Thầy Huỳnh Phú Vinh, sinh năm 1996, hiện đang là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Bí thư Đoàn Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên viên Trung tâm Thông tin - Truyền thông của trường.
Trong thời gian gần 10 năm (từ năm 2014 đến nay) làm công tác Đoàn, thầy Vinh có nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm để luôn giữ tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ và truyền cảm hứng đến sinh viên.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Vinh cho rằng, cùng với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các tổ chức khác của thanh niên, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có vai trò, trách nhiệm quan trọng như: giữ vai trò nòng cốt trong phong trào thanh niên và tổ chức thanh niên; có trách nhiệm giám sát và phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về thanh niên theo quy định của pháp luật; thực hiện các hoạt động đối ngoại thanh niên.
“Tổ chức Đoàn Thanh niên trong cơ sở giáo dục đại học có vai trò quan trọng trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, rèn luyện kỹ năng và định hướng cho thế hệ trẻ. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong trường đại học giúp tạo dựng môi trường để sinh viên tham gia các hoạt động thể hiện sự năng động, sáng tạo, tinh thần xung kích, trau dồi và phát triển bản thân, từ đó góp phần xây dựng và phát triển nhà trường”, thầy Vinh chia sẻ.
Được biết, cơ duyên để anh Vinh gắn bó với công tác Đoàn xuất phát từ khi là sinh viên năm nhất của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Khi đó, anh Vinh có niềm yêu thích với các hoạt động truyền thông. Qua tìm hiểu và được các anh chị cán bộ Đoàn trường tạo điều kiện, Câu lạc bộ Truyền thông UMC trực thuộc Đoàn trường được thành lập, thầy Vinh làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ.
Sau quá trình hoạt động sôi nổi trong câu lạc bộ, đến năm thứ ba đại học, nhận được sự tín nhiệm của lãnh đạo nhà trường và cán bộ Đoàn trường, anh Vinh được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn trường - là sinh viên duy nhất được tham gia vào Ban Thường vụ Đoàn trường trong nhiệm kỳ đó. Khoảng 2 tháng sau, anh Vinh được bầu làm Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam của trường.
“Lần lượt trải qua các chức vụ như Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thông UMC, Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn trường, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam của trường, Bí thư Đoàn trường, kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với tôi là tại Chương trình Chào đón Tân sinh viên năm 2017 (khi đó anh Vinh là sinh viên năm cuối). Bởi, đây là mốc đánh dấu lần đầu tiên tôi được đồng hành cùng Đoàn trường để tổ chức hoạt động với quy mô lớn (cho hơn 12.000 sinh viên của trường).
Thông qua hoạt động, tôi cảm nhận được tinh thần đoàn kết của tập thể cán bộ Đoàn từ cấp khoa đến cấp trường. Nếu không có tổ chức Đoàn, các hoạt động cho sinh viên trong những ngày hội lớn sẽ không thể thành công. Bên cạnh đó, việc tổ chức các chiến dịch tình nguyện dành cho sinh viên của trường tham gia đều mang lại cho tôi những kỷ niệm khó quên trong gần 10 năm làm công tác Đoàn", thầy Vinh chia sẻ.
Thầy Vinh đánh giá, tham gia hoạt động Đoàn trường, các đoàn viên có thể phát triển bản thân trong rèn luyện kỹ năng quản lý, tổ chức, học kỹ năng mềm, nâng cao kiến thức xã hội, tư duy sáng tạo, rèn ý chí, nghị lực, mở rộng cơ hội kết nối, giao lưu, góp sức xây dựng môi trường học đường, xã hội lành mạnh.
Một trong những thuận lợi cho thầy Vinh khi làm Bí thư Đoàn trường đó là tuổi trẻ nên thầy dễ nắm bắt và hiểu tâm lý của sinh viên; đưa những trào lưu tích cực của giới trẻ vào đổi mới hoạt động Đoàn, tránh khô khan, nhàm chán, khó tiếp cận.
Tuy nhiên, thầy Vinh cho hay, khó khăn nhất đối với Bí thư Đoàn trường là số lượng đoàn viên, thanh niên trong trường tương đối lớn dẫn đến các hoạt động tổ chức khó đáp ứng được toàn bộ nhu cầu, sở thích, cá tính đa dạng của sinh viên. Đồng thời, việc tổ chức các hoạt động cũng gặp khó khi một bộ phận sinh viên ngày nay dễ thay đổi nhu cầu, sở thích theo thời gian, xu hướng.
Trên thực tế, việc thu hút sinh viên tự nguyện, tích cực tham gia hiệu quả vào các hoạt động Đoàn là "bài toán" đối với nhiều cơ sở giáo dục đại học. Thực trạng này khiến thầy Vinh luôn luôn trăn trở, tìm nguyên nhân.
"Theo tôi, thứ nhất, nguyên nhân do các hoạt động Đoàn tổ chức theo lối mòn, thiếu sáng tạo, đổi mới và chỉ mang tính hình thức. Hoạt động Đoàn chưa tích cực đưa vào các kiến thức của ngành học mà chủ yếu tổ chức một cách chung chung.
Thứ hai, đa số sinh viên có quan niệm tham gia hoạt động Đoàn để được cộng điểm rèn luyện. Do vậy, các em chỉ chú ý vào số điểm mà hoạt động đó mang lại, không quan tâm đến ý nghĩa, lợi ích của hoạt động đối với cộng đồng xã hội như thế nào. Điều này dẫn đến việc sinh viên tham gia các hoạt động Đoàn bằng thái độ miễn cưỡng, thiếu nhiệt tình, tạo hiệu ứng tiêu cực lan truyền trong sinh viên. Và thực tế cho thấy, có những hoạt động do Đoàn trường tổ chức, không cộng điểm rèn luyện là không có sinh viên nào đăng ký tham gia"
_Thầy Huỳnh Phú Vinh_
Chỉ ra thêm một số hạn chế, thầy Vinh cho rằng, sinh viên học theo tín chỉ với khung giờ khác nhau nên việc sinh hoạt chi đoàn khó tập hợp đủ đoàn viên. Chưa kể, đội ngũ cán bộ Đoàn thay đổi liên tục, thiếu tính ổn định (vì phần lớn cán bộ chủ chốt tại các Đoàn cơ sở trực thuộc trường đều là sinh viên năm 3, hoặc 4).
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác Đoàn, theo Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, để thu hút sinh viên tích cực tham gia hoạt động Đoàn, vào mỗi đầu năm học, Đoàn trường thực hiện khảo sát về nhu cầu, nguyện vọng của sinh viên để xây dựng chương trình hoạt động Đoàn của cả năm học, sao cho hài hòa giữa nhiệm vụ mà lãnh đạo trường, tổ chức Đoàn cấp trên giao.
Thêm nữa, cần xác định rõ đối tượng hướng đến khi tổ chức các hoạt động Đoàn. Cụ thể, các hoạt động nên chia thành 2 nhánh. Trong đó, nhánh thứ nhất, tổ chức các hoạt động chung cho sinh viên toàn trường tham gia (ví dụ như: Ngày hội sinh viên, Hội nghị Khoa học trẻ, các cuộc thi Bí thư Chi đoàn giỏi, Thủ lĩnh sinh viên,...). Nhánh thứ hai, tổ chức các hoạt động hướng đến thế mạnh của một số đối tượng sinh viên nhất định (ví dụ như: cuộc thi Đấu trường Robot dành cho sinh viên khối ngành Cơ khí – Động lực – Điện – Điện tử, cuộc thi Thiết kế sản phẩm du lịch “Gò Vấp – Trăm năm tìm lại dấu xưa” dành cho sinh viên khối ngành Du lịch, cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp kinh doanh dành cho sinh viên khối ngành Kinh tế,...). Qua đó, sinh viên có thể lựa chọn các hoạt động phù hợp để tham gia tích cực.
“Các hoạt động Đoàn nên được chú trọng vào chất lượng hơn số lượng để tập trung đầu tư, mang lại ý nghĩa, ấn tượng tốt trong sinh viên. Đặc biệt, Đoàn trường nên tiến hành khảo sát chất lượng hoạt động Đoàn trong sinh viên sau khi hoạt động kết thúc để rút kinh nghiệm.
Cần nhấn mạnh thêm, việc xác định nhu cầu và đối tượng hướng đến khi tổ chức hoạt động Đoàn còn giúp phát huy tiềm lực và nội lực của các cơ sở Đoàn trực thuộc trường. Ngoài ra, cần có chính sách thi đua, khen thưởng phù hợp để kích thích tinh thần phấn đấu của đoàn viên (nhưng phải đảm bảo chất lượng hoạt động)”, thầy Vinh chia sẻ.
Bên cạnh đó, thầy Vinh cho rằng, cần quan tâm đến công tác nhân sự cán bộ Đoàn trường vì đây là những người “thủ lĩnh”, nòng cốt làm nên phong trào. Để có được đội ngũ nhân sự cán bộ Đoàn tốt, cần được phát hiện, bồi dưỡng từ năm nhất, năm hai đại học để giúp định hướng và phát huy tinh thần nhiệt huyết của sinh viên.
Dưới đây là một số thành tích nổi bật của thầy Huỳnh Phú Vinh - Bí thư Đoàn Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh:
- Nhiều lần nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bằng khen của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Bằng khen của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, Bằng khen của Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh.
- Nhận nhiều Giấy khen của Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó có 03 lần liên tiếp được nhà trường khen tặng giải thưởng “Cán bộ, Viên chức trẻ, giỏi, thân thiện"
- Năm 2022, được nhận danh hiệu “Thanh niên tiên tiến Thành phố Hồ Chí Minh làm theo lời Bác”.
- Năm 2023, được Bộ trưởng Bộ Công Thương tặng Bằng khen.