Hồ sơ sổ sách của giáo viên nhìn từ việc lựa chọn SGK chương trình mới

21/03/2024 06:42
NGUYỄN ĐĂNG

GDVN - Giáo viên phải liệt kê tất cả các tổng chủ biên; đồng chủ biên; chủ biên; tên tất cả tác giả sách giáo khoa của từng cuốn sách giáo khoa ở từng bộ sách.

Thời điểm này, nhiều trường học đã cơ bản thực hiện xong các bước lựa chọn sách giáo khoa cho năm học 2024-2025- năm cuốn chiếu cuối cùng cho cả 3 cấp học phổ thông để trình lên cấp trên thẩm định. Nhìn lại quá trình lựa chọn sách giáo khoa mà giáo viên ở các nhà trường đã thực hiện, không ít người luôn cảm thấy khá áp lực, nhất là những thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn.

Chỉ là việc lựa chọn sách giáo khoa nhưng có nhiều loại hồ sơ khác nhau và gần như năm nào cũng phải thực hiện đi, thực hiện lại nhiều lần mới hoàn chỉnh. Thực hiện công phu là vậy nhưng cuối cùng thì gần như tổ chuyên môn nào cũng vẫn lựa chọn bộ sách giáo khoa mà tổ đã đang dạy từ các năm học trước.

Vì thế, việc lựa chọn sách giáo khoa chương trình mới từng năm đang tốn không ít công sức của giáo viên. Điều rõ nhất mà ai cũng thấy là lợi nhuận kinh doanh thuộc về các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành sách giáo khoa nhưng năm nào giáo viên cũng khá vất vả về công việc này.

GDVN_NĐ.jpg
Giáo viên tiếng Anh phải nhận xét và làm phiếu 9 bộ sách giáo khoa (Ảnh: N.Đ.)

Tổ chuyên môn tốn không ít thời gian cho việc hoàn thiện hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa

Việc thực hiện lựa chọn sách giáo khoa cho năm học 2024-2025 được thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT. Tại Điều 7 của Thông tư hướng dẫn tổ chức lựa chọn sách giáo khoa tại tổ chuyên môn như sau:

a) Căn cứ vào kế hoạch của Hội đồng và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, tổ trưởng tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa cho từng môn học được cơ cấu trong tổ chuyên môn, báo cáo người đứng đầu trước khi thực hiện;

b) Tổ chức cho toàn bộ giáo viên môn học của cơ sở giáo dục (bao gồm giáo viên biên chế, hợp đồng, biệt phái, thỉnh giảng, dạy liên trường) tham gia lựa chọn sách giáo khoa của môn học đó;

c) Chậm nhất 20 ngày trước phiên họp đầu tiên của tổ chuyên môn, tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên môn học nghiên cứu các sách giáo khoa của môn học, viết phiếu nhận xét, đánh giá các sách giáo khoa môn học theo các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa;

d) Tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức họp với các giáo viên môn học để thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn 01 (một) sách giáo khoa cho môn học đó. Trường hợp môn học chỉ có 01 sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định phê duyệt thì tổ chuyên môn lựa chọn sách giáo khoa trong quyết định, không cần bỏ phiếu.

Sách giáo khoa được lựa chọn bảo đảm có từ 1/2 (một phần hai) số giáo viên môn học trở lên bỏ phiếu lựa chọn. Trường hợp không có sách giáo khoa nào đạt từ 1/2 (một phần hai) số giáo viên môn học trở lên bỏ phiếu lựa chọn thì tổ chuyên môn phải thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn lại; sách giáo khoa được lựa chọn là sách giáo khoa có số giáo viên môn học bỏ phiếu lựa chọn cao nhất trong lần bỏ phiếu thứ hai.

Trong cả 02 (hai) lần bỏ phiếu, nếu có từ 02 (hai) sách giáo khoa có số giáo viên môn học bỏ phiếu lựa chọn cao nhất bằng nhau thì tổ trưởng tổ chuyên môn quyết định lựa chọn một trong số sách giáo khoa có số giáo viên môn học bỏ phiếu lựa chọn cao nhất.

Các cuộc họp của tổ chuyên môn được lập thành biên bản, ghi đầy đủ ý kiến nhận xét, đánh giá sách giáo khoa của các giáo viên môn học tham gia lựa chọn, biên bản có chữ kí của tổ trưởng tổ chuyên môn và người được phân công lập biên bản;

đ) Tổ trưởng tổ chuyên môn tổng hợp kết quả, lập danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và người được phân công lập danh mục sách giáo khoa.

Với hướng dẫn “cứng” của Bộ là vậy, khi về đến sở, phòng giáo dục lại có thêm những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và giáo viên các nhà trường phải tuân thủ theo hướng dẫn của cấp trên để thực hiện đầy đủ các bước.

Đối với các tổ trưởng chuyên môn, việc đầu tiên là phải gửi link sách giáo khoa mẫu mà các nhà xuất bản gửi về nhà trường cho các tổ viên của mình. Sau đó, họ sẽ “Xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa cho từng môn học theo hướng dẫn của Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT.

Những tổ chuyên môn có 1 môn thì xây dựng 1 kế hoạch nhưng có nhiều tổ ghép nên những tổ trưởng tổ ghép phải xây dựng nhiều kế hoạch khác nhau cho từng môn học cụ thể.

Giáo viên phải liệt kê tất cả các tổng chủ biên; đồng chủ biên; chủ biên; tên tất cả tác giả sách giáo khoa của từng cuốn sách giáo khoa ở từng bộ sách. Những sách giáo khoa có 1 tập thì nhẹ nhàng, những sách giáo khoa có 2 tập thì công việc càng nhiều hơn.

Sách giáo khoa Ngữ văn; Toán luôn có 2 tập (tập I và tập II tương ứng với mỗi học kỳ) sẽ phải liệt kê riêng từng tập. Chẳng hạn, sách Ngữ văn Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống thì một số tác giả có tên ở tập I nhưng tập II tác giả không tham gia biên soạn nữa mà được bổ sung bằng tác giả khác.

Vì thế, phải liệt kê chi tiết tên từng tác giả từng tập của những môn học có 2 tập. Trong khi, phần lớn sách giáo khoa đều có trên 10 tác giả, nhiều cuốn sách giáo khoa có đến 15 tác giả và cộng cả 2 tập lên thì việc liệt kê tên tác giả cũng đã thấy mệt mỏi.

Chương trình mới đa phần các môn học đều có 3 bộ sách (Chân trời sáng tạo; Cánh Diều; Kết nối tri thức với cuộc sống), cá biệt sách tiếng Anh có 9 bộ sách nên giáo viên phải liệt kê tất cả các tác giả sách giáo khoa môn học mình dạy mà đã được Bộ phê duyệt.

Vì thế, chỉ mỗi ngồi đánh máy, liệt kê tên tác giả sách giáo khoa cũng khiến nhiều giáo viên (đa phần là tổ trưởng thực hiện rồi gửi cho tổ viên) cũng thấy nhàm chán, hình thức. Và, hồ sơ nào, biểu mẫu nào cũng phải liệt kê đầy đủ tên tác giả và nội dung yêu cầu của từng biểu mẫu.

Bộ cấm lạm dụng hồ sơ lựa chọn sách giáo nhưng chỉ việc lựa chọn sách giáo khoa đã có rất nhiều loại khác nhau

Mấy năm nay, năm nào giáo viên cũng phải thực hiện lựa chọn sách giáo khoa. Tính đến lần lựa chọn sách giáo khoa cho năm học 2024-2025 tới đây, đã có 3 lần thay đổi hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa.

Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên học sinh lớp 1 trên cả nước chính thức học sách giáo khoa mới, biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện theo Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT.

Đến lớp 2 và lớp 6 từ năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT thay thế Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT. Ngày 28/12/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT thay thế quy định cũ.

Cho dù là văn bản hướng dẫn nào thì giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ cũng phải tham gia nghiên cứu sách giáo khoa; tham gia hội thảo giới thiệu sách giáo khoa; viết nhận xét phiếu cá nhân; tham gia đóng góp ý kiến trong họp tổ chuyên môn và bỏ phiếu.

Những thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng cũng thực hiện các bước như các giáo viên trong tổ chuyên môn nhưng họ phải thực hiện thêm việc xây dựng kế hoạch lựa chọn sách giáo khoa; làm phiếu lựa chọn sách giáo khoa; hoàn thiện biên bản họp tổ chuyên môn; tổng hợp kết quả, lập danh mục sách giáo khoa để nộp cho nhà trường.

Bên cạnh đó, tổ trưởng chuyên môn còn được nhà trường phân công kiểm tra chéo hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa của các tổ chuyên môn khác và tham gia Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của đơn vị. Sau khi hoàn tất tất cả các bước và hồ sơ đảm bảo thì hoàn thiện hồ sơ và niêm phong phiếu lựa chọn sách giáo khoa để nộp cho nhà trường lưu.

Hồ sơ, sổ sách của giáo viên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ tại Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT và Bộ cũng ban hành Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT để chấn chỉnh, lạm dụng hồ sơ sổ sách ở các nhà trường.

Nhưng, chỉ riêng việc lựa chọn hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa đối với chương trình 2018 cũng đang khiến giáo viên thêm nhiều việc.

Bởi lẽ, chẳng hạn như môn tiếng Anh, giáo viên kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn sẽ làm Kế hoạch lựa chọn sách giáo khoa; làm 9 phiếu nhận xét cá nhân cho 9 bộ sách được Bộ phê duyệt;

Làm phiếu lựa chọn sách giáo khoa phải liệt kê 9 bộ sách theo thứ tự và liệt kê từng tác giả của mỗi bộ sách; Biên bản lựa chọn sách giáo khoa ghi lại ý kiến của giáo viên nhận xét về 9 bộ sách (có chữ ký của các thành viên trong tổ) và gần như năm nào cũng phải làm đi, làm lại nhiều lần mới hoàn chỉnh.

Vì thế, áp lực hồ sơ sổ sách của giáo viên hiện nay, nhất là những thầy cô đang kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn vẫn đang khá áp lực bởi chỉ riêng hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa đã phải làm, in ấn mấy chục tờ giấy để nộp cho Ban giám hiệu nhà trường và đây chỉ là một đầu việc nho nhỏ trong vô vàn các đầu việc mà thôi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN ĐĂNG