Vì sao nhiều giáo viên rất "sợ" làm chủ nhiệm và đều muốn "trốn"?

25/08/2023 06:40
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không chỉ vất vả về công việc mà còn giáo viên chủ nhiệm còn phải chịu áp lực nặng nề từ nhiều phía.

Giáo viên chủ nhiệm có vai trò rất quan trọng trong công tác đào tạo và giảng dạy học sinh. Họ luôn là người trực tiếp thực hiện mọi quyết định quản lý của hiệu trưởng đối với lớp và các học sinh trong lớp. Nếu coi lớp học là một gia đình thì thầy cô chủ nhiệm chính là những người cha, người mẹ của các em.

Nếu như trước đây, được làm chủ nhiệm lớp sẽ là vinh dự của nhiều thầy cô. Vinh dự vì nhà trường có tin tưởng, có đánh giá cao tinh thần trách nhiệm thì mới phân công đảm nhận công tác chủ nhiệm.

Thế nên, không ít thầy cô giáo còn phải đề đạt nguyện vọng để được làm chủ nhiệm. Bởi, theo chia sẻ của nhiều giáo viên, làm chủ nhiệm sẽ rất vui, sẽ luôn được học sinh, phụ huynh yêu quý và tôn trọng hơn, đặc biệt sẽ có nhiều kỷ niệm hơn với học trò.

Tuy thế nhiều năm trở lại đây, không ít giáo viên lại sợ 2 từ “chủ nhiệm”, có thầy cô luôn “trốn tránh” và tìm mọi lý do để không phải làm chủ nhiệm. Có người khi đã được nhà trường phân công chủ nhiệm lại tìm mọi cách xin xỏ, năn nỉ để chuyển giao công việc chủ nhiệm cho người khác.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vì sao, trước đây, công tác chủ nhiệm luôn được nhiều giáo viên đón nhận mà bây giờ lại cảm thấy may mắn khi không phải làm công tác chủ nhiệm?

Quyền lợi thì ít mà nhiệm vụ lại quá nặng nề

a/Quyền lợi

Thông tư 03/VBHN-BGDĐT ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông quy định về giảm định mức tiết dạy như sau: Giáo viên chủ nhiệm: ở cấp tiểu học được giảm 3 tiết/tuần, ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần.

b/Nhiệm vụ

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông. Chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục về chất lượng, hiệu quả giáo dục từng học sinh của lớp.

Tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục, thường xuyên cập nhật những chỉ đạo của ngành; chuẩn bị, tổ chức dạy học và đánh giá học sinh theo quy định; thực hiện các hoạt động chuyên môn khác.

Xây dựng mối quan hệ thân thiện, dân chủ giữa giáo viên với học sinh, với cha mẹ học sinh và cộng đồng; giúp học sinh chủ động, sáng tạo, tự tin, tự chủ trong học tập và rèn luyện.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập và sinh hoạt chuyên môn; sáng tạo, linh hoạt trong việc tự làm đồ dùng dạy học.

Tham gia thực hiện giáo dục bắt buộc, phổ cập giáo dục và xóa mù chữ ở địa phương.

Phối hợp với Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, gia đình học sinh, cộng đồng và các tổ chức xã hội liên quan để thực hiện nhiệm vụ giáo dục.

Chủ động nắm bắt thông tin từng học sinh của lớp được phân công làm công tác chủ nhiệm; xây dựng các hoạt động giáo dục của lớp thể hiện rõ mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục đảm bảo tính khả thi, phù hợp với đặc điểm học sinh, với hoàn cảnh và điều kiện thực tế nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của cả lớp và của từng học sinh.

Thực hiện các hoạt động giáo dục theo kế hoạch đã xây dựng và được hiệu trưởng phê duyệt.

Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh. Tổng hợp nhận xét, đánh giá học sinh, hướng dẫn học sinh bình bầu và đề nghị khen thưởng; lập danh sách học sinh đề nghị ở lại lớp; hoàn chỉnh việc ghi học bạ cho học sinh. Báo cáo thường kì hoặc đột xuất về tình hình của lớp với hiệu trưởng…

Áp lực bủa vây

Là giáo viên chủ nhiệm, các thầy cô luôn phải đi đến trường từ rất sớm. Thường thì 7 giờ học sinh vào học tiết đầu tiên nhưng nhiều giáo viên chủ nhiệm đã có mặt từ 6 giờ 15 phút, muộn nhất cũng phải đến trước 6 giờ 45 phút.

Với học sinh lớp nhỏ, thầy cô sẽ là người quét dọn lớp học, quét sân trường khu vực lớp chủ nhiệm được phân công. Với học sinh lớp lớn, thầy cô cũng phải đi sớm để hướng dẫn, nhắc nhở các em mới chịu làm vệ sinh. Sau đó, thầy cô phải vào lớp để sinh hoạt đầu giờ như truy bài, hướng dẫn lại bài cũ cho một số học sinh chưa theo kịp.

Muốn đến trường sớm, nhiều thầy cô phải bỏ bê con cái, phải nhờ, phải thuê người khác đưa đón con đến trường hoặc phải đưa con cùng đi rất sớm với mình khi các con chưa kịp ăn sáng.

Sự an toàn của học sinh ở trường luôn gắn với giáo viên chủ nhiệm. Học sinh lớp nhỏ, thầy cô sợ chạy nhảy té ngã hay xô đẩy nhau trầy xước. Học sinh lớn lại lo việc gây gỗ đánh nhau.

Không phải học sinh nào cũng ngoan, cũng nghe lời thầy cô. Có những học sinh luôn vi phạm dù được nhắc nhở thường xuyên.

Có những em, chính phụ huynh còn nói “gia đình đã bất lực rồi vì dạy hoài không nghe”. Tuy thế, ở trường, con gặp chuyện gì đó dù rất nhỏ thì thầy cô chủ nhiệm luôn là người “lãnh đòn” đầu tiên và nặng nề nhất.

Con trầy xước do té hay do đánh nhau bất ngờ. Phụ huynh thấu hiểu thì “trẻ nhỏ hiếu động nên trầy xước là chuyện bình thường". Người khó tính sẽ lên trường chất vấn thầy cô lơ là. Đã có người nặng lời, thậm chí xông vào đòi hành hung thầy cô.

Học sinh lớp lớn cũng thường chia bè kết cánh, đôi khi tụ tập đánh nhau. Giáo viên chủ nhiệm dù có sâu sát, quan tâm cũng khó kiểm soát hết được. Có những vụ việc xảy ra, chính bạn bè trong lớp còn bất ngờ nhưng giáo viên chủ nhiệm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, đôi khi còn bị dư luận lên án khi cho rằng, thầy cô thiếu sự gần gũi, quan tâm nên học trò mới đánh nhau.

Có những sự việc thật bé nhưng lại được xé ra khá to. Để rồi, có những phụ huynh nặng lời chất vấn, có phụ huynh lại làm đơn khiếu kiện các cấp, rồi đưa lên mạng công kích, nói xấu, bôi nhọ danh dự giáo viên khi chưa rõ mọi việc.

Việc này dẫn đến có thầy cô liên tục phải làm giải trình từ cấp này đến cấp khác, khiến tinh thần vô cùng mệt mỏi. Đã có những thầy cô chịu không nổi, dẫn đến trầm cảm.

Ngoài ra, bất kể giờ nào trong ngày, nhất là giờ trưa, giờ tối, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên phải nghe điện thoại, trả lời tin nhắn từ học sinh, phụ huynh về biết bao vấn đề.

Hoặc chính thầy cô phải gọi điện, nhắn tin để trao đổi về tình hình học tập, rèn luyện của từng em.

Ngoài áp lực từ học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội, thầy cô còn phải chịu áp lực từ nhà trường. Đó là áp lực về các phong trào thi đua mà giáo viên chủ nhiệm phải tham gia.

Giáo viên chủ nhiệm luôn phải tham gia Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi từ cấp trường, cấp huyện thị và cấp tỉnh.

Có khi trong một năm, giáo viên chủ nhiệm phải tham gia cùng lúc cả 3 hội thi (thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thị...). Ngoài ra, thầy cô chủ nhiệm cũng phải chịu trách nhiệm với các hội thi, các phong trào của học sinh trong lớp.

Hiện có khá nhiều phong trào thi đua của học sinh mà giáo viên chủ nhiệm lại đóng vai trò then chốt. Nào là phong trào giữ vở sạch viết chữ đẹp, các cuộc giao lưu theo chủ điểm ở nhà trường mỗi tháng một lần, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Sân chơi Trạng nguyên tiếng Việt; Tin học trẻ không chuyên; Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng; hay kỳ thi học sinh giỏi ở bậc trung học…

Để tham gia các phong trào, các sân chơi, giáo viên chủ nhiệm mỗi lớp phải bỏ thời gian, công sức để hướng dẫn, tập luyện, bồi dưỡng cho học sinh và kiểm tra, nhắc nhở mỗi ngày. Các em đạt kết quả tốt sẽ không sao, không đạt kết quả như mong muốn, đôi khi giáo viên chủ nhiệm cũng bị nhắc nhở vì chưa nỗ lực hết mình.

Bên cạnh đó, hàng loạt chỉ tiêu chất lượng mà giáo viên chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm chính. Nào là chỉ tiêu lên lớp thẳng, chỉ tiêu phổ cập, hiệu quả 5 năm đào tạo, chỉ tiêu về duy trì sĩ số, chỉ tiêu chất lượng môn học, chỉ tiêu tốt nghiệp trung học…Vì những chỉ tiêu này, giáo viên chủ nhiệm phải chịu áp lực khá lớn.

Gặp hiệu trưởng không xem nặng thành tích còn đỡ. Có những hiệu trưởng luôn muốn trường mình nổi tiếng, được khen và lọt tốp đầu thì những phong trào và các cuộc thi của học sinh, nhất định phải tham gia nhiều và phải có giải.

Có những giáo viên đã bị trừ thi đua chỉ vì trong lớp có vài học sinh nghỉ học dù đã nỗ lực hết mình để vận động ra lớp nhưng không thành. Có những giáo viên cương quyết cho học sinh yếu kém ở lại lớp, đã bị quy trách nhiệm dạy dỗ chưa hiệu quả, chưa nhiệt tình với học sinh.

Hàng tuần, trong buổi sinh hoạt dưới cờ, các trường luôn thực hiện việc xếp thứ hạng các lớp về nề nếp học tập và các phong trào tham gia. Nhiều giáo viên chủ nhiệm đau đầu vì liên tục bị nhà trường nhắc nhở khi lớp luôn nằm trong tốp các lớp gần đội sổ của trường.

Ngoài ra, những khoản tiền học sinh đóng chậm hay phụ huynh không chịu mua các loại bảo hiểm cũng quy trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm. Có những giáo viên chủ nhiệm phải bỏ tiền túi để đóng thay học trò khi đã tìm mọi cách vẫn không thể vận động gia đình các em mua bảo hiểm.

Trường thì chỉ lưu ý thầy cô, có trường lại đưa vào mảng thi đua để trừ điểm về công tác chủ nhiệm của giáo viên chưa hiệu quả.

Một công việc khiến nhiều thầy cô giáo chủ nhiệm thấy “hãi” là việc liên tục phải báo cáo theo yêu cầu của cấp trên. Giáo viên thường gọi vui là “báo cáo thời tên lửa”.

Bất kể là trong giờ dạy, cho đến giờ trưa, giờ tối, ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ…khi nhà trường có yêu cầu thì giáo viên chủ nhiệm phải đáp ứng.

Có những số liệu báo cáo phải liên hệ tới từng phụ huynh mới thống kê được. Thế nhưng, cấp trên lại yêu cầu nộp gấp. Giáo vên đâu phải muốn liên hệ phụ huynh lúc nào cũng được? Có người nhắn tin không trả lời, gọi điện không bắt máy, trong khi bên trên luôn hối thúc phải nộp gấp.

Không chỉ vất vả về công việc mà giáo viên chủ nhiệm còn phải chịu áp lực nặng nề từ nhiều phía bủa vây đã làm lòng yêu nghề, sự nhiệt huyết của nhiều thầy cô giáo giảm sút. Vì thế, không ít thầy cô giáo hiện nay đã rất sợ làm giáo viên chủ nhiệm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên