng đã được học qua những gì họ viết, họ làm và đem đến những kiến thức, giá trị tốt đẹp cho cuộc sống.

thầy Học.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trương Quang Học - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào Tạo, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: NVCC).

Theo thầy Học, từ xưa đến nay, sự học và vai trò của người thầy vốn luôn được đề cao. Nghề dạy học luôn được nói là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” và là biểu tượng cho nhân cách, chuẩn mực đạo đức và phẩm hạnh của con người.

Có thể thấy rằng, vai trò của người thầy trong xã hội xưa luôn được đặt lên hàng đầu. Coi trọng sự học, tôn sư trọng đạo vốn là truyền thống của dân tộc ta. Hình ảnh và tầm quan trọng của người thầy được người xưa thể hiện rất rõ qua nhiều câu thành ngữ như “Muốn sang phải bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu quý thầy”, “Không thầy đố mày làm nên”…

Kể về lý do trở thành một nhà giáo như hiện tại, Giáo sư Trương Quang Học chia sẻ: “Thời bố mẹ tôi còn sống, các cụ kính trọng nhất là nghề làm thầy (thầy thuốc và thầy giáo). Do bố mẹ tôi đã làm nghề thầy thuốc nên ông bà mong muốn các con theo nghề giáo. Chính vì vậy, anh tôi được đặt tên là Giáo (sau đổi thành Giao để tránh phạm húy) và tôi tên Học, ghép lại thành giáo học. Như một cái duyên, 4/5 anh em tôi đều là nhà giáo, riêng cậu út theo cha mẹ làm nghề thầy thuốc”.

Là giảng viên đang công tác tại Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Thanh bày tỏ, câu nói “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” không biết xuất hiện từ bao giờ, nhưng trong vốn ngôn ngữ, nó tồn tại như một thành ngữ, đúc kết một nghĩa cử mang tính truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam ta.

Trong ba ngày quan trọng nhất đầu năm, ngoài trách nhiệm đến chúc Tết cha – bên nội, chúc Tết mẹ - bên ngoại, việc chúc Tết thầy vẫn là một tập tục được không ít người trong xã hội ngày nay duy trì.

Chữ “thầy” ở đây thường được hiểu là những người thầy, cô giáo. Cùng với cha mẹ có công sinh thành, “thầy” là người có công dạy dỗ, truyền đạt tri thức cho mỗi chúng ta nên người.

Còn theo Tiến sĩ Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (VIGEF), "Mùng 1 Tết cha, Mùng 2 Tết mẹ, Mùng 3 Tết thầy" là một thành ngữ có trong kho tàng văn hóa dân gian, một hành vi cổ truyền nhưng lại rất độc đáo đã tạo ra nét huyền diệu, ấm cúng trong Tết Việt. Cũng có thể nói, đây là câu cửa miệng về luân lý thể hiện đạo hiếu, uống nước nhớ nguồn, nhắc nhở lịch trình mỗi người dân Việt phải làm trong 3 ngày Tết đầu năm của dân tộc.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, sách xưa chỉ nói "Mùng 1 Tết Cha, Mùng 3 Tết thầy". Trong đó, thăm thầy, Tết thầy khi thầy còn sống và thờ thầy khi thầy đã khuất núi là truyền thống đạo lý của dân tộc. Từ xa xưa, lớp người già đã răn dạy con cháu “Vua, thầy, cha ấy ba ngôi. Kính thờ như một, trẻ ơi ghi lòng”.

Thầy Ân chia sẻ, trong xã hội xưa, người thầy được coi là biểu tượng thiêng liêng cho sự học tập, là “khuôn vàng thước ngọc” của đạo đức, nhân cách, và tấm gương sáng để học trò học tập, noi theo, trở thành người có đức, có nhân cách, có tài để đứng ra giúp dân, giúp nước.

Biết hành động, lời nói và cách hành xử cuộc sống chuẩn mực để trò xem thầy như kiểu mẫu sống trong đời. “Quân - Sư - Phụ” là ba vị vị trí đặc biệt, và người thầy chỉ đứng sau Vua, được xã hội, nhân dân đặc biệt coi trọng và tôn vinh, được gửi gắm niềm tin để giúp con trẻ thành tài.

z5126488032184_a2c540292709744c5232806272eb6d61.jpg
Tiến sĩ Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (VIGEF) trong buổi thăm các em học sinh tại một trường tiểu học (Ảnh: NVCC).

Cũng theo thầy Ân, thời xưa, hầu hết các gia đình không có tiền cho con đi học và cũng không có sẵn trường lớp như bây giờ mà chỉ những gia đình giàu có mới mời thầy về nhà để dạy cho con đọc chữ trong sách thánh hiền rồi dùi mài kinh sử để làm quan, thành tài.

Ngẫm lại chuyện Tết xưa, thầy Ân kể lại: “Thuở học lớp vỡ lòng, người dạy tôi tô chữ, ê a học cách đánh vần là một thầy giáo làng đã lớn tuổi và dữ đòn với học trò. Một lần mấy bạn nữ mách thầy là tôi nghịch ngợm đã bị thầy gọi vào hỏi và dùng cây thước lim (vẫn gõ lên bảng cho cả lớp đồng thanh đọc bài) rồi vụt mạnh vào đùi phải tôi. Vết đòn còn lằn đỏ, to bằng con rắn nước, tới cả tuần sau mới hết.

Thế nhưng, mùng 3 Tết năm đó, tôi vẫn đi theo cha tới chúc Tết thầy với gói mứt gừng và gói chè mạn. Bẽn lẽn theo sau cha, tôi nhìn thầy bằng ánh nhìn trìu mến, tôi không hề giận thầy vì nghĩ mình có lỗi nên thầy mới phạt, chính là để dạy bảo mình. Hơn nữa, thầy cũng là người dạy học mà không lấy tiền gia đình chúng tôi, chỉ có các phụ huynh góp lại vài thúng thóc, đội đến trả công thầy vào những dịp cuối năm, gần Tết”.

Vai trò của người thầy ngày càng quan trọng trong xã hội hiện đại

Cũng theo Giáo sư Trương Quang Học, ngày nay, với sự phát triển không ngừng của xã hội, nguồn lực để phát triển đất nước đang chuyển từ tài nguyên thiên nhiên, sức lao động chân tay sang nguồn lực tri thức, sử dụng tri thức và phát triển dựa trên trí tuệ. Do đó, vai trò của người thầy càng trở nên quan trọng hơn.

Có thể thấy rằng, sự phát triển của xã hội đã kéo theo những thay đổi trong văn hóa ứng xử và các mối quan hệ trong cuộc sống nói chung và trường học nói riêng, câu chuyện “tôn sư trọng đạo” trong môi trường giáo dục hiện đại ngày càng được quan tâm nhiều hơn và có những thay đổi nhất định.

Trong môi trường giáo dục hiện đại, người thầy không còn chỉ đơn thuần là những người đứng lớp, giảng dạy mà còn là những người bạn, những đồng nghiệp thế hệ đi trước, những chuyên gia tâm lý sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ với học sinh để đưa ra những lời khuyên và định hướng đúng cho các em.

Hơn nữa, thái độ tôn trọng trong văn hóa ứng xử thầy và trò cũng cần đến từ cả hai phía: mỗi người học cần bày tỏ sự đúng mực và kính trọng với giáo viên và ngược lại mỗi thầy/cô cũng cần có sự tôn trọng đối với học trò để các em luôn cảm thấy được quan tâm và thấu hiểu.

Tuy nhiên, đáng tiếc là trong xã hội bây giờ, hình ảnh của người thầy đang trải qua một quá trình suy giảm nghiêm trọng như một số vụ việc giáo viên xúc phạm, lăng mạ học sinh,… xảy ra. Chính vì vậy, thầy Học hy vọng rằng, với sự chấn hưng văn hoá và đổi mới giáo dục hiện nay, những hiện tượng đáng tiếc như vậy sẽ dần được khắc phục.

Bên cạnh đó, Giáo sư Học cũng mong rằng, truyền thống "Mùng 3 Tết thầy" sẽ luôn được các thế hệ người Việt giữ gìn, phát huy vì tôn sư trọng đạo cũng là một cách để các thế hệ sau vươn lên và phát triển mạnh mẽ hơn trước, góp phần vào việc cống hiến, phát triển cho đất nước.

Về lâu dài, cần tập trung thực hiện chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu theo phương châm đổi mới, sáng tạo để thực sự "thầy ra thầy, trò ra trò, học thật, thi thật, nhân tài thật…”

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Thị Việt Thanh, trong xã hội nào, vai trò của người thầy cũng đều rất quan trọng.

Đó không chỉ là người đảm nhiệm dạy dỗ, truyền đạt kiến thức ở những mức độ khác nhau, từ những nét bút, cách ghép vần, cách tính những con số đơn giản đầu tiên, đến những kiến thức chuyên môn sâu sắc, uyên thâm, mà còn là người luôn đồng hành trên con đường phát triển và rèn luyện trí tuệ và nhân cách của mỗi con người. Chức năng cao quý này không hề thay đổi từ xã hội xưa đến xã hội hiện đại ngày nay.

z5086416061576_d697f96bb3e641b2fbc77b51d9c34a9d.jpg
Phó Giáo sư Nguyễn Thị Việt Thanh (bên phải) nhận hoa từ một học trò cũ (Ảnh: NVCC).

Cô Thanh bày tỏ, trong cuộc đời mỗi con người thường có nhiều người thầy. Có người thầy, cô giáo chu đáo, ân cần chăm sóc từ khi học mẫu giáo đến những người thầy uy nghi, trí tuệ uyên bác trên giảng đường đại học khiến cho học trò ngưỡng mộ, tôn thờ,...

Những người thầy đó đều đóng những vai trò quan trọng trong quá trình trưởng thành của mỗi người. Thế nhưng, ngay cả khi đã trưởng thành, mỗi lần đứng trước các thầy là mỗi lần chúng ta đều cảm thấy mình thật nhỏ bé, e dè như thời đang là học trò trong lớp của thầy.

“Dù đã ở tuổi gần 70, thế nhưng khi có dịp, tôi và bạn bè cùng lớp lại rủ nhau đi thăm một thầy giáo cấp 3 từng dạy Toán cho mình. Đứng trước người thầy 90 tuổi, tự nhiên ai cũng trở nên rụt rè, nói năng cẩn thận, lễ phép như 40, 50 năm trước đây. Ở tuổi cao như vậy nhưng thầy vẫn nhớ tên, nhớ tính cách của mỗi người học trò.

Bản thân tôi cũng là người đã có gần 40 năm công tác với nghề giáo, cũng có rất nhiều kỷ niệm với mỗi thế hệ sinh viên của mình. Nhưng giây phút cảm động nhất là khi các sinh viên cũ đến thăm cùng gia đình hay để xin lời khuyên về những khó khăn đang gặp phải. Sợi dây tình cảm “thầy – trò” không còn bó hẹp trong chức năng truyền đạt kiến thức, mà là nơi trao đổi, tư vấn kinh nghiệm sống hay chia sẻ niềm vui”, cô Thanh kể lại.

Cũng theo Phó Giáo sư Nguyễn Thị Việt Thanh, mùng 3 Tết thầy là một phong tục đẹp, do đó, cần được duy trì dù xã hội phát triển và hiện đại đến đâu. Tuy vậy, không nên biến tướng phong tục này trở thành một “nghĩa vụ” để biếu xén thầy cô, chỉ khi thực sự thực tâm, thực lòng, hành động này mới mang lại ý nghĩa tốt đẹp.

Trong điều kiện hiện nay, có thể không cần đến thăm trực tiếp mà gọi điện thoại, thậm chí chúc sức khỏe thầy cô giáo cũ qua các nền tảng mạng xã hội cũng là hình thức được nhiều người sử dụng.

Cùng bày tỏ quan điểm về phong tục mùng 3 Tết thầy trong xã hội hiện đại, Tiến sĩ Đặng Tự Ân chia sẻ, đây là một hành vi văn hóa điển hình của Tết Nguyên đán nước ta, là nếp sống cộng đồng của cả dân tộc, nên dù trong xã hội hiện đại cũng không thể mất đi.

Theo thầy Ân, giáo dục phải phát triển theo quy luật tiến hóa, tức là phải có sự kế thừa nhưng không cắt bỏ tất cả quá khứ.

Truyền thống hiếu học, kính trọng người thầy; sống yêu thương, độ lượng, có nghĩa có tình như lời thầy dạy là những giá trị nhân văn sâu sắc được sinh dưỡng qua bao đời, là sức mạnh cội nguồn giúp đất nước phát triển.

“Mùng 3 Tết thầy” là nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc. Một cách nói "lấp láy" khác đi của thành ngữ này là “Mùng 3 là Tết của Sự biết ơn”. Hiểu như vậy, chúng ta sẽ có định hướng và biết cách nối dài giá trị truyền thống từ xưa vào thực tế xã hội ngày nay.

Biết ơn là một trong những phẩm chất tốt nhất của con người. Nó giúp chúng ta đánh giá cao những điều bản thân đang có và trân trọng những nỗ lực hay thành công của người khác. Và dạy lòng biết ơn cho học sinh cũng là một trong nội dung cơ bản của xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” do tổ chức UNESCO khởi xướng.

Chính vì vậy, Tiến sĩ Đặng Tự Ân cho rằng, phong tục “Mùng 3 Tết thầy” sẽ không mai một và luôn sáng đẹp với tất cả những ai luôn sống vì sự biết ơn.

Tường San