Vì sao giáo viên không dự giờ lớp do mình chủ nhiệm?

30/03/2024 06:50
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Giáo viên chủ nhiệm được quyền dự giờ lớp do mình chủ nhiệm, thế nhưng ít có thầy cô giáo nào thực hiện quy định này.

Sự chủ động, tích cực của giáo viên, học sinh trong các tiết dự giờ giúp hoạt động dạy và học được coi là rất có ích trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Điều lệ trường tiểu học và Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường trung học phổ thông có nhiều cấp học đều quy định:

“Giáo viên chủ nhiệm có quyền được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp do mình làm chủ nhiệm.”

Thế nhưng, theo ghi nhận của người viết - là giáo viên trung học phổ thông - không nhiều giáo viên chủ nhiệm tham gia dự giờ lớp do mình chủ nhiệm.

giao-an-thi-gvcn-gioi-7794-6563.png
Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn.

Nhiệm vụ giáo viên chủ nhiệm

Căn cứ Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT, Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT, giáo viên chủ nhiệm bậc phổ thông có nhiệm vụ như sau:

- Xây dựng kế hoạch các hoạt động giáo dục thể hiện rõ mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục bảo đảm tính khả thi, phù hợp với đặc điểm học sinh, với hoàn cảnh và điều kiện thực tế nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của cả lớp và của từng học sinh;

- Thực hiện các hoạt động giáo dục theo kế hoạch đã xây dựng;

- Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, với các giáo viên bộ môn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, các tổ chức xã hội có liên quan trong việc hỗ trợ, giám sát việc học tập, rèn luyện, hướng nghiệp của học sinh lớp mình chủ nhiệm và góp phần huy động các nguồn lực trong cộng đồng phát triển nhà trường;

- Nhận xét, đánh giá và xếp loại học sinh cuối kỳ và cuối năm học; đề nghị khen thưởng và kỷ luật học sinh; đề nghị danh sách học sinh được lên lớp thẳng, phải kiểm tra lại, phải rèn luyện thêm về hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè, phải ở lại lớp; hoàn chỉnh việc ghi sổ điểm và học bạ học sinh;

- Báo cáo thường kỳ hoặc đột xuất về tình hình của lớp với Hiệu trưởng.

Vì sao giáo viên chủ nhiệm không tham gia dự giờ lớp mình chủ nhiệm?

Theo người viết, giáo viên chủ nhiệm không tham gia dự giờ lớp mình chủ nhiệm vì một số lí do sau đây:

Thứ nhất, công tác chủ nhiệm là nhiệm vụ kiêm nhiệm của giáo viên. Như thế, giáo viên vừa làm nhiệm vụ giảng dạy vừa làm công tác chủ nhiệm.

Theo đó, số lượng hồ sơ sổ sách của giáo viên chủ nhiệm cũng nhiều hơn nên thầy cô không còn thời gian dự giờ lớp mình chủ nhiệm.

Cụ thể, theo Điều lệ Trường tiểu học (kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT), hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục đối với giáo viên tiểu học bao gồm:

1) Kế hoạch bài dạy (giáo án); 2) Sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ và theo dõi đánh giá kết quả học tập của học sinh; 3) Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên chủ nhiệm).

Theo Điều lệ Trường trung học (kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT), hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục đối với giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông bao gồm:

1) Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); 2) Kế hoạch bài dạy (giáo án); 3) Sổ theo dõi và đánh giá học sinh; 4) Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

Theo quy định, giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học được sử dụng hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy đảm bảo yêu cầu của công tác lưu trữ và có giá trị như hồ sơ giấy (Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT).

Tuy vậy, nhiều trường phổ thông vẫn yêu cầu giáo viên thực hiện hồ sơ giấy nên thầy cô mất khá nhiều thời gian cho công việc này. Ví dụ, kế hoạch bài dạy (giáo án) phải soạn theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH được nhiều giáo viên cho là dài lê thê.

Thứ hai, nhiều giáo viên khẳng định, hiện nay giáo viên chủ nhiệm đang bị nhiều áp lực bủa vây, thầy cô phải làm hàng chục công việc ngoài dạy học nên thầy cô không còn thời gian dự giờ lớp mình chủ nhiệm.

Một tuần, giáo viên chủ nhiệm phải tham gia chào cờ, họp giáo viên chủ nhiệm, sinh hoạt lớp (giúp học sinh khắc phục những tồn tại và phổ biến công việc mới trong tuần, trong tháng), tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp, dạy hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, kể cả phải dạy chương trình giáo dục địa phương (có khi dạy trái chuyên môn).

Về đến nhà, giáo viên chủ nhiệm phải gọi điện thoại cho phụ huynh thông báo những chuyện liên quan đến cá nhân học sinh, trường lớp.

Mỗi khi phụ huynh thắc mắc về giờ dạy của giáo viên bộ môn, học phí, các khoản đóng góp… thì giáo viên chủ nhiệm phải có nhiệm vụ trả lời thấu tình đạt lí.

Nhưng khổ nhất là nhiều khi giáo viên chủ nhiệm phải trả lời theo quan điểm của hiệu trưởng, ví dụ những khoản đóng góp ngoài quy định.

Khi bị phụ huynh chất vấn, không ít giáo viên chủ nhiệm ăn không ngon ngủ không yên vì lo sợ bản thân bị liên luỵ, thậm chí sợ lãnh đạo phê bình, hạ thi đua.

Cùng với đó, giáo viên chủ nhiệm còn làm những công việc không việc không tên như theo sát những diễn biến tâm sinh lý của học trò, nhất là các em lớp 8, lớp 9, lớp 10 – lứa tuổi mới lớn thường có những thay đổi bất thường về tâm sinh lí.

Bị công việc bủa vây nhưng giáo viên chủ nhiệm phải tìm hiểu, quan tâm, chia sẻ những vướng mắc, những bất ổn về tâm lý tuổi mới lớn của học sinh.

Nếu để các em vướng vào nạn bạo lực học đường, yêu sớm, chán học, bỏ học... thì người đầu tiên bị phụ huynh và cả xã hội trách cứ, lên án là giáo viên chủ nhiệm. Cùng với đó, giáo viên chủ nhiệm cũng bị đánh giá khi xếp loại viên chức cuối năm.

Bên cạnh đó, lớp nào có học sinh khó khăn về kinh tế thì giáo viên chủ nhiệm cũng phải tìm mọi cách giúp đỡ để các em được đến trường.

Ví dụ, thầy cô giáo chủ nhiệm giúp phụ huynh thực hiện các loại hồ sơ đúng quy định để được miễn giảm học phí. Thầy cô đứng ra kêu gọi học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp và những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ học sinh.

Ngoài ra, những giáo viên chủ nhiệm có học sinh hòa nhập thì thầy cô giáo còn chịu nhiều khó khăn, vất vả và áp lực hơn nữa.

Rồi những câu chuyện “dở khóc, dở cười” do chính học sinh tạo ra và áp lực từ phía phụ huynh cũng khiến giáo chủ nhiệm luôn ở trong tình trạng mệt mỏi, áp lực.

Thứ ba, theo các quy định như đã dẫn, giáo viên chủ nhiệm của cả 3 cấp học đều có quyền được tham gia dự giờ lớp mình làm chủ nhiệm.

Mục đích của việc dự giờ thăm lớp không phải để giáo viên chủ nhiệm đánh giá giờ dạy giáo viên bộ môn mà để nắm tình hình học tập của học sinh để có phương án điều chỉnh.

Tuy nhiên, quan điểm cá nhân người viết cho rằng, quy định này thực sự còn bất cập. Bởi lẽ, mỗi khi có giáo viên chủ nhiệm vào dự giờ chắc chắn các em sẽ học nghiêm túc.

Tâm lí học sinh thường sợ giáo viên chủ nhiệm vì thầy cô tiếp xúc nhiều với các em và có mối quan hệ mật thiết với phụ huynh.

Có thể khẳng định, học sinh học hành có chăm chỉ hay không, tiết học có sinh động hay không, có em nào nghịch ngợm, phá phách trong giờ học hay không,… đa phần là do cái tâm và tầm của giáo viên bộ môn.

Thực tiễn dạy học cho thấy, giáo viên nào có chuyên môn tốt; phương pháp giảng dạy sinh động, hấp dẫn và am hiểu tâm lí lứa tuổi để ứng xử tình huống sư phạm phù hợp thì hầu như học sinh sẽ hợp tác, ham học và tiến bộ qua từng ngày.

Hơn nữa, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn gặp nhau hàng ngày, thầy cô thường xuyên trao đổi với nhau về tình hình lớp học, sự tiến bộ của học sinh,… thì không nhất thiết phải dự giờ thăm lớp.

Về mặt tâm lí, mỗi khi có giáo viên chủ nhiệm vào dự giờ, mà lại trái chuyên môn, ví dụ giáo viên Ngữ văn dự tiết Toán, thì cả hai thầy cô cũng cảm thấy chẳng thoải mái gì, kể cả học sinh cũng vậy.

Thiết nghĩ, chỉ cần lãnh đạo (hiệu trưởng, hiệu phó), có thể cả tổ trưởng tham gia dự giờ thăm lớp để biết tình hình học tập của học sinh là cách làm hợp tình hợp lí.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên