Công tác giáo viên chủ nhiệm là một trong những công việc quan trọng giúp các nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục học sinh theo quy định của Luật Giáo dục.
Theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, giáo viên chủ nhiệm lớp phải làm nhiều nhiệm vụ so với giáo viên bộ môn.
Theo đó, Thông tư này quy định trách nhiệm của giáo viên môn học và trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm như sau:
Trách nhiệm của giáo viên môn học |
Trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm |
1. Thực hiện đánh giá thường xuyên; tham gia đánh giá định kì theo phân công của Hiệu trưởng; trực tiếp ghi hoặc nhập điểm, mức đánh giá vào Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học), sổ theo dõi và đánh giá học sinh (của giáo viên). 2. Tính điểm trung bình môn học (đối với các môn học kết hợp đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số); tổng hợp mức đánh giá (đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét) theo học kì, cả năm học; trực tiếp ghi hoặc nhập điểm, mức đánh giá vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học), Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (của giáo viên), Học bạ học sinh. 3. Cung cấp thông tin nhận xét về kết quả rèn luyện của học sinh quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Thông tư này cho giáo viên chủ nhiệm. |
1. Giúp Hiệu trưởng quản lí việc đánh giá học sinh của lớp học theo quy định của Thông tư này. 2. Xác nhận việc sửa chữa điểm, sửa chữa mức đánh giá của giáo viên môn học; tổng hợp kết quả rèn luyện và học tập của học sinh từng học kì, cả năm học trong Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học), Học bạ học sinh. 3. Đánh giá kết quả rèn luyện từng học kì và cả năm học của học sinh; lập danh sách học sinh được lên lớp, đánh giá lại các môn học, rèn luyện trong kì nghỉ hè, không được lên lớp, được khen thưởng. 4. Ghi hoặc nhập kết quả đánh giá của mỗi học sinh vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học), Học bạ học sinh: a) Nội dung nhận xét về kết quả rèn luyện và học tập của học sinh; mức đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh. b) Kết quả được lên lớp hoặc không được lên lớp; được công nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở, chương trình trung học phổ thông hoặc không được công nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở, chương trình trung học phổ thông; khen thưởng. 5. Hướng dẫn học sinh tự nhận xét trong quá trình rèn luyện và học tập. Phối hợp với giáo viên môn học, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ban Đại diện cha mẹ học sinh lớp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để giáo dục học sinh và tiếp nhận thông tin phản hồi về quá trình rèn luyện và học tập của học sinh. 6. Thông báo riêng cho cha mẹ học sinh về quá trình, kết quả rèn luyện và học tập của học sinh. |
Bảng so sánh cho thấy, giáo viên chủ nhiệm phải làm các công việc về chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan nhiều gấp đôi, gấp ba so với giáo viên bộ môn.
Mặc dù công việc vất vả nhưng thầy cô giáo làm giáo viên chủ nhiệm cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông cũng chỉ được giảm 4 tiết/tuần (giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp tiểu học được giảm 3 tiết/tuần).
Quy trình công việc của giáo viên chủ nhiệm
Thứ nhất, vào đầu năm học, trước hết giáo viên chủ nhiệm tiến hành điều tra cơ bản để nắm vững đặc điểm học sinh trong lớp về:
Họ và tên học sinh, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, địa chỉ, hộ khẩu thường trú; Họ tên, nghề nghiệp và địa chỉ của cha mẹ hoặc người giám hộ (nếu có);
Kết quả học lực và hạnh kiểm năm học trước; năng khiếu đặc biệt: văn nghệ, báo chí, thể thao, văn, toán, ngoại ngữ… Tình trạng sức khỏe: có bệnh mãn tính, truyền nhiễm không,... Những chức vụ mà học sinh đã làm: lớp trưởng, lớp phó, bí thư Chi đoàn,…
Tiếp đến, giáo viên chủ nhiệm hình thành tổ chức lớp: Dự kiến và tiến hành bầu ban cán sự lớp gồm lớp trưởng và lớp phó phụ trách: học tập, lao động, kỉ luật, lao động, văn thể mĩ.
Chọn cán sự bộ môn, sau khi tham khảo ý kiến của giáo viên bộ môn. Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ lớp và thường xuyên theo dõi, giúp đỡ các em hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tổ chức cho học sinh học tập và thảo luận nội quy và các quy định khác của nhà trường, sớm đưa các hoạt động của lớp đi vào nề nếp.
Tiếp theo, căn cứ kế hoạch, chỉ tiêu năm học của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn lớp xây dựng kế hoạch và các chỉ tiêu phấn đấu cho từng tháng, từng học kì, toàn năm học của lớp, cùng nhau bàn bạc biện pháp thực hiện.
Sau cùng, giáo viên chủ nhiệm lập bộ hồ sơ và các sổ sách cần thiết cho công tác chủ nhiệm lớp, gồm: sổ chủ nhiệm; sổ ghi nội dung các buổi sinh hoạt lớp; sổ ghi đầu bài; sổ gọi tên ghi điểm; phiếu liên lạc giữa gia đình và nhà trường,...
Thứ hai, giữa học kì, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên theo dõi giáo dục học sinh. Ghi kết quả học tập và rèn luyện của học sinh trong 2 tháng đầu năm, và báo cho cha mẹ học sinh bằng phiếu liên lạc hoặc gửi email.
Thứ ba, cuối học kì I, giáo viên chủ nhiệm xếp loại 2 mặt giáo dục học sinh, tham gia Hội đồng xét duyệt, ghi kết quả xét duyệt và kiểm tra chéo hồ sơ, học bạ, sổ điểm.
Thông báo kết quả học lực và hạnh kiểm của học sinh cho cha mẹ học sinh biết (dùng phiếu liên lạc). Tổ chức Hội nghị cha mẹ học sinh lớp (theo kế hoạch và hướng dẫn của hiệu trưởng).
Thứ tư, cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm xếp loại 2 mặt giáo dục học sinh, tham gia Hội đồng xét duyệt, ghi kết quả xét duyệt và kiểm tra chéo hồ sơ, học bạ, sổ điểm, nhận xét và ký học bạ của học sinh.
Tổ chức Hội nghị cha mẹ học sinh lớp và thông báo kết quả học lực và hạnh kiểm cuối năm của học sinh cho cha mẹ học sinh biết.
Đối với học sinh khối 9, hướng dẫn phụ huynh và học sinh làm hồ sơ xét tốt nghiệp trung học cơ sở, tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông (khoảng tháng 3,4 hàng năm).
Còn học sinh khối 12, hướng dẫn học sinh làm hồ sơ thi đại học, cao đẳng (khoảng tháng 3) và lập hồ sơ dự thi tốt nghiệp.
Yêu cầu học sinh trả sách giáo khoa, sách tham khảo cho thư viện. Bàn giao cho văn thư-lưu trữ của trường các loại hồ sơ, sổ sách chủ nhiệm sau khi đã hoàn chỉnh đầy đủ.
Thứ năm, những công việc khác trong công tác quản lý, giáo dục học sinh của giáo viên chủ nhiệm: Phối hợp chặt với Đoàn Thanh niên nhà trường và chi đoàn lớp; phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp;
Phối hợp với giáo viên giám thị để kịp thời uốn nắn những sai phạm của học sinh; phối hợp với giáo viên bộ môn; thường xuyên trao đổi thông tin hai chiều với lãnh đạo nhà trường.
Làm sao để hoàn thành tốt các nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm?
Để có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ của công tác chủ nhiệm, đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm phải có năng lực quản lí học sinh.
Cùng với đó, giáo viên chủ nhiệm giống như một chiếc cầu nối đa năng, phối hợp chặt chẽ với giáo viên bộ môn trong công tác giảng dạy.
Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm cần phối hợp với phụ huynh học sinh của lớp. Phải gần gũi, thấu hiểu quan tâm và nắm chắc hoàn cảnh của từng học sinh trong lớp.
Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm phải thực sự mẫu mực, phải là một tấm gương sáng về trí tuệ cũng như về đạo đức để học sinh noi theo.
Nhìn chung, một giáo viên chủ nhiệm giỏi sẽ góp phần xây dựng nên một tập thể lớp tốt. Nhiều giáo viên chủ nhiệm giỏi sẽ xây dựng nên một nhà trường phát triển vững mạnh, được sự tín nhiệm của phụ huynh và xã hội.
Để trở thành một giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, người giáo viên phải sở hữu kiến thức phong phú và sâu rộng, đồng thời phải có đam mê và tâm huyết với nghề giảng dạy, sẵn sàng hy sinh thực sự cho sự phát triển của học sinh.
Đáng chú ý, nhiều giáo viên khẳng định, hai yếu tố cốt lõi không thể thiếu đối với viên chủ nhiệm đó là cái tài của một nhà tâm lí và cái tâm của một nhà giáo dục.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.