Tối ngày 30/3, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ vinh danh Thành phố Hồ Chí Minh được UNESCO công nhận là thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu.
Đến tham dự và phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thành phố đánh giá cao việc trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ, đây là cơ hội cho tất cả người dân và chính quyền thành phố tiếp tục đề ra các chương trình hành động phát triển, để Thành phố Hồ Chí Minh trở thành nơi mọi người dân, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt quốc gia có thể tiếp tục học hỏi.
Đồng thời, thành phố sẽ tạo ra một môi trường học tập mở, nơi mỗi công dân có thể phát triển kỹ năng và kiến thức cần thiết để thích nghi và phát triển trong thế giới số. Đây là một bước tiến quan trọng, khẳng định cam kết của thành phố đối với việc học tập suốt đời và phát triển bền vững.
Với tư cách là thành viên của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nỗ lực không ngừng để đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội học tập và phát triển, cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các thành viên khác của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu để chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và xây dựng môi trường học tập tốt hơn cho tất cả mọi người.
Thành phố Hồ Chí Minh đã sẵn sàng cho một hành trình hướng tới một tương lai, mà mỗi công dân đều là một công dân số, một công dân học tập toàn cầu. Không chỉ cùng nhau xây dựng một thành phố học tập, một cộng đồng học tập, một xã hội học tập, bắt đầu từ mốc son của lễ vinh danh hôm nay, Thành phố Hồ Chí Minh và bạn bè trong hệ thống thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu cùng đồng lòng chung tay, xây dựng một thế giới học tập, phát triển và bền vững.
Tại lễ vinh danh, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phát động triển khai thực hiện Chương trình hành động xây dựng “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO giai đoạn 2024 – 2030” trên địa bàn thành phố.
Theo đó, thành phố sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ, và huy động nguồn lực để thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho người dân sinh sống trên địa bàn thành phố.
Tiếp tục và tạo chuyển biến cơ bản trong việc xây dựng thành phố học tập, xã hội học tập, bảo đảm đến năm 2030, mọi công dân sẽ có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Cùng với đó là việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động thực hiện xây dựng thành phố học tập, học tập suốt đời. Tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia, phối hợp của các tổ chức, cá nhân trong việc thúc đẩy học tập suốt đời, và xây dựng thành phố học tập, xã hội học tập, hoàn thành các mục tiêu của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030 “ trên địa bàn thành phố.
Trước đó, ngày 14/2 vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh là 1 trong 2 thành phố của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ghi danh trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu. Thành phố còn lại của Việt Nam cũng được ghi danh trong đợt này là thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La).