Giáo viên góp ý dự thảo Thông tư thăng hạng chức danh nghề nghiệp

15/03/2024 06:42
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Bộ Giáo dục đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông và giáo viên dự bị đại học.

Trong phạm vi bài viết này, người viết là giáo viên xin có đôi điều góp ý về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II, hạng I.

Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II

Thứ nhất, theo dự thảo, giáo viên trung học phổ thông được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng II (mã số V.07.05.14) phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

"Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật".

Đề xuất: Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III, giáo viên phải có ít nhất 02 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì mới đủ điều kiện xét thăng hạng.

Lí do: Giáo viên trung học phổ thông hạng III có ít nhất 02 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì mới đủ năng lực và uy tín để có thể đảm nhiệm hàng loạt nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng II như:

"Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ từ cấp trường trở lên".

"Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi hoặc giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường trở lên". (Theo Văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập).

gdvn-th-du-hang-6-6282-4486-4119.jpg
Ảnh minh hoạ: Lã Tiến/ giaoduc.net.vn.

Thứ hai, "Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT và khoản 2 Điều 4 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT".

Đề xuất: Nên bỏ nội dung "đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo". Lí do: Giáo viên trung học phổ thông trước khi được tuyển dụng đều tốt nghiệp đại học sư phạm/ngoài sư phạm (có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm) theo Luật Giáo dục.

Thứ ba, "đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm h khoản 4 Điều 4 Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT và khoản 3 Điều 4 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT".

Điểm b khoản 4 Điều 4 Văn bản hợp nhất Thông tư quy định tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên trung học phổ thông hạng II như sau:

"Có khả năng điều chỉnh kế hoạch dạy học và giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương; cập nhật, vận dụng linh hoạt và hiệu quả các phương pháp dạy học, giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp với điều kiện thực tế".

Đề xuất: Nên bỏ nội dung "có khả năng điều chỉnh kế hoạch dạy học và giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương".

Lí do: Hiện nay chỉ có tổ trưởng chuyên môn mới có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch dạy học của tổ chuyên môn và trình hiệu trưởng kí duyệt để làm căn cứ thực hiện chương trình.

Thứ tư, "đáp ứng yêu cầu về thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III (bao gồm cả thời gian giữ hạng tương đương) theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT.

Trường hợp giáo viên trước khi được tuyển dụng, tiếp nhận đã có thời gian công tác theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì thực hiện theo quy định của Chính phủ tại điểm d khoản 1 Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP".

Theo Văn bản hợp nhất Thông tư, "viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II (mã số V.07.05.14) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III (mã số V.07.05.15) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng".

Tôi nhận thấy, giáo viên phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên mới đủ điều kiện xét thăng hạng II là quá dài.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét rút ngắn thời gian thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên sao cho hợp lí. Bởi vì, không phải giáo viên nào dạy lâu năm (từ đủ 9 năm, không kể thời gian tập sự) cũng giỏi chuyên môn, nghiệp vụ.

Ngoài ra, tôi cũng rất băn khoăn, có trường hợp giáo viên (trong đó có tôi) trước khi được tuyển dụng đã có thời gian công tác và đóng bảo hiểm xã hội ở trường tư thục hàng chục năm, nhưng khi chuyển sang hệ công lập thì vẫn không được tính thời gian giữ chức danh nghề nghiệp để xét thăng hạng.

Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I

Theo dự thảo, giáo viên trung học phổ thông được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I (mã số V.07.05.13) phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

Thứ nhất, "đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT và khoản 2 Điều 4 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT".

Văn bản hợp nhất Thông tư quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên trung học phổ thông hạng I như sau:

"Có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học phổ thông hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên".

Đề xuất: Nên bỏ nội dung yêu cầu giáo viên trung học phổ thông hạng I phải có bằng thạc sĩ để phù hợp với Luật Giáo dục.

Điều 72 Luật Giáo dục quy định "có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên trung học phổ thông".

Thứ hai, "đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm h khoản 4 Điều 5 Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT và khoản 3 Điều 4 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT".

Văn bản hợp nhất Thông tư quy định, viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I (mã số V.07.05.13) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II (mã số V.07.05.14) hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng

Theo tôi, quy định giáo viên phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên mới được xét thăng hạng I là quá dài.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét rút ngắn thời gian thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên xuống 3 năm là phù hợp với thực tiễn giảng dạy và giáo dục học sinh ở trường trung học phổ thông.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/contents/preview?content_id=3542400191187749298

https://photo-cms-giaoduc.epicdn.me/Uploaded/2024/bpcgtqvp/2023_07_27/vbhn-042021-082023-tt-bgddt-8558.pdf

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên