Bộ GD&ĐT yêu cầu dừng xét tuyển vào lớp 10 bằng IELTS là hợp lý

28/02/2024 06:34
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Việc dùng chứng chỉ IELTS để tuyển thẳng vào lớp 10 không thể đánh giá được năng lực học tập toàn diện của học sinh.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2024-2025.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các tỉnh, thành dừng tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên vào lớp 10 với thí sinh có giải học sinh giỏi tỉnh, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ IELTS.

Theo các chuyên gia, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu không tuyển thẳng lớp 10 bằng IELTS là hợp lý.

Tuyển thẳng IELTS dẫn tới sai lệch trong định hướng dạy Tiếng Anh bậc phổ thông

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Sóng Hiền nêu chia sẻ: "Nhìn ở góc độ chính sách giáo dục, tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Bộ khi yêu cầu các địa phương dừng sử dụng chứng chỉ IELTS để xét tuyển vào lớp 10 .

Trong thực tế ở các cấp học hiện nay, việc ưu tiên sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS cho đánh giá, xếp loại năng lực tiếng Anh của học sinh thay cho chứng chỉ ngoại ngữ dựa trên khung năng lực ngoại ngữ Châu Âu do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dẫn đến sự lệch lạc nhận thức về định hướng dạy Tiếng Anh trong hệ thống giáo dục phổ thông của chúng ta".

421992146_384035864254740_6762238624446829001_n.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Sóng Hiền đồng tình với việc không tuyển thẳng vào lớp 10 với thí sinh có chứng chỉ IELTS. Ảnh: NVCC

Theo Tiến sĩ Nguyễn Sóng Hiền, thực tế chứng chỉ IETLS quốc tế được thiết kế như một công cụ đánh giá năng lực tiếng Anh dành chung cho các thí sinh đến từ các quốc gia mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ và mang tính học thuật hơn là ứng dụng cho giao tiếp trong thực tế đời sống hàng ngày.

Bên cạnh đó nó không có một chương trình cụ thể phục vụ cho mục đích giảng dạy và phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết theo các cấp độ của người học.

Thay vào đó, những thí sinh muốn đạt được chứng chỉ này chủ yếu tập trung vào ôn luyện các dạng đề theo khung định sẵn. Điều nguy hại nhất khi đề cao chứng chỉ quốc tế này là dẫn đến việc sai lệch mục đích của việc dạy và học tiếng Anh trong bậc học phổ thông.

Theo quan điểm của chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các tỉnh, thành dừng tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên với thí sinh có giải học sinh giỏi, chứng chỉ IELTS và tương đương vào lớp 10 công lập là phù hợp.

Cô Quyên cho hay, khi dừng việc cộng điểm ưu tiên hoặc tuyển thẳng bằng IELTS cũng đồng nghĩa với việc học sinh sẽ tập trung vào việc học để lấy kiến thức chứ không phải chạy theo việc học để lấy bằng cấp, chứng chỉ. Điều này hoàn toàn phù hợp với khoa học và hiệu quả trong giáo dục đào tạo.

Năng lực của con người cần được đánh giá dựa trên khả năng tư duy, chính vì vậy, IELTS không phải là điều kiện duy nhất cần cho sự thành công của một học sinh.

Bên cạnh đó, tiếng Anh là một phương thức giao tiếp nên không thể sử dụng chứng chỉ IELTS để đánh giá năng lực học sinh hay biến thành một kỹ năng ưu tiên, nhất là khi trí tuệ nhân tạo hiện nay đã trở thành phương tiện hỗ trợ và có thể xóa bỏ rào cản ngôn ngữ trên toàn cầu.

gdvn_cotothuydiemquyen1_giaoduc.net.vn.jpg
Cô Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng, việc dừng tuyển thẳng vào lớp 10 với thí sinh có chứng chỉ IELTS giúp học sinh tập trung học tập vì kiến thức. Ảnh: giaoduc.net.vn

Theo chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, việc tuyển thẳng bằng chứng chỉ IELTS sẽ dẫn tới việc học sinh đổ xô đi học IELTS. Bên cạnh đó, điều này cũng vô tình tạo ra sự không công bằng giữa học sinh ở các vùng, miền hay những học sinh có điều kiện học tập khác nhau.

“Khi học môn tiếng Anh, học sinh sẽ có nhiều con đường khác nhau để phát triển khả năng nói tiếng Anh chứ không nhất thiết phải là IELTS. Chính vì vậy, khi quá tập trung vào IELTS, người học chỉ chạy đua ôn thi lấy chứng chỉ, chứ không vì mục tiêu nâng cao năng lực tiếng Anh, khả năng giao tiếp.

Nhưng nếu mục tiêu học tập chỉ để lấy chứng chỉ IELTS là hoàn toàn sai lầm. Bởi vậy, quyết định này của Bộ Giáo dục và Đào tạo hầu hết được những nhà giáo dục ủng hộ và cho rằng đây quyết định sáng suốt”, cô Quyên thông tin thêm.

Tuyển thẳng IELTS vô tình phủ nhận vai trò của chương trình tiếng Anh cơ sở

Cũng theo cô Quyên, việc cộng điểm ưu tiên và tuyển thẳng với thí sinh có chứng chỉ IELTS sẽ vô tình phủ nhận vai trò của chương trình tiếng Anh cơ sở.

Điều này dẫn đến học sinh sẽ học lệch, bởi học sinh chỉ tập trung thi chứng chỉ đó chứ không phải chú trọng học chương trình phổ thông. Có những em đạt được chứng chỉ IELTS nhưng kỹ năng giao tiếp lại không không tương đương với cái chứng chỉ đạt được bởi chứng chỉ đó hoàn toàn do học kiểu luyện thi.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Sóng Hiền, mục đích căn bản nhất của việc dạy và học tiếng Anh của bậc học phổ thông là phát triển dần các kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, giúp các em sau khi hoàn thành bậc phổ thông có thể sử dụng được tiếng Anh như một công cụ giao tiếp quốc tế.

Mà để đạt được mục tiêu này không có chương trình ngoại ngữ nào khác ngoài chương trình ngoại ngữ dựa trên khung năng lực ngoại ngữ Châu Âu do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn .

Việc lạm dụng chứng chỉ quốc tế, sử dụng IELTS làm tiêu chí đánh giá năng lực tiếng Anh của học sinh phổ thông vô tình gây ra bất bình đẳng trong giáo dục và không phù hợp với sứ mệnh của nền giáo dục Việt nam - một nền giáo dục đại chúng và mọi học sinh đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực giáo dục.

Việc đề cao chứng chỉ quốc tế này chỉ tạo thuận lợi cho những học sinh gia đình khá giả, ở thành phố có điều kiện để ôn luyện và sẽ không công bằng với những học sinh ở miền núi, vùng xa, điều kiện cuộc sống còn khó khăn.

"Không nên quá đề cao chứng chỉ IELTS, như vậy, chúng ta mới có thể hình thành nên một nền giáo dục có tính hệ thống, đảm bảo sự nhất quán và thống nhất trong toàn bộ các bậc học. Điều này cũng đảm bảo được tính kế thừa, tính thực tiễn, đáp ứng được các mục tiêu giáo dục dựa trên năng lực và phù hợp với thực trạng phát triển năng lực ngoại ngữ của học sinh trong hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay", Tiến sĩ Hiền nêu quan điểm.

Tiến Sĩ Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, cuộc thi vào lớp 10 luôn là câu chuyện mang tính bình đẳng đối với mỗi học sinh.

ts-le-dong-phuong.jpg
Tiến Sĩ Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Mạnh Đoàn

Hiện nay, không nhiều học sinh có điều kiện để đi học IELTS, và IELTS chủ yếu là dành cho các học sinh ở thành phố lớn hoặc gia đình có điều kiện cho con đi học thêm. Vì vậy nếu sử dụng IELTS để tuyển thẳng sẽ thiếu công bằng với những học sinh không có điều kiện để thi IELTS.

Chứng chỉ IELTS chỉ phản ánh một phần là năng lực sử dụng tiếng Anh của học sinh chứ chưa đánh giá được tất cả. Bên cạnh đó, do việc luyện thi IELTS quá nhiều thì học sinh sẽ đạt điểm chứng chỉ cao nhưng thực ra khả năng sử dụng tiếng Anh của các em chưa hẳn là đã tốt.

“IELTS chỉ đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh, chính vì thế, nếu chúng ta quá chú trọng vào IELTS thì sẽ dẫn đến việc các trung tâm hay lò luyện thi mở ra ngày càng nhiều”, Tiến Sĩ Lê Đông Phương chia sẻ.

Cũng theo Tiến sĩ Phương, hiện nay ở các các tỉnh nhỏ cũng đã có rất nhiều học sinh được gia đình bỏ tiền ra để luyện thi IELTS, "cuộc chạy đua" thi IELTS bắt đầu từ lớp 7, lớp 8 là quá sớm và có thể làm ảnh hưởng đến việc học tập bình thường của các em.

Theo chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, chứng chỉ tiếng Anh hay IELTS dùng để tuyển thẳng chỉ nên ở những lĩnh vực học tập bắt buộc phải dùng tiếng Anh trong học thuật hoặc các môn chuyên ngành sử dụng tiếng Anh.

Bên cạnh đó, kết quả học tập còn dựa trên phẩm chất, năng lực và kỹ năng xã hội của học sinh.

“Chúng ta vẫn có thể phát triển kỹ năng ngôn ngữ của mình để nghiên cứu, học tập và giao tiếp quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta có nhiều phương thức học tập khác nhau và mỗi người sẽ lựa chọn phương thức học tập phù hợp với mình để phát triển thay vì đổ xô vào những cuộc thi chứng chỉ quốc tế”, cô Quyên thông tin thêm.

Cũng theo cô Quyên, thay vì thời gian tập trung học ngoại ngữ chỉ để lấy chứng chỉ thì học sinh nên tập trung phát triển năng lực tư duy và kỹ năng giải quyết vấn đề.

4 đối tượng được tuyển thẳng vào lớp 10

Theo điều 7 của văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT, 4 đối tượng được tuyển thẳng THPT gồm: Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; Học sinh là người dân tộc rất ít người; Học sinh khuyết tật; Học sinh đoạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Đối tượng được cộng điểm ưu tiên gồm: Con liệt sĩ; con thương binh mất sức lao động 81% trở lên; con bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên...; Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động, con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số; Người dân tộc thiểu số; Người học đang sinh sống, học tập ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Thu Trang