ĐH Bách khoa Hà Nội hội tụ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để thành ĐH quốc gia

10/01/2024 06:22
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng hướng phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội là trở thành đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho “Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050". Trong đó, định hướng tới năm 2030, phát triển thêm 3 đại học quốc gia trên cơ sở Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trở thành các đại học thuộc nhóm hàng đầu châu Á, có ít nhất 20 lượt lĩnh vực nằm trong tốp 1.000 thuộc các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.

Lộ trình phát triển thành đại học quốc gia

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ lộ trình phát triển của trường từ nay đến năm 2030 để đáp ứng các tiêu chí trở thành đại học quốc gia.

“Trở thành một đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực, có mô hình quản trị tiên tiến, bộ máy tinh gọn và hiệu quả, tiên phong, dẫn dắt hệ thống giáo dục đại học Việt Nam là mục tiêu, định hướng phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội thể hiện trong Chiến lược phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2017-2025”, thầy Thắng bày tỏ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

Cũng theo Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, nhà trường đã xây dựng 10 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện chiến lược trong giai đoạn 2021-2025. Cụ thể một số điểm chính như sau:

Xây dựng môi trường học thuật sáng tạo, cởi mở và quốc tế hóa; thu hút sinh viên ưu tú, học giả xuất sắc trong nước và quốc tế đến học tập, nghiên cứu và làm việc.

Hình thành một trung tâm sáng tạo công nghệ xuất sắc của khu vực, thu hút mạnh tài trợ và đầu tư của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; đưa Đại học Bách khoa Hà Nội lên nhóm đầu khu vực theo xếp hạng năng lực sáng tạo. Các hoạt động đào tạo và nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội trước hết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Đổi mới quản trị đại học, thực hiện tự chủ đại học gắn liền với trách nhiệm xã hội, nhà trường làm nền tảng, người thầy là chủ thể, là động lực phát triển, người học làm trung tâm.

Nhà trường cũng đang xây dựng chiến lược phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến 2045, hướng đến các nhiệm vụ giải pháp chiến lược để đạt được mục tiêu trở thành đại học quốc gia, đại học hàng đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á.

“Đại học Bách khoa Hà Nội luôn tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và phấn đấu vươn lên phát triển để có thể cạnh tranh sòng phẳng được với các đại học hàng đầu khu vực. Trở thành đại học quốc gia không phải là cái tên, hình thức bên ngoài. Mục đích cuối cùng luôn luôn là sự thành công của người học và đóng góp tri thức, công nghệ phục vụ đất nước”, thầy Thắng nhấn mạnh.

Ưu tiên phát triển các lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn

Trước ý kiến cho rằng, Đại học Bách khoa Hà Nội mới chuyển từ trường đại học lên đại học vào năm 2022. Việc định hướng tới năm 2030 phát triển trở thành đại học quốc gia có phần "gấp gáp", thầy Thắng bày tỏ: Đại học Bách khoa Hà Nội được thành lập năm 1956, trên mảnh đất trường Đông Dương học xá, thể hiện tầm nhìn của Đảng và Chính phủ xây dựng trường đại học khoa học và kỹ thuật phục vụ cho cuộc kháng chiến vĩ đại của đất nước và xây dựng miền Bắc.

Trường đại học chuyên nghiệp Bách khoa đã khai giảng khóa đầu tiên cho 848 sinh viên vào ngày 15/10/1956. Rất nhiều trường đại học khác đã được tách ra và phát triển từ Đại học Bách khoa Hà Nội. Giai đoạn 1975-1976, một bộ phận các khoa của Đại học Bách khoa Hà Nội lại đi hỗ trợ xây dựng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

“Với lịch sử và truyền thống hào hùng 68 năm xây dựng và phát triển, Đại học Bách khoa Hà Nội đã và đang khẳng định được uy tín và vị thế trong nước và bước đầu vươn ra khu vực và thế giới. Đây là nền tảng, cơ sở vững chắc để Đảng và Nhà nước đầu tư phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội lên tầm cao mới.

Định hướng phát triển thành một đại học đa lĩnh vực có từ năm 2006 theo đề án Quy hoạch phát triển tổng thể Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2006-2030 đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Đây là ý chí, là mong muốn và kế hoạch từ nhiều thế hệ lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội. Việc định hướng, chuẩn bị từ nhiều năm nay và đều có mục tiêu, sự đồng lòng, quyết tâm rất cao của toàn thể cán bộ giảng viên, viên chức Đại học Bách khoa Hà Nội và luôn hướng đến làm đầu tàu dẫn dắt hệ thống giáo dục đại học Việt Nam phát triển”, thầy Thắng thông tin.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng cũng cho biết thêm, Đại học Bách khoa Hà Nội đã xây dựng chiến lược, định hướng phát triển đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong đó, quy mô đào tạo sẽ tăng không nhiều mà tập trung chính, chú trọng vào nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trình độ cao, chất lượng cao (hệ ELITECH).

Theo thầy Thắng, Đại học Bách khoa Hà Nội đã trải qua 68 năm xây dựng và phát triển, khẳng định được vị thế của mình. (Ảnh: website nhà trường)

Theo thầy Thắng, Đại học Bách khoa Hà Nội đã trải qua 68 năm xây dựng và phát triển, khẳng định được vị thế của mình. (Ảnh: website nhà trường)

"Quy mô sinh viên toàn hệ thống giáo dục đại học của nước ta hiện nay khoảng 2,1 triệu sinh viên, tức khoảng 210 sinh viên trên một vạn dân và theo quy hoạch đến năm 2030, mục tiêu cần đạt được là 260 sinh viên trên một vạn dân, tức là hệ thống cần phải tăng quy mô khoảng 1,3 lần. Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị có đội ngũ giảng viên nhiều về số lượng (1100 giảng viên) và tốt về chất lượng với 76% giảng viên có trình độ tiến sĩ, 27% giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư. Đây là những chỉ số rất cao, dẫn đầu trong các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam", Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin.

Về chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Đại học Bách khoa Hà Nội đã phê duyệt, theo thầy Thắng nhà trường chú trọng ưu tiên phát triển các lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn rất cần cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước bao gồm: Khoa học dữ liệu và hệ thống thông minh (công nghệ thông tin, tự động hóa, điện tử viễn thông); Năng lượng và môi trường bền vững; Vật liệu mới; Khoa học sức khỏe.

Đồng thời nghiên cứu chú trọng về chất lượng theo chuẩn mực quốc tế và hài hòa giữa nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu ứng dụng để gắn kết với đào tạo sau đại học và phát triển đất nước.

Nhà trường đang hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để đẩy mạnh chuyển giao công nghệ như việc hình thành quỹ đầu tư BK Fund và phát triển, hoàn thiện hệ thống doanh nghiệp BKHoldings.

Đặc biệt, Trung tâm Sáng tạo và Khởi nghiệp sinh viên sẽ có vai trò thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sáng tạo và ý chí khởi nghiệp của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.

“Như vậy, Đại học Bách khoa Hà Nội đã phát triển vững mạnh, luôn xứng tầm là cơ sở giáo dục đại học tiên phong, dẫn dắt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Đại học Bách khoa Hà Nội luôn đáp ứng kỳ vọng của Đảng, của Chính phủ và niềm tin của xã hội. Đến năm 2030, Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển trở thành đại học quốc gia là hoàn toàn phù hợp, khả thi”, thầy Thắng nhấn mạnh.

Lấy kỹ thuật và công nghệ làm nòng cốt

Theo Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, tổng số sinh viên hiện tại của trường là khoảng 39.000 sinh viên (cả đại học và sau đại học). Hiện tại lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ chiếm phần lớn (khoảng 80%) và nhà trường vẫn lấy kỹ thuật và công nghệ làm nòng cốt và phát triển các lĩnh vực khác như: khoa học tự nhiên, sản xuất, chế biến, kinh tế, sức khỏe.

“Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ xây dựng lộ trình tăng quy mô đào tạo một cách hợp lý, tập trung vào nâng cao chất lượng, phù hợp với quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục, mở rộng lĩnh vực nhưng luôn đảm bảo chất lượng và sự thành công của người học.

Với quy mô 45.000 đến khoảng 50 hoặc 60 ngàn sinh viên xuất sắc, tài năng, nhà trường tin chắc rằng sẽ đóng góp tốt nhất cho phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển đất nước.

Nhà trường đang quyết tâm để thực hiện bằng được mục tiêu trong dự thảo quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và chúng tôi tin rằng với sự định hướng đúng đắn của Đảng và sự đầu tư trọng tâm của Nhà nước mục tiêu này là hoàn toàn khả thi”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng bày tỏ.

Đại học Bách khoa Hà Nội ưu tiên phát triển công nghệ mũi nhọn lấy kỹ thuật và công nghệ làm nòng cốt. (Ảnh: website nhà trường)

Đại học Bách khoa Hà Nội ưu tiên phát triển công nghệ mũi nhọn lấy kỹ thuật và công nghệ làm nòng cốt. (Ảnh: website nhà trường)

Cũng theo thầy Thắng, Đại học Bách khoa Hà Nội đã có định hướng phát triển thành đại học quốc gia từ rất lâu. Nhà trường đã có nghị quyết định hướng và xây dựng các đề án phát triển. Cụ thể:

Đại học Bách khoa Hà Nội đã xây dựng Đề án "Quy hoạch tổng thể xây dựng và phát triển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2006-2030" được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tại Quyết định 668/QĐ-BGDĐT ngày 01/02/2007, trong đó định hướng phát triển trường thành mô hình đại học nghiên cứu, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, một trung tâm nghiên cứu khoa học và kỹ thuật hiện đại, hội nhập hệ thống đại học khu vực và thế giới, là địa chỉ đầu tư và hợp tác tin cậy, hấp dẫn đối với các tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài nước

Chiến lược phát triển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2017 - 2025, với mục tiêu đưa Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành một đại học nghiên cứu đa lĩnh vực ngang tầm khu vực với nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ, một trung tâm nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo xuất sắc.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lần thứ XXX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó định hướng mục tiêu tới năm 2025, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành một đại học nghiên cứu hàng đầu khu vực về kỹ thuật và công nghệ, một hình mẫu đại học tự chủ toàn diện và phát triển bền vững, đóng góp quan trọng đối với xã hội, đất nước và dẫn dắt hệ thống giáo dục đại học Việt Nam

Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2020-2023, trong các nghị quyết chỉ đạo của Đảng và nghị định của Chính phủ, đã chỉ rõ vai trò của nhà trường. Cụ thể:

Nghị quyết số 30-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội là 2 cơ sở giáo dục đại học được đầu tư tập trung, trọng điểm, chú trọng nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo, tập trung đào tạo chất lượng cao cho vùng và cả nước. Nghị quyết số 30 chỉ rõ vai trò rất quan trọng của Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội với sự phát triển kinh tế xã hội của đồng bằng sông Hồng.

Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ, ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những nội dung của Nghị quyết số 14/NQ-CP “đặt hàng”: Giai đoạn 2023-2025, phải xây dựng Đề án Phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội trong nhóm các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á trình Chính phủ phê duyệt. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó yêu cầu xây dựng “Đề án phát triển, nâng cao chất lượng các trường đại học, trong đó phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn thủ đô có ít nhất 01 trường đại học và đến năm 2030 có ít nhất 02 trường đại học nằm trong TOP 100 trường đại học hàng đầu Châu Á”;

Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nội dung Nghị quyết chỉ rõ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Theo đó, vai trò phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội là rất cần thiết, cần bám sát một trong những nhiệm vụ của Nghị quyết 29.

“Như vậy, Đại học Bách khoa Hà Nội đang hội tụ đủ cả ba yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển thành đại học quốc gia vào trước năm 2030. Cơ hội cho phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thành đại học quốc gia và nằm trong nhóm các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á là rất lớn, rất chín muồi. Đại học Bách khoa Hà Nội cần phải nắm bắt được cơ hội này”, thầy Thắng nêu quan điểm.

Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định nhà trường sẽ nỗ lực phát triển các mục tiêu đáp ứng yêu cầu trở thành đại học quốc gia từ nay đến 2030. (Ảnh: website nhà trường)

Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định nhà trường sẽ nỗ lực phát triển các mục tiêu đáp ứng yêu cầu trở thành đại học quốc gia từ nay đến 2030. (Ảnh: website nhà trường)

Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đánh giá rất cao “Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050".

“Cá nhân tôi thấy đây là một bản dự thảo quy hoạch rất công phu, đầy đủ, chi tiết và có cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn. Các quan điểm, định hướng, mục tiêu và các nhiệm vụ giải pháp phát triển mạng lưới theo tôi là phù hợp, khả thi. Trong đó tôi đánh giá cao quy hoạch các đại học trọng điểm quốc gia để dẫn dắt hệ thống, đại học trọng điểm vùng và các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành để phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng và phát triển ngành quan trọng cho đất nước và từ đó làm cơ sở để tăng cường đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các cơ sở giáo dục đại học này.

Ngoài ra nội dung cũng hướng đến tạo hành lang pháp lý rõ ràng để đẩy mạnh tự chủ đại học, đẩy mạnh đào tạo lĩnh vực STEM, đào tạo sau đại học và quy hoạch gắn với phát triển từng vùng, khuyến khích phát triển đại học tư thục. Đây là các nội dung rất quan trọng và cần triển khai quyết liệt càng sớm càng tốt”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng nêu quan điểm

Bên cạnh đó, thầy Thắng cũng kiến nghị một số chỉ tiêu cụ thể của dự thảo cần có khoảng rộng hơn để linh hoạt khi thực hiện vì bối cảnh trong và ngoài nước biến động khá lớn, nhiều yếu tố khó dự đoán (ví dụ như quy mô đào tạo dự kiến của Đại học Bách khoa Hà Nội: 50.000 - 60.000 sinh viên).

Theo “Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" đại học quốc gia nằm trong trung tâm của vùng kinh tế động lực, có sứ mạng dẫn dắt và vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia về phát triển nhân tài, nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; có năng lực, uy tín và chất lượng đứng đầu cả nước về khoa học, kỹ thuật, công nghệ và một số lĩnh vực, ngành trọng điểm khác của quốc gia.

Các đại học quốc gia giữ ổn định quy mô đào tạo trình độ đại học, tập trung nâng cao chất lượng và tăng tỉ trọng đào tạo sau đại học gắn với phát triển nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, nhất là ở các lĩnh vực, ngành trọng điểm. Sau năm 2030, có thể phát triển thêm một số đại học quốc gia từ các đại học vùng, đại học trọng điểm ngành quốc gia có tiềm lực mạnh và uy tín cao trong hệ thống.

Nhật Lệ