Dân tộc học được đánh giá là một trong những ngành học đặc thù, khá "kén" người học. Do đó, công tác tuyển sinh sau đại học ngành học này hiện còn gặp nhiều khó khăn.
Ngành "kén" người học
Tiến sĩ Trần Văn Dũng (Chuyên viên Phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Thừa Thiên Huế) đánh giá, Dân tộc học là một ngành nghiên cứu tổng hợp về con người, cụ thể là nguồn gốc, sự phát triển, các tổ chức chính trị xã hội, tôn giáo, ngôn ngữ, nghệ thuật... Phạm vi nghiên cứu của Dân tộc học rất rộng, có thể tóm gọn lại rằng Dân tộc học là ngành khoa học nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và nguồn gốc của con người.
“Muốn theo đuổi ngành Dân tộc học đòi hỏi người học không chỉ nắm vững các kiến thức về lý luận, phương pháp nghiên cứu mà cần dành nhiều thời gian nghiên cứu khảo sát thực địa. Trước đây, tôi theo học đại học ngành Lịch sử tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi quyết định tiếp tục theo học sau đại học ngành Dân tộc học và điều này đã bổ trợ rất tốt cho công việc chuyên môn hiện tại. Tôi có thể ứng dụng tri thức dân tộc học đã được học ở giảng đường để vận dụng vào thực tiễn công việc và cuộc sống.
Người có bằng cấp ngành Dân tộc học có thể làm công tác nghiên cứu hoặc giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm nghiên cứu hoặc công tác tại các cơ quan, đoàn thể xã hội có liên quan và sử dụng đến kiến thức dân tộc học. Và những ai mong muốn theo đuổi công việc liên quan đến chuyên môn quản lý văn hóa, quản lý di sản văn hóa cũng có thể theo học ngành này”, Tiến sĩ Trần Văn Dũng bày tỏ.
Cùng trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ Đỗ Thị Sâm (hiện đang công tác tại Bảo tàng Đắk Lắk) chia sẻ, chị từng học thạc sĩ ngành Dân tộc học tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Chị cho biết, học viên cao học được trang bị những kiến thức mở rộng và nâng cao của ngành Dân tộc học. Việc tìm hiểu những vấn đề chuyên sâu về dân tộc học cả lịch đại và đương đại đòi hỏi học viên nghiên cứu một cách nghiêm túc và cần có sự đam mê.
"Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 49 dân tộc cùng sinh sống, hơn thế nữa công việc của tôi liên quan đến nghiên cứu, sưu tầm và trưng bày nên việc học cao học ngành Dân tộc học là việc cần thiết. Sau khi hoàn thành khóa học tôi có nhiều thuận lợi trong giải quyết và hoàn thành công việc. Bởi tại Bảo tàng Đắk Lắk chúng tôi vẫn thực hiện các đề tài nghiên cứu cũng như làm phim về dân tộc học.
Muốn học tập, nghiên cứu chuyên sâu về ngành Dân tộc học thì trước hết học viên cần có sự đam mê nhất định. Bởi đây là một lĩnh vực khá đặc thù, nếu không yêu thích và theo đuổi đến cùng thì sẽ khó tiếp thu, bồi dưỡng kiến thức một cách hiệu quả. Ngoài ra, tôi cũng tích lũy được các phương pháp nghiên cứu khoa học, ứng dụng trực tiếp vào công việc để phát triển chuyên môn tốt hơn nữa", Thạc sĩ Đỗ Thị Sâm cho hay.
Để hiểu rõ hơn về ngành học cũng như những khó khăn trong tuyển sinh, đào tạo sau đại học ngành Dân tộc học, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Dương Quang Hiệp - Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.
Tiến sĩ Dương Quang Hiệp chia sẻ một số điều kiện thuận lợi trong công tác tuyển sinh, đào tạo sau đại học ngành Dân tộc học.
Thầy Hiệp cho biết: "Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế là nơi duy nhất ở miền Trung – Tây Nguyên đào tạo ngành Dân tộc học bậc thạc sĩ và tiến sĩ. Hơn thế nữa, việc quảng bá ngành học hay công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về Dân tộc học luôn được nhà trường và cán bộ giảng viên Khoa Lịch sử chú trọng.
Ngoài ra, trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế hiện nay, khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung luôn có những vấn đề về văn hoá, xã hội, sinh kế, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá các dân tộc cần được giải quyết. Do vậy, nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực Dân tộc học có trình độ cao và chất lượng nhằm góp phần nhận diện và đề xuất giải pháp bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống trên địa bàn cũng như phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học luôn hiện hữu.
Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo ngành Dân tộc học của nhà trường có trình độ cao, nhiệt huyết, giàu kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Đại học Huế".
Nhân học thiên về nghiên cứu phát triển, còn Dân tộc học thiên về nghiên cứu bảo tồn. Đó là bảo tồn truyền thống văn hoá, bản sắc văn hoá các tộc người. Trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, hướng nghiên cứu bảo tồn của Dân tộc học đang trở thành xu hướng cần thiết, cấp bách. Điều đó đồng nghĩa với việc phục hưng khoa học Dân tộc học.
Cơ sở duy nhất đào tạo sau đại học ngành Dân tộc học ở miền Trung - Tây Nguyên chật vật chiêu sinh
Theo thầy Hiệp, việc "chiêu sinh" sau đại học ngành Dân tộc học cũng gặp phải một số khó khăn nhất định.
"Những năm gần đây Bộ Giáo dục và Đào tạo nâng chuẩn trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, chẳng hạn như chuẩn đầu ra về trình độ ngoại ngữ, sản phẩm khoa học là các bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín.
Theo tôi, nguyên nhân chính là do nhận thức của xã hội về ngành học này chưa đầy đủ và đúng đắn. Nhiều người cho rằng, Dân tộc học là khoa học nghiên cứu các dân tộc thiểu số, nên chỉ cần thiết đối với cán bộ làm công tác dân tộc, họ chưa hiểu hết Dân tộc học là khoa học nghiên cứu về văn hoá, tôn giáo, ngôn ngữ tộc người nhằm để bảo tồn các giá trị văn hoá đó.
Mặt khác, vị trí việc làm theo yêu cầu của nhà nước cần nguồn nhân lực sau đại học Dân tộc học trong các cơ quan ban ngành chưa nhiều. Hơn nữa, điều kiện tuyển sinh đầu vào và đầu ra của quá trình đào tạo khá cao, nhất là về ngoại ngữ, nên gây khó khăn nhất định cho công tác tuyển sinh sau đại học ngành Dân tộc học", thầy Hiệp tâm tư.
Từ năm 2021, học viên phải đạt chứng chỉ ngoại ngữ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam mới đủ điều kiện học thạc sĩ. Bên cạnh đó, một trong những điều kiện để học viên được công nhận tốt nghiệp là có trình độ ngoại ngữ đạt yêu cầu theo chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trước thời điểm xét tốt nghiệp; được minh chứng bằng một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ tương đương bậc 4 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Chia sẻ về thực trạng tuyển sinh ngành học này tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, Tiến sĩ Dương Quang Hiệp thông tin: "Khoảng 7 năm trước đây việc đào tạo sau đại học ngành Dân tộc học rất tốt. Chúng tôi đã mở được nhiều khóa và đào tạo tốt nghiệp hàng chục thạc sĩ Dân tộc học, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa phương trên cả nước, nhất là ở miền Trung – Tây Nguyên. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, tình hình tuyển sinh và quy mô đào tạo sau đại học ngành Dân tộc học không như mong đợi. Hiện nay, nhà trường và khoa đang tiếp tục chiêu sinh và đã có những ứng viên đăng ký dự tuyển".
Chương trình đào tạo chú trọng tính liên ngành
Về chương trình đào tạo, Tiến sĩ Dương Quang Hiệp nhấn mạnh: "Chương trình đào tạo sau đại học ngành Dân tộc học tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế có mục tiêu là tạo nguồn nhân lực khoa học xã hội có trình độ chuyên môn cao, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp sâu rộng theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực Dân tộc học phục vụ nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc ở Việt Nam, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương chủ yếu ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.
Chương trình đào tạo sau đại học của ngành này có kiến thức chung, kiến thức ngành, luận văn tốt nghiệp, trong mỗi nhóm kiến thức sẽ có các học phần, chuyên đề bắt buộc và tự chọn. Ngoài đề cập đến các kiến thức chung ở Việt Nam, chương trình đào tạo cũng chú trọng vào khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Trong chương trình đào tạo cao học Dân tộc học, chúng tôi cũng quan tâm đến sự liên thông với các kiến thức lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới, văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế để có tính liên ngành".
Về điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên ngành Dân tộc học của nhà trường, thầy Hiệp khẳng định: Nhà trường có điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo như phòng học, phòng trưng bày dân tộc học - khảo cổ học, trung tâm thông tin – thư viện, phòng tư liệu Khoa Lịch sử,… với trang thiết bị cùng các hiện vật văn hoá và hàng ngàn đầu sách trong, ngoài nước liên quan đến nghiên cứu Dân tộc học, đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo và nghiên cứu.
Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên cơ hữu liên quan đến ngành này cũng đáp ứng cả về số lượng và chất lượng với 2 phó giáo sư, 4 tiến sĩ thuộc ngành đúng/ngành phù hợp. Ngoài ra còn có một số giảng viên, nhà nghiên cứu thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh lân cận có chuyên môn phù hợp cũng được nhà trường mời thỉnh giảng, hướng dẫn luận văn tốt nghiệp.
Tìm hướng gỡ khó cho công tác tuyển sinh sau đại học ngành Dân tộc học
Một số quan điểm cho rằng Dân tộc học là ngành học đặc thù và khá “kén” người học. Do vậy, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cũng tìm nhiều giải pháp, chính sách để thu hút học viên theo đuổi ngành học này.
"Đầu tiên chúng tôi phải tăng cường quảng bá ngành học bằng nhiều phương thức khác nhau, tiếp cận người học rộng rãi hơn để họ thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của ngành này.
Khoa Lịch sử và Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cũng mong muốn gửi công văn tuyển sinh đến các Ban Dân tộc; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Ban Tôn giáo các tỉnh; các tổ chức tôn giáo trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên để giới thiệu về ngành đào tạo Dân tộc học và đề nghị cử cán bộ tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ Dân tộc học.
Đồng thời, kiến nghị các cấp có chính sách ưu đãi đặc thù cho học viên tham gia học tập, nghiên cứu ngành học này.
Tiếp đến, nhà trường luôn tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu liên quan đến ngành đào tạo. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng liên tục điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với bối cảnh hiện nay, chú trọng tính vùng miền và liên thông giữa các ngành đào tạo. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ tốt hơn cho việc học tập và nghiên cứu Dân tộc học; tăng cường hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học ở trong và ngoài nước", thầy Hiệp chia sẻ thêm.