Một trong những hoạt động phục vụ cho việc chọn sách giáo khoa là sở giáo dục và đào tạo địa phương yêu cầu giáo viên tham gia dự buổi giới thiệu sách giáo khoa online do các nhà xuất bản tổ chức.
Các nhà xuất bản tổ chức giới thiệu sách giáo khoa theo hình thức trực tuyến, mỗi môn học do một tác giả viết sách giới thiệu; mỗi cơ sở giáo dục là một điểm cầu, giáo viên bộ môn được yêu cầu phải tham gia buổi giới thiệu sách giáo khoa.
Mỗi buổi giới thiệu sách giáo khoa thực hiện từ 7 giờ 30 phút đến hơn 11 giờ. Sách giáo khoa sẽ được các tác giả luân phiên giới thiệu, có cuốn thời gian kéo dài 15 phút, có sách giới thiệu khoảng 20 phút.
Thầy giáo Nguyễn Minh An ở Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Theo tôi, việc giới thiệu sách giáo khoa online của các nhà xuất bản không có gì tác dụng gì cho việc chọn sách giáo khoa hay nâng cao nhận thức của giáo viên.
Cả cuốn sách mà giới thiệu chỉ có khoảng 20 phút, trong đó đã mất 5 phút ổn định tổ chức rồi, như vậy không khác mấy với việc cưỡi ngựa xem hoa. Giới thiệu sách giáo khoa như vậy thì chỉ mang tính hình thức”.
Cô giáo Lê Thanh Hà chia sẻ: “Thật ra, giới thiệu sách giáo khoa online không có gì mới và tôi thấy không có tác dụng gì nhiều.
Bên cạnh đó, việc giới thiệu sách giáo khoa lại tổ chức ngay trong giờ hành chính, giáo viên phải bỏ lớp để tham gia, nhà trường không thể phân công dạy thay vì giáo viên cùng bộ môn đều đã tham dự giới thiệu sách rồi.
Vô hình trung, giới thiệu sách giáo khoa online chỉ 15 phút/đầu sách, không có tác dụng, chỉ mang tính hình thức, nhưng học sinh lại phải chịu thiệt thòi, sau đó các em phải đi học bù.
Có người cho rằng, giới thiệu sách giáo khoa như thế này không tốn kinh phí, theo tôi không phải như vậy. Cái quan trọng là nhà xuất bản giới thiệu, tiếp thị sách nhưng lại qua kênh chỉ đạo của sở giáo dục và đào tạo, vai trò của sở có phù hợp cho việc này không?".
Một phó hiệu trưởng (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: "Khi tập trung tất cả giáo viên của cùng bộ môn để tham gia chương trình giới thiệu sách giáo khoa, chúng tôi không thể phân công dạy thay được. Bởi vì, giáo viên khác không có chuyên môn để dạy, nên chỉ phân công giáo viên coi dùm lớp, giữ trật tự cho lớp kế bên học thôi.
Thực tế, có những lúc cũng không thể đủ nhân lực để phân công giáo viên coi lớp thay, mà phải cho học sinh xuống sân trường tự chơi, tự quản hay cho vào thư viện đọc sách".
Khi nói về chất lượng giới thiệu sách, một thầy giáo cho biết: "Tôi tham gia giới thiệu sách giáo khoa tất cả các môn lớp 9 vừa qua, giới thiệu sách giáo khoa như thế này không có tác dụng gì cho giáo viên chọn sách giáo khoa cả.
Cái giáo viên cần là tương tác với tác giả, được tác giả viết sách trả lời những điều mình muốn nói, muốn hỏi, muốn được chia sẻ, chứ không phải giới thiệu cái mục lục sách".
Chính bản thân người viết có nhiều thắc mắc về kiến thức, kĩ năng của phân môn Vật lý 9, rất muốn được trao đổi với tác giả viết sách, nhưng không thể tương tác, trao đổi được.
Vì vậy, thay vì giới thiệu sách giáo khoa kiểu "cưỡi ngựa xem hoa" các tác giả viết sách nên có kênh ví dụ công khai tài khoản mạng xã hội của mình, giáo viên có thể trao đổi, tranh luận, nhanh chóng tiếp cận với giáo viên, nhận ra "sạn" trong sách mình viết, giúp tác giả hoàn thiện sách giáo khoa hơn.
Giới thiệu sách giáo khoa trực tuyến, ngay trong năm học, trong giờ hành chính, thời gian quá ngắn đã làm cho hoạt động này trở nên hình thức, không có nhiều hiệu quả trong việc chọn sách giáo khoa.
Từ thực tế, người viết đề nghị các địa phương không nên tổ chức hoạt động giới thiệu sách giáo khoa trong thời gian giáo viên đang phải dạy học, gây thiệt thòi cho học sinh.
Nếu có thể, các nhà xuất bản nên tổ chức giới thiệu trên website của nhà xuất bản, các địa phương chỉ cần giới thiệu địa chỉ (link) cho giáo viên, giáo viên có thể tham khảo giới thiệu sách giáo khoa khi rảnh rỗi, nếu thấy cần thiết cho việc chọn lựa sách giáo khoa của mình
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.