Trường Đại học Khoa học Tự nhiên được thành lập ngày 30/3/1996, trên cơ sở tách ra từ Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và là thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo thông tin đăng tải trên website, sứ mệnh của trường là trung tâm đào tạo, nghiên cứu, phát triển và triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, cung cấp nguồn nhân lực và sản phẩm khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên hiện có hai cơ sở. Trong đó, cơ sở 1 tọa lạc tại số 227 Nguyễn Văn Cừ, Phường 4, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ sở 2 tọa lạc tại khu đô thị Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Cao Vinh làm Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch Hội đồng trường. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lê Quan là Phó bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; Phó Chủ tịch Hội đồng trường.
Báo cáo 3 công khai không đầy đủ, năm học này lẫn lộn năm học khác
Khi phóng viên truy cập vào website nhà trường vào ngày 19/4/2024, theo báo cáo 3 công khai 2 năm học gần nhất được nhà trường đăng tải, năm học 2021-2022 nhà trường có công bố báo cáo 3 công khai. Tuy nhiên, mặc dù tiêu đề bên ngoài đề là năm học 2021-2022 nhưng nội dung bên trong lại là số liệu của năm học 2020-2021.
Trong khi đó, báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, không có nội dung biểu mẫu số 21 công khai thu chi tài chính.
Lý giải về vấn đề này, đại diện phòng truyền thông nhà trường cho hay do đầu năm trường mới cập nhật giao diện website mới nên nhiều dữ liệu chuyển qua bị sót hoặc nhầm. Sau khi Tạp chí phản ánh nhà trường đã tiến hành điều chỉnh lại. Hiện tại, các nội dung trong báo cáo 3 công khai đã được nhà trường cập nhật đầy đủ ở cả năm học 2021-2022 và báo cáo biểu mẫu số 21 thu chi tài chính của năm học 2022-2023.
Quy mô đào tạo tăng, số lượng giảng viên tiến sĩ giảm mạnh
Theo báo cáo 3 công khai từ năm học 2020-2021 đến năm học 2022-2023, quy mô đào tạo sau đại học của trường có xu hướng tăng, nhất là ở trình độ thạc sĩ. Theo đó, năm học 2020-2021, nhà trường đào tạo 1.252 học viên thạc sĩ. Năm học 2021-2022, số học viên tăng lên 1.858 người (tăng 606 người, tương đương tăng 48,4%).
Tương tự, năm học 2022-2023, nhà trường đào tạo 2.013 học viên thạc sĩ, tăng 155 học viên so với năm học 2021-2022 (tương đương tăng 8,3%).
Ở hệ đại học chính quy, năm học 2021-2022, nhà trường đào tạo 16.051 sinh viên (tăng 596 sinh viên, tương đương tăng 3,9%).
Tuy nhiên, năm học 2022-2023, quy mô đào tạo hệ đại học chính quy của trường lại giảm. Cụ thể, năm học này nhà trường đào tạo 15.818 sinh viên (giảm 233 sinh viên, tương đương giảm 1,5%).
Cũng theo báo cáo 3 công khai từ năm học 2020-2021 đến năm học 2022-2023, số lượng giảng viên của nhà trường có xu hướng tăng. Tuy nhiên, số lượng giáo sư và tiến sĩ lại giảm.
Căn cứ vào bảng số liệu trên có thể thấy, năm học 2020-2021, nhà trường có tất cả 414 giảng viên cơ hữu. Năm học 2021-2022, số giảng viên cơ hữu của trường tăng lên 427 thầy cô (tăng 13 giảng viên, tương đương tăng 3,1%). Mặc dù tăng tổng số lượng giảng viên cơ hữu nhưng số phó giáo sư của trường giảm 3 thầy cô.
Năm học 2022-2023, nhà trường có tất cả 584 giảng viên cơ hữu. Trong đó có 8 giáo sư (chiếm 1,4%); 61 phó giáo sư (chiếm 10,4%); 173 tiến sĩ (chiếm 29,6%); 290 thạc sĩ (chiếm 49,7%); 52 cử nhân (chiếm 8,9%). Đáng chú ý, so với năm học 2021-2022, số giảng viên trình độ tiến sĩ của trường giảm mạnh (giảm tới 99 giảng viên). Cũng trong năm học 2022-2023, nhà trường cũng giảm 2 giảng viên có chức danh giáo sư.
Trong khi đó, số giảng viên trình độ cử nhân lại tăng khá nhiều. Nếu như năm học 2020-2021 và năm học 2021-2022, nhà trường chỉ có 2 giảng viên trình độ cử nhân thì năm học 2022-2023 số giảng viên trình độ cử nhân tới 52 (tăng 50).
Một số tiêu chí chưa đạt chuẩn cơ sở giáo dục đại học
Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học gồm 6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/3/2024. Trong đó, tiêu chí 2.3 quy định về tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ:
a) Không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 5% và từ năm 2030 không thấp hơn 10% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù không đào tạo tiến sĩ;
b) Không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ.
Theo báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có tổng số 584 giảng viên cơ hữu. Trong đó có 173 tiến sĩ (chiếm 29,6%). Trong khi đó, nhà trường có đào tạo tiến sĩ, theo Thông tư 01 thì tỷ lệ giảng viên tiến sĩ phải chiếm ít nhất 40% và tới năm 2030 không thấp hơn 50%.
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện phòng truyền thông của trường cho hay: "Khó khăn trong tuyển dụng các chuyên gia đầu ngành là khó khăn chung của các cơ sở giáo dục đại học công lập của Việt Nam.
Hiện nay, trường có kế hoạch tuyển dụng các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học trẻ theo đề án VNU350.
Ngoài ra, trường cũng có kế hoạch tự đào tạo từ nguồn nhân sự tại chỗ nên sẽ đảm bảo yêu cầu về tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ".
Cũng theo báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, tỷ lệ diện tích đất/ sinh viên của trường đạt 21.54 m2.
Căn cứ theo tiêu chí 3.1, tiêu chuẩn 3 cơ sở vật chất của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT Chuẩn cơ sở giáo dục đại học quy định: “Từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2”.
Trước băn khoăn của phóng viên, nhà trường có kế hoạch như thế nào để đảm bảo đủ tiêu chuẩn này theo quy định, đại diện phòng truyền thông Trường Đại học Khoa học tự nhiên thông tin: "Hiện nay về cơ sở vật chất theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có 02 tiêu chí liên quan là diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2 và diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo trên số người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 2,8 m2. Về diện tích đất nhà trường sẽ xin ý kiến Đại học để phát triển diện tích đất sử dụng trong tương lai tại khu đô thị Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh".
Theo báo cáo 3 công khai năm học 2020-2021, tổng thu năm 2020 của trường là 425,76 tỷ đồng. Trong đó, thu từ ngân sách là 104,3 tỷ đồng (chiếm 24,5%); từ học phí là 213,88 tỷ đồng (chiếm 50,23%); từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 18,21 tỷ đồng (chiếm 4,2%); từ nguồn thu hợp pháp khác là 89,37 tỷ đồng (chiếm 20,99%).
Năm 2021, tổng thu của trường theo báo cáo 3 công khai năm học 2021-2022 là 444,89 tỷ đồng. Trong đó, thu từ ngân sách là 95,08 tỷ đồng (chiếm 21,44%); thu từ học phí là 262,48 tỷ đồng (chiếm 59,14%), từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 6,73 tỷ đồng (chiếm 1,5%), từ nguồn thu hợp pháp khác là 80,6 tỷ đồng (chiếm 18,%).
Năm 2022, tổng thu của trường theo báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023 là 481.413,14 tỷ đồng. Trong đó, thu từ ngân sách là 50.113,93 tỷ đồng (chiếm 10,41%); thu từ học phí là 323.804,23 tỷ đồng (chiếm 67,26%); thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 25.555,26 tỷ đồng (chiếm 5,3%); thu từ nguồn thu hợp pháp khác là 81.939,72 tỷ đồng (chiếm 17,02%).
Như vậy, tỷ lệ nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường tương đối thấp, tính trung bình trong 3 năm gần nhất đạt 3,7%.
Trong khi đó, Tiêu chí 6.1 (Tiêu chuẩn 6: Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo) của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT Chuẩn cơ sở giáo dục đại học quy định: Tỷ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%.