Giáo viên học hỏi được gì ở những tiết dự giờ đồng nghiệp theo quy định?

12/04/2024 06:42
NGUYÊN KHANG

GDVN - Tâm lí chung của giáo viên dù dạy giỏi hay không giỏi cũng không thích, hoặc không muốn có giáo viên dự giờ lớp mình – nếu không nằm trong kế hoạch chung.

Từ thực tế giảng dạy ở các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông cho thấy việc dự giờ vẫn cần thiết cho hoạt động dạy học của nhà trường- nhất là những giáo viên trẻ mới vào nghề và khi toàn ngành đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thông qua việc dự giờ đồng nghiệp cũng là một cách để mỗi giáo viên có thể học hỏi về phương pháp, cách tổ chức tiết dạy nhằm nâng cao tay nghề của mình. Nhưng, những tiết mà giáo viên được dự phải chất lượng và phải phù hợp với thực tế môn học của người dự.

Riêng những tiết giáo viên đi dự giờ đồng nghiệp chỉ để cho đủ tiết quy định hoặc bị phân công đi dự của một giáo viên tổ khác thì nhiều khi lãng phí thời gian và cũng chẳng học hỏi được gì. Tuy nhiên, nhiều giáo viên vẫn phải đi dự giờ những tiết như vậy.

5-1941-6333-5663.png
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Những giáo viên nào còn phải bắt buộc đi dự giờ đồng nghiệp?

Hiện nay, theo hướng dẫn từ các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ còn những giáo viên ở cấp Tiểu học là bắt buộc phải dự giờ đồng nghiệp. Cụ thể, giáo viên cấp Tiểu học còn sử dụng sổ dự giờ theo quy định tại điểm b khoản 2, Điều 21- Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT.

Trong đó, hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục của giáo viên tiểu học bao gồm: “Kế hoạch bài dạy; Sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ và theo dõi đánh giá kết quả học tập của học sinh; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên chủ nhiệm); Sổ công tác Đội (đối với Tổng phụ trách Đội).

Đối với giáo viên Trung học cơ sở và Trung học phổ thông không còn phải dự giờ bắt buộc như trước bởi vì theo Điều 70, Luật Giáo dục năm 2019 chỉ quy định nhiệm vụ của nhà giáo gồm: “Giảng dạy, giáo dục theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục; thực hiện điều lệ nhà trường…”.

Tại Điều 21 của Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT đã quy định về các loại hồ sơ, sổ sách của giáo viên như sau: “Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp)”.

Với hướng dẫn của Bộ như vậy, giáo viên bộ môn có 3 loại sổ sách; giáo viên chủ nhiệm 4 loại và Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT không hề quy định giáo viên Trung học cơ sở và Trung học phổ thông phải có sổ dự giờ, cũng không quy định số tiết dự giờ.

Tuy nhiên, ở khoản 2 Điều 29, Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm: “Được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp do mình làm chủ nhiệm”.

Như vậy, kể từ ngày 01/11/2020, chỉ còn quy định giáo viên chủ nhiệm dự giờ lớp của mình khi thấy cần thiết mà thôi. Những giáo viên còn lại ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông không còn bắt buộc phải dự giờ như trước đây nữa.

Tuy nhiên, đây mới là hướng dẫn của…Bộ, còn thực tế tại các trường học vẫn quy định số tiết dự giờ cho giáo viên trong từng học kỳ của mỗi năm học và mỗi trường có những quy định riêng. Thông thường, các trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông sẽ quy định giáo viên bộ môn dự từ 4-5 tiết/ học kỳ.

Giáo viên học hỏi được gì ở những tiết dự giờ đồng nghiệp theo quy định

Thực ra, việc dự giờ đồng nghiệp giỏi, hoặc những tiết thao giảng các cấp được đầu tư chỉn chu thì giáo viên sẽ học hỏi được nhiều điều bổ ích, sau đó sẽ phục vụ cho công việc giảng dạy của mình. Nhưng, thực tế những tiết như vậy rất ít và không phải ai cũng được dự.

Tâm lí chung của giáo viên dù dạy giỏi hay không giỏi cũng không thích, hoặc không muốn có giáo viên dự giờ lớp mình –nếu không nằm trong kế hoạch chung của tổ, của trường. Họ chỉ cho đồng nghiệp dự những tiết đã được phân công cụ thể theo kế hoạch.

Những tiết thao giảng của tổ thì thường thực hiện luân phiên nên cũng có tiết hay và tiết không hay. Thao giảng cấp huyện, cấp tỉnh cũng chủ yếu là tổ trưởng chuyên môn và một số giáo viên cùng khối vì hạn chế chỗ ngồi dự và đơn vị phải chi trả công tác phí cho giáo viên.

Vì vậy, nhà trường quy định mỗi học kỳ bao nhiêu tiết thì giáo viên bộ môn phải hoàn thành. Có khi dự được tiết hay của đồng nghiệp nhưng cũng không ít những tiết chẳng học hỏi được gì, chủ yếu là đi dự để lấy phiếu dự giờ cho đủ tiết.

Thực tế, những tổ chuyên môn có số lượng giáo viên ít nên phải dự đi, dự lại của đồng nghiệp nhiều lần/ năm cũng dẫn đến nhàm chán.

Chẳng hạn, một số tổ chuyên môn có 3 giáo viên mà trường quy định mỗi kỳ phải dự của đồng nghiệp 5 tiết thì cứ phải dự giờ qua lại với nhau. Tất nhiên, việc đánh giá cũng trở nên hình thức. Nếu anh đánh giá tôi thấp thì khi tôi dự lại tôi cũng đánh giá lại như vậy. Vì thế, gần như tiết nào cũng xếp loại giỏi- dù đồng nghiệp… không giỏi.

Khổ nhất là những thầy cô tổ trưởng, tổ phó chuyên môn các tổ lớn. Mỗi năm học phải đi dự vài chục tiết của đồng nghiệp là chuyện bình thường. Bởi, nhà trường quy định tổ trưởng, tổ phó phải dự của tổ viên mỗi kỳ ít nhất 1 tiết để cuối năm đánh giá tay nghề và làm minh chứng cho xếp chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Bên cạnh đó, còn phải đi dự thao giảng của tổ, của trường, của huyện, tỉnh; chấm thi giáo viên giỏi cấp trường; dự giờ khi kiểm tra nội bộ theo kế hoạch nhà trường; dự giờ ôn tập giữa kỳ, cuối kỳ…

Những tiết của đồng nghiệp mà dạy ổn thì dự đỡ ngán ngại nhưng trong tổ vẫn luôn có một số giáo viên còn nhiều hạn chế.

Nhiều khi đi dự giờ chẳng học hỏi được gì nhưng vì công việc vẫn phải đi dự. Đến khi góp ý phải tế nhị kẻo lại mang tiếng là “vạch lá tìm sâu” nhưng góp ý hời hợt thì không giúp tổ viên của mình nhìn thấy những hạn chế để khắc phục.

Giáo viên dự giờ bao nhiêu tiết là phù hợp?

Theo quan điểm người viết bài, nếu không phải là tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, không phải giáo viên tập sự hoặc mới vào nghề thì những giáo viên bộ môn chỉ cần dự những tiết thao giảng của tổ, của Hội đồng bộ môn theo cụm; cấp huyện; cấp tỉnh là phù hợp.

Việc một số nhà trường máy móc bắt buộc mỗi kỳ phải dự bao nhiêu tiết là không cần thiết và khiên cưỡng. Bởi thực tế, những tổ chuyên môn có ít tiết thì dự đi, dự lại nhau để làm gì- khi thấy không thực sự cần thiết.

Một số môn đặc thù như: Âm nhạc; Mĩ thuật; hoặc Giáo dục công dân mỗi tuần chỉ có 1 tiết/lớp nên những trường loại II, loại III chỉ có 1 giáo viên/môn; trường loại I có 2-3 giáo viên/môn.

Vì thế, những giáo viên này phải xin đi dự các môn khác cho đủ số tiết. Nhưng, những tiết dự như vậy để làm gì khi mà người dạy, người dự trái chuyên môn với nhau. Người đi dự thì chủ yếu là có tiết dự; người dạy thì miễn cưỡng cho dự vì cả nể.

Vì thế, một số Ban giám hiệu nhà trường cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông nếu quá cứng nhắc ấn định giáo viên phải dạy bao nhiêu tiết cho đồng nghiệp dự và phải dự giờ đồng nghiệp bao nhiêu tiết/học kỳ/năm học là áp đặt, không còn phù hợp với Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT.

Điều này đã gây áp lực cho giáo viên - kể cả người đi dự giờ và người được (bị) dự giờ và thực tế nó cũng không mang lại nhiều hiệu quả.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG