Tết của giáo viên người Việt ở nước ngoài có gì đặc biệt?

06/02/2024 06:42
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù ở Úc, Mỹ hay Lào thì các thầy cô giáo Việt vẫn không quên các hoạt động truyền thống dịp Tết như như: gói bánh chưng, cúng giao thừa, xông nhà, lì xì Tết…

Đối với mỗi người dân Việt Nam, Tết Nguyên đán là dịp đặc biệt nhất trong năm. Đây cũng là kỳ nghỉ dài nhất, mỗi người có thể trở về sum họp bên gia đình, quây quần bên mâm cơm đoàn viên. Tuy nhiên, với những thầy cô giáo Việt ở nước ngoài, dù rất muốn về Việt Nam đón tết nhưng vì khác biệt về thời gian, văn hóa, đôi khi cả điều kiện kinh tế khiến họ không thể trở về quê hương đón tết bên gia đình.

Dẫu vậy, với họ những truyền thống văn hóa của dân tộc dù ở đâu cũng được giữ gìn và phát huy. Thậm chí, có thầy cô đã lập gia đình, có con cũng không quên dạy con hướng về đất Việt với truyền thống uống nước nhớ nguồn.

Để về quê ăn Tết phải chuẩn bị trước vài tháng, chi phí đắt đỏ

Cô Emma Vũ Hoàng Anh tốt nghiệp cử nhân giáo dục tại Đại Học Swinburne, bang Victoria, Úc. Cô hiện là giáo viên tiểu học, đã học tập và làm việc tại thành phố Melbourne gần 11 năm cho biết, năm 2024, cô không thể về Việt Nam ăn tết vì Tết Nguyên đán rơi vào tháng 2. Lúc đó, năm học mới ở Úc đã bắt đầu.

Cô Emma Vũ Hoàng Anh hiện đang là giáo viên tiểu học tại Úc. (Ảnh: NVCC)

Cô Emma Vũ Hoàng Anh hiện đang là giáo viên tiểu học tại Úc. (Ảnh: NVCC)

Cũng theo nữ giáo viên dịp Tết Nguyên đán thường trùng vào kỳ nghỉ của Úc, nên ngoài cộng đồng người Việt có nhu cầu về quê ăn Tết thì đây cũng là thời điểm người dân Úc đi du lịch và người nước ngoài đổ về Úc tham quan nên giá vé máy bay tăng rất cao.

“Trước đây khi còn đi học có lịch nghỉ hè cụ thể, tôi phải đặt vé máy bay trước 3-4 tháng. Hiện tại đã đi làm, thời gian nghỉ khó xác định hơn và nghỉ phép ngắn nên đành phải chấp nhận giá vé cao hơn. Giá vé khoảng $1500-2800 AUD, (tương đương 24 - 47 triệu đồng, theo tỷ giá hiện tại). Vì thế, rất nhiều bạn của tôi bên này đã 5 - 7 năm chưa có điều kiện về Việt Nam ăn Tết”, cô Emma Vũ Hoàng Anh chia sẻ.

Cô Phùng Thùy Linh bắt đầu sang Mỹ học cao học từ hơn 17 năm trước và ở lại làm việc. Hiện tại cô chủ yếu làm việc cho Eduling, xuất bản sách thiếu nhi song ngữ và sách phát triển tiếng Việt và tiếng Tây Ban Nha ở Mỹ. Ngoài ra, cô Linh cũng dạy lớp tiến sĩ cho Đại học Anaheim và đóng vai trò chuyên gia Anh ngữ cho Bộ Ngoại giao Mỹ.

Cô Linh cũng cho biết thêm với bản thân cô, Tết là thời gian để đoàn tụ gia đình, và mỗi năm thêm một tuổi cô lại càng nhớ gia đình vào dịp Tết. Tuy nhiên, vì khoảng cách địa lý xa xôi, thời gian khác biệt và chi phí di chuyển cao khiến việc về quê vào dịp Tết khó khăn hơn.

“Tôi biết bố mẹ và gia đình cũng thương nhớ tôi hơn khi Tết đến. Tôi ít khi về được trong dịp Tết chủ yếu là do lịch làm việc không cho phép. Vì chuyến bay về Việt Nam mất từ 24 - 30 giờ mỗi chiều nên thường mỗi khi về tôi ở lại ít nhất 2 tuần nhưng dịp Tết trùng vào ngày làm việc nên khó sắp xếp thời gian hơn. Vé máy bay ít nhất cũng 1.500 USD (khoảng 36,8 triệu đồng) cho mỗi thành viên trong gia đình nên để về được cả nhà thì phải tốn gấp 3 lần. Tết 2024 tôi không về được, nhưng lúc nào cũng hy vọng sắp xếp được cho những năm sau”, cô Linh chia sẻ.

Thầy Nguyễn Thành Ngọc đã có 10 năm học tập, sinh sống và giảng dạy tại Lào cũng cho hay, năm 2024 sẽ là Tết Nguyên đán thứ 4 thầy phải đón Tết xa quê.

“Tuy hai đất nước giáp nhau nhưng để thu xếp công việc và chuẩn bị cho mỗi lần về Việt Nam là cả một quá trình phải lên kế hoạch từ trước. Đầu tiên phải có đơn xin nghỉ phép gửi nhà trường và cơ quan chủ quản sau đó phải đặt vé máy bay.

Đối với tôi mỗi lần về và sang là phải đi 4 chặng. Chặng đầu từ tỉnh tôi công tác về Thủ đô Viêng Chăn rồi từ Thủ đô Viêng Chăn bay về Hà Nội. Sau đó tôi lại bắt xe về quê Bắc Giang. Thông thường tôi được nghỉ Tết khoảng 1 tuần, sau đó lại bay trở lại”, thầy Ngọc bày tỏ.

Thầy Nguyễn Thành Ngọc là giáo viên dạy tiếng Việt tại Lào. (Ảnh: NVCC)

Thầy Nguyễn Thành Ngọc là giáo viên dạy tiếng Việt tại Lào. (Ảnh: NVCC)

Dù ở đâu vẫn không quên những nét đẹp trong tết cổ truyền

Cô Phùng Thùy Linh kể từ khi sang Mỹ chỉ về ăn Tết với gia đình được 2-3 lần vì lịch Tết trùng với lịch làm việc ở Mỹ. Dù vậy cô vẫn đều đặn tham gia các sự kiện liên quan đến Tết Nguyên đán tại Mỹ để vơi đi nỗi nhớ quê.

“Điều tôi nhớ nhất là đêm giao thừa vì ông bà, bố mẹ, và gia đình thường tụ họp ở nhà bố mẹ tôi để quây quần đón khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Giờ tôi chỉ còn ông bà nội nên thấy thương và nhớ gia đình rất nhiều nhất là trong dịp này.

Năm nay tôi không về thăm gia đình được nhưng dự định tham gia sự kiện Tết của cộng đồng người Việt ở Pittsburgh, mua bánh chưng và đồ trang trí Tết. Ngoài ra, tôi sẽ chia sẻ cuốn sách Four Seasons Together: Bốn mùa cùng nhau về chủ đề gia đình và Tết với mọi người.

Cộng đồng người Việt có một buổi hội Tết thu hút đến hàng trăm người tham gia. Có múa lân, văn nghệ, lì xì cho trẻ nhỏ, và bán đồ Tết. Chùa của người Việt cũng tổ chức cho các em nhỏ đến cầu nguyện và nhận lì xì. Các gia đình thì có người tổ chức và có người không nhưng thường nhớ về Tết qua trang trí nhà cửa, mua hay làm đồ ăn Tết, và mời bạn bè đến ăn uống một buổi”, cô Linh chia sẻ.

Cô Linh cùng con gái mặc áo dài, tham gia các hoạt động cùng cộng đồng người Việt tại Mỹ. (Ảnh: NVCC)

Cô Linh cùng con gái mặc áo dài, tham gia các hoạt động cùng cộng đồng người Việt tại Mỹ. (Ảnh: NVCC)

Đối với cô Emma Vũ Hoàng Anh, thành phố nơi cô sinh sống có khá nhiều người Việt. Cô cũng thường cùng bạn bè sum họp vào dịp Tết nhưng nữ giáo viên cho hay không thể so sánh được với cảm giác được ở bên gia đình, nhất là vào lúc giao thừa.

“Trong những lần đón Tết xa nhà, điều khiến tôi nhớ nhất là cảm giác gia đình sum vầy. Vì Tết âm lịch không phải là ngày lễ chính thức của Úc nên mọi người không được nghỉ mà vẫn đi học, đi làm như những ngày khác trong năm. Thường tôi sẽ cùng những người bạn Việt Nam bên này ăn một bữa tối cho giống bữa cơm tất niên. Chúng tôi đều là những người xa quê hương để du học và làm việc, nên đều có điểm chung là không có gia đình bên cạnh.

Dù tụ họp với bạn bè như thế cũng rất vui, nhưng không thể thay thế cảm giác gia đình sum vầy, nhất là vào khoảnh khắc giao thừa. Cũng may là thời đại bây giờ đã có công nghệ hỗ trợ, nên chúng tôi vẫn có thể mời gia đình tại Việt Nam tham gia bữa tất niên online qua video call”, cô Emma Vũ Hoàng Anh chia sẻ.

Cũng theo nữ giáo viên, cô cảm thấy may mắn khi sinh sống ở Melbourne, nơi có cộng đồng người Việt khá lớn mạnh. Vào các ngày cuối tuần gần Tết Nguyên đán, các khu người Việt sẽ lần lượt tổ chức hội chợ Tết rất đông vui.

Ở đó, có các quầy bán đồ ăn truyền thống, đồ ăn vặt, bán đồ trang trí Tết như: câu đối đỏ và đèn lồng, trình diễn áo dài, cổ phục, múa lân, múa rồng, đốt pháo,...

“Dù ở Úc nhiều năm, nhưng tôi vẫn giữ các nét đẹp truyền thống đặc trưng trong Tết Nguyên đán của người Việt. Ví dụ như cúng giao thừa, mặc áo dài đi lễ chùa, mừng tuổi, xông nhà, làm cơm tất niên với các món truyền thống như bánh chưng, giò chả, nem Hà Nội, gà luộc,..”, nữ giáo viên bày tỏ.

Một số hoạt động Tết ở các khu phố tại Úc. (Ảnh: NVCC)

Một số hoạt động Tết ở các khu phố tại Úc. (Ảnh: NVCC)

Cô Emma Vũ Hoàng Anh mặc cổ phục Việt đi chợ Tết của người Việt tại Úc. (Ảnh: NVCC)

Cô Emma Vũ Hoàng Anh mặc cổ phục Việt đi chợ Tết của người Việt tại Úc. (Ảnh: NVCC)

Còn với thầy Nguyễn Thành Ngọc mỗi cái tết xa nhà, điều khiến thầy nhớ nhất chính là những phong tục truyền thống của người Việt vào dịp Tết Nguyên đán.

“Trong những cái tết xa nhà, điều khiến tôi nhớ nhất trong phong tục truyền thống của Việt Nam đó là việc gói bánh chưng. Tôi đã có gần 20 năm kinh nghiệm gói bánh chưng cho gia đình, bà con hàng xóm xung quanh nhà vào mỗi dịp tết đến xuân về. Thế nên mỗi dịp tết đến mà vắng nhà là tôi cảm thấy rất nhớ.

Ngoài ra còn phong tục cúng giao thừa, hằng năm khi ở nhà tôi là người được bố mẹ giao cho nhiệm vụ cúng đêm giao thừa vì tôi là con trai trưởng trong gia đình. Sau khi cúng giao thừa xong cả gia đình ngồi quây quần ăn bữa cơm, lì xì đầu năm mới vô cùng ấm áp.

Năm nay do điều kiện không cho phép nên tôi ở lại đón Tết tại nơi công tác. Tại Lào, người dân không đón tết Nguyên đán như ở Việt Nam. Ở đây họ đón Tết vào tháng 4 dương lịch nên sẽ không có không khí đón năm mới ngoại trừ những thành phố lớn tập trung nhiều người Việt. Còn đối với bản thân tôi công tác tại vùng cao phía Bắc, ít người Việt nên không khí sẽ buồn hơn một chút”, nam giáo viên bày tỏ.

Dù không ăn Tết ở Việt Nam nhưng thầy Ngọc vẫn gói bánh chưng để nhớ hương vị quê hương. (Ảnh: NVCC)
Dù không ăn Tết ở Việt Nam nhưng thầy Ngọc vẫn gói bánh chưng để nhớ hương vị quê hương. (Ảnh: NVCC)
Dù ở Lào nhưng mâm cúng giao thừa của thầy Ngọc cũng tương đối đầy đủ các món ăn truyền thống Việt Nam. (Ảnh tư liệu: NVCC)

Dù ở Lào nhưng mâm cúng giao thừa của thầy Ngọc cũng tương đối đầy đủ các món ăn truyền thống Việt Nam. (Ảnh tư liệu: NVCC)

Thầy Ngọc cũng cho biết thêm để vơi đi nỗi nhớ quê, thầy tham gia một cộng đồng người Việt ở tỉnh Luổng Nạm Tha. Tuy số lượng bà con người Việt không đông như ở những thành phố lớn nhưng mọi người cũng tụ họp lại cùng đón tất niên, gói bánh chưng, lì xì, hát cho nhau nghe để vơi đi nỗi nhớ quê hương.

“Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất khi ăn tết xa gia đình và quê hương có lẽ là năm 2015, đó là cái tết đầu tiên tôi xa gia đình. Đêm giao thừa xem bắn pháo hoa qua ti vi lại có 1 mình ở phòng làm tôi nhớ đến gia đình không cầm lòng được, nhưng vì cuộc sống đi làm và đi học xa nên đành phải chấp nhận.

Năm 2021 cũng là năm đáng nhớ khi dịch Covid-19 diễn ra, đi lại khó khăn và tôi cũng đón Tết tại Lào. Nhưng năm đó tôi đón Tết với một gia đình ở Viêng Chăn, cũng làm đầy đủ mọi thủ tục giống như ở Việt Nam như: thả cá vào ngày 23 ông công ông táo, gói bánh chưng, cúng giao thừa, xông đất… nên phần nào cũng vơi đi nỗi nhớ quê”, thầy Ngọc nhớ lại.

Thầy Ngọc cũng tham gia một cộng đồng người Việt tại Lào để vơi đi nỗi nhớ quê. (Ảnh: NVCC)

Thầy Ngọc cũng tham gia một cộng đồng người Việt tại Lào để vơi đi nỗi nhớ quê. (Ảnh: NVCC)

Dạy con về phong tục truyền thống của dân tộc

Là một người mẹ, đồng thời cũng làm trong lĩnh vực giáo dục, cô Phùng Thùy Linh không quên dạy con về truyền thống văn hóa của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán.

“Con gái tôi mới 5 tuổi nên hình thức dạy con của tôi là giúp con trải nghiệm Tết qua đồ ăn, trang trí nhà cửa, tham gia hoạt động cộng đồng, gặp gỡ các gia đình Việt Nam khác, và đọc sách về Tết. Bản thân tôi còn viết sách thiếu nhi về chủ đề Tết nên con cũng có những kiến thức về Tết ở quê hương của mẹ.

Ngoài những hoạt động kể trên, Tết đến tôi thường nghe những bài hát về Tết và mùa xuân để cảm nhận cảm xúc Tết của quê hương.

Kỉ niệm tôi nhớ nhất là đưa con gái đi tham gia Tết cùng cộng đồng người Việt, diện áo dài, chụp ảnh cùng con, xem múa lân, và vui cùng niềm vui của con trẻ”, cô Linh bày tỏ.

Cô Linh cũng không quên dạy con về những phong tục truyền thống của người Việt. (Ảnh: NVCC)

Cô Linh cũng không quên dạy con về những phong tục truyền thống của người Việt. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, cô Linh cũng hướng về quê hương qua các hoạt động và dự án giáo dục.

“Năm 2023, tôi tham gia chia sẻ với chương trình đào tạo giáo viên qua Đại sứ quán Mỹ và Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Khi về nước tháng 5/2023, tôi cũng có cơ hội tham gia tập huấn do Bộ Quốc phòng tổ chức cho cán bộ giảng dạy ngoại ngữ trong các trường quân đội hai đợt.

Năm 2024, tôi dự định ra mắt cuốn sách chia sẻ các hoạt động thực hành bốn kĩ năng tiếng Anh cùng kết hợp với một thạc sĩ trong nước và tiếp tục chia sẻ tài liệu trong cuốn sách IELTS Speaking Part 2: Strategies, Model Speeches, and Practice Activities và cuốn sách thiếu nhi Tug of Words: Trò chơi kéo co ngôn ngữ đã có mặt ở Việt Nam.

Ngoài ra, tôi cũng ra mắt ứng dụng phát triển ngôn ngữ Tiếng Anh. Chưa bao giờ tôi thấy kết nối với Việt Nam và tiếng Việt lại bền chặt như hiện tại. Có lẽ cũng vì những mong muốn cá nhân muốn con và gia đình gần gũi với quê hương mà tôi có thêm động lực chia sẻ trong thời gian qua”.

Dù ở Mỹ không đón Tết âm lịch nhưng cô Linh vẫn trang trí nhà cửa, chuẩn bị các món ăn trong tết cổ truyền của người Việt. (Ảnh: NVCC)

Dù ở Mỹ không đón Tết âm lịch nhưng cô Linh vẫn trang trí nhà cửa, chuẩn bị các món ăn trong tết cổ truyền của người Việt. (Ảnh: NVCC)

Trong khi đó, cô Emma Vũ Hoàng Anh cũng dự định năm 2024 sẽ tiếp tục phát triển kênh Tik Tok nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về giáo dục và cuộc sống tại Úc.

“Hy vọng kênh có thể giúp đỡ được cộng đồng du học sinh Việt Nam và đặc biệt là cộng đồng giáo viên người Việt tại Úc có thêm các kiến thức. Việc hợp tác và liên kết giáo dục giữa Việt Nam và Úc cũng là một ý tưởng mà tôi đang mong muốn hướng tới và sẵn sàng đón nhận các cơ hội mới. Trong tương lai, tôi mong muốn sẽ có cơ hội mang những kiến thức hữu ích mình học được từ nền giáo dục Úc để góp phần phát triển giáo dục cho các thế hệ trẻ Việt Nam”.

Cô Emma Vũ Hoàng Anh dự định tiếp tục phát triển thêm kênh TikTok chia sẻ về cuộc sống và giáo dục ở Úc. (Ảnh: NVCC)

Cô Emma Vũ Hoàng Anh dự định tiếp tục phát triển thêm kênh TikTok chia sẻ về cuộc sống và giáo dục ở Úc. (Ảnh: NVCC)

Nhân dịp Tết Nguyên đán, các thầy cô giáo người Việt ở nước ngoài cũng gửi lời chúc tới các nhà giáo Việt Nam và các thầy cô người Việt ở các nước trên thế giới một năm mới mạnh khỏe, bình an, vạn sự như ý cũng như có nhiều niềm vui và thành tựu trong sự nghiệp trồng người.

Nhật Lệ