Trong thời đại công nghệ 4.0, những ngành, nghề đào tạo công việc "việc nhẹ, lương cao" như Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Chăm sóc sắc đẹp... được các thí sinh lựa chọn nhiều. Trong khi đó, đối với những ngành đào tạo công việc có tính chất vất vả lại đang có phần bị "lép vế".
Đối với ngành công nghiệp khai thác than, khoáng sản, công việc này đòi hỏi phải có sức khỏe và kỹ năng chuyên môn. Mức thu nhập của công nhân làm ngành nghề này là khá cao, có thể lên đến 30 triệu đồng/tháng. Vậy công tác đào tạo liên quan đến mỏ hầm lò hiện nay ra sao?
Trả lời cho câu hỏi trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với đại diện Trường Cao đẳng than khoáng sản Việt Nam và Tiến sĩ Trần Thị Nguyệt Cầm, Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Công thương miền Trung.
Chia sẻ về các bậc đào tạo liên quan đến mỏ hầm lò, đại diện Trường Cao đẳng than khoáng sản Việt Nam cho hay, hiện nay, đối với hệ cao đẳng, nhà trường đào tạo ngành Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò, Kỹ thuật xây dựng mỏ và Kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò.
Đối với hệ trung cấp cũng đào tạo 3 nghề trên và hệ sơ cấp đào tạo hai nghề (Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò và Kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò).
Đối với chương trình đào tạo, đòi hỏi người học phải nắm vững các kiến thức, kỹ năng về nghề, cùng các quy định an toàn trong hầm lò.
"Nhà trường cũng xây dựng chương trình đào tạo dựa trên các quy định của nhà nước, hành nghề, của tập đoàn.
Thời lượng học thực hành chiếm 70% chương trình. Hiện nay, nhà trường có đường lò mô phỏng để sinh viên thực tập, các thiết bị giống như trong thực tế trong điều kiện không gian hạn hẹp hơn", đại diện nhà trường chia sẻ.
Theo đại diện Trường Cao đẳng than khoáng sản Việt Nam, trong quá trình học tập, sinh viên sẽ được học và thực hành các kỹ năng như trong thực tế lao động sản xuất.
Đối với ngành Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò, tính chất công việc là đào, chống, giữ tắc đường lò, thực hiện khai thác than và vận chuyển than ra bên ngoài mặt bằng. Chỉ tiêu tuyển sinh ngành này của hệ cao đẳng khoảng 70.
Với ngành Kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò, thực hiện công tác sửa chữa, vận hành các thiết bị điện phục vụ cho quá trình khai thác than. Đối với hệ cao đẳng, ngành này có khoảng 30 chỉ tiêu tuyển sinh...
Theo đại diện nhà trường, đối với những ngành, nghề đào tạo liên quan đến mỏ, hầm lò được thí sinh lựa chọn trong những năm gần đây có số lượng thấp, nhưng nhà trường vẫn tuyển đủ để mở lớp.
Về cơ hội việc làm, đại diện nhà trường cho hay, nhà trường đang đào tạo theo 100% chỉ tiêu đặt hàng của các doanh nghiệp trong Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam. Đối với đối tượng đào tạo, họ sẽ được chu cấp tiền ăn, ở, học phí và được bố trí việc làm ngay khi ra trường.
"Sinh viên đạt điều kiện về học tập và có kỹ năng nghề quốc gia, công ty sẽ tiếp nhận, bố trí việc làm. Đối với sinh viên không đạt yêu cầu, sẽ phải học bù, học lại để được công ty tiếp nhận", đại diện nhà trường cho biết.
Đối với tiêu chuẩn đầu vào, đòi hỏi thí sinh phải có sức khoẻ tối thiểu loại 2 theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế (chiều cao 1m58 và cân nặng 50kg trở lên, từ 18-35 tuổi). Đặc biệt, riêng nghề hầm mỏ không đào tạo nữ.
Về mức lương, người học sau khi tốt nghiệp ra trường có thể nhận mức lương khởi điểm từ 15-25 triệu đồng/tháng, giờ làm việc theo ca (8 tiếng/ngày). Hiện nay, các công ty trong tập đoàn thường đảm bảo tối thiểu 1 triệu đồng/ngày công cho công nhân chính thức.
"Nghề hầm mỏ là nghề đòi hỏi phải có sức khoẻ, tác phong, tính kỷ luật là rất cao. Ví dụ như vào lò là phải mang đầy đủ đồ bảo hộ lao động, không được mang điện thoại, thuốc lá...", đại diện nhà trường chia sẻ.
Tiến sĩ Trần Thị Nguyệt Cầm, Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Công thương miền Trung chia sẻ, khoảng vài năm gần đây, hệ trung cấp nghề khai thác mỏ của nhà trường không tuyển đủ 15 học viên/lớp học nên nhà trường không mở lớp đào tạo. Bên cạnh đó, ngành trắc địa công trình, nhà trường cũng không tuyển sinh được.
Theo cô Cầm, nguyên nhân dẫn đến việc thí sinh không lựa chọn những ngành nghề trên vì tính chất công việc nặng nhọc, vất vả, dù nhu cầu lao động ngành nghề trên luôn có. Thí sinh thường tìm đến những ngành hot như chăm sóc sắc đẹp, công nghệ ô tô, nhà hàng...
"Hiện nay, nhà trường chỉ đào tạo hệ sơ cấp khoan nổ mìn cho các doanh nghiệp", cô Cầm chia sẻ.
Trưởng phòng đào tạo Trường Cao đẳng Công thương miền Trung cho hay, đối với đào tạo hệ sơ cấp khoan nổ mìn, nhà trường cũng chỉ mở lớp khi có doanh nghiệp đặt hàng đào tạo.
Cựu công nhân khai thác mỏ hầm lò nói gì về nghề?
Gắn bó với nghề khai thác mỏ hầm lò được 8 năm tại một xí nghiệp trực thuộc một công ty than ở Quảng Ninh, anh Đỗ Văn Trung (xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) từ bỏ công việc này về quê bởi tính chất công việc vất vả dù mức lương cao.
Anh Trung chia sẻ, bản thân anh từng học hệ trung cấp đào tạo về kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò tại một trường ở tỉnh Vĩnh Phúc (đến nay nhà trường đã dừng đào tạo nghề này). Năm 2007, anh ra trường và làm việc tại xí nghiệp than.
"Ngày xưa tôi học phải tự túc các chi phí từ học phí, ăn ở... nhưng bây giờ các công ty bao cấp cho người học mọi chi phí và bố trí việc làm", anh Trung cho hay.
Về tính chất công việc, anh Trung chia sẻ, công việc đào lò là công đoạn đầu tiên trong khai thác than, đối với mỏ than nhỏ như tại xí nghiệp của anh Trung sẽ đào thủ công, nổ mìn phá đá. Công đoạn nổ mìn sẽ do một người có chuyên môn đảm nhiệm. Một ngày anh Trung làm 8 tiếng theo ca, một tuần được nghỉ một ngày.
"Khi vào trong hầm lò, công nhân không được mang điện thoại, không rượu bia và không hút thuốc. Họ cũng sẽ phải đi vệ sinh trước khi vào hầm, đến buổi trưa sẽ có người mang cơm để công nhân ăn uống luôn trong hầm. Như hầm mỏ của chúng tôi khai thác, độ sâu khai thác than khoảng 50 mét. Đối với những mỏ lớn được áp dụng công nghệ cao có thể khai thác được ở độ sâu 400-500 mét", anh Trung kể.
Theo anh Trung, khi vào hầm lò sẽ có một ca khoảng 50 người và được chia thành mỗi kíp 5 người. Đặc biệt, trong lúc làm việc, lúc nào cũng phải có ít nhất từ 2 người để hỗ trợ nhau nếu gặp khí độc, sạt lở hầm lò.
Về chỗ ở, anh Trung cho biết, đối với mỏ khai thác lớn, đơn vị sẽ bố trí khu tập thể để công nhân được ở miễn phí tại đây, và ngược lại, họ sẽ phải thuê trọ.
Về tính chất độc hại của công việc, anh Trung cho biết, với người đào lò than đá sẽ bụi, độc hại hơn so với công nhân đào lò than. Thông thường, có những người làm việc được khoảng hơn chục năm có thể bị ảnh hưởng tới sức khỏe như mắc bệnh bụi phổi. Khi đó, công ty sẽ cho công nhân đi khám chữa và điều chuyển sang công việc khác, đến khi công nhân nghỉ hưu sẽ có chế độ phụ cấp độc hại thêm đối với họ.
"Ngoài lý do công nhân nghỉ việc về công việc vất vả, hiện nay có nhiều doanh nghiệp, công ty mở ở các địa phương nên công nhân khai thác mỏ hầm lò bỏ nghề kiếm công việc khác để gần nhà và đỡ nhọc, dù mức lương thấp hơn", anh Trung chia sẻ và cho hay mức thu nhập của anh vào năm 2015 khi nghỉ việc là khoảng 15 triệu đồng/tháng.