Học viện Phụ nữ Việt Nam mở ngành Kinh tế số, Trưởng phòng đào tạo nói gì?

20/03/2024 06:23
Ngọc Mai

GDVN - Việc tổ chức và vận hành ngành Kinh tế số của Học viện Phụ nữ Việt Nam bước đầu cũng có những bỡ ngỡ.

Thời điểm này, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đang xây dựng kế hoạch tuyển sinh năm 2024. Đáng chú ý, ngoài các trường giữ ổn định phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng ngành đào tạo, thì một số cơ sở giáo dục thông báo mở các ngành/chuyên ngành mới.

Trong đó có thể kể đến một số ngành/chuyên ngành được nhiều trường dự kiến đưa vào tuyển sinh năm 2024 như: Thiết kế vi mạch, Thiết kế thời trang, Năng lượng tái tạo, Khoa học máy tính, Kinh tế số,...

Tuy nhiên, một vấn đề mà người học, phụ huynh và xã hội quan tâm đó là chất lượng đào tạo của các ngành/chuyên ngành mới này như thế nào để có thể yên tâm, lựa chọn học.

Đơn cử, theo tìm hiểu của phóng viên, trong năm 2024, Học viện Phụ nữ Việt Nam dự kiến mở ngành Kinh tế số. Trong khi đó, theo thông tin trên website học viện đề cập đến sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cán bộ nữ trong hệ thống chính trị; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đa ngành cho đất nước, thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, có ưu tiên nghiên cứu các lĩnh vực liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Phi Long - Trưởng phòng Phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ, hiện tại, học viện đang trong quá trình xây dựng đề án mở ngành, xây dựng chương trình đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học viện dự kiến tuyển 60 chỉ tiêu đối với ngành Kinh tế số.

Lý giải nguyên nhân mở ngành Kinh tế số, theo thầy Long, xã hội đang sống trong kỷ nguyên số, sự chuyển mình mạnh mẽ của khoa học công nghệ và lĩnh vực kinh tế không nằm ngoài sự vận động, phát triển đó. Học viện đã nghiên cứu, khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo, nhu cầu nguồn nhân lực để đề xuất mở ngành Kinh tế số.

"Kinh tế số là ngành học có sự kết hợp giữa kiến thức kinh tế, kinh doanh với những hiểu biết về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để có thể giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong tổ chức kinh doanh, quản trị doanh nghiệp trên nền tảng số. Ngành Kinh tế số cũng sẽ nghiên cứu về cách sử dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, blockchain, big data để phân tích dữ liệu và đưa ra các quyết định kinh tế thông minh, tối ưu nhất", thầy Long chia sẻ.

HV Phụ nữ VN.jpg
Thầy và trò Học viện Phụ nữ Việt Nam trong tiết học. Nguồn ảnh: website nhà trường

Trên thực tế, có một số trường đào tạo ngành Kinh tế số như: Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế); Trường Đại học Đại Nam; Học viện Chính sách và phát triển,...

Chia sẻ về điểm khác biệt trong chương trình đào tạo ngành Kinh tế số của Học viện Phụ nữ Việt Nam, theo thầy Long, mục tiêu, chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra của ngành Kinh tế số được học viện xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm thiết kế chương trình cũng như những vấn đề được rút ra từ quá trình giảng dạy tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.

Khung chương trình đào tạo ngành Kinh tế số có tổng 120 tín chỉ, chưa bao gồm các học phần tiếng Anh cơ bản, Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng. Các học phần được lựa chọn đưa vào chương trình đảm bảo tính hệ thống, tính thống nhất, tính đại diện nhằm giúp người học tiếp thu kiến thức về kinh tế dựa trên nền tảng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây; thực hành nâng cao kỹ năng số để có thể đảm nhiệm công việc tại doanh nghiệp và tổ chức.

"Chương trình đào tạo ngành Kinh tế số được xây dựng trên cơ sở của ngành Kinh tế và ngành Công nghệ thông tin hiện có của học viện.

Chương trình đào tạo ngành Kinh tế số có nhiều học phần mới, đặc trưng, phản ánh việc vận dụng tích hợp phát triển kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số, đảm bảo tính thời sự, hiện đại và bền vững.

Điểm khác biệt hoàn toàn ngành Kinh tế số của học viện so với các cơ sở giáo dục khác là bên cạnh kiến thức ứng dụng công nghệ trong nền kinh tế số, người học sẽ được nghiên cứu và thực hành các nội dung về bình đẳng giới, lồng ghép giới, trao quyền cho phụ nữ trong nền kinh tế số"

_TIẾN SĨ NGUYỄN PHI LONG_

Cũng theo vị trưởng phòng đào tạo, để đáp ứng nhu cầu đào tạo và học tập của ngành Kinh tế số, học viện phải chuẩn bị nhiều bước quan trọng. Trong đó, học viện chú trọng chuẩn bị đội ngũ giảng viên có đủ trình độ, năng lực chuyên môn. Đồng thời, cơ sở vật chất phục vụ thực hành ngành Kinh tế số được trang bị như phòng học thông minh, phòng lab,...

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, học viện cũng đối mặt với nhiều khó khăn khi mở ngành Kinh tế số. Cụ thể, do đây là ngành học mới được đưa vào tuyển sinh và đào tạo của học viện nên có thể học sinh, phụ huynh và xã hội chưa biết đến để đăng ký vào học.

Cũng do chưa có khóa sinh viên nào của ngành Kinh tế số học và ra trường nên sức lan tỏa của ngành đến học sinh, phụ huynh không nhiều; khó có cơ sở để thẩm định, nhận xét, cảm nhận về chất lượng chương trình đào tạo của ngành Kinh tế số.

Chưa kể, việc tổ chức và vận hành ngành Kinh tế số của học viện bước đầu cũng có những bỡ ngỡ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngành Kinh tế số ở một số có sở giáo dục đào tạo đang gặp khó trong công tác tuyển dụng giảng viên giỏi.

Liên quan đến đội ngũ giảng viên, theo thầy Long, ngành Kinh tế số không phải là hợp phần khiên cưỡng của 2 ngành Kinh tế và Công nghệ thông tin nên nếu chỉ đơn thuần là giảng viên ngành Kinh tế hoặc Công nghệ thông tin tham gia dạy ngành Kinh tế số thì sẽ không thể đảm bảo chất lượng của các học phần về kinh tế số (trừ những học phần chuyên về kinh tế hoặc chuyên về công nghệ thông tin).

Dự kiến, giảng viên tham gia dạy ngành Kinh tế số của học viện vừa được bố trí từ giảng viên cơ hữu, vừa được tuyển dụng mới. Để đảm bảo số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên đào tạo ngành Kinh tế số, tới đây, học viện vẫn tiếp tục tuyển dụng giảng viên trình độ cao ngành Kinh tế số.

Mong muốn khắc phục những khó khăn, thầy Long cho biết, về công tác tuyển sinh ngành Kinh tế số, học viện sẽ tiếp tục truyền thông rộng rãi; nghiêm túc công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng cũng như các quy định trong tuyển sinh của học viện, của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo ngành Kinh tế số, học viện cũng ban hành bộ quy trình công việc theo tiêu chuẩn ISO 9001-2005 giúp cho việc vận hành, tổ chức, giám sát thuận lợi; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ đảm bảo chất lượng đào tạo ngành Kinh tế số.

Được biết, năm 2024, Học viện Phụ nữ Việt Nam giữ ổn định 5 phương thức tuyển sinh như năm 2023. Tuy nhiên, đối với phương thức xét kết quả học tập bậc trung học phổ thông, thay vì xét học kỳ I, hoặc cả năm lớp 12 như năm 2023, thì năm 2024, học viện tổ chức xét 5 học kỳ (Học kỳ I, II lớp 10, 11 và Học kỳ I lớp 12). Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của phương thức này cũng thay đổi theo chiều hướng tăng (năm 2024, điều kiện nộp hồ sơ dự tuyển tăng 1,0 điểm so với năm 2023).

3 phương thức gồm: xét tuyển thẳng, xét tuyển sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông và kết hợp học bạ với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được sử dụng cho các đợt xét tuyển sớm của học viện.

Học viện dự kiến tuyển sinh 1.590 chỉ tiêu cho 10 ngành đào tạo. Tuy nhiên, tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến sẽ thay đổi do học viện đang hoàn thiện quy trình mở ngành Kinh tế số (sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho ngành mới).

Ngọc Mai