Làm gì để thu hút sinh viên, giảng viên tham gia hoạt động Đoàn ở trường đại học

26/03/2024 06:36
Ngọc Mai

GDVN - Các vị trí chủ chốt trong Ban Chấp hành Đoàn trường, Chi đoàn Khoa hay chủ tịch một số câu lạc bộ đều có sự tham gia của cán bộ giảng viên trẻ.

Việc tổ chức các hoạt động Đoàn cho đoàn viên là sinh viên, giảng viên tại cơ sở giáo dục đại học luôn được quan tâm, đổi mới và phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, việc tham gia các hoạt động Đoàn của sinh viên, giảng viên trẻ còn có một số hạn chế nhất định.

Tìm lời giải cho "bài toán" thu hút sinh viên tham gia hoạt động Đoàn

Tiến sĩ Võ Xuân Lộc – Giảng viên Giáo dục thể chất, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường Đại học Ngoại thương đã có hơn 10 năm gắn bó với hoạt động Đoàn.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lộc cho biết, nếu trường đại học có nhiệm vụ truyền tải và nâng cao kiến thức chuyên môn cho sinh viên thì Đoàn Thanh niên là môi trường giúp sinh viên rèn luyện phẩm chất chính trị và nâng cao kỹ năng.

“Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường Đại học Ngoại thương là đơn vị phụ trách quản lý hơn 40 tổ chức và câu lạc bộ sinh viên trong toàn trường. Dưới sự nỗ lực và cố gắng không ngừng của Đoàn trường, các câu lạc bộ của trường luôn được tạo điều kiện để tổ chức hoạt động bổ ích cho sinh viên, các cuộc thi chuyên môn, hoạt động tình nguyện,...”, thầy Lộc chia sẻ.

Capture.PNG
Tiến sĩ Võ Xuân Lộc - Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường Đại học Ngoại thương. (Ảnh: NVCC)

Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với thầy Lộc trong quá trình làm công tác Đoàn là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát (khi đó thầy Lộc là Phó Bí thư Đoàn trường). Thầy Lộc chia sẻ: “Chịu sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hoạt động Đoàn của trường gần như bị chững lại để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm và nỗ lực cao nhất, Đoàn trường đã tìm cách khắc phục và đồng thời triển khai một số hoạt động mới như hỗ trợ phân phát thuốc cho sinh viên mắc COVID-19, cùng với bộ phận y tế nhà trường để tuyên truyền phòng chống dịch,... Giai đoạn này cũng là minh chứng khẳng định cho sự thích nghi và phản ứng nhanh chóng của Đoàn trường khi đối mặt với những tình huống bất ngờ và khó khăn”.

Nhiều người cho rằng, công tác Đoàn thường chỉ mang tính chất phong trào. Song, thầy Lộc chia sẻ, việc tham gia hoạt động Đoàn trên thực tế có thể mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Đơn cử, với các bạn sinh viên, hoạt động Đoàn vừa giúp các em được mở rộng quan hệ, vừa được học kỹ năng tổ chức, quản lý và sắp xếp thông qua các chương trình, hoạt động trong năm học. Còn với giảng viên, việc tham gia hoạt động Đoàn trong trường là cơ hội để các thầy cô được giao lưu, lắng nghe sinh viên nhiều hơn.

“Ngoài các giờ giảng, tôi vẫn thường trò chuyện với sinh viên nên có thể hiểu rõ tâm tư và nguyện vọng của các bạn. Từ đó, tôi có những ý kiến tham mưu và đề xuất nhà trường giúp đỡ, hỗ trợ các bạn sinh viên thông qua tổ chức các hoạt động Đoàn.

Là Bí thư Đoàn thanh niên, có lẽ thuận lợi nhất đối với tôi là được tiếp xúc và làm việc với sinh viên, trở thành người dẫn dắt và lãnh đạo các phong trào thanh niên của trường. Tuy nhiên, số lượng đoàn viên đông đảo cũng khiến cho công tác quản lý và rèn luyện trở nên khó khăn. Thực tế, các hoạt động Đoàn hiện nay vẫn chưa thu hút được nhiều sinh viên tham gia. Với cương vị là Bí thư Đoàn - người “thủ lĩnh” các phong trào thanh niên trong nhà trường, việc làm thể nào để thu hút sinh viên tham gia hiệu quả vào hoạt động Đoàn là bài toán khó mà tôi luôn cố gắng tìm lời giải”, thầy Lộc bày tỏ.

Lộc 1.jpg
Thầy Lộc tham gia hiến máu tình nguyện. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ thêm, thầy Lộc cho biết, mỗi sinh viên khi học đại học đều đặt ra những kế hoạch và mục tiêu khác nhau và điều này đã vô tình khiến sinh viên cho rằng việc tham gia hoạt động Đoàn là không cần thiết. Do vậy, để thu hút sinh viên tham gia hoạt động Đoàn, điều quan trọng nhất là làm sao hướng mục tiêu của các hoạt động Đoàn liên hệ chặt chẽ hơn tới sinh viên. Để làm được điều này, trước tiên, thầy Lộc quan tâm đến các chi đoàn trực thuộc, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các bạn đoàn viên, sinh viên để có kế hoạch hoạt động Đoàn phù hợp.

Không chỉ khó thu hút sinh viên tham gia hoạt động Đoàn, việc quản lý đoàn viên trong trường đại học cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi, theo thầy Lộc, số lượng đoàn viên sinh viên trong trường rất lớn, mỗi bạn lại có tính cách, đặc điểm khác nhau. Làm sao để dung hòa và đảm bảo tối đa quyền lợi của sinh viên là thử thách không nhỏ đối với cán bộ Đoàn.

Hơn 10 năm làm công tác Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường Đại học Ngoại thương, thầy Lộc nhận được nhiều giấy khen của Thành đoàn Hà Nội, Tỉnh đoàn Lạng Sơn, Tỉnh đoàn Nghệ An, Trung ương Đoàn. Dù là hình thức khen thưởng hay thành tích cá nhân nào, thầy Lộc cho biết đều vui và cảm thấy tự hào.

Một số khen thưởng nổi bật của Tiến sĩ Võ Xuân Lộc khi tham gia làm công tác Đoàn:

Bằng khen của thành phố Hà Nội vì có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua cao điểm chào mừng Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ VIII của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hà Nội.

Bằng khen của Trung ương Đoàn vì thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào Thanh niên trường học, năm học 2022 – 2023.

Bằng khen của Thành đoàn Hà Nội vì thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên khối Đại học, cao đẳng và học viện năm 2022 – 2023.

Bằng khen của Trung ương Đoàn và Thành Đoàn Hà Nội vì thành tích xuất sắc trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè năm 2023.

Khích lệ giảng viên trong độ tuổi Đoàn tích cực tham gia hoạt động phong trào

Cùng chia sẻ với phóng viên, Thạc sĩ Đinh Thủy Tiên – Giảng viên Khoa Tài chính – Ngân hàng, Phó Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường Đại học Ngoại thương cho biết đã có 14 năm gắn bó với công tác Đoàn trường.

Cô Tiên cho rằng, giảng viên trong độ tuổi Đoàn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của trường. Khi thầy cô tham gia hoạt động Đoàn, sinh viên cũng sẽ cảm thấy gần gũi, cởi mở chia sẻ, mạnh dạn lên tiếng. Từ đó, thầy và trò có thể học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sinh hoạt, học tập.

Cô Tiên 2.JPG
Cô Tiên được tuyên dương gương cán bộ Đoàn trẻ tiêu biểu năm 2022. (Ảnh: NVCC)

Với cô Tiên, khi vừa là Phó Bí thư Đoàn trường, vừa là giảng viên Khoa Tài chính – Ngân hàng, thông qua các hoạt động Đoàn, cô Tiên có cơ hội gặp các đối tác, doanh nghiệp trong ngành để trao đổi về chương trình hoạt động, xây dựng đề bài cho cuộc thi, có cái nhìn thực tiễn hơn về tình hình, thị trường tài chính để đưa vào nội dung bài giảng. Nhờ đó, cô Tiên có thể an tâm hoạt động Đoàn mà không quên trau dồi chuyên môn.

"Thực tế, các đoàn viên là giảng viên đều nhiệt tình tham gia hoạt động Đoàn trường. Các vị trí chủ chốt trong Ban Chấp hành Đoàn trường, Chi đoàn Khoa hay chủ tịch một số ít câu lạc bộ đều có sự tham gia của cán bộ giảng viên trẻ. Các thầy cô có góc nhìn, quan điểm, là cầu nối hiệu quả giữa sinh viên với nhà trường, đối tác doanh nghiệp. Từ đó, giúp hoạt động Đoàn được toàn diện, có chiều sâu và phát triển dài hạn. Thêm nữa, đoàn viên là giảng viên còn đóng vai trò quan trọng như bảo trợ chuyên môn, làm ban giám khảo,... trong các hoạt động Đoàn.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định để tất cả cán bộ giảng viên trẻ tham gia hoạt động Đoàn, trong đó hạn chế lớn nhất là về thời gian. Bởi, để làm tốt nhiệm vụ chính là giảng dạy, nghiên cứu khoa học, giảng viên cần dành nhiều thời gian để chuyên tâm, chưa kể đến các công việc của Khoa, Viện và phòng ban chức năng trong trường. Bên cạnh đó, công việc cá nhân, gia đình cũng chiếm không ít trong quỹ thời gian của giảng viên. Vì vậy, không tránh khỏi một số giảng viên giảm đi sự nhiệt huyết với phong trào Đoàn", cô Tiên chia sẻ.

Cô Tiên 1.JPG
Cô Tiên (đội mũ) trong Lễ khởi công Công trình Thanh niên "Cầu vượt lũ". (Ảnh: NVCC)

Để giảng viên có thể tiếp tục cống hiến, tạo nhiều giá trị cho trong hoạt động Đoàn, cô Tiên cho biết, nhà trường, Đoàn trường có chế độ chính sách, khen thưởng trong năm cho giảng viên.

Ban Chấp hành Đoàn trường cũng tích cực tạo ra nhiều hoạt động dành cho cán bộ giảng viên trẻ tham gia (như: Ngày hội thể thao, giải giao lưu bóng đá giữa các Chi đoàn cán bộ giảng viên, các chương trình tập huấn giao lưu cùng sinh viên,...).

Ngoài ra, với sự quan tâm và định hướng của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nhà trường, trong Tháng thanh niên năm nay, Đoàn trường Trường Đại học Ngoại thương dự kiến sẽ ra mắt Câu lạc bộ Cán bộ - Giảng viên trẻ, thành viên của câu lạc bộ gồm những viên chức trong độ tuổi Đoàn. Câu lạc bộ hứa hẹn tạo môi trường thiết thực để các chuyên viên, giảng viên trẻ giao lưu, học hỏi, không chỉ nâng cao chuyên môn giảng dạy, nghiên cứu khoa học mà còn cùng nhau đưa ra những sáng kiến hay, đóng góp cho sự phát triển của hoạt động Đoàn.

Cô tiên 3.JPG
Cô Tiên phát biểu trước Thủ tướng hai nước Việt Nam và Singapore trong Chương trình Đối thoại lãnh đạo trẻ Việt Nam - Singapore năm 2023. (Ảnh: NVCC)

Một số hoạt động nổi bật của Thạc sĩ Đinh Thủy Tiên:

Năm 2022, cô Tiên là gương mặt Cán bộ Đoàn Thủ đô Tiêu biểu. Nhiều năm liền, cô Tiên được nhận bằng khen của Trung ương Đoàn và Thành đoàn Hà Nội vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên.

Cô Tiên là 1 trong 15 đại biểu của Việt Nam tham dự Chương trình Đối thoại lãnh đạo trẻ Việt Nam - Singapore năm 2023 và đại diện thanh niên Việt Nam phát biểu trước Thủ tướng hai nước.

Cô Tiên từng tham gia nhiều hoạt động tình nguyện trong nước và quốc tế, như Tuần lễ cấp cao APEC (APEC Economic Leaders’ Week), Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit); Dự án tình nguyện Quốc tế tại Thái Lan.

Ngọc Mai