Tỷ lệ SV có việc làm khá thấp, ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM nêu nguyên nhân

10/04/2024 06:35
Khánh An

GDVN- Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường của Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM trong 4 năm gần đây đều dưới 85%.

Thí sinh có nguyện vọng học Giáo dục thể chất ngày càng tăng

Qua báo cáo công khai thông tin về chất lượng đào tạo thực tế những năm gần đây của Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, quy mô đào tạo hệ đại học chính quy và đào tạo tiến sĩ có xu hướng tăng; tuy nhiên, quy mô đào tạo thạc sỹ lại có xu hướng giảm qua các năm.

Screenshot_8.jpg
Quy mô đào tạo trong những năm học gần đây của Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với xu hướng tăng ở quy mô đào tạo tiến sĩ và hệ đại học chính quy trong những năm gần đây, Tiến sĩ Nguyễn Kế Bình – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh thông tin:

“Từ năm học 2022 – 2023, trường đã đẩy mạnh công tác truyền thông trên tất cả các cổng thông tin, do đó đã thu hút lượng lớn thí sinh thi tuyển vào trường trong những năm gần đây. Ngoài ra, điểm nổi bật để thu hút thí sinh thi tuyển vào trường là từ khi có chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên khối các trường sư phạm (Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ).

Bên cạnh đó, nhà trường luôn đảm bảo tốt môi trường học tập và sinh hoạt thân thiện cho sinh viên học tập. Về cơ sở vật chất, trường đã tạo điều kiện tốt nhất để đảm bảo chất lượng giảng dạy và học tập (triển khai giảng dạy và học tập tại cơ sở mới xã Nhơn Đức huyện Nhà Bè). Về chất lượng chương trình đào tạo, trường luôn cập nhật những kiến thức mới để giảng dạy cho sinh viên.

Những yếu tố trên đã giúp cho trường thu hút được ngày càng nhiều thí sinh thi tuyển trong những năm gần đây dù chỉ có duy nhất một ngành đào tạo là Giáo dục thể chất. Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phát huy trách nhiệm phục vụ cho sự nghiệp trồng người, là nhân tố tích cực trong việc nâng cao thể chất và tầm vóc người Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước”.

Đối với quy mô đào tạo thạc sỹ, thầy Bình cho biết: “Trong năm học 2022 – 2023, Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, công việc này giúp cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Hội đồng trường có bức tranh tổng thể về công tác đào tạo, tuyển sinh ở các bậc đào tạo và các hệ đào tạo.

Qua đó đã có những điều chỉnh về cơ cấu tổ chức, bộ máy của nhà trường, giúp nhà trường tập trung vào công tác bồi dưỡng giảng viên, cải tiến phương pháp dạy và học nhằm nâng cao chất lượng, xây dựng hình ảnh thương hiệu, quảng bá trường nhằm hướng đến người học và phục vụ cộng đồng ngày càng tốt hơn. Điều này lý giải cho việc tăng số lượng người học ở bậc đại học và sau đại học”.

Ngoài ra, từ dữ liệu báo cáo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của cơ sở giáo dục đại học qua các năm cũng cho thấy, trường có số lượng sinh viên hệ đại học vừa làm vừa học tương đối cao, bằng khoảng 1/2 số sinh viên hệ đại học chính quy, có năm bằng khoảng 2/3.

Cụ thể, năm học 2019-2020, quy mô sinh viên hệ đại học vừa làm vừa học của trường bằng bằng khoảng 64,7% số sinh viên hệ đại học chính quy, tỷ lệ này ở năm học 2020-2021 là 44,9%, năm học 2021-2022 là 73,8% và năm học 2022-2023 là 56,4%.

Lý giải về con số trên, thầy Bình cho hay: “Từ năm học 2021 – 2022, nhà trường thực hiện chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Thủ tướng chính phủ. Mỗi năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo số lượng chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học của nhà trường. Do đó, trường đã tổ chức tuyển sinh đúng chỉ tiêu mà Bộ giao mỗi năm.

Trên thực tế, số lượng thí sinh có nguyện vọng học ngành Giáo dục thể chất của trường có xu thế tăng lên những năm gần đây. Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học hình thức chính quy chỉ vào khoảng 150 – 250 sinh viên/năm.

Vì vậy, thí sinh có nguyện vọng muốn học ngành Giáo dục thể chất của nhà trường phải chuyển sang dự tuyển đại học hình thức vừa làm vừa học. Điều này đã khiến số lượng sinh viên học hệ đại học vừa học vừa làm của trường tương đối cao trong những năm gần đây”.

Tỷ lệ sinh viên có việc làm còn khá thấp

Cũng tại báo cáo công khai thông tin về chất lượng đào tạo thực tế của trường trong những năm gần đây cho thấy, năm học 2019-2020 và năm học 2020-2021, trường có tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 01 năm là như nhau (81,07%). Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường tại báo cáo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của năm học 2021-2022 là 82,35% và ở năm học 2022-2023 là 84,08%.

Đối với vấn đề này, thầy Bình cho biết: “Theo kết quả khảo sát từ Báo cáo đánh giá việc làm sinh viên tốt nghiệp năm 2020 của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo, có khoảng 80% - 90% sinh viên tùy từng cơ sở đào tạo sau khi tốt nghiệp từ 3 tháng đến 1 năm đã có việc làm. Cũng theo kết quả khảo sát này, sinh viên tốt nghiệp thuộc nhóm ngành Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ, Thể dục thể thao, Nghệ thuật chỉ đạt tỷ lệ 84%.

Như vậy, có thể thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tương đồng với tỷ lệ của cả nước trong cùng nhóm ngành. Và tỷ lệ này là tương đối ổn định qua các năm do số lượng sinh viên ra trường cũng như thị trường việc làm của lĩnh vực giáo dục và thể dục thể thao ít biến động. So với một số ngành học và nhiều đơn vị đào tạo khác, tỷ lệ sinh viên có việc làm của trường còn khá thấp, tuy nhiên đó là con số thực chất.

CNP06965-700x450.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh).

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến khả năng tìm được việc làm của sinh viên sau khi ra trường. Qua tìm hiểu tình hình thực tế, chúng tôi nhận thấy, việc tìm kiếm cơ hội việc làm của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh còn gặp phải một số khó khăn.

Thứ nhất, về nguyên nhân khách quan là do tính cạnh tranh cao thị trường lao động thuộc lĩnh vực đào tạo của trường. Trường đào tạo ngành Giáo dục thể chất nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất, huấn luyện viên…..là chủ yếu. Sinh viên của trường được hưởng các chính sách ưu đãi của ngành giáo dục, được đào tạo trong môi trường sư phạm nên các bạn mong muốn được phục vụ trong ngành giáo dục.

Trong khi đó, nhu cầu nhân lực đối với giáo viên giáo dục thể chất ở các trường công còn khá hạn chế và tồn tại một vài bất cập. Đơn cử như hiện nay ở một số địa phương có tình trạng thiếu giáo viên giáo dục thể dục nhưng lại đủ tổng số biên chế giáo viên theo định mức, do đó các trường thường điều chuyển giáo viên các môn khác qua đảm nhiệm bộ môn giáo dục thể chất, …

Thứ hai, về phía bản thân sinh viên, các em còn thiếu các kỹ năng, kinh nghiệm làm việc cần thiết.

Trên thực tế, các nhà tuyển dụng hiện nay có xu hướng tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm, có kỹ năng nghiệp vụ và kỹ năng mềm nhằm sẵn sàng thực hiện công việc trong môi trường áp lực cao. Tuy nhiên, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp hiện nay chưa thực sự đáp ứng được các yêu cầu đó. Việc thiếu kinh nghiệm và các kỹ năng là hạn chế lớn nhất của sinh viên, tác động đến cơ hội có được việc làm và việc làm chất lượng.

Đối với vấn đề này, nhà trường có chủ trương và đang triển khai thực hiện những năm gần đây về việc tăng cường thời lượng thực hành, thực tập, kiến tập tại các cơ sở giáo dục cấp phổ thông cho sinh viên; đẩy mạnh kĩ năng nghề của sinh viên ngay trong giai đoạn còn ngồi trên ghế giảng đường.

Thứ ba, mạng lưới kết nối và mối quan hệ trong thị trường tìm kiếm việc làm còn chưa đa dạng và phát triển rộng. Có thể thấy, sinh viên mới ra trường của lĩnh vực này chưa có sự kết nối với các đơn vị sử dụng lao động, đặc biệt các đơn vị kinh doanh, dịch vụ liên quan trong xã hội. Do đó, thị trường tìm kiếm việc làm của sinh viên bị bó hẹp, trong khi một số đơn vị sử dụng lao động lại không thể tuyển dụng được nhân sự.

Đối với vấn đề này, nhà trường đang từng bước cải thiện công tác thống kê, đánh giá sau tốt nghiệp và mở rộng, tìm kiếm các đầu mối việc làm để hướng nghiệp sinh viên thử sức và làm quen trước khi chính thức tham gia thị trường lao động.

Thứ tư, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp kì vọng tìm được một công việc phù hợp với ngành nghề đào tạo và có mức lương cao và để tìm được công việc đáp ứng kỳ vọng đó, một số em chấp nhận “thất nghiệp” chứ không làm các công việc không quá phù hợp với ngành nghề đã học hoặc các công việc có mức lương khởi điểm thấp. Điều này đã vô tình đẩy sinh viên mới tốt nghiệp ra xa các cơ hội việc làm tiềm năng.

Đối với vấn đề này, nhà trường đã và đang thực hiện công tác tăng cường tuyên truyền về khởi nghiệp; tăng cường trao đổi và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên trong các kế hoạch sinh hoạt chung và riêng của công tác quản lý sinh viên và người học. Quan điểm chỉ đạo luôn phải bắt đầu với việc hiểu đúng để tiến hành giải quyết các khó khăn, vướng mắc”.

Mặt khác, để có sự đối sánh về thông tin tuyển sinh (chỉ tiêu, số nhập học, học phí,…) của các năm đối với xã hội, việc công khai và lưu trữ Đề án tuyển sinh các năm vẫn luôn được hầu hết các cơ sở giáo dục đại học thực hiện. Tuy nhiên, tính đến 25/03/2024, phóng viên thấy rằng, Đề án tuyển sinh năm 2023 của trường trên website vẫn ghi là “Chờ cập nhật”, Đề án tuyển sinh các năm khác cũng không tìm thấy.

Screenshot_1.jpg
Ảnh chụp màn hình mục Tuyển sinh trên website Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh.

Về vấn đề này, thầy Bình cho biết: “Từ 01/01/2024 đến nay, nhà trường đã và đang tiến hành cập nhật mới trên trang thông tin điện tử www.upes.edu.vn. Do đó, một số mục, nội dung, tin tức, … của các đơn vị trong nhà trường đang trong quá trình hoàn thiện cập nhật lại và chuyển đổi dữ liệu.

Hơn nữa, hàng năm, trường đều ban hành Đề án tuyển sinh và cập nhật trên trang nghiệp vụ tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (có phản hồi “xác nhận đề án” từ hệ thống). Do đó, tất cả các đề án tuyển sinh, thông báo tuyển sinh, … đều được công khai hàng năm trên trang thông tin điện tử của nhà trường. Việc công khai đầy đủ thông tin là cơ sở để nhà trường thực hiện công tác kiểm định cơ sở giáo dục.

Hiện nhà trường đã hoàn thành công tác đảm bảo chất lượng cơ sở giáo dục giai đoạn 2017 - 2022. Trường được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Trường Đại học Vinh cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục số 222/GCN-CSGDĐH có giá trị đến ngày 16/10/2028 kèm theo Quyết định số 707/QĐ-KĐCLV ngày 16/10/2023”.

Khánh An