Cạnh tranh đào tạo ngành Dược ngày càng cao, đặt ra yêu cầu mới cho các trường

15/05/2024 09:12
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Cùng với sự phát triển kinh tế và chuyển đổi số, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân cũng ngày càng tăng cao kéo theo yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực dược

Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược) theo Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 9/10/2023 đã nêu rõ: Phấn đấu đến năm 2030, 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; đảm bảo an ninh thuốc, đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc; Đạt tỷ lệ 4,0 dược sĩ/1 vạn dân, trong đó dược sĩ được đào tạo về chuyên ngành dược lâm sàng đạt tối thiểu 20%; Tỷ lệ người làm công tác dược lâm sàng đạt 01 người/100 giường bệnh nội trú và 02 người/1.000 đơn thuốc được cấp phát cho bệnh nhân ngoại trú có thẻ bảo hiểm trong một ngày; thực hiện Chiến lược phấn đấu hoàn thành chuyển đổi số ngành dược,…

Có thể thấy rằng, ngành Dược của nước ta đang trên đà phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ, trước những mục tiêu và chiến lược phát triển đặt ra trên, hiện nhiều địa phương trên cả nước đang tích cực hoàn thiện và đưa ra những cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực dược và thúc đẩy việc nâng cao chất lượng đào tạo.

Với thực tế đó, Câu lạc bộ các trường cao đẳng Y Dược thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam dự kiến tổ chức “Hội thảo nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy dược trong thời kỳ hội nhập” vào ngày 17/5/2024 tại Trường Cao đẳng Dược Trung ương – Hải Dương.

Nhu cầu về nhân lực dược ngày càng tăng cao về số lượng và chất lượng

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Bá Kiên – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Trung ương – Hải Dương khẳng định, trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế và chuyển đổi số, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tất yếu cũng ngày càng tăng cao.

z5431739694825_db8cb88fdb76f08590209a4e7cadb99e.jpg
Sinh viên Trường Cao đẳng Dược Trung ương – Hải Dương trong giờ học (Ảnh: NTCC).

Trong đó, chất lượng của nguồn nhân lực dược đang đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định sự phát triển về chăm sóc sức khỏe cho người dân, đồng thời đây cũng là một ngành kinh tế kỹ thuật. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế nói chung, nhân lực dược nói riêng là rất quan trọng và cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Đặc biệt, dù trong hay sau đại dịch COVID-19, nhu cầu về thuốc men, các thực phẩm bảo vệ sức khỏe, các trang thiết bị, vật tư y tế vẫn rất cao, do đó, xã hội có nhu cầu về nguồn nhân lực này để ứng phó và bổ sung kịp thời.

Không những vậy, khi xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, việc quan tâm, chú trọng về sức khỏe của bản thân cũng được người dân ngày càng đề cao. Vậy nên, rất cần có nguồn dược sĩ để đáp ứng khả năng chăm sóc sức khỏe chủ động của con người.

Bên cạnh đó, hiện các doanh nghiệp dược cũng đang ngày càng mở rộng hệ thống sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối.

Có thể thấy rằng, với thực tế này, ngành dược vẫn đang tăng trưởng và phát triển, do đó, nhu cầu về nhân lực dược cũng đòi hỏi ngày một cao hơn cả về số lượng và chất lượng.

Vậy nên, thầy Kiên cho rằng, hội thảo với chủ đề nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy dược trong thời kỳ hội nhập là rất phù hợp và cấp thiết và đặc biệt quan trọng. Bởi, việc tổ chức hội thảo sẽ đặt ra vấn đề đối với các nhà quản lý của các cơ sở đào tạo là làm thế nào để có được nguồn nhân lực chất lượng tốt, phục vụ cho nhu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa, chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, vấn đề này cũng nhận được sự quan tâm từ phía các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này.

Sự cạnh tranh trong công tác đào tạo ngày càng gia tăng

Cũng theo thầy Kiên, hiện nay có rất nhiều cơ sở đào tạo ngành Dược trình độ cao đẳng, chính vì vậy, hội thảo tổ chức nhằm giúp các trường có thể chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, xây dựng chương trình, công tác đào tạo và tuyển sinh để từ đó tạo được tiếng nói chung cho các cơ sở đào tạo và có những kiến nghị, đề xuất lên các cấp quản lý, các bộ, ban, ngành có liên quan nhằm đưa ra những chính sách phù hợp, góp phần thúc đẩy sự phát triển trong việc đào tạo lĩnh vực này.

IMG_0202.JPG
Sinh viên Trường Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương (Ảnh: NTCC).

Về thực trạng tuyển sinh ngành Dược, thầy Kiên cho biết, trước đây, người học vốn đã quan tâm đến ngành học này thì với thực trạng hiện nay lại càng quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là từ khi nhà nước có chính sách đối với sinh viên tham gia ngành học này là được hỗ trợ 70% học phí (theo Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng).

Tuy nhiên, với sự nở rộ trong việc tuyển sinh ngành Dược tại cả các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hầu hết các trường đào tạo ngành học này đều ít nhiều gặp khó khăn do sự cạnh tranh trong tuyển sinh, đặc biệt là khi việc thực hiện tự chủ của các cơ sở ngày càng phát triển.

Để có thể khắc phục khó khăn trong tuyển sinh, thầy Kiên cho rằng, bản thân các trường phải đảm bảo chất lượng đầu vào, đổi mới phương pháp giảng dạy, kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và nâng cao chất lượng đầu ra, từ đó mới có thể đáp ứng được nhu cầu xã hội và có thể tồn tại được trong môi trường có tính cạnh tranh cao như hiện nay.

Mặt khác, thầy Kiên cho hay, ngoài sự chia sẻ của các trường trong nước, hội thảo còn có sự chia sẻ của Trường Republic Polytechnic-Singapore về những kinh nghiệm trong công tác đào tạo để góp phần thúc đẩy sự hội nhập trong khu vực đối với việc giảng dạy ngành Dược của nước ta.

Thầy Kiên mong rằng, thông qua hội thảo này, những kiến nghị, đề xuất của các cơ sở, đơn vị sẽ mang lại những chính sách hỗ trợ, quan tâm, đầu tư hơn nữa để làm sao đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng với sự phát triển không ngừng của xã hội.

Tường San