Trường ĐH nêu lý do khiến ngành Kinh tế số khan hiếm giảng viên giỏi

27/09/2023 06:37
Minh Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bắt kịp xu thế phát triển của thị trường, nhiều trường ĐH đã bắt đầu đào tạo ngành Kinh tế số nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho thị trường.

Trong thời kỳ bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Kinh tế số trở thành xu hướng tất yếu trong nền kinh tế của tất cả các quốc gia. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều cơ sở đào tạo đã bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành Kinh tế số nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho thị trường.

Ngành Kinh tế số có lợi thế gì so với các ngành kinh tế truyền thống?

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đàm Thanh Tú, Phó Trưởng khoa, phụ trách Khoa Kinh tế số, Học viện Chính sách và Phát triển nhận định, so với các ngành Kinh tế truyền thống thì Kinh tế số có một số lợi thế quan trọng.

“Kinh tế số là được hiểu đó là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Do đó, ngành Kinh tế số đương nhiên có một số lợi thế quan trọng so với các ngành kinh tế truyền thống”, thầy Tú cho biết.

Theo đó, Kinh tế số có lợi thế về khả năng tích hợp dữ liệu và phân tích nhờ sử dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để đưa ra quyết định thông minh và dự đoán xu hướng. Điều này giúp các tổ chức và doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu suất.

Hay khả năng đổi mới và tạo ra giá trị mới thông qua các mô hình kinh doanh số hóa, sản phẩm và dịch vụ.

Kinh tế số cũng có nhiều lợi thế hơn về tốc độ và sự linh hoạt, khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu…

Tiến sĩ Đàm Thanh Tú, Phó Trưởng khoa, phụ trách Khoa Kinh tế số, Học viện Chính sách và Phát triển. Ảnh: website nhà trường

Tiến sĩ Đàm Thanh Tú, Phó Trưởng khoa, phụ trách Khoa Kinh tế số, Học viện Chính sách và Phát triển. Ảnh: website nhà trường

Tiến sĩ Đàm Thanh Tú chia sẻ, chương trình đào tạo ngành Kinh tế số tại Học viện Chính sách và Phát triển chú trọng trang bị cho sinh viên các kiến thức, kỹ năng về kinh tế và công nghệ, học và hành gắn kết với nhau.

“Chương trình thường kết hợp kiến thức về kinh tế với các kiến thức về công nghệ thông tin và phân tích dữ liệu. Điều này giúp sinh viên hiểu rõ cách công nghệ số có thể ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định kinh tế và quản lý kinh doanh.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo sẽ có một số học phần gắn với dự án thực tế hoặc cơ hội thực tập tại các tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực Kinh tế số. Điều này giúp sinh viên áp dụng kiến thức trong tình huống thực tế và phát triển kỹ năng thực tế”, vị Phó trưởng khoa chia sẻ.

Trong bối cảnh ngày nay, thầy Tú nhận định, các doanh nghiệp và tổ chức đang tìm kiếm ngày càng nhiều chuyên gia về Kinh tế số để áp dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh. Điều này tạo ra cơ hội nghề nghiệp lớn cho những người học ngành này.

Bên cạnh đó, sự tiến bộ của công nghệ số cũng đang tạo ra các công cụ và nền tảng mới cho việc đào tạo Kinh tế số. Các mô phỏng, công cụ phân tích dữ liệu và học máy (machine learning) ngày càng mạnh mẽ giúp sinh viên học một cách hiệu quả hơn.

“Ngoài ra, trong thời đại kết nối toàn cầu, Internet cho phép sinh viên truy cập tài liệu và khóa học trực tuyến từ mọi nơi. Đây là cơ hội giúp thúc đẩy học tập từ xa và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Kinh tế số một cách hiệu quả hơn”, thầy Tú nhận định.

Tuy nhiên, bên cạnh một số thuận lợi, việc đào tạo ngành Kinh tế số cũng gặp một số thách thức nhất định. Tiến sĩ Đàm Thanh Tú chia sẻ, Kinh tế số rất đa dạng và thay đổi nhanh chóng, điều này đôi khi làm cho việc thiết kế chương trình đào tạo trở nên khó khăn vì phải theo kịp sự thay đổi liên tục trong công nghệ và thị trường.

Sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực Kinh tế số cũng dẫn đến sự khan hiếm về giảng viên có kiến thức và kỹ năng đủ để giảng dạy các khóa học liên quan.

“Điều này đặt ra thách thức trong việc tìm kiếm và giữ lại những giảng viên giỏi và có kinh nghiệm”, thầy Tú chia sẻ trăn trở.

Tài chính cũng là một trở ngại hiện nay trong công tác đào tạo ngành học này. Cụ thể, theo thầy Tú, một số chương trình đào tạo của ngành Kinh tế số như chuyên ngành Phân tích dữ liệu lớn (big data) có thể đòi hỏi đầu tư lớn vào cơ sở vật chất và công nghệ cao để đảm bảo rằng sinh viên có cơ hội tiếp cận môi trường học tập hiện đại.

Khoa Kinh tế số, Học viện Chính sách và Phát triển hợp tác với Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI. Ảnh: Khoa Kinh tế số - APD

Khoa Kinh tế số, Học viện Chính sách và Phát triển hợp tác với Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI. Ảnh: Khoa Kinh tế số - APD

Để nâng cao chất lượng đào tạo ngành Kinh tế số, theo Tiến sĩ Đàm Thanh Tú, cơ sở đào tạo cần hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp để giúp sinh viên có cơ hội thực tập và tham gia vào các dự án thực tế, giúp sinh viên áp dụng kiến thức được học vào thực tế và phát triển mạng lưới nghề nghiệp.

Chương trình đào tạo cũng cần phải thường xuyên cập nhật để phản ánh sự thay đổi nhanh chóng trong công nghệ và thị trường. Đặc biệt, cần ưu tiên phát triển các giảng viên có chất lượng, có kiến thức và kỹ năng đủ để giảng dạy trong lĩnh vực thương mại điện tử và Kinh tế số.

Khuyến khích sinh viên tham gia vào các chương trình trao đổi quốc tế hoặc học tập sau đại học ở nước ngoài để mở rộng tầm nhìn và hiểu biết về Kinh tế số toàn cầu.

Tạo điều kiện cho sinh viên và giảng viên tham gia vào các dự án nghiên cứu và phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ sáng tạo.

Cuối cùng, cần thêm các chính sách hỗ trợ tài chính hoặc học bổng cho sinh viên tài năng nhưng có khó khăn tài chính để tham gia vào chương trình đào tạo ngành Kinh tế số nhằm thúc đẩy tạo ra nhiều nguồn nhân lực chất lượng cho quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số.

Số lượng thí sinh quan tâm đến ngành Kinh tế số có sự gia tăng rõ rệt qua từng năm

Được biết, từ năm 2020, Học viện nông nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu mở ngành đào tạo Kinh tế số. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hiền, Trưởng khoa Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn cho biết, số lượng thí sinh quan tâm đến ngành học này có sự gia tăng rõ rệt qua từng năm.

“Năm đầu tiên đào tạo, số lượng thí sinh đăng ký chỉ khoảng 30 em, tuy nhiên đến năm nay là năm thứ ba, đã có hơn 100 thí sinh đăng kí học ngành Kinh tế số tại Học viện nông nghiệp Việt Nam”, Phó giáo sư Hiền thông tin.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hiền, Trưởng khoa Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NVCC

Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hiền, Trưởng khoa Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NVCC

Với xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực đời sống, Phó giáo sư Hiền nhận định, Kinh tế số là ngành học có nhiều triển vọng với cơ hội nghề nghiệp đa dạng trong tương lai.

Cô Hiền chia sẻ, cử nhân ngành Kinh tế số sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận các vị trí như cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp tại các bộ phận có liên quan đến chuyển đổi số, kinh doanh trực tuyến, quản lý các mô hình sản xuất, kinh doanh trên nền tảng công nghệ số tiên tiến; Chuyên gia, cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp cung cấp các giải pháp kinh doanh trên nền tảng số;

Hay trở thành các chuyên gia quản trị website cho các tổ chức, doanh nghiệp; Chuyên viên tư vấn độc lập về chuyển đổi kỹ thuật số, công nghệ tài chính; Cán bộ, chuyên viên tại các sở ban ngành, cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương có lĩnh vực hoạt động về chuyển đổi số, kinh tế số, kinh doanh số;

Người học ngành Kinh tế số cũng có thể trở thành giảng viên, cán bộ nghiên cứu trong trường đại học, tổ chức đào tạo, viện nghiên cứu có đào tạo kinh tế số, tài chính số, kinh doanh số và nghiên cứu các vấn đề có liên quan về kinh tế số; cán bộ, nhân viên trong các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế có liên quan tới kinh tế số; Tự mình thành lập và điều hành các doanh nghiệp khởi nghiệp trên nền tảng số.

Phó giáo sư Hiền cho biết, một trong những điểm mạnh về đào tạo ngành Kinh tế số tại Học viện chính là đội ngũ giảng viên có trình độ cao với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy. Được biết, hiện toàn khoa có trên 70% giảng viên có trình độ Tiến sĩ trở lên và hầu hết là các thầy cô được đào tạo bài bản ở nước ngoài, có trình độ chuyên môn tốt, ngoại ngữ tốt và tâm huyết với sinh viên; Học viện có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại và có mạng lưới kết nối với các doanh nghiệp.

Chương trình học được tham khảo từ các trường tiên tiến đào tạo Kinh tế số. Sinh viên học ngành Kinh tế số được trang bị cả kiến thức về kinh tế, đặc biệt những hiểu biết về kinh doanh và thương mại dựa trên nền tảng số và các hiểu biết về lĩnh vực kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin,... để có cơ sở khai thác, vận hành các công cụ trên nền tảng số hiệu quả.

Sinh viên ngành Kinh tế số của Học viện nông nghiệp Việt Nam tham gia tọa đàm hướng nghiệp ngành Kinh tế số. Ảnh: NVCC

Sinh viên ngành Kinh tế số của Học viện nông nghiệp Việt Nam tham gia tọa đàm hướng nghiệp ngành Kinh tế số. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, với thế mạnh của các thầy cô giáo trong Khoa về kinh tế nông nghiệp và quản lý nông thôn sinh viên sẽ có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về xuất nhập khẩu, phát triển chuỗi giá trị, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản thông qua ứng dụng công nghệ số, lồng ghép phát triển kinh tế nông thôn thông qua nền tảng công nghệ số”, vị Trưởng khoa nhấn mạnh thêm.

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành Kinh tế số, Phó giáo sư Hiền cho rằng, lực lượng quan trọng đầu tiên là đội ngũ giảng viên phải không ngừng đổi mới, tiếp tục nghiên cứu và cập nhật kiến thức, đặc biệt những nội dung về mảng kinh tế số.

Bên cạnh đó, cần đầu tư thêm hệ thống về cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, tăng cường kết nối với doanh nghiệp... nhằm giúp sinh viên có thêm môi trường thực hành, tăng khả năng thích nghi với thị trường lao động.

Minh Chi