Ngày 14/2, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công bố danh sách mạng lưới thành phố học tập toàn cầu thuộc tổ chức này. Trong đó, có 64 thành viên mới đến từ 35 quốc gia. Đáng chú ý trong đó có 2 đại diện đến từ Việt Nam là Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La).
Để được công nhận là thành viên “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO các thành phố cần có những sáng kiến hữu hiệu về chính sách cũng như đã áp dụng chính sách đó vào thực tiễn, khuyến khích phát triển giáo dục trên địa bàn. Đồng thời cần cam kết tạo điều kiện cho việc học tập suốt đời của mọi công dân ở tất cả các cấp học. UNESCO tiến hành xét duyệt hồ sơ vô cùng gắt gao, với sự thẩm định của các chuyên gia hàng đầu về giáo dục dựa trên 42 tiêu chí.
Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương có tất cả 11 thành phố được công nhận. Ngoài 2 đại diện của Việt Nam, 9 thành phố còn lại bao gồm: Thành phố Nam Kinh, Thành phố Tô Châu (Trung Quốc); Thành phố Legazpi (Philippines); Thành phố Busan, Seo-gu (Gwangju), Hanam (Hàn Quốc); Thành phố Bangkok, Khon Kaen, Yala (Thái Lan).
Tham gia “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu” là cơ hội để các thành phố trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm thông qua một mạng lưới năng động gồm 356 thành phố trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, các thành viên của mạng lưới cũng nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình xây dựng và triển khai các hoạt động học tập, đồng thời được ứng cử giải thưởng thành phố học tập của UNESCO.
Đây cũng là cơ hội thúc đẩy hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam cũng như thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.
Được biết, Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu UNESCO (GNLC) được Viện Học tập suốt đời của UNESCO (UIL) thành lập vào năm 2012. Mạng lưới này là nền tảng trao đổi quốc tế, cho phép các thành phố chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn cũng như bài học kinh nghiệm thực tiễn để xây dựng một “thành phố học tập”.
Mục tiêu của các thành phố học tập toàn cầu là triển khai các chiến lược học tập suốt đời vì sự phát triển đô thị toàn diện, bền vững; là chìa khóa để giải quyết các thách thức về gắn kết xã hội, phát triển kinh tế và duy trì sự bền vững.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 5 thành phố nằm trong mạng lưới thành phố học tập toàn cầu trên thế giới được UNESCO công nhận. Ngoài Thành phố Hồ Chí Minh và Sơn La, trước đó, vào năm 2015, Hải Dương được UNESCO trao chứng nhận danh hiệu thành phố học tập toàn cầu.
Năm 2020, Thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) và Thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) được công nhận danh hiệu này. Tháng 9/2022, Thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) cũng chính thức trở thành thành viên “Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu”.
Các thành phố học tập của UNESCO có vai trò kết nối các cơ sở giáo dục, đào tạo, văn hóa và thu hút nhiều đối tác như đại diện khu vực, tổ chức xã hội và người sử dụng lao động. Từ đó, huy động hiệu quả các nguồn lực trong mọi lĩnh vực để thúc đẩy học tập toàn diện và có chất lượng, từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học. Thực hiện hóa mục tiêu, đem lại những sáng kiến mới cho việc học tập trong gia đình và cộng đồng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập tại nơi làm việc, mở rộng việc sử dụng các công nghệ học tập hiện đại.