Doanh nghiệp tham gia đào tạo, chấm điểm sinh viên ngay từ năm nhất

18/05/2024 06:36
Lưu Diễm

GDVN - Lần đầu tiên, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được làm việc ít nhất 1 tháng tại doanh nghiệp ngay từ năm nhất.

Tại lễ ký hợp tác với Tập đoàn dữ liệu quốc tế Việt Nam (IDG) vừa qua, lần đầu tiên Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh triển khai chương trình Co-op hợp tác đào tạo giữa trường đại học với doanh nghiệp.

Chương trình Co-op sẽ thí điểm ở 2 ngành: Hệ thống thông tin quản lý và Công nghệ tài chính, theo đó, sinh viên được làm việc ít nhất một tháng tại doanh nghiệp từ năm thứ nhất, tăng dần lên từ 2 đến 4 tháng trong những năm học sau.

Để khoảng cách giữa trường học và các doanh nghiệp rút ngắn lại gần nhau hơn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Phong, Trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Chương trình Co-op là một dạng đào tạo kết hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp, đã được áp dụng ở nhiều nước phát triển. Tuy nhiên, mô hình này vẫn còn mới tại Việt Nam.

Theo đó, chương trình đào tạo Co-op (Co-operative Education) là chương trình đào tạo người học có sự kết hợp giữa các học kỳ học tập thông thường với một số kỳ tập sự hay làm việc như một nhân viên chính thức, thậm chí có thể được trả lương tùy vào mỗi vị trí, năng lực cũng như yêu cầu của doanh nghiệp.

c9efddaa8ed82f8676c9.jpg
Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ký hợp tác với Tập đoàn dữ liệu quốc tế Việt Nam (IDG). Ảnh: NVCC.

Điều này giúp sinh viên đạt được những kinh nghiệm thực tế, có khả năng đáp ứng ngay các vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp và có được bộ hồ sơ xin việc ấn tượng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhờ đó, chương trình đào tạo góp phần mở rộng tiềm năng và cơ hội việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.

Mặt khác, ngoài việc tiếp nhận người học làm việc như một nhân viên chính thức từ khi còn đi học, chương trình còn được thiết kế dưới dạng đào tạo kết hợp, nghĩa là có một số học phần (nhất là các học phần mang tính chất trang bị cho sinh viên kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề, tác nghiệp thực tế) được giảng dạy, hướng dẫn, đào tạo và đánh giá kết hợp giữa cả giảng viên và doanh nghiệp.

Các học phần có số tín chỉ thực hành này sẽ được giảng viên cung cấp các kiến thức nền tảng về lý thuyết, kỹ năng thực hành, phân tích về ngành; đồng thời, phần giải quyết các bài toán tình huống trong thực tế sẽ được các người hướng dẫn từ các tổ chức doanh nghiệp đánh giá, chấm điểm theo quy chuẩn và quy định mà nhà trường và doanh nghiệp đã xây dựng từ đầu. Điều này nhằm đảm bảo tính sư phạm, tính chất lượng và tính thực tiễn đối với chương trình đào tạo đổi mới và tối ưu hoá này.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Anh Phong, từ trước đến nay, từ hoạt động đào tạo ở các trường đến việc hành nghề thực tế tại doanh nghiệp vẫn luôn có những khoảng cách nhất định. Trên thực tế, có thể thấy, nhiều doanh nghiệp đâu đó vẫn còn đánh giá, than phiền khi tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp ra trường phải mất thời gian đào tạo lại, đào tạo thêm.

af131b317343d21d8b52.jpg
Sinh viên tham gia hoạt động học thuật tại Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh do doanh nghiệp tài trợ tổ chức vừa qua. Ảnh: NVCC.

Để giải quyết vấn đề này, câu chuyện cần quan tâm chú trọng là sự giao thoa, đồng hành, hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp phải được thực hiện một cách thực tế và mang tính chất chuyên sâu, hơn là qua hình thức.

Các doanh nghiệp thường vẫn hợp tác với các trường theo cách truyền thống là góp ý về nội dung học liệu, chương trình giảng dạy, phối hợp nhận sinh viên thực tập, tổ chức buổi tham quan, gửi chuyên gia về trường giao lưu, chia sẻ và trải nghiệm thực tế,...

Tuy vậy, vẫn còn khoảng cách từ đào tạo lý thuyết ở nhà trường cho đến môi trường làm việc thực tiễn. Bởi lẽ, sinh viên phải được giao thực hiện một công việc thực tế, tham gia giải quyết tình huống cụ thể thì mới thực sự xóa bỏ được khoảng cách này.

"Đảm bảo tính sư phạm, tính chất lượng và tính thực tiễn trong đào tạo"

Trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trong quá trình dài xây dựng và nghiên cứu chương trình đào tạo, nhà trường đã thảo luận, tham vấn ý kiến từ nhiều phía khác nhau. Cụ thể, đó là các doanh nghiệp, các ngành đã đào tạo thành công chương trình Co-op trên thế giới, nhất là các nước ở khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu.

Việc thiết kế chương trình học tập vừa phải đảm bảo theo yêu cầu chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vừa phải đáp ứng chất lượng tiệm cận với cách thức thiết kế tổ chức hiện đại của các trường quốc tế về chương trình này.

c26ea93f-057e-4edc-ba7b-b6b947bb9415.jpeg
Cuộc thi tìm hiểu về Fintech do doanh nghiệp tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Trước hết, chương trình đào tạo này được thiết kế đảm bảo thời gian cho các em sinh viên đi thực tập tại các doanh nghiệp bắt đầu ngay từ năm nhất cho đến năm cuối. Theo quá trình làm việc thực tế, thời gian sẽ tăng dần từ 1 tháng cho đến 3-4 tháng. Để đảm bảo khoảng thời gian dành cho sinh viên đi làm việc thực tế, nhà trường đã định hướng xây dựng chương trình dạy và học bằng cách tăng cường số tiết học cũng như các học phần hiện áp dụng giảng dạy mô hình MOOC theo đề án chung của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Phó Giáo sư Nguyễn Anh Phong cũng nhấn mạnh, thực tế từ trước đến nay, phần lớn các trường đại học nói chung thường dành nhiều thời gian để đào tạo lý thuyết kiến thức là chủ yếu. Trong khi đó, nhiều kỹ năng như giải quyết vấn đề, kỹ năng phân tích và đưa ra quyết định, kỹ năng giao tiếp và tư vấn theo phân loại khách hàng,... lại chưa được đẩy mạnh chú trọng.

Chính vì vậy, khi sinh viên tốt nghiệp thường chưa đáp ứng được ngay nhu cầu đòi hỏi về vị trí việc làm. Phần lớn sinh viên sau khi ra trường vẫn phải trải qua khoảng 6-12 tháng tập sự để làm quen công việc và tiếp xúc với môi trường thực tế.

Do đó, có thể nói, việc đào tạo dưới dạng hợp tác với doanh nghiệp (chương trình Co-op) sẽ khỏa lấp được các khoảng trống trong giáo dục và tác nghiệp thực tế ngoài thị trường lao động.

Cụ thể, những mặt ưu điểm nổi trội có thể kể đến như sau: Về tư duy, chương trình Co-op giúp sinh viên có cái nhìn sâu sắc hơn về giá trị công việc và phong cách làm việc chuyên nghiệp; hiểu biết sâu sắc hơn sở thích và năng khiếu nghề nghiệp của mình; từ đó đặt ra mục tiêu, vị trí làm việc và động lực học tập đúng đắn.

Về kiến thức, chương trình đào tạo gia tăng kiến thức thực tiễn, giúp sinh viên có cơ hội thu thập thông tin thông qua quan sát, kinh nghiệm thực hành, giao tiếp với người giám sát và đồng nghiệp. Người học được trực tiếp trải nghiệm với các đặc điểm công việc khác nhau, gia tăng thích nghi trong môi trường tổ chức và điều kiện hòa nhập với các phong cách lãnh đạo, văn hóa khác nhau của doanh nghiệp.

Về kỹ năng, chương trình giúp sinh viên có cơ hội để thực hành các năng lực học được trong thực tiễn công việc, ví dụ như kỹ năng phân tích, tính toán, máy tính, nói và viết, cũng như phát triển các kỹ năng thích ứng thị trường.

Về kinh nghiệm làm việc, sinh viên được tích lũy kinh nghiệm phỏng vấn, nộp đơn xin việc, kinh nghiệm và có thể dễ dàng thích ứng ngay công việc. Theo khảo sát nhu cầu việc làm trong nhiều lĩnh vực thì doanh nghiệp gần như đòi hỏi nhân sự cần có kinh nghiệm ít nhất 1 năm. Như vậy, chương trình Co-op là giải pháp hữu ích giải quyết khoảng trống này.

c671b15a-840c-4db3-9915-e4c2d9da2e20.jpeg
Hoạt động học thuật tại Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh do doanh nghiệp tài trợ tổ chức. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, sinh viên còn có cơ hội kiếm thêm thu nhập tùy vào năng lực, vị trí và yêu cầu của mỗi doanh nghiệp tài trợ cho khóa học. Người học cũng gia tăng cơ hội tìm kiếm việc làm hơn sau khi tốt nghiệp.

Đặc biệt, sinh viên nhận được phản hồi có giá trị từ nhà tuyển dụng về việc phát triển kỹ năng và năng lực của bản thân một cách liên tục, sẽ giúp tích lũy và trao dồi theo chiều sâu. Từ đó, cơ hội để kết nối với khách hàng hay đối tác cũng rộng mở; người học có một bản lý lịch hấp dẫn, ấn tượng gửi cho các nhà tuyển dụng trong tương lai.

Tuy nhiên, theo thầy Phong, việc vận hành một thể thức đào tạo mới cũng có những thách thức, trở ngại nhất định như: chương trình học phải thiết kế riêng; một số học phần kết hợp với doanh nghiệp phải có kế hoạch xây dựng chi tiết với doanh nghiệp; phải tìm kiếm đối tác doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác đồng hành với nhà trường; người học cần có kỷ luật tuân thủ cao;...

“Ngoài ra, để chương trình đào tạo Co-op được phát huy một cách hiệu quả, thì giáo trình, tài liệu và cả đội ngũ giảng viên giảng dạy, nghiên cứu đều nên chủ động, tự mình ý thức và không ngừng trau dồi chuyên môn lẫn thực tế. Bởi vì nếu thiếu kiến thức thực tế, đó sẽ là rào cản tạo ra khoảng cách đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp” - Phó Giáo sư Nguyễn Anh Phong bổ sung thêm.

Lưu Diễm