Những năm gần đây, các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới cũng như phát triển đội ngũ nhà khoa học nữ luôn được chú trọng. Tỷ lệ các nhà khoa học nữ từng bước nâng cao. Nhiều nhà khoa học nữ có công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc làm cơ sở hoạch định chính sách và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn.
Tuy nhiên, so với nam giới, nữ giới khi “dấn thân” vào nghiên cứu khoa học còn phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức. Bởi các nhà khoa học nữ ngoài công việc xã hội còn phải chăm lo tổ ấm gia đình.
Nhân ngày quốc tế Gia đình (International Day of Families – IDF) 15/5, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với một số nhà khoa học nữ để lắng nghe những chia sẻ về việc làm thế nào cân bằng giữa sự nghiệp và chăm lo cuộc sống gia đình.
Tranh thủ học lúc trông con, học khi chồng con chưa thức dậy
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Bích Thủy - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế cho biết: “Niềm đam mê khoa học, khát khao được cống hiến là động lực chính để tôi cố gắng sắp xếp được công việc như người ta vẫn nói là “đảm việc nước giỏi việc nhà”. Bên cạnh khả năng “trời cho” thì sự sắp xếp công việc một cách thật khoa học chính là mấu chốt để thành công. Tiết kiệm thời gian với kế hoạch làm việc chặt chẽ chính là chìa khóa. Là phụ nữ mà là phụ nữ Huế, làm dâu, làm vợ, làm mẹ Huế thì càng phải cố gắng nhiều hơn”.
Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Bích Thủy được công nhận chức danh giáo sư năm 2023. Cô từng có thời gian hợp tác nghiên cứu với các giáo sư tại Trường Sinh học, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Cô Thủy làm nghiên cứu tiến sĩ tại phòng thí nghiệm kỹ thuật và Công nghệ thực phẩm, Khoa Bioscience Engineering, Đại học Ghent, Vương Quốc Bỉ. Đồng thời, nữ giáo sư ngành Công nghệ thực phẩm cũng từng Hợp tác tạo mạng lưới Công nghệ thực phẩm Việt - Úc, đi theo diện Endeavour Executive Fellowship, tại Đại học Western Sydney, Úc.
Thời điểm xét công nhận chức danh giáo sư, cô Thủy có 72 bài báo khoa học, trong đó có 5 bài báo cô là tác giả chính thuộc danh mục các tạp chí quốc tế uy tín. Ngoài ra, cô cũng có nhiều công trình nghiên cứu cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp đại học, cấp cơ sở…
Để vừa phấn đấu lo sự nghiệp, vừa xây tổ ấm, cô Thủy luôn cố gắng tận dụng mọi khoảng thời gian rảnh. Đặc biệt, nữ giáo sư ý thức được việc học ngoại ngữ từ rất sớm. Điều đó giúp cô có nhiều cơ hội làm việc và nghiên cứu khoa học.
“Tôi lên xe hoa về nhà chồng ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Với suy nghĩ mình là một kỹ sư nên cần phải trau dồi ngoại ngữ, mặc dù 7 năm sau tôi mới là một giảng viên đại học. Các bạn biết đấy, việc đi học trung tâm là cực kỳ khó trong hoàn cảnh như tôi thời bấy giờ. Vì vậy, ban đầu, tôi phải tự học thông qua những cuốn song ngữ và máy casset.
Ban đầu, tôi tự học tiếng Nga, thứ tiếng mà tôi được học trong 5 năm ở trường đại học. Rồi Đông Âu sụp đổ, Liên Xô (cũ) tan rã, tôi lại chuyển sang tự học tiếng Anh. Thời gian đâu mà học? Học khi trông con ốm, học lúc 4 giờ sáng, khi mà chồng con chưa thức dậy. Rồi sau đó, con lớn dần tôi mới gửi con cho bà nội để đến học trung tâm.
Cứ 3 buổi thì tôi chỉ được 1 buổi có mặt ở lớp với rất nhiều lý do như: con ốm, mẹ ốm, chồng ốm, bà nội ốm. Vì thế, phải qua 3 lần thi tôi mới lấy được bằng C. Rồi tôi thi vào Trường Đại học sư phạm Huế học lấy bằng cử nhân phiên dịch. Nhờ vậy mà tôi mới có thể hoạt động khoa học được khi trở thành giảng viên”, cô Thủy xúc động nhớ lại.
Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Bích Thủy cũng khẳng định phụ nữ làm khoa học gặp rất khó khăn khi phải lo nuôi dạy con cái cũng như quán xuyến các công việc không tên trong gia đình.
“Lúc này, đúng nghĩa là tiết kiệm từng giây. Không chỉ riêng bản thân tôi mà những người làm khoa học đều phải vậy. Nhưng tôi cũng rất biết ơn vì được sống và làm việc trong thời kỳ công nghệ thông tin toàn cầu bùng nổ. Những năm gần đây, tôi đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho việc đi mua thức ăn, mua sắm cho gia đình. Tôi có thể đặt hàng qua điện thoại, ví dụ, muốn mua thức ăn, chỉ cần bảo người bán hàng quay video các mặt hàng (cá, tôm, thịt...) rồi cứ thế mà chọn.
Khi không có giờ lên lớp hoặc các cuộc họp ở trường, tôi thường làm việc ở nhà. Tận dụng thời gian khi giải lao để là lúc tôi làm những việc vặt trong nhà”.
“Khi cả nhà tắt điện thì máy tính của mẹ sáng”
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Thu Nga - Trưởng Bộ môn Vận hành & Điều khiển Hệ thống điện, Khoa Kỹ thuật điện, Trường Đại học Điện lực cho hay: “Không chỉ là một nhà khoa học nữ, mà bất cứ ai, làm việc trong các ngành nghề khác khi đã làm vợ, làm mẹ thì đều có những khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình. Hơn nữa, là người tích cực tham gia các hoạt động phong trào nên đối với tôi việc cân bằng thời gian luôn là vấn đề và cần khéo léo sắp xếp sao cho phù hợp khi mà gia đình và công việc là 2 nền tảng quan trọng nhất với mỗi người”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Thu Nga tốt nghiệp đại học, thạc sĩ tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Năm 2014, cô được cấp bằng tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật điện tại Đại học Toulouse III, Cộng hòa Pháp. Năm 2015, cô nhận được bằng khen của Bộ Công thương và nhiều năm liên tiếp nhận bằng khen của Công đoàn Công thương Việt Nam cũng như Trường Đại học Điện lực.
Thời điểm xét công nhận chức danh phó giáo sư, cô Nga đã có 42 bài báo khoa học, trong đó có 9 bài thuộc tạp chí quốc tế uy tín do cô là tác giả chính. Đáng chú ý, cô Nga là nữ giảng viên được công nhận chức danh phó giáo sư đầu tiên của lĩnh vực Kỹ thuật điện. Ngoài các hoạt động nghiên cứu, quản lý cô còn là giảng viên tích cực tổ chức và tham gia các hoạt động công đoàn của khoa, trường.
Để cân bằng giữa công việc và chăm lo hạnh phúc gia đình, cô Nga cho hay bản thân luôn cố gắng thực hiện tốt 3 điều:
"Thứ nhất, luôn tạo cho mình một ranh giới rõ ràng, cố gắng không để công việc lấn vào thời gian cho gia đình, cố gắng tạo ra những khoảng thời gian để cả gia đình có thể trò chuyện và vui vẻ cùng nhau. Hơn nữa, với công việc nghiên cứu, cần có những khoảng thời gian yên tĩnh nên tôi thường làm việc về khuya để tránh lấy mất thời gian của gia đình, như lời con tôi nói “khi cả nhà tắt điện thì máy tính của mẹ sáng”.
Thứ hai, thẳng thắn chia sẻ những khó khăn với gia đình để người thân có thể hiểu rõ tính chất công việc và có những hỗ trợ nhất định (đặc biệt là tinh thần) giúp mình luôn có động lực làm việc. Bạn sẽ khó có thể hoàn thành tốt được mọi việc nếu không có sự giúp sức của người bạn đời. Khi được chia sẻ, bạn sẽ phần nào giảm bớt được sự căng thẳng. Hỗ trợ lẫn nhau luôn giúp cho đôi bên cảm thấy thoải mái hơn.
Thứ ba, luôn dành thời gian cho bản thân mình để thư giãn, cảm xúc tích cực là liều thuốc tốt nhất giúp bạn lấy lại tinh thần sau thời gian làm việc quá tải, giúp bạn nhẹ nhõm hơn với nguồn năng lượng tích cực. Đối với tôi cách thư giãn tốt nhất là tham gia tổ chức các hoạt động phong trào của khoa, của trường. Ngoài việc cho mình nguồn năng lượng tích cực, những hoạt động đó còn làm tăng thêm tình đoàn kết với đồng nghiệp và đó cũng là một hình thức giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc. Do vậy, đồng nghiệp có nói với tôi rằng “Nga là người làm được, chơi được và là một phó giáo sư hiện đại của thời đại mới”.
Là nữ giới nhưng lại lựa chọn theo đuổi ngành của đại đa số là phái nam, cô Nga cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo đuổi ngành này cô được gia đình vô cùng ủng hộ bởi đó là nghề mà cô đã được tiếp xúc từ nhỏ qua môi trường làm việc của bố mẹ là trường đào tạo nghề điện. Đây cũng là động lực lớn để cô Nga hoàn thành công việc.
“Học tập, làm việc và nghiên cứu ở bất cứ ngành nghề nào cũng có khó khăn riêng, đặc biệt là nữ trong ngành kỹ thuật chủ yếu là nam thì khó khăn gặp phải có thể gấp nhiều lần, như cần hòa nhập trong môi trường hầu hết là nam, cần có sức khỏe để đối mặt với áp lực cao của cường độ và tính chất công việc, định kiến của xã hội về ngành chỉ phù hợp với nam giới... Ngoài ra, lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu của tôi về cách điện cáp điện HVDC còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Do vậy điều kiện nghiên cứu còn rất hạn chế, thường xuyên phải làm việc lệch múi giờ với chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, ở môi trường này tôi cũng có lợi thế nhất định, như đôi khi được phái nam ưu ái vì là số ít, được đồng nghiệp nam hỗ trợ rất nhiều trong công việc”.
Trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu cô Nga đã có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ như gặp được nhiều người bạn, đồng nghiệp, chuyên gia không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước khác nhau, họ đã giúp đỡ và chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm trong công việc, giảng dạy và nghiên cứu. “Kỷ niệm đáng nhớ và tạo động lực rất nhiều cho tôi là khi tôi được xướng tên trong buổi hội thảo “Séminaire hors-murs du laboratoire Laplace” của trung tâm nghiên cứu Laplace, nơi tôi làm nghiên cứu sinh tại Toulouse (Pháp), tổ chức với giải thưởng danh dự cho người đứng đầu “Prix d’honneur” dành cho các nghiên cứu sinh năm đó tại Lab. Mặc dù là 1 giải thưởng nhỏ, nhưng nó đã tạo động lực vô cùng lớn, tiếp sức cho tôi bước tiếp con đường nghiên cứu tại Pháp khi phải xa gia đình nhỏ và để sau đó tôi đã đạt được một số giải thưởng khác lớn hơn trong quá trình nghiên cứu", cô Nga tâm sự.
Thời gian cho công việc ở mỗi vai trò phải chất lượng
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu - Nhóm chuyên môn Gia công áp lực – Khoa Cơ khí chế tạo máy - Trường Cơ khí - Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: "Thực ra, tôi cũng là 1 trong hàng triệu phụ nữ Việt Nam, vừa làm vợ, làm mẹ và vừa làm việc. Thời gian cho từng vai trò không nhất thiết phải cân bằng hay chia đều, mà tôi nghĩ ở mỗi vai trò, thời gian cho công việc ở vai trò đó phải chất lượng. Thực ra, với tôi, quan trọng nhất là vai trò làm mẹ! Bé nhà tôi còn nhỏ nên luôn là ưu tiên hàng đầu. Thật may mắn là tôi có gia đình hỗ trợ ở vai trò làm mẹ, làm vợ, làm con, nên công việc trong nghiên cứu khoa học cũng đạt được thành tích tốt hơn".
Thời điểm xét công nhận chức danh phó giáo sư, cô Thu có 26 bài báo khoa học. Trong đó có 6 bài báo mà cô là tác giả chính sau khi cấp bằng tiến sĩ đăng trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín.
Năm 2019, cô nhận được bằng khen Best presentation award tại Hội nghị Phenma 2019. Năm 2020 cô nhận được Giấy khen của Hội Vase tại Hội nghiên cứu biên tập công trình khoa học Việt Nam (VASE). Năm 2022, cô nhận được khen thưởng Best paper award tại Hội nghị MMMS 2022.
Mặc dù theo đuổi ngành Cơ khí với phần lớn nam giới nhưng cô Thu cho hay bản thân cảm thấy yêu thích công việc này nên gia đình lúc nào cũng ủng hộ, giúp đỡ hết sức để cô tập trung vào công việc.
"Nhóm nghiên cứu của tôi ngoài phần lớn là học viên nam, thì còn có một số học viên nữ. Tôi luôn nhắn nhủ các bạn nữ hãy chuyên tâm học tập nghiên cứu, rèn luyện bản thân một cách chân chính, trung thực, để sau này đạt được tự do trong công việc, làm chủ cuộc sống, tiến tới có những đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Chúng ta hãy tự làm cho cuộc sống của chúng ta rực rỡ", cô Thu nêu quan điểm.
Nhân dịp ngày Quốc tế gia đình 15/5 sắp đến, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Bích Thủy cũng mong muốn gửi gắm đến các nhà khoa học nữ cần cân bằng giữa công việc và cuộc sống, xác định được đâu là nhiệm vụ ưu tiên, đặc biệt là với con cái, cần dành nhiều thời gian cho các con.
“Là người mẹ, việc gần gũi con cái như thế nào để các con xem mẹ là bạn theo tôi là quan trọng nhất. Theo sát con, dạy các con học như thế nào để bản thân nắm bắt được điểm mạnh, điểm yếu của con chứ không nên đánh giá qua điểm số, cũng không nên dựa vào điểm số để thưởng phạt.
Tuyệt đối không so sánh con mình với các bạn khác. Tôi thường nói với các đồng nghiệp trẻ là “mình muốn con mình là nhất, vậy thì con ai là nhì, là ba…”. Nói tóm lại là không tạo áp lực thành tích cho con cái.
Tính khiêm nhường trong gia đình vô cùng quan trọng, khi bạn luôn cố gắng tạo không khí vui vẻ, ôn hòa trong gia đình thì sẽ có cuộc sống hạnh phúc và có tâm lý tốt để làm việc. Dẫu biết muốn thành công trong hoạt động khoa học đối với phụ nữ là rất khó nhưng chúng ta phải tự sáng tạo, đọc nhiều và tự đưa ra một kế hoạch, hướng đi, mục đích cho mình thì sẽ thành công.
Tôi cũng thường tâm sự với các bạn đồng nghiệp trẻ về chìa khóa của sự thành công đó là cứ “túc tắc” làm việc, không hẹn việc vào ngày mai, “tích tiểu thành đại” rồi mới có ngày hái được quả ngọt. Nhiều bạn cứ chờ đến hạn mới “chạy”. Làm như vậy sẽ bị nhiều áp lực, dễ nổi cáu. Kết quả là công việc sẽ không tốt, chồng con sẽ rất mệt mỏi, gia đình không có hòa khí”, cô Thủy bày tỏ.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Thu Nga cho rằng: Mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, tính cách của mỗi con người cũng khác nhau nên không thể có công thức chung nào cho tất cả mọi người. “Là một nhà khoa học nữ, với thiên chức của một người vợ, người mẹ, dưới định kiến lâu đời của người Á Đông, người phụ nữ luôn luôn là người chăm lo cho gia đình, tôi chỉ có một lời khuyên là chúng ta cần cố gắng nhận ra những điều mình nên ưu tiên, xác định được việc mình nên và không nên làm, tìm ra được giới hạn của bản thân sẽ giúp bạn không bị cuốn về một bên nào đó quá nhiều, từ đó sẽ cân bằng được cuộc sống.
Để cân bằng cuộc sống và công việc không phải là dễ dàng, đặc biệt là nhà nghiên cứu nữ trong ngành Kỹ thuật. Tuy nhiên với đam mê nghề nghiệp bạn sẽ phát huy được thế mạnh của mình, điều này giúp bạn cảm thấy tràn đầy sinh lực và thực hiện mọi công việc hiệu quả hơn. Hơn nữa, bạn luôn phải có niềm tin vào bản thân, luôn nỗ lực không ngừng để đạt được mục tiêu của mình, không để suy nghĩ mình là phụ nữ ảnh hưởng đến đam mê của bạn”, cô Nga nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, sự ủng hộ đến từ gia đình cũng là động lực để các nhà khoa học nữ hoàn thành nhiệm vụ. Cô Nga cũng chia sẻ một kỷ niệm thú vị sau khi bản thân được công nhận chức danh phó giáo sư. Sau đó, khi cô về quê thăm bố mẹ chồng ở Thái Bình đã được tất cả bố mẹ, anh chị em, họ hàng, làng xóm chào đón với niềm tự hào to lớn khiến cô vô cùng bất ngờ. Đó cũng là kỷ niệm khiến cô không thể quên và có thêm động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ “vừa lo sự nghiệp, vừa xây tổ ấm”.