Lương thấp, thường tiếp xúc hóa chất khiến ngành Dược trường CĐ khó thu hút SV

03/07/2024 06:21
Ngọc Mai

GDVN - Tại các bệnh viện tuyến trung ương đến cơ sở, người làm ở vị trí chức danh nghề nghiệp dược phải trực đêm, công việc vất vả nhưng mức thu nhập chưa tương xứng.

Theo chia sẻ của một số lãnh đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hiện nay công tác tuyển sinh ngành Dược trình độ cao đẳng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu được cho là các bệnh viện từ trung ương đến cơ sở ít tuyển dụng vị trí việc làm thuộc ngành Dược; mức thu nhập khởi điểm đối với chức danh nghề nghiệp dược chưa tương xứng với tính chất công việc nên khó thu hút được người học.

GDVN Dược.JPG
Ảnh minh họa: Trà My

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình cho biết, hiện nay, hầu hết các trường cao đẳng y đều gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh ngành Dược. Bởi, so với các lĩnh vực khác, lĩnh vực dược không có nhiều tính cạnh tranh về thu nhập (như ngành Quản trị kinh doanh, Kinh tế…).

Theo thầy Sơn, ở các bệnh viện tuyến trung ương đến cơ sở, người làm tại vị trí chức danh nghề nghiệp dược vẫn phải trực đêm, mức độ công việc tương đối vất vả nhưng mức thu nhập của họ chưa tương xứng.

Hiện nay, tính theo mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng từ ngày 1/7/2024 thì:

Dược sĩ cao cấp nhận mức lương từ 14,508 đến 18,720 triệu đồng/tháng (hệ số lương 6,2 đến 8,0);

Dược sĩ chính nhận mức lương từ 10,296 đến 15,865 triệu đồng/tháng (hệ số lương từ 4,4 đến 6,78);

Dược sĩ nhận mức lương từ 5,475 đến 11,653 triệu đồng/tháng (hệ số lương từ 2,34 đến 4,98)

Dược hạng IV chỉ nhận mức lương từ 4,352 đến 9,500 triệu đồng/tháng (hệ số lương từ 1,86 đến 4,06).

Thầy Sơn cho biết, sinh viên tốt nghiệp ngành Dược chủ yếu đi làm tại các công ty, doanh nghiệp dược ngoài nhà nước nhiều hơn so với làm việc tại các cơ quan nhà nước.

Theo Khoản 7, Điều 4, Thông tư số 03/2022/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 26/4/2022 về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế, quy định tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng Dược hạng IV (mã số V.08.08.23) là tốt nghiệp trình độ cao đẳng (trước đây Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BYT-BNV của Bộ Nội vụ, Bộ Y tế quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dược quy định Dược hạng IV chỉ cần tốt nghiệp trung cấp dược trở lên). Do vậy, thầy Sơn cho hay, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình hiện nay chỉ đào tạo ngành Dược trình độ cao đẳng. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh ngành này còn gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng là tình cảnh chung của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo ngành Dược trình độ cao đẳng.

Theo thầy Sơn, ngành Dược của nhà trường có 2 đối tượng theo học. Một nhóm là người học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng và một nhóm là thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đăng ký xét tuyển vào học ngành Dược trình độ cao đẳng. Tuy nhiên, hiện nay việc tuyển sinh với 2 đối tượng này đều chưa đạt như mong muốn của lãnh đạo nhà trường.

“Từ khi chuyển từ đào tạo hệ trung cấp lên cao đẳng ngành Dược, nhà trường gặp một số khó khăn trong việc thu hút sinh viên. Bởi, thời gian đào tạo hệ cao đẳng là 3 năm (nhiều hơn trung cấp 1 năm), tính chất công việc vất vả trong khi thu nhập không cao hơn so với nhiều ngành nghề khác. Chưa kể, đa số các em lựa chọn đi học đại học, hoặc đi làm ở khu công nghiệp thay vì học cao đẳng. Bên cạnh đó, nhà trường còn đang phải cạnh tranh với một số trường tư thục có đào tạo ngành Dược”, thầy Sơn chia sẻ.

Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình, từ năm 2018, nhà trường tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, học phí cao hơn so với các trường cao đẳng chưa tự chủ nên cũng là nguyên nhân khiến công tác tuyển sinh ngành Dược của trường chưa hấp dẫn đối với người học.

“Để thu hút được nhiều sinh viên học ngành Dược trình độ cao đẳng, về mặt chính sách, cần phải có đãi ngộ cho người lao động ngành Dược sao cho phù hợp với công sức, thời gian học tập, mức độ vất vả từ thực tế công việc (ngành nghề độc hại, tiếp xúc với hoá chất thường xuyên). Đặc biệt, trong bối cảnh chuẩn hoá đội ngũ nhân lực y tế hiện nay, việc bỏ đào tạo trình độ trung cấp dược cũng nên được xem xét để từ đó tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh ngành Dược trình độ cao đẳng”, thầy Sơn chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2018, Trường Cao đẳng Y tế Bắc Ninh không đào tạo trình độ trung cấp Dược mà chuyển sang đào tạo cao đẳng Dược. Tuy nhiên, cũng như nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo lĩnh vực sức khỏe, nhà trường gặp một số khó khăn trong công tác tuyển sinh ngành Dược trình độ cao đẳng.

Chia sẻ với phóng viên, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Dung - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Bắc Ninh cho biết, nguyên nhân khiến công tác tuyển sinh ngành Dược hệ cao đẳng của trường gặp khó khăn là do một bộ phận phụ huynh muốn học sinh học đại học và bản thân các em cũng thích học ở trung tâm thành phố Hà Nội nhiều hơn so với học cao đẳng.

Bên cạnh đó, đặc thù của lĩnh vực dược khá vất vả, nhiều áp lực, thu nhập thấp,... cũng là những nguyên nhân khiến ngành Dược chưa thu hút được nhiều người theo học.

Ngoài ra, cô Dung cho biết, vị trí việc làm của ngành Dược trong các bệnh viện công lập rất ít (1 bệnh viện chỉ có 1 Khoa Dược) nên rất khó để sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể xin được việc làm ổn định trong bệnh viện. Vì vậy, thực tế hầu hết sinh viên tốt nghiệp ngành Dược của nhà trường đều sẽ đi làm ở các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước về lĩnh vực dược.

Cùng chia sẻ về công tác tuyển sinh ngành Dược của nhà trường, Thạc sĩ Bác sĩ Lê Thị Thanh Nga - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn cho biết, theo Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 09/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đến năm 2030 đạt tỷ lệ 4,0 dược sĩ/1 vạn dân, trong đó dược sĩ được đào tạo về chuyên ngành dược lâm sàng đạt tối thiểu 20%; đến năm 2045 phấn đấu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD. Do đó, việc đào tạo nhân lực cho ngành Dược có tầm quan trọng lớn. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh ngành Dược trình độ cao đẳng của nhà trường còn đối mặt với một số vướng mắc.

Cụ thể, theo cô Nga, trước đây nhà trường chủ yếu đào tạo ngành Dược trình độ trung cấp. Song, khoảng 3 năm trở lại đây, nhà trường bắt đầu đưa vào tuyển sinh ngành Dược trình độ cao đẳng. Cùng với đó, nhà trường cũng đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng ngành Dược.

Cô Nga cho hay, so với trình độ trung cấp, ngành Dược trình độ cao đẳng của nhà trường chưa thu hút được nhiều sinh viên theo học.

Tương tự, với đào tạo liên thông ngành Dược từ trung cấp lên cao đẳng, những năm trước, số lượng người học tương đối nhiều nhưng một vài năm gần đây, nhà trường lại không tuyển được người có nhu cầu học liên thông ngành này.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn, nguyên nhân khó tuyển sinh ngành Dược trình độ cao đẳng là do việc tuyển dụng vị trí việc làm lĩnh vực dược trong các đơn vị sự nghiệp công lập thường sẽ ưu tiên những người tốt nghiệp trình độ đại học. Điều này đã phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh ngành Dược của nhà trường.

Do vậy, để mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Dược trình độ cao đẳng, hàng năm nhà trường mời các doanh nghiệp đến để tư vấn hướng nghiệp cho các em.

"Mong muốn của nhà trường là được nhận những chia sẻ về kinh nghiệm trong nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó khắc phục khó khăn trong công tác tuyển sinh, cải thiện số lượng người học ngành Dược trình độ cao đẳng ở nhà trường", cô Nga chia sẻ.

Ngọc Mai