Bộ GDĐT nêu lý do yêu cầu dừng tuyển thẳng lớp 10 đối với HS có chứng chỉ IELTS

27/02/2024 14:39
Tường San

GDVN-Yêu cầu dừng tuyển thẳng lớp 10 đối với học sinh có chứng chỉ quốc tế của Bộ Giáo dục và Đào tạo là yêu cầu phải thực hiện đúng quy định của Quy chế đã ban hành.

Trong vài năm qua, một số địa phương đưa IELTS - bài thi tiếng Anh chuẩn hóa cho người không nói tiếng Anh bản xứ vào kế hoạch tuyển sinh lớp 10. Theo đó, 3 hình thức chính được các tỉnh, thành phố sử dụng là tuyển thẳng, cộng điểm, miễn thi và quy đổi thành điểm môn tiếng Anh cho những thí sinh có IELTS, thường tính từ 4.0/9.0 trở lên.

Tuy nhiên, ngày 23/2/2024, Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu một số tỉnh, thành phố dừng việc tuyển thẳng vào lớp 10 bằng chứng chỉ IELTS.

Về vấn đề Bộ có quyết định dừng tuyển thẳng lớp 10 đối với các học sinh có chứng chỉ quốc tế, trao đổi với báo chí, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, Quy chế tuyển sinh từ trung học cơ sở vào trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo không có quy định này và Bộ cũng chưa bao giờ cho phép việc này.

Do đó, yêu cầu dừng tuyển thẳng lớp 10 đối với học sinh có chứng chỉ quốc tế của Bộ Giáo dục và Đào tạo là yêu cầu phải thực hiện đúng quy định của Quy chế đã được ban hành.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy một số địa phương đã phê duyệt kế hoạch tuyển sinh, trong đó có bổ sung những nội dung ngoài quy định của Bộ. Chính vì vậy, Bộ đã yêu cầu các địa phương đó cần điều chỉnh ngay việc này để thực hiện việc tuyển sinh đúng theo Quy chế tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

IMG_3544.JPG
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn.

Về căn cứ để Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định 4 nhóm đối tượng thuộc diện tuyển thẳng trong Quy chế tuyển sinh hiện nay, Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Thành thông tin, một trong những căn cứ rất quan trọng được Bộ đưa ra để xây dựng thông tư cũng như xin ý kiến ban hành thông tư theo đúng quy trình của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật là làm sao đảm bảo được sự công bằng nhất đối với tất cả các em học sinh.

Do đó, đối với những đối tượng được tuyển thẳng đều là những đối tượng chính sách cần có sự ưu tiên để tạo điều kiện cho các đối tượng đó có thể tiếp tục học tập ở cấp phổ thông.

Ngoài ra, một phần ưu tiên dành cho các em học sinh đã tham gia các giải quốc gia, quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và cuộc thi khoa học kỹ thuật. Đó chính là những căn cứ để Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Quy chế tuyển sinh và thực hiện từ năm 2014 đến thời điểm này.

Điều này có nghĩa, những thí sinh có giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố hoặc chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thì sẽ không được hưởng bất cứ ưu tiên nào khi mà xét tuyển vào lớp 10 theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện nay.

Cũng theo Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Thành, nếu các gia đình đã đầu tư cho con học ngoại ngữ tốt hơn và có thể đăng ký thi để lấy được chứng chỉ, việc học đó cũng không đi đâu mất cả.

Hơn nữa, nội dung học để thi được chứng chỉ cũng rất tốt, đây cũng là việc khuyến khích các em học để rèn luyện các kỹ năng bởi thi chứng chỉ có yêu cầu về các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Do đó, nếu đã đầu tư cho các em học ngoại ngữ và đạt được một năng lực nào đó là rất tốt, không có gì là lãng phí. Và nếu học sinh đã được đầu tư học tập như vậy, khi thi vào lớp 10 ở địa phương nào có môn thi là môn Ngoại ngữ, bản thân các em đã sẵn sàng lợi thế, cũng không cần thiết việc khuyến khích hơn các bạn khác.

Và đây không phải việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định mới mà đã có văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện theo đúng yêu cầu cần thực hiện trong những năm vừa qua.

"Trước đây, theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2014 về Quy chế tuyển sinh Trung học cơ sở và tuyển sinh Trung học phổ thông có điều khoản quy định về đối tượng được cộng điểm khuyến khích Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo quy định và việc khuyến khích chỉ được thực hiện từ năm 2014 đến năm 2018.

Việc ban hành quy định này với mong muốn tạo điều kiện, khuyến khích các em học tập nhưng khi thực hiện, Bộ nhận thấy rằng, việc khuyến khích phải tính đến sự công bằng trong giáo dục cho các em học sinh.

Thực tế, cùng một địa phương, những địa bàn học sinh được tiếp cận học ngoại ngữ, gia đình có điều kiện học tập, đặc biệt là học tập để lấy chứng chỉ quốc tế với chi phí cao sẽ thuận lợi hơn so với những địa bàn có điều kiện khó khăn hơn. Như vậy, về năng lực, về tiềm năng, trí tuệ của học sinh đó tốt nhưng điều kiện thuận lợi ít hơn thì không có chứng chỉ.

Do đó, Bộ nhận thấy rằng, nếu quy định khuyến khích ấy giao cho các Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thì có thể sẽ tạo ra sự không công bằng trong giáo dục. Chính vì vậy, năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT sửa đổi bổ sung Thông tư 11, trong đó đã Khoản 3, Điều 7 quy định về đối tượng được cộng điểm khuyến khích", ông Thành nêu.

Ông Thành bày tỏ, chúng ta phải nghĩ rằng việc học ngoại ngữ là một nhu cầu tự thân của các em học sinh, học để nắm được ngoại ngữ, dùng đó làm phương tiện học tập và để sau này làm việc chứ không phải với mục đích để thi lấy chứng chỉ để được tuyển thẳng hay ưu tiên trong tuyển sinh. Như vậy, việc học đó không phải nhu cầu tự thân mà do động lực bên ngoài.

Vậy nên, nhân đây, Bộ cũng kêu gọi các bậc cha mẹ học sinh hãy nghĩ rằng lợi ích lâu dài trong việc học ngoại ngữ của con mình là trang bị cho con phương tiện, công cụ học tập, để làm việc cho tốt hơn, không nên chạy đua nhằm trang bị cho mình một cái chứng chỉ để được ưu tiên cộng điểm khi tuyển sinh.

Bên cạnh đó, theo ông Thành, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng luôn quan điểm “học ngoại ngữ là chủ trương lớn của đất nước”. “Học ngoại ngữ” ở đây là trang bị cho học sinh một năng lực ngoại ngữ để các em có một phương tiện tiếp cận nguồn tri thức trong nước và hội nhập quốc tế.

Và việc khuyến khích học ngoại ngữ đã được thực hiện trong những năm qua và đến thời điểm này, chúng ta có thể nhận thấy rằng, học sinh ở lứa tuổi học trung học phổ thông về mặt ngoại ngữ có những thay đổi rõ rệt so với trước đây. Việc các em có thể đọc trên mạng, vào các website quốc tế tìm kiếm tài liệu để học đã tốt hơn so với trước đây rất nhiều.

Đó mới chính là việc mà chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn và trong chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đẩy mạnh việc này để học sinh có được động lực tự thân trong quá trình học ngoại ngữ.

Trong quá trình học tập, ngoài nội dung môn Ngoại ngữ, có một số môn học được dạy bằng ngoại ngữ. Việc này cũng có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả chế độ khuyến khích nhằm quán triệt đến địa phương, nhà trường có thể triển khai tổ chức, học tập môn Ngoại ngữ trong nhà trường theo đúng quy định, chương trình một cách hiệu quả nhất và như thế thì các em học chứng chỉ ngoại ngữ để dùng chứ không phải học ngoại ngữ chỉ là để học ngoại ngữ.

Trước kỳ tuyển sinh đầu cấp lớp 10 năm 2024, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng đưa ra lời khuyên cho các em học sinh rằng: "Học là để chiếm lĩnh kiến thức, phát triển kỹ năng, phát triển năng lực thực sự của bản thân và năng lực thực sự ấy mới quan trọng để sau này các em có định hướng tốt cho học lên, có định hướng tốt hơn cho nghề nghiệp.

Trên thực tế, với yêu cầu của thị trường việc làm hiện nay, người lao động có năng lực đến đâu sẽ có cơ hội việc làm đến đấy chứ không chỉ là câu chuyện học để lấy tấm bằng.

Vì vậy, học sinh phải có động lực học và học một cách thực sự nghiêm túc. Khi đã học thật rồi, bất cứ kỳ thi nào cũng không cần trông chờ vào sự ưu tiên. Nếu thật sự mình ở đối tượng ấy được ưu tiên, được tuyển thẳng thì chúng ta hưởng nhưng nếu không, chúng ta học để có năng lực cho bản thân.

Trải qua các kỳ thi, các em học sinh cần chứng minh được năng lực thực sự của mình để có kế hoạch học tập tốt hơn, lựa chọn nghề nghiệp đúng hơn, phát triển và đáp ứng yêu cầu cho bản thân các em cũng như đóng góp cho gia đình và xã hội".

Tường San