Một số điểm mới về dự thảo xét thăng hạng giáo viên trung học cơ sở

22/03/2024 06:50
Bùi Nam

GDVN - Theo dự thảo, nhiều tiêu chuẩn, điều kiện để được xét thăng hạng từ giáo viên trung học cơ sở hạng II lên hạng I được quy định chặt chẽ hơn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học.

Dự thảo Thông tư mới bỏ các quy định về thi thăng hạng, bỏ quy định về nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng tại Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT đảm bảo tuân thủ quy định tại Nghị định số 85/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP.

gdvn-giaoducnetvn-1-8210.jpg
Ảnh minh họa

Trong bài viết, xin được nêu và phân tích những điểm mới về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II, từ hạng II lên hạng I của giáo viên trung học cơ sở theo dự thảo vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Điểm mới của dự thảo xét thăng hạng II giáo viên trung học cơ sở hạng III

Tại Điều 7. Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II của dự thảo quy định:

Giáo viên trung học cơ sở được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) khi cơ sở giáo dục nơi giáo viên đang công tác có nhu cầu bổ sung số lượng giáo viên hạng II theo cơ cấu chức danh nghề nghiệp của đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo dự thảo, để được dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở từ hạng III lên hạng II cơ sở giáo dục nơi giáo viên đang công tác có nhu cầu bổ sung số lượng giáo viên hạng II theo cơ cấu chức danh nghề nghiệp của đơn vị.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Công văn số 64/BNV-CCVC về việc xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, đối với đơn vị sự nghiệp công lập thì “Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%”.

Nếu đơn vị nào đã có trên 50% giáo viên trung học cơ sở hạng II thì sẽ không tổ chức xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II.

Nếu đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm và chưa đủ số lượng cơ cấu giáo viên trung học cơ sở hạng II, giáo viên trung học cơ sở đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau sẽ được xét thăng hạng:

Thứ nhất, đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III

Theo tìm hiểu của người viết, hiện nay hầu hết các địa phương trong cả nước đã hoàn tất bổ nhiệm giáo viên trung học cơ sở hạng III cũ sang hạng III mới (mã số V.07.04.32). Tuy nhiên, địa phương nào, giáo viên có trình độ đại học nhưng chưa được bổ nhiệm hạng III mới (mã số V.07.04.32) sẽ không có cơ hội lên hạng II mới.

Thứ hai, được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật.

Quy định này đa số giáo viên đáp ứng trừ trường hợp bị kiểm điểm, kỷ luật, hiện nay các quy định hiện hành không khống chế số lượng giáo viên (viên chức) hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thứ ba, đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập (sau đây gọi tắt là Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT) và khoản 2 Điều 3 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT.

Giáo viên phải có trình độ đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT) hoặc có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở (theo Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT).

Thứ tư, đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm i khoản 4 Điều 4 Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT và khoản 3 Điều 3 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT.

Những tiêu chuẩn này, giáo viên giữ chức vụ tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, giáo viên cốt cán, giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách Đội,...dễ đạt hơn, tuy nhiên giáo viên có cố gắng, thành tích cũng có thể đạt.

Thứ năm, đáp ứng yêu cầu về thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (bao gồm cả thời gian giữ hạng tương đương) theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT. Trường hợp giáo viên trước khi được tuyển dụng, tiếp nhận đã có thời gian công tác theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì thực hiện theo quy định của Chính phủ tại điểm d khoản 1 Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP.

Thời gian giữ hạng được tính bao gồm thời gian giữ hạng III mới và thời gian giữ hạng tương đương (hạng III cũ), nên tiêu chuẩn này không quá khó, giáo viên có trình độ đại học và công tác từ 9 năm trở lên (không tính thời gian tập sự) sẽ đạt được tiêu chuẩn này.

Do đó, theo dự thảo, đối với việc xét thăng hạng giáo viên từ hạng III lên hạng II cơ bản không quá khó, giáo viên chỉ cần có đủ thời gian công tác, có thành tích, được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ...nếu đơn vị có nhu cầu bổ sung giáo viên trung học cơ sở hạng II và còn trong chỉ tiêu cơ cấu giáo viên trung học cơ sở hạng II sẽ được xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II.

Tuy nhiên, do một số địa phương đã bổ nhiệm từ hạng II cũ sang hạng II mới nhiều nên có thể nhiều đơn vị đã vượt quá 50% hạng II, nên giáo viên sẽ không được xét thăng hạng, phải chờ.

Điểm mới của dự thảo xét thăng hạng I giáo viên trung học cơ sở hạng II

Tại Điều 8. Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I của dự thảo quy định.

Giáo viên trung học cơ sở được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30) khi cơ sở giáo dục nơi giáo viên đang công tác có nhu cầu bổ sung số lượng giáo viên hạng I theo cơ cấu chức danh nghề nghiệp của đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo dự thảo, để được dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở từ hạng II lên hạng I cơ sở giáo dục nơi giáo viên đang công tác có nhu cầu bổ sung số lượng giáo viên hạng I theo cơ cấu chức danh nghề nghiệp của đơn vị.

Theo Công văn số 64/BNV-CCVC về việc xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, đối với đơn vị sự nghiệp công lập thì “Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị tự chủ nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 2) thì chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương:Tối đa không quá 20%;

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 3) và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 4) thì chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 10%.

Nếu đơn vị nào đã có trên số lượng giáo viên trung học cơ sở hạng I thì sẽ không tổ chức xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I.

Nếu đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm và chưa đủ số lượng cơ cấu giáo viên trung học cơ sở hạng I, giáo viên trung học cơ sở đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau sẽ được xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I:

Thứ nhất, đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31).

Hiện nay, còn nhiều giáo viên hạng II cũ dù đủ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, thời gian giữ hạng theo Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT nhưng chưa được bổ nhiệm, chuyển xếp lương hạng II mới (mã số V.07.04.31).

Người viết công tác tại một trường trung học cơ sở thuộc tỉnh của Đồng bằng Sông Cửu Long, đến thời điểm này chưa có dấu hiệu gì cho thấy sẽ bổ nhiệm từ hạng II cũ sang II mới trước 01/7/2024, kể cả các trường hợp đạt tiêu chuẩn. Từ 01/7/2024 sẽ thực hiện lương mới theo Nghị quyết 27/NQ-TW.

Thứ hai, trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II và tương đương, có 05 (năm) năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 02 (hai) năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật.

Điểm mới dự thảo là quy định giáo viên để được xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I thì trong 5 năm phải có trong đó có ít nhất 02 (hai) năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Hiện nay, quy định mới, giáo viên mỗi năm đánh giá phân loại viên chức, sẽ có tối đa không quá 20% giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Quy định mới khiến giáo viên cố gắng, phấn đấu nhiều hơn nếu muốn được thăng hạng lên hạng I.

Thứ ba, đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I theo quy định tại khoản 2, khoản 6 Điều 3 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT.

Giáo viên phải có trình độ đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT) hoặc có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở (theo Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT).

Thứ tư, đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm i khoản 4 Điều 5 Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT và khoản 3 Điều 3 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT. Trong đó, các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo quy định tại điểm i khoản 4 Điều 5 Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT phải là các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đạt được trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II và trong thời gian giữ hạng tương đương.

Trích các tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ mà giáo viên trung học cơ sở hạng II phải đạt được nếu muốn được xét lên giáo viên hạng I gồm:

“a) Tích cực, chủ động thực hiện và tuyên truyền vận động, hướng dẫn đồng nghiệp thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục trung học cơ sở vào nhiệm vụ được giao;

b) Có khả năng thực hiện và hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương; hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp xây dựng bài học theo chủ đề liên môn;

c) Có khả năng thực hiện và hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp trong việc vận dụng phương pháp, công nghệ dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương;

d) Vận dụng và hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp trong việc sử dụng các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và sự tiến bộ của học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh;

đ) Vận dụng và hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp trong việc triển khai có hiệu quả các biện pháp tư vấn tâm lý, hướng nghiệp cho học sinh, cách lồng ghép trong hoạt động dạy học và giáo dục;

e) Có khả năng đề xuất với nhà trường các biện pháp tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh;

g) Có khả năng hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ;

i) Được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp bộ/ban/ngành/tỉnh trở lên; hoặc bằng khen từ cấp tỉnh trở lên; hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp huyện trở lên (các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đạt được trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II và trong thời gian giữ hạng tương đương)

Theo đó, tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên trung học cơ sở dự kiến xét thăng hạng theo dự thảo chủ yếu dành cho tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, giáo viên khó đạt, trừ trường hợp tiêu biểu.

Thứ năm, đáp ứng yêu cầu về thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (bao gồm cả thời gian giữ hạng tương đương) theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT.

Tiêu chuẩn này gồm thời gian giữ hạng II mới và tương đương (hạng II cũ) nên cơ bản giáo viên trung học cơ sở hạng II sẽ đảm bảo tiêu chuẩn này.

Do đó, theo dự thảo nhiều tiêu chuẩn, điều kiện để được xét thăng hạng từ giáo viên trung học cơ sở hạng II lên hạng I được quy định chặt chẽ hơn và cũng có phần khó hơn so với quy định hiện hành tại Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT nhất là về chỉ tiêu cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp hạng I không quá 10 hoặc 20%, cũng như phải có ít nhất 2 năm được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ,..

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam