Hội thảo về cao đẳng của Hiệp hội là cơ hội quý báu để tìm hướng cho các trường

29/05/2024 06:31
Doãn Nhàn

GDVN -Thầy Phan Tiềm đánh giá hội thảo “Cao đẳng – Thực trạng và giải pháp” có vai trò ý nghĩa quan trọng đối với các trường cao đẳng cả nước.

Ngày 30/5, Hội thảo khoa học “Cao đẳng - Thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường Cao đẳng THACO tổ chức sẽ chính thức diễn ra.

Trước thềm sự kiện quan trọng này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với thầy Phan Tiềm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng THACO, đơn vị đăng cai tổ chức hội thảo.

Mô hình trường học của doanh nghiệp

Trường Cao đẳng THACO được thành lập từ năm 2010 theo Quyết định số 595/2010/QĐ-BLĐTBXH ngày 12/5/2010 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trường thuộc loại hình ngoài công lập, trực thuộc Tập đoàn THACO, chịu sự quản lý chuyên môn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội.

DSC_9748_1.webp
Thầy Phan Tiềm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng THACO. Ảnh: Việt Linh

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phan Tiềm cho hay, từ khi thành lập đến nay, nhà trường tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ chính. Đó là tuyển sinh đào tạo các ngành nghề chính quy các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng để cung cấp nguồn nhân lực phù hợp cho THACO, các doanh nghiệp tại miền Trung và cả nước. Đồng thời, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các chuyên đề, nghiệp vụ kỹ năng, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động đang làm việc ở các đơn vị, nhà máy của Tập đoàn THACO.

Đến nay, trải qua gần 15 năm hoạt động, Trường Cao đẳng THACO đã đào tạo cung cấp được gần 6.000 học sinh sinh viên đã tốt nghiệp (trong đó: 837 cao đẳng, 719 trung cấp, 4.419 sơ cấp) cho các đơn vị, nhà máy tại THACO Chu Lai. Trên 95% học sinh, sinh viên ra trường đều có việc làm và làm được việc như mục tiêu đặt ra của trường. Ngoài ra, nhà trường đã đào tạo kỹ năng mềm và huấn luyện An toàn vệ sinh lao động cho hơn 150.000 lượt cán bộ nhân viên của THACO.

Bên cạnh đó, trường cũng đã từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ giáo viên tâm huyết với nghề, có tay nghề cao, ổn định. Có nhiều thành tích trong các hội thi giáo viên dạy nghề giỏi; hội thi thiết bị dạy học tự làm như nhận Cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu khối các trường đại học, cao đẳng, trung cấp tỉnh Quảng Nam năm học 2016 - 2017; Đạt giải Nhất toàn đoàn, 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 01 giải Ba, 01 giải Khuyến khích Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Quảng Nam lần thứ 7 (năm 2017); Năm 2019, đạt 02 giải Khuyến khích thi Thiết bị dạy nghề tự làm cấp quốc gia; Năm 2020, đạt giải A (Nhất), giải C (Ba) Hội thi “Giáo viên huấn luyện an toàn vệ sinh lao động” toàn quốc do Cục An toàn vệ sinh lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức; Năm 2021, đạt giải Nhì và giải Khuyến khích tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc.

Picture1.jpg
Trường Cao đẳng THACO có sứ mệnh đào tạo cung cấp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo chiến lược phát triển các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của THACO và các doanh nghiệp tại miền Trung. Ảnh: Trường Cao đẳng THACO

Theo thầy Tiềm, bên cạnh các thuận lợi, hoạt động của Trường Cao đẳng THACO cũng gặp một số khó khăn. Trong đó, một số ngành nghề mà các đơn vị nhà máy, xí nghiệp của Tổng công ty cần tuyển số lượng lớn như cơ khí, hàn, nông nghiệp, thú y… thì công tác tuyển sinh lại có phần khó khăn. Những năm gần đây, nhà trường cũng gặp khó trong việc tuyển sinh đủ hết chỉ tiêu được cho phép (trình độ cao đẳng).

Hội thảo “Cao đẳng – Thực trạng và giải pháp” có ý nghĩa quan trọng với các trường cao đẳng cả nước

Là người gần như đã dành cả sự nghiệp cho giáo dục đào tạo, đặc biệt tâm huyết cho sự phát triển của Trường Cao đẳng THACO tại vùng đất Chu Lai (Quảng Nam), vì vậy thầy Phan Tiềm đánh giá cao và kỳ vọng về hội thảo khoa học về giáo dục cao đẳng lần này.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng THACO chia sẻ, hiện nay các trường cao đẳng đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động. Trong đó, có những khó khăn thuộc về chủ quan của các trường nhưng có không ít khó khăn thuộc về khách quan, ở tầm vĩ mô.

Đơn cử như việc phân cấp các Bộ quản lý các bậc trình độ đào tạo ở hệ thống giáo dục Việt Nam, theo thầy Tiềm đánh giá là đang thiếu hợp lý, bị chia khúc. Cụ thể, từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông, bậc đại học, trên đại học hiện do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Trong khi đó, bậc học trung cấp, cao đẳng do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý.

Bên cạnh đó, tỉ lệ phân luồng từ trung học cơ sở học tiếp bậc trung học phổ thông; đi học nghề; từ trung học phổ thông vào đại học, cao đẳng, trung cấp chưa phù hợp với thực tế.

Hay một bất cập khác là chương trình, nội dung để liên thông giữa các bậc trình độ để tạo điều kiện cho người học được học tập suốt đời thiếu tính kế thừa, chưa khoa học.

Vì vậy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng THACO đánh giá hội thảo “Cao đẳng – Thực trạng và giải pháp” có vai trò ý nghĩa quan trọng đối với các trường cao đẳng cả nước. Đây là cơ hội quý báu để các nhà khoa học, lãnh đạo các nhà trường cùng bàn bạc, trao đổi thêm về thực tiễn cũng như tìm hướng giải quyết cho những vấn đề liên quan đến sự phát triển của hệ thống giáo dục cao đẳng.

Trong đó, thầy Phan Tiềm mong muốn tại hội thảo sẽ đề xuất một số giải pháp, cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học liên thông giữa các trình độ đào tạo, lên các cấp học cao hơn; đồng thời, thực hiện tốt hơn công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.

thaco-2-7980.png
Sinh viên Cao đẳng THACO trong giờ thực hành. Ảnh: Trường Cao đẳng THACO

Được biết, hội thảo “Cao đẳng – Thực trạng và giải pháp” dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 30/5, tại văn phòng THACO tại Chu Lai - Khu công nghiệp Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Hội thảo dự kiến tập trung một số nội dung như: Vai trò của hệ cao đẳng trong cơ cấu trình độ nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội - kinh nghiệm quốc tế và liên hệ với Việt Nam; Nhìn lại các thể loại giáo dục cao đẳng ở Việt Nam; Thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với hệ thống giáo dục cao đẳng Việt Nam; Nhu cầu nhân lực trình độ cao đẳng Việt Nam từ góc nhìn của doanh nghiệp.

Doãn Nhàn