Đề kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ trong huyện, tỉnh chung đề có còn phù hợp?

21/02/2024 08:51
Minh Khôi

GDVN - Theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, việc kiểm tra đánh giá (bao gồm ra đề kiểm tra định kì) được thực hiện ở trường và do hiệu trưởng tổ chức thực hiện.

Hiện nay, giáo dục phổ thông đang thực hiện song song 2 chương trình giáo dục phổ thông 2006 với lớp 5,9,12 và chương trình giáo dục phổ thông 2018 với các lớp còn lại, đến năm 2024-2025 sẽ thực hiện ở toàn bộ bậc phổ thông.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm mới, tiến bộ so với hiện hành.

Tuy nhiên, một vấn đề được giáo viên, phụ huynh và học sinh quan tâm là hiện nay việc đơn giản, giảm áp lực kiểm tra, đánh giá vẫn còn, việc kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ vẫn còn hình thức, áp lực,…chưa đúng tinh thần giảm tải, nhẹ nhàng.

GDVN_anh-minh-hoa-anh-hoai-an-8123.jpg
Ảnh minh họa

Quy định về kiểm tra đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ hiện nay theo chương trình giáo dục phổ thông 2018

Một số thông tin về kiểm tra, đánh giá định kỳ theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo quy định tại Điều 7 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT như sau:

Đánh giá định kì (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), gồm đánh giá giữa kì và đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.

Quy định về thời gian làm bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có từ 70 tiết/năm học trở xuống là 45 phút, đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có trên 70 tiết/năm học từ 60 phút đến 90 phút; đối với môn chuyên tối đa 120 phút.

Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng điểm số, đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề kiểm tra, đáp ứng theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.

Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng nhận xét, bài thực hành, dự án học tập, phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông trước khi thực hiện.

Về số lần kiểm tra định kỳ, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định trong mỗi học kì, mỗi môn học đánh giá bằng nhận xét có 01 (một) lần đánh giá giữa kì và 01 (một) lần đánh giá cuối kì. Trong mỗi học kì, mỗi môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có 01 (một) điểm đánh giá giữa kì và 01 (một) điểm đánh giá cuối kì.

Những học sinh không tham gia kiểm tra, đánh giá đủ số lần theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 7 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT nếu có lí do bất khả kháng thì được kiểm tra, đánh giá bù với yêu cầu cần đạt tương đương với lần kiểm tra, đánh giá còn thiếu. Việc kiểm tra, đánh giá bù được thực hiện theo từng học kì.

Trường hợp học sinh không tham gia kiểm tra, đánh giá bù theo quy định tại khoản 4 Điều này thì được đánh giá mức Chưa đạt hoặc nhận 0 (không) điểm đối với lần kiểm tra, đánh giá còn thiếu.

Vì sao kiểm tra đề chung huyện, tỉnh đã không còn phù hợp?

Thực tế, chương trình mới đã giảm tải về kiểm tra, đánh giá cuối kỳ cho giáo viên, học sinh vì số lần kiểm tra định kỳ chỉ còn 1 lần giữa kỳ và 1 lần cuối kỳ.

Nhưng, hiện nay các việc kiểm tra, đánh giá cuối kỳ vẫn còn nặng hình thức, vẫn áp lực.

Nguyên nhân do các địa phương và cơ sở giáo dục vẫn còn tổ chức các kỳ kiểm tra, đánh giá áp lực như chung đề trong tỉnh, huyện.

Mặc dù, việc kiểm tra đề chung vẫn có một số ưu điểm khi giáo viên dạy hết mình, không dạy theo đề, chất lượng có thể nâng cao.

Tuy nhiên, theo người viết, nhược điểm sẽ lớn hơn như tạo áp lực lên giáo viên và học sinh, chưa đúng tinh thần đổi mới là giảm áp lực học tập, thi cử, vô hình trung tạo cuộc đua điểm số, dạy thêm học thêm tràn lan,…

Nên, theo quan điểm của người viết, việc kiểm tra định kỳ bao gồm kỳ kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ nên giao cho giáo viên chủ động và được tổ trưởng, ban giám hiệu duyệt, các lớp khác nhau có thể kiểm tra với đề khác nhau, không nhất thiết phải tổ chức các kỳ kiểm tra định kỳ chung đề trong huyện, tỉnh vì các lý do sau đây:

Thứ nhất, giảm áp lực lớn lên giáo viên và học sinh

Việc giao cho giáo viên được toàn quyền chủ động ra kiểm tra cuối kỳ, giữa kỳ sẽ đánh giá đúng thực chất năng lực từng học sinh, giáo viên dạy 2 lớp khác nhau có thể ra 2 đề kiểm tra khác nhau, để đánh giá đúng đối tượng học sinh, không tạo áp lực lên giáo viên và học sinh.

Dạy học kết hợp trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống là mục tiêu cao cả của chương trình mới, giáo dục vì điểm số tạo áp lực lên người học nên bị đẩy lùi.

Thứ hai, dạy học không còn theo hướng học chỉ để thi, học vì điểm số

Tinh thần đổi mới kiểm tra, đánh giá từ nhiều năm nay là đánh giá gắn liền với giảng dạy, để đánh giá thực sự là một khâu của quá trình giáo dục, chỉ có giáo viên dạy mới đánh giá đúng năng lực người học. Giáo viên được trao quyền để đánh giá học sinh ngay trong quá trình giảng dạy và cả các đánh giá định kỳ là một tất yếu, không thể thay đổi.

Dạy học, kiểm tra, đánh giá định kỳ có thể bằng nhiều cách thức, phương pháp, trải nghiệm, dự án,…đồng phục đề kiểm tra đánh giá định kỳ đã không còn phù hợp.

Còn kiểm tra đề chung thì còn học để thi, học vì điểm số.

Thứ ba, kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ theo quy định trong số tiết của phân phối chương trình môn học

Chương trình giáo dục phổ thông 2018, số tuần thực học là 35 tuần/năm học.

Thực tế, các môn học, mỗi học kỳ sẽ có 1 bài kiểm tra giữa kỳ, 1 bài kiểm tra cuối kỳ, được quy định trong phân phối chương trình mỗi môn học.

Nên đã gọi là kiểm tra thì kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ chỉ là một hoạt động đánh giá quá trình học tập, không nên tạo áp lực khi phải kiểm tra chung đề toàn huyện, tỉnh giống như một kỳ thi.

Thứ tư, nhiều bất cập khi kiểm tra đề chung

Kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ theo hình thức đơn giản, nhẹ nhàng, giảm áp lực cho thầy và trò. Tuy nhiên, việc ra đề chung huyện, tỉnh khiến việc kiểm tra định kỳ nhiều áp lực, nhiều hạn chế.

Ví dụ gần đây kỳ kiểm tra đề chung ở một huyện, có 1 đơn vị trường học nhầm lịch thi thì cả huyện, tỉnh phải kiểm tra lại, tốn kém.

Nếu giao đơn vị tự chủ ra đề, kiểm tra thì sẽ không phải tốn kém ngân sách, kinh phí lớn, nếu có sai sót thì chỉ trong phạm vi nhỏ dễ khắc phục.

Thứ năm, đề kiểm tra chung huyện, tỉnh sẽ tạo ra áp lực rất lớn, giảm ý nghĩa của việc đánh giá trên lớp học, phát triển năng lực học sinh.

Đổi mới giáo dục đang thực hiện phát triển năng lực người học, trao quyền và thúc đẩy các đánh giá trên lớp học, nhằm nâng cao chất lượng học tập của học sinh trên lớp học, đa dạng hình thức đánh giá.

Nếu kiểm tra đề chung, đồng phục đề kiểm tra thì việc đánh giá giờ đây không chỉ nhằm vào kiến thức, vào kết quả học tập, mà cần các thông tin trong quá trình, bao gồm thái độ, động cơ, cảm xúc, kỹ năng vận dụng, kỹ năng thực hành... Những yếu tố đó bị coi nhẹ thì khó đạt mục tiêu chương trình đã đề ra.

Thứ sáu, không có quy định ra đề chung ở chương trình mới

Khoản 2 Điều 18 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định việc kiểm tra đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông quy định trách nhiệm của hiệu trưởng như sau:

Tổ chức thực hiện việc đánh giá học sinh theo quy định của Thông tư này tại cơ sở giáo dục; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì của giáo viên; hàng tháng ghi nhận xét và ký xác nhận vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học).

Theo quy định này, việc kiểm tra đánh giá (bao gồm ra đề kiểm tra định kì) được thực hiện ở trường và do hiệu trưởng tổ chức thực hiện.

Nên, hiện nay, không có bất kỳ quy định nào các bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ phải kiểm tra theo đề chung trong toàn huyện, tỉnh.

Như vậy, việc các nhà trường ra đề kiểm tra vừa phù hợp với Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT vừa hạn chế tối đa việc lộ, lọt hoặc các sự cố khác về đề như ảnh hưởng toàn huyện, tỉnh

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi