CĐ Than – Khoáng sản VN: Kinh nghiệm triển khai phân luồng học sinh sau THCS

23/12/2022 09:51
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhằm tăng tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS, nhà trường dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 14 trung tâm giáo dục thường xuyên có chức năng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông, bao gồm: 1 trung tâm Hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên tỉnh và 13 trung tâm Giáo dục Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên và 7 trường đại học, cao đẳng có hoạt động liên kết với các Trung tâm giáo dục thường xuyên trong việc giảng dạy văn hóa cấp trung học phổ thông.

Năm học 2021 – 2022, tỉnh có 9.045 học viên học nghề kết hợp học văn hóa (trong đó có 2.490 học viên lớp 12 đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông).

Việc tổ chức dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề đã góp phần nâng tỷ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở của tỉnh đạt 25,8% theo định hướng phân luồng tại Quyết định số 522/QĐ-Ttg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng giáo dục trong phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”.

Đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo đội ngũ

Trong hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Than – Khoảng sản Việt Nam (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) là một trong những cơ sở đào tạo có năng lực, địa chỉ tin cậy nhận được sự quan tâm của phụ huynh, học sinh.

Trường Cao đẳng Than – Khoảng sản Việt Nam (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) là một trong những cơ sở đào tạo có năng lực, địa chỉ tin cậy của phụ huynh và học sinh (Ảnh: CTV)

Trường Cao đẳng Than – Khoảng sản Việt Nam (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) là một trong những cơ sở đào tạo có năng lực, địa chỉ tin cậy của phụ huynh và học sinh (Ảnh: CTV)

Đặc biệt, nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp góp phần thực hiện tốt công tác dạy nghề kết hợp với dạy văn hóa, tạo nguồn nhân lực trẻ theo đề án 522 của Chính Phủ “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”.

Từ năm 2018, nhà trường bắt đầu thực hiện công tác tuyển sinh đào tạo theo chương trình 9+ (vừa đào tạo văn hóa, vừa đào tạo nghề), trung bình mỗi khóa có 290 em theo học.

Đến thời điểm hiện tại, các khóa đào tạo hệ 9+ của nhà trường đều đạt chất lượng cả về văn hóa và học nghề.

Để đẩy mạnh công tác tuyển sinh, nâng cao nhận thức của người dân về mô hình vừa đào tạo văn hoá vừa đào tạo nghề, nhiều năm nay, nhà trường đã dành nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên để tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh.

Thực tế, kết quả thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông của nhà trường về cơ bản đã đảm bảo về việc bố trí địa điểm học văn hóa cho học viên đáp ứng yêu cầu dạy và học, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy văn hóa được tham gia đầy đủ các chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Bên cạnh đó, nhà trường tích cực rà soát, điều chỉnh kế hoạch giáo dục các môn học đảm bảo thực hiện đúng quy định của chương trình giáo dục phổ thông. Không ngừng đổi mới phương pháp, tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực người học.

Song song với sự đầu tư bài bản về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giúp tạo bước đột phá trong công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở của Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam.

Nhằm tăng tỷ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, nhà trường dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh (Ảnh: CTV)

Nhằm tăng tỷ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, nhà trường dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh (Ảnh: CTV)

Cụ thể, nhằm đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực, nhà trường đã xây dựng mạng lưới tuyển sinh, cán bộ “nằm vùng” tại các địa phương.

Thông qua các tuyên truyền viên, phụ huynh và học sinh tại địa phương sẽ nắm bắt được những chủ trương, chính sách ưu việt cũng như điều kiện học tập thực tế tại nhà trường, doanh nghiệp.

Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân về học nghề, đồng thời trao giá trị học nghề đến với các em học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc về trường học tập và cơ hội việc làm sau tốt nghiệp.

Hiệu quả từ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở

Năm học 2021-2022, trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giáo dục, đào tạo tại các nhà trường, tuy nhiên Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam đã chủ động dạy học linh hoạt, ứng phó với các cấp độ, diễn biến dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên, học sinh và hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ năm học.

Theo đó, ba khóa liên tiếp học sinh nhà trường đỗ tốt nghiệp 100% với điểm bình quân dẫn đầu khối giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Ninh.

Cụ thể vào năm 2019, tỷ lệ tốt nghiệp chung của khối giáo dục thường xuyên của nhà trường là 77,6% (có 3 trung tâm có tỷ lệ trên 85% là: Uông Bí, Quảng Yên và Tiên Yên). Đến năm 2020, tỷ lệ tốt nghiệp chung là 92,2% (đặc biệt có 3 đơn vị có tỷ lệ thi tốt nghiệp đạt 100%).

Năm 2021, tỷ lệ tốt nghiệp chung của khối là 91,89% trong đó Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đạt 100%; 6 trung tâm đạt trên 95%.

Công tác tuyển sinh năm 2022 tăng vượt bậc, nâng tổng số học viên lên 916 em (tăng 215% so với năm 2021).

Nhà trường cũng thu hút hơn 200 con em thợ mỏ vào theo học các nghề ngành nghề phụ trợ và các nghề tại doanh nghiệp Tập đoàn TKV có nhu cầu như Điện Công nghiệp, Công nghệ Ô tô.

Nhà trường nỗ lực phát huy những kết quả đã đạt được trong năm học 2022 - 2023 (Ảnh: CTV)

Nhà trường nỗ lực phát huy những kết quả đã đạt được trong năm học 2022 - 2023 (Ảnh: CTV)

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, năm học 2022-2023, Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam sẽ tập trung đổi mới, hoàn thiện các giải pháp thực hiện tốt, kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị định số 81 và các chính sách đặc thù của tỉnh Quảng Ninh, nhất là hỗ trợ học phí cho học sinh học nghề và học văn hoá tại nhà trường.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và giáo dục thông minh.

Nhà trường cũng đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhà trường uy tín, chất lượng.

Đầu tư, khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị, tăng cường hợp tác, liên kết, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng, có tay nghề cao phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

Phạm Linh