Chi cho nghiên cứu khoa học còn khiêm tốn thì khó thu về đạt được 5%

20/03/2024 06:18
Nhật Lệ

GDVN - Theo lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, kinh phí đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ còn hạn chế nên nguồn thu từ hoạt động này vẫn khiêm tốn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học gồm 6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí. Trong đó, tiêu chuẩn số 6 liên quan tới “Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo” quy định:

Tỷ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%.

Số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 0,3 bài/năm; riêng đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ không phải trường đào tạo ngành đặc thù không thấp hơn 0,6 bài/năm trong đó số bài có trong danh mục Web of Science hoặc Scopus (có tính trọng số theo lĩnh vực) không thấp hơn 0,3 bài/năm.

Điểm b, khoản 1, Điều 3 Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT cũng nêu rõ: "Công bố kết quả thực hiện Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của các cơ sở giáo dục đại học trước ngày 30 tháng 6 hằng năm, bắt đầu từ năm 2025 cho năm báo cáo trước liền kề".

Như vậy, chỉ còn 1 năm nữa các cơ sở giáo dục đại học sẽ phải tiến hành báo cáo. Đây là một thách thức lớn với các trường đại học ở địa phương vì số lượng các nghiên cứu khoa học còn hạn chế. Nhiều trường cả một năm chỉ có vài thầy cô có công bố quốc tế. Do vậy, để đáp ứng được tiêu chuẩn về “nghiên cứu và đổi mới sáng tạo” cần một thời gian dài.

Tiêu chuẩn về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo là vấn đề nan giải với nhiều trường đại học địa phương

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Lăng - Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên cho hay: Đây là một vấn đề vô cùng nan giải với các cơ sở giáo dục đại học, nhất là các trường đại học địa phương.

“Thứ nhất để có doanh thu từ hoạt động khoa học công nghệ tức là đề tài khi thực hiện phải là nghiên cứu khoa học ứng dụng được vào thực tế, có thể chuyển giao được. Hiện nay theo như tôi được biết nhiều trường đại học địa phương, trong đó có Trường Đại học Phú Yên chưa có nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Trong quy định giảng viên có 3 nhiệm vụ: giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hoạt động phục vụ cộng đồng và các hoạt động chuyên môn khác. Theo quy định, tất cả giảng viên đều phải làm nghiên cứu khoa học nhưng thực tế phần lớn đều là các đề tài có tính chất là công trình ứng dụng vào giảng dạy nên chưa đem lại nguồn thu.

Năm vừa rồi ở trường chỉ có khoảng 7-8 thầy cô có bài báo quốc tế (trên tổng số khoảng 120 giảng viên), có thầy cô có 2 bài báo quốc tế, có thầy cô có 1 bài báo quốc tế. Tức là chưa tới 10% số giảng viên nhà trường có bài báo quốc tế. Nếu xét các bài báo quốc tế phải nằm trong danh mục Web of Science hoặc Scopus (có tính trọng số theo lĩnh vực) thì càng khó khăn hơn.

Đặc biệt các chỉ số 0,3 bài/ năm/ giảng viên hay 0,6 bài/ năm/ giảng viên theo Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT là tính trung bình cho tất cả giảng viên của trường. Với Trường Đại học Phú Yên hiện chỉ có khoảng 10% giảng viên thực hiện được hoạt động này, 90% giảng viên còn lại chưa thực hiện được nên nếu tính bình quân trên tổng số giảng viên sẽ tương đối khó khăn”.

thay-Lang.jpg
Tiến sĩ Trần Lăng - Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên. (Ảnh: website nhà trường)

Cũng theo thầy Lăng, nếu xác định chuẩn cơ sở giáo dục đại học theo các tiêu chí này thì phải có thời gian cho các trường làm quen. Có lẽ phải mất 5 năm nữa thì các cơ sở giáo dục đại học mới có thể thực hiện được.

Thầy Lăng cũng cho biết thêm, tại Trường Đại học Phú Yên, nhà trường đã lập ra một ban để rà soát, kiểm tra các điều kiện theo 6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT.

"Ban đó sẽ có nhiệm vụ xây dựng các báo cáo xem trong 6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí thì tiêu chuẩn, tiêu chí nào nhà trường đã đạt được; tiêu chuẩn, tiêu chí nào chưa đạt được. Với các tiêu chuẩn chưa đạt thì đã đạt được tới đâu và cần phải làm gì để đảm bảo đạt được các tiêu chuẩn sớm nhất. Nhà trường cũng đang cố gắng xây dựng kế hoạch để đảm bảo sớm đạt các tiêu chuẩn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra", thầy Lăng thông tin.

Trong khi đó, Tiến sĩ Phan Văn Đàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bạc Liêu cho hay: Hiện tại đối với các tiêu chuẩn của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT nhà trường vẫn chưa đạt được. Đây cũng là vấn đề chung của nhiều trường đại học, nhất là các trường đại học địa phương, hay các trường trực thuộc tỉnh thì khả năng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ để đem lại nguồn thu vẫn còn hạn chế.

Nhà trường cũng đang cố gắng phấn đấu để đạt được các tiêu chuẩn này. Vừa rồi, nhà trường cũng đã kiểm định, đánh giá ngoài và đạt. Hiện Trường Đại học Bạc Liêu đang xây dựng kế hoạch để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Từ đó, góp phần gia tăng nguồn thu từ hoạt động này cho nhà trường trong thời gian sắp tới.

Cần có thêm nhiều chính sách khuyến khích giảng viên làm nghiên cứu khoa học

Cũng là một trong những trường đại học địa phương, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long cho rằng: Việc ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT Chuẩn cơ sở giáo dục đại học” là cần thiết trong giai đoạn đoạn hiện nay. Đó vừa là áp lực, vừa là động lực để các cơ sở giáo dục đại học phấn đấu, buộc các cơ sở giáo dục đại học sớm hoạch định và quyết liệt triển khai chiến lược, kế hoạch phát triển đáp ứng nhu cầu hội nhập.

Tuy nhiên, một trong 20 tiêu chí của Thông tư, tiêu chí khó thực hiện nhất là tỉ trọng thu từ hoạt động khoa học công nghệ không thấp hơn 5% trên tổng thu đối với các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ. Bởi hiện nay, kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học còn rất khiêm tốn.

“Nếu các trường tự cân đối thu chi, tự thực hiện nghiên cứu khoa học công nghệ thì sẽ khó đạt được tiêu chí này. Nếu các trường đại học được các bộ, ngành, địa phương dành nguồn kinh phí đặt hàng hàng năm; đồng thời tranh thủ tiếp cận nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế dành cho các dự án nghiên cứu, thì may ra các trường mới đạt được tiêu chí theo quy định”, thầy Tiệp nhấn mạnh.

thay-Tiep.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long. (Ảnh: NVCC)

Thầy Tiệp cũng cho biết thêm, Trường Đại học Hạ Long hiện chưa đào tạo tiến sĩ nhưng bất cứ một trường đại học nào thì hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng là một trong những hoạt động quan trọng để khẳng định sứ mạng của trường đại học. Vì vậy đây cũng là mục tiêu để nhà trường phấn đấu đạt được trong những năm tới.

Ngoài ra, theo thầy Tiệp, trong Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT chưa nói rõ khái niệm về tổng nguồn thu. Nếu theo quan điểm tổng nguồn thu sự nghiệp, thì nguồn thu từ khoa học công nghệ của Trường Đại học Hạ Long ba năm gần đây chiếm tỷ trọng bình quân khoảng 4% trên tổng nguồn thu.

Riêng năm 2024, nhà trường dự kiến đạt khoảng 11%. Đến 2025, nhà trường dự kiến nguồn thu từ hoạt động Khoa học công nghệ, từ hợp tác nghiên cứu có thể đạt con số 5% trên tổng nguồn thu sự nghiệp đến từ việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học từ nguồn ngân sách nhà nước, các hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển giao tri thức dưới dạng các khóa đào tạo ngắn hạn, các hoạt động hợp tác nghiên cứu với các đối tác trong nước và quốc tế cũng như tiếp nhận nguồn quỹ nghiên cứu từ các tổ chức quốc tế.

Bên cạnh đó, thầy Tiệp cũng cho biết thêm, Trường Đại học Hạ Long đã có Trung tâm Khoa học và Công nghệ và đang hoàn thiện đề án xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là nơi hình thành các ý tưởng nghiên cứu, thực hiện các dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, hợp tác với các doanh nghiệp để thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu.

Việc đầu tư phát triển Trung tâm Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, đồng thời thành lập các nhóm nghiên cứu sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường theo hướng ứng dụng và thương mại hóa hoạt động khoa học công nghệ, tăng nguồn thu cho nhà trường.

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, để tăng nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ các trường đại học cần có thêm các chính sách khuyến khích, động viên đội ngũ giảng viên. Tại Trường Đại học Hạ Long, nhà trường luôn quan tâm, chú trọng đến phát triển khoa học công nghệ và tăng cường các công bố khoa học.

“Từ năm 2019, nhà trường có cơ chế khuyến khích giảng viên công bố khoa học. Cụ thể, giảng viên có bài nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học trong nước sẽ được thưởng từ 1.000.000 đồng - 2.000.000 đồng/ bài. Nếu bài đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI (Web of Science hoặc Scopus) sẽ được hỗ trợ 100% phí đăng bài và được thưởng từ 12.000.000 - 50.000.000 đồng/bài. Với cơ chế này trong 3 năm gần đây tỷ lệ bình quân bài báo trên một giảng viên tại trường khá cao đạt 0,83 bài/ năm (năm 2021 đạt tỷ lệ 0,85 bài/ năm; Năm 2022 đạt tỷ lệ 0,95 bài/ năm; Năm 2023 đạt tỷ lệ 0,69 bài/ năm).

Như vậy, với tiêu chí 6.2 về mặt tỷ trọng số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 0,3 bài/năm, con số này tương đối phù hợp. Tuy nhiên, nếu hướng tới tiêu chuẩn cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ không phải trường đào tạo ngành đặc thù không thấp hơn 0,6 bài/năm trong đó số bài có trong danh mục Web of Science (WoS) hoặc Scopus (có tính trọng số theo lĩnh vực) không thấp hơn 0,3 bài/năm thì tỷ trọng các bài báo thuộc danh mục WoS/ Scopus là quá cao so với mặt bằng chung của các trường đại học địa phương”, thầy Tiệp bày tỏ.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên cho rằng để tăng nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cần chú trọng đến rất nhiều yếu tố. Trong đó việc đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị nghiên cứu là vô cùng quan trọng. Ở các trường đại học địa phương đôi khi thiếu cơ sở vật chất thì các trường khó mà nghiên cứu khoa học hiệu quả được.

“Muốn nghiên cứu khoa học có thể ứng dụng được vào thực tiễn ngoài yếu tố con người thì các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị để làm ra các sản phẩm nghiên cứu, ứng dụng rất quan trọng. Cần chú trọng đầu tư hơn nữa để thúc đẩy các hoạt động này.

Đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn để có các công bố quốc tế tương đối khó. Còn đối với lĩnh vự khoa học tự nhiên để có một công bố quốc tế lại mất rất nhiều thời gian. Chính vì thế, dù các trường có cố gắng thì cũng chỉ là lý thuyết thôi còn thực tế rất khó để đạt được. Do đó cần có thêm thời gian để các trường có bước chuẩn bị kỹ lưỡng mới có thể đạt các tiêu chuẩn”.

GDVN_Anh nc.jpg
Cần có thêm các chính sách khuyến khích giảng viên làm nghiên cứu khoa học. (Ảnh: Mộc Trà)

Cùng bàn về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long cho rằng: Để giúp các trường đại học gia tăng nguồn thu từ khoa học công nghệ, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy việc phát triển thị trường khoa học công nghệ, phát triển các doanh nghiệp khoa học công nghệ; Hỗ trợ các nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh tại các trường đại học; Tạo điều kiện tốt nhất về mặt chính sách trong việc hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa thủ tục giải ngân với các đề tài, dự án thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước; Đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính tiếp nhận nguồn tài trợ nghiên cứu từ nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học tiếp cận nguồn quỹ nghiên cứu dồi dào từ các tổ chức quốc tế, hợp tác với các đối tác quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu, chất lượng và giá trị sản phẩm khoa học công nghệ. Từ đó tăng nguồn thu từ hoạt động khoa học công nghệ.

Cũng theo thầy Tiệp, Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học ra đời là cần thiết. Tuy nhiên, với tiêu chuẩn số 6 liên quan tới “Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo”, việc áp dụng các tiêu chí cần xem xét các cơ sở giáo dục đại học theo nhóm (ví dụ theo cấp độ trường: đại học quốc gia, đại học vùng, đại học địa phương; hoặc theo phân tầng cơ sở giáo dục đại học: định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng hay định hướng thực hành). Cần có những chính sách riêng cho các trường đại học địa phương để giúp họ có thể đáp ứng được tiêu chuẩn này và có sự so sánh công bằng hơn trong hệ thống các trường đại học nói chung.

Nhật Lệ