ĐH Mỏ - Địa chất là cơ sở đầu tiên đào tạo kỹ sư An toàn, vệ sinh lao động

24/04/2022 07:00
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường Đại học Mỏ - Địa chất sẽ là cơ sở đào tạo kỹ sư An toàn, vệ sinh lao động đầu tiên trên cả nước.

Năm 2022, Trường Đại học Mỏ - Địa chất thông báo về tuyển sinh, theo đó Nhà trường mở ngành học mới là An toàn, vệ sinh lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Thời gian học là 4,5 năm. Điều đặc biệt, đây là cơ sở đào tạo kỹ sư An toàn, vệ sinh lao động đầu tiên trên cả nước.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Bùi Xuân Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất thông tin, có 11 ngành- nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như: Khai khoáng, sản xuất than cốc, sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế; Sản xuất hóa chất, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; Sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim; Thi công công trình xây dựng; Đóng và sửa chữa tàu biển; Sản xuất, truyền tải và phân phối điện; Chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; Sản xuất sản phẩm dệt, may, da, giày; Tái chế phế liệu; Vệ sinh môi trường.

Theo đó, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong 11 ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thì người sử dụng lao động áp dụng bắt buộc việc đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và đưa vào trong nội quy, quy trình làm việc.

Vì vậy, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành một số văn bản pháp luật quan trọng về an toàn, vệ sinh lao động nhằm đảm bảo lợi ích của hoạt động khai thác mỏ.

Sinh viên trường Đại học Mỏ - Địa chất thăm quan, học tập tại Mỏ Núi Pháo (ảnh: NTCC)

Sinh viên trường Đại học Mỏ - Địa chất thăm quan, học tập tại Mỏ Núi Pháo (ảnh: NTCC)

Việt Nam là đất nước đang trong quá trình phát triển về mọi mặt từ giao thông, công nghệ đến con người. Tất cả các doanh nghiệp muốn hội nhập hàng hóa và xuất khẩu buộc phải vượt qua 3 hàng rào tiêu chuẩn, trong đó có an toàn, vệ sinh lao động.

“Theo quy định của luật về An toàn, vệ sinh lao động, các doanh nghiệp có nguy cơ cao về an toàn, vệ sinh lao động sử dụng từ dưới 50 lao động phải có tối thiểu 1 người làm bán chuyên trách. Còn đối với doanh nghiệp sử dụng từ 50 đến 300 lao động phải có tối thiểu 1 cán bộ làm chuyên trách an toàn, vệ sinh lao động.

Tính đến năm 2020, Việt Nam có 810.000 doanh nghiệp, mục tiêu đến năm 2025 sẽ có khoảng 1,3 đến 1,5 triệu doanh nghiệp. Qua đó, chúng ta thấy rằng nhu cầu đào tạo kỹ sư an toàn, vệ sinh lao động là rất lớn và rất cần thiết”, Giáo sư Bùi Xuân Nam phân tích.

Giáo sư Nam cũng chia sẻ thêm, môi trường lao động trong hoạt động khai thác khoáng sản đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, làm nhiều người bị bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là bệnh bụi phổi nghề nghiệp. Môi trường đó không chỉ ảnh hưởng trong phạm vi mỏ mà còn đang tác động không nhỏ đến một bộ phận rất lớn người dân sinh sống trong khu vực.

Chính vì những lý do đó, việc đảm bảo các quyền lợi chính đáng của người lao động về tiền lương, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động, an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường trong khai thác mỏ đang rất cần sự quan tâm, đầu tư và ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp, người lao động và các cơ quan, tổ chức liên quan.

Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, Nhà trường mở mã ngành An toàn, vệ sinh lao động để đáp ứng nhu cầu thực tế sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp khai thác mỏ nói riêng và ngành địa chất nói chung.

Trong 4 năm rưỡi theo học chuyên ngành này tại trường, người học sẽ hiểu được nguyên nhân và tìm ra giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động; có kiến thức và kỹ năng để xử lý các vấn đề liên quan đến bệnh nghề nghiệp, các yếu tố gây độc hại trong lao động, các sự cố và nguy cơ rủi ro trong sản xuất; có giải pháp đảm bảo sức khỏe và an toàn tính mạng cho người lao động.

Bên cạnh đó, chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Trần Quang Hiếu, Phó Trưởng bộ môn Khai thác lộ thiên Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho hay:

“Trường sẽ phối hợp với các Viện nghiên cứu An toàn, vệ sinh lao động nên thiết bị giảng dạy rất hiện đại, đáp ứng được nhu cầu của người học. Ngoài ra, bên cạnh những giờ học trên lớp người học sẽ thường xuyên được đi thực tế tại các doanh nghiệp mỏ”.

Tốt nghiệp ngành An toàn, vệ sinh lao động, sinh viên sẽ có cơ hội làm việc tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp, các viện nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia, các dự án công trình.

Các vị trí có thể đảm nhận như: kỹ sư an toàn, vệ sinh lao động trong các cơ sở sản xuất, nhà máy, doanh nghiệp nhỏ; chuyên gia tư vấn, đánh giá về an toàn, vệ sinh lao động; cán bộ nghiên cứu, giảng dạy hoặc huấn luyện tại các trường đại học có đào tạo ngành này; cán bộ huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động tại các công ty, nhà máy, doanh nghiệp nhỏ.

Bên cạnh đó, nhiều em còn có thể làm ở công ty tư vấn các hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động theo tiêu chuẩn quốc tế, tư vấn kinh doanh trang thiết bị an toàn, vệ sinh lao động.

Được biết, năm 2022 Trường Đại học Mỏ - Địa chất sẽ tuyển 3.084 chỉ tiêu cho 41 mã ngành đào tạo. Trong số 41 mã ngành này có nhiều ngành mới mở, những ngành mới mở phần lớn là các ngành kinh tế, kinh doanh, quản lý...

Riêng đối với ngành An toàn, vệ sinh lao động, trường sẽ tuyển 50 chỉ tiêu bằng các phương thức 1, 2, 5 và tổ hợp xét tuyển gồm A00, A01, D01, B00.

Năm 2022, Trường Đại học Mỏ - Địa chất sử dụng 12 tổ hợp xét tuyển, với 5 phương thức tuyển sinh. Cụ thể:

Phương thức 1: Dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển 1.665 chỉ tiêu.

Phương thức 2: Xét kết quả học bạ, tuyển 1.050 chỉ tiêu.

Phương thức 3: Xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo kết quả học trung học phổ thông cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế, tuyển 22 chỉ tiêu.

Phương thức 4: Xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với 2 môn còn lại dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 theo tổ hợp môn xét tuyển của trường, tuyển 49 chỉ tiêu.

Phương thức 5: Sử dụng kết quả đánh giá năng lực của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tuyển 298 chỉ tiêu.

Trần Lý