PGS Trần Mạnh Trí: Từng không dám thi ĐH đến chủ nhân giải thưởng Tạ Quang Bửu

18/05/2024 07:23
Kim Minh Châu

GDVN - Từng không dám nghĩ đến việc thi vào đại học do hoàn cảnh khó khăn, giờ đây PGS Trần Mạnh Trí là một trong hai nhà khoa học nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024.

Trong khuôn khổ của chương trình Kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024.

Giải thưởng năm nay được trao cho hai nhà khoa học là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Mạnh Trí (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh (Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Nhân dịp này, phóng viên của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Mạnh Trí – Trưởng Bộ môn Hóa học hữu cơ, Khoa Hoá học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) để lắng nghe vị phó giáo sư này chia sẻ những câu chuyện trong hành trình trở thành nhà giáo, nhà khoa học của mình.

Ấn tượng đầu tiên của phóng viên về Phó Giáo sư, Tiến Trần Mạnh Trí là một người gần gũi, chân thành và cởi mở.

6900aa7b2cec8db2d4fd.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Mạnh Trí – Trưởng Bộ môn Hóa học hữu cơ, Khoa Hoá học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Từ cậu bé không có ý định học hết cấp 3 trở thành nhà giáo, nhà khoa học

Một phút trùng lại, Phó Giáo sư Trí cho biết, anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 5 người con tại Xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Thời điểm những năm anh học phổ thông, cuộc sống của gia đình và nơi anh sống còn nhiều vất vả. Không có điện để sinh hoạt, những năm học tiểu học, anh Trí phải thắp đèn dầu để học bài. Nhưng do cuộc sống của người dân trong xã còn nhiều vất vả, nên học sinh trong trường cũng “rơi dụng” dần. Sau khi học hết tiểu học,anh Trí phải đạp xe lên nhà cô ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang (cách nhà hơn 20km) để ở trọ và học lớp 6.

May mắn thay, đến năm lớp 7, địa bàn xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn đã tổ chức lại trường trung học cơ sở, nên anh được chuyển về nhà học cho gần gũi với gia đình. Buổi sáng, anh Trí đạp xe 5km để đi học, buổi chiều lại về phụ giúp bố mẹ làm mật mía và công việc nương rẫy.

Khi vừa kết thúc học kỳ II lớp 9, trong một lần bố mẹ anh Trí gặp người bạn cũ và biết năng lực học của anh nên đã tư vấn gia đình đưa anh xuống thị xã học để có cơ hội phát triển. Chỉ hai ngày sau đó, hồ sơ nhập học đã được hoàn thiện, anh Trí một lần nữa xếp đồ lên đường xuống trường ở thị xã Tuyên Quang (sau này là Thành phố Tuyên Quang) học. Đối với vị phó giáo sư này, đây là một may mắn, cũng là một cột mốc đáng nhớ giúp anh được theo đuổi tình yêu với Hóa học.

Phó Giáo sư Trần Mạnh Trí chia sẻ: “Bắt đầu từ khi được tiếp xúc với môn Hóa, tôi đã cảm thấy hứng thú với môn học này. Tuy nhiên, do điều kiện khi xưa còn nhiều khó khăn, các trường ở vùng quê khi ấy của tôi thường chỉ tập trung giảng dạy các môn chính (Toán, Văn), nên kiến thức về môn học này của tôi ở thời điểm bấy giờ không thực sự tốt, nhiều bài tập Hóa học không biết cách giải.

Chỉ đến khi lớp 9, chuyển trường từ quê xuống thị xã, tôi mới được tiếp xúc với môn học này nhiều hơn, được bạn bè, thầy cô chỉ dạy nhiều hơn. Nhờ đó, tôi cũng đặt mục tiêu thi vào trường trung học phổ thông chuyên của tỉnh và quyết tâm theo đuổi tình yêu đối với Hóa học”.

Lớp 12, anh Trí lọt vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia môn Hóa học và giành giải Khuyến Khích.

e52e6454e2c3439d1ad2.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Mạnh Trí yêu thích Hóa học ngay từ khi mới tiếp xúc.

Chia sẻ thêm về những năm tháng học phổ thông này, Phó Giáo sư Trần Mạnh Trí cho biết, mình từng có ý định chỉ học hết lớp 12 rồi tìm ngã rẽ phù hợp.

“Ngày ấy, việc được xuống thị xã học lớp 9 đã là một điều may mắn to lớn đối với tôi. Nhưng vì hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, bố mẹ làm nông vất vả, không có định hướng cho tôi biết đại học thế nào, nên tôi có suy nghĩ chỉ cần cố gắng học hết cấp 2, cấp 3 để biết đọc, biết viết, có bằng phổ thông là được.

Chỉ đến khi cuối lớp 11, khi được các thầy cô giáo hỏi lí do sao không thi đại học và tư vấn, thì tôi mới có suy nghĩ tiếp tục học lên” – Phó Giáo sư Trí chia sẻ.

Khi đăng ký học đại học, nguyện vọng đầu của anh Trí là vào Khoa Sư phạm Hóa của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, vì học sư phạm sẽ được miễn học phí. Tuy nhiên, cơ duyên lại đưa thầy đến với Khoa Hóa học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Sau khi học xong bậc cử nhân, anh Trí tiếp tục được các thầy cô động viên ở lại trường học lên cao học, nghiên cứu sinh và ở lại trường giảng dạy. Cơ duyên trở thành nhà giáo, nhà khoa học của anh Trí cũng từ đây, niềm đam mê đối với Hóa học cũng ngày một lớn dần. Đến nay, Phó Giáo sư Trí có khoảng hơn 40 bài báo được công bố quốc tế uy tín (phần lớn trong số đó thuộc danh mục tạp chí WoS uy tín với chỉ số ảnh hưởng cao), hơn 50 bài báo trên các tạp chí quốc gia uy tín, 20 báo cáo tại các hội nghị quốc gia/quốc tế, 02 chương sách và 01 giáo trình.

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư Trí cũng là thành viên của nhóm nghiên cứu mạnh có tên là “Quan trắc độc chất hữu cơ trong môi trường” do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bình Minh làm trưởng nhóm.

Từ khi xây dựng đến nay, nhóm phát triển theo hai hướng chính là là công bố quốc tế và phát triển ứng dụng, giải pháp hữu ích. Nhóm nghiên cứu mạnh này đang có sự hợp tác chặt chẽ đối với cộng đồng các nhà khoa học ở cả Việt Nam và một số quốc gia khác trên thế giới.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu – niềm vinh dự đối với nhà khoa học chân chính

Vẫn còn nhiều cảm xúc khi được xướng tên nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024, Phó Giáo sư Trần Mạnh Trí cho biết: “Giây phút ấy tôi như vỡ òa trong cảm xúc, vừa cảm thấy xúc động, vừa hạnh phúc. Giải thưởng như một sự ghi nhận của cộng đồng khoa học Việt Nam với những nỗ lực của cá nhân tôi và nhóm nghiên cứu”.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nhằm khích lệ, tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy Khoa học và Công nghệ Việt Nam hội nhập và phát triển. Đến nay, Giải thưởng này đã trở thành một trong những Giải thưởng khoa học uy tín tại Việt Nam, thu hút sự quan tâm của cộng đồng khoa học.

Theo đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Mạnh Trí (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) được trao giải thưởng qua cụm ba công trình được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc top 5% hàng đầu thế giới trong các ngành kỹ thuật hóa môi trường, độc học và sức khỏe. Những nghiên cứu này góp phần giải quyết vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu hiện nay là ô nhiễm môi trường do sự phát tán của các hóa chất tổng hợp.

Chia sẻ về lý do lựa chọn nghiên cứu những công trình này, Phó Giáo sư Trí cho biết, các hướng nghiên cứu chuyên sâu mà anh được đào tạo là phát triển các phương pháp hiện đại để phân tích hợp chất hữu cơ. Vì thế, anh mong muốn tiếp tục phát triển theo hướng nghiên cứu này.

Xuất phát từ vấn đề thực tiễn hiện nay, những chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) hay các kim loại đã có nhiều nhà khoa học nghiên cứu, tuy nhiên thông tin hiểu biết về phương phháp phân tích và mức độ ô nhiễm những chất hữu cơ gây rối loạn nội tiết mới nổi (do con người tổng hợp ra để sử dụng vào cuộc sống hàng ngày) vẫn còn rất hạn chế.

Vì thế, trong thời gian tham gia thực tập sau tiến sĩ tại Hoa Kỳ, hướng nghiên cứu hợp chất hữu cơ gây rối loạn nội tiết này manh nha trong suy nghĩ của nhà khoa học này.

Trong các nghiên cứu đó, đặc biệt nhất phải kể đến cụm 3 công trình liên quan đến việc phát triển các phương pháp phân tích chính chính xác, hiệu quả về hợp chất hữu cơ gây rối loạn nội tiết mới nổi (như nhóm siloxane và phthalate) trong môi trường không khí và nước dựa trên các thiết bị phân tích hiện đại.

Sau khi phát triển phương pháp phân tích điện lượng chính xác, hiệu quả, nghiên cứu đã tiến hành quan trắc mức độ ô nhiễm sơ bộ tại Hà Nội trong không khí và nước. Dựa trên những nồng độ xác định, nhóm nghiên cứu này bước đầu đề xuất các công thức để ước lượng mức độ rủi ro cho con người có thể gặp phải nếu sống trong môi trường ô nhiễm như vậy.

Các nhóm chất siloxane, phthalate được sử dụng trong những sản phẩm thương mại hàng ngày như đồ nhựa, sản phẩm chăm sóc cá nhân (dầu gội đầu, nước hoa…), thẩm mỹ, đồ chơi trẻ em, trong các thiết bị điện tử,… Khi sử dụng các sản phẩm này, các nhóm chất trên phát tán ra môi trường (trong đó có môi trường không khí và nước), gây rối rủi ro phơi nhiễm và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người qua con đường hít thở không khí và tiêu thụ nước uống.

“Một số các quốc gia trên thế giới đã có các quy định nhằm hạn chế việc sử dụng các hóa chất này trong các sản phẩm thương mại. Tuy nhiên, các quy chuẩn/tiêu chuẩn của các hóa chất này trong môi trường vẫn chưa đầy đủ và đồng bộ ngay cả tại các nước phát triển.

Kết quả của những nghiên cứu này sẽ là cơ sở quan trọng để các nhà khoa học, cơ quan nhà nước phát triển thêm những dự án nghiên cứu lớn hơn; đồng thời, có cắn cứ đưa ra các tiêu chuẩn/ quy chuẩn để quản lý và sử dụng các hóa chất này một cách hiệu quả, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững” – Phó Giáo sư Trần Mạnh Trí cho hay.

b92efa5a90b631e868a7-17157505338101263266210.jpg
Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm được trao cho hai nhà khoa học là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Mạnh Trí và Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ.

Hiện nay, cum 3 công trình do Phó Giáo sư Trí công bố đã nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học trong nước và trên thế giới. Theo thống kê của Google Scholar (một trang web dùng để tra cứu, tìm kiếm tài liệu, văn bản học thuật trên toàn thế giới), chỉ trong vòng 2 năm đã có hơn 100 trích dẫn lại những công trình nghiên cứu của anh Trí. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nhà khoa học có mong muốn trao đổi thêm về phương pháp nghiên cứu, kinh nghiệm... với anh.

Gặp rủi ro là điều thường xuyên khi làm thực nghiệm, nên phải coi những thất bại là bài học cho tương lai

Tuy nhiên, để có được thành công của cụm 3 công trình này, anh Trí và nhóm nghiên cứu cũng gặp phải không ít khó khăn.

Theo đó, 3 công trình này được bắt đầu nghiên cứu, xây dựng phương pháp từ năm 2017 – 2018; đến năm 2019 thì bắt đầu thu mẫu. Tuy nhiên, thời điểm thực hiện nghiên cứu lại là lúc đại dịch Covid-19 bùng nổ. Nhóm nghiên cứu gặp phải không ít khó khăn.

Ngoài ra, ở Việt Nam, để làm được một công trình nghiên cứu không phải là điều đơn giản. Nguyên nhân đến từ nhiều phía, đặc biệt là sự thiếu thốn về các vật liệu, hóa chất, trang thiết bị.

Khi làm công trình này, anh Trí đã phải nhờ bạn ở nước ngoài đặt cho hai thiết bị để bơm mẫu. Mặc dù là hai thiết bị rất nhỏ, nhưng gửi về từ nước ngoài bị chặn lại ở cửa hải quan rất lâu. Từ khi trả tiền đến lúc nhận được thiết bị phải mất gần ba tháng.

Nói thêm về quá trình làm một nhà giáo, một nhà khoa học của mình, Phó Giáo sư Trí cho biết, trong lĩnh vực thực nghiệm, việc gặp rủi ro là thường xuyên.

d626985c1ecbbf95e6da.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Mạnh Trí luôn dặn dò sinh viên phải hết sức cẩn trọng và sạch sẽ.

“Tôi nhớ nhất là câu chuyện thất bại trong một lần đi lấy mẫu thí nghiệm. Lần đó, việc lấy mẫu thí nghiệm vô cùng vất vả, phải mất đến 3 ngày nhóm nghiên cứu mới thực hiện xong. Nhưng khi hoàn thành việc lấy mẫu, thời gian không kịp để lưu mẫu ở nhiệt độ lạnh khiến toàn bộ số mẫu đã lấy bị hỏng.

Hay cũng có nhiều lần, nhóm nghiên cứu đã làm xong một thí nghiệm, nhưng khi đo đạc, kết quả lại không được như kỳ vọng, chúng tôi cũng lại phải tiến hành lại toàn bộ quy trình”.

Tuy khó khăn, vất vả là vậy, nhưng với anh Trí, để làm nên thành công thì sự kiên trì, bền bỉ là rất quan trọng. Hầu như mọi mục tiêu đề ra, anh đều không từ bỏ mà luôn cố gắng hoàn thành.

“Tôi là người có xuất phát điểm thấp, ngoài sự may mắn, thì ý chí và nghị lực của bản thân được tôi duy trì ở trạng thái cao nhất, không được ngại thử thách, khó khăn.

Đồng thời, tôi luôn dặn sinh viên, nghề của mình là phân tích những chất có độc tính, vì thế mọi khâu đều phải hết sức cẩn trọng và sạch sẽ. Nếu có khó khăn, thất bại cũng đừng nản chí, bỏ cuộc, mà hãy coi đó là bài học cho tương lai” – Trưởng Bộ môn Hóa học hữu cơ, Khoa Hoá học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ thêm.

Năm 2015, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Mạnh Trí được tặng Giải thưởng nhà khoa học trẻ tại Hội nghị Hóa học khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2015; Giải thưởng Đại học Quốc gia Hà Nội về Khoa học và Công nghệ năm 2021; Bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội về những thành tích xuất sắc trong công bố quốc tế và sở hữu trí tuệ hai năm liên tiếp (2020 và 2021).

Kim Minh Châu