Trường Đại học Y Dược là trường đại học thành viên trực thuộc Đại học Thái Nguyên (gọi tắt là Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên). Trường được thành lập năm 1968 trên cơ sở là Phân hiệu Đại học Y khoa Miền núi của Trường Đại học Y Hà Nội. Phát triển từ một phân hiệu, trải qua 55 xây dựng và phát triển, đến nay trường đã trở thành cơ sở đào tạo cán bộ y tế lớn nhất vùng Đông Bắc.
Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên xác định sứ mạng là đào tạo cán bộ y tế có trình độ đại học, sau đại học; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ y dược; hỗ trợ phát triển hệ thống y tế, cung cấp dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các dân tộc Trung du, miền núi phía Bắc Việt Nam và cả nước.
Hiện Trường Đại học Y Dược do Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung làm Chủ tịch Hội đồng trường. Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng giữ vị trí Hiệu trưởng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên đã thực hiện đầy đủ, công khai minh bạch các thông tin Đề án tuyển sinh và báo cáo 3 công khai theo đúng quy định của Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, vẫn còn sự nhầm lẫn về dữ liệu tại báo cáo 3 công khai ở một số năm học.
Quy mô đào tạo 2 năm học liền kề giống hệt nhau
Cụ thể, về quy mô đào tạo, tìm hiểu thông tin từ dữ liệu báo cáo 3 công khai trong 3 năm học gần đây (năm học 2021-2022, 2022-2023, 2023-2024) cho thấy, số liệu thống kê quy mô đào tạo 2 năm học 2020-2021 và 2021-2022 đang có sự trùng lặp “y hệt” về dữ liệu thống kê ở tất cả các trình độ. Cụ thể như sau:
Trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, lãnh đạo Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên cho biết “số liệu quy mô đào tạo năm học 2020-2021 và 2021-2022 có sự trùng lặp do nhầm lẫn trong quá trình kê khai dữ liệu”.
Theo đó, thực tế quy mô đào tạo năm học 2021-2022 của Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên tăng thêm khoảng 1.600 người học so với năm học 2020-2021.
Nhìn chung, trong 3 năm học qua, trường có sự phát triển quy mô đào tạo. Cụ thể, quy mô đào tạo năm học 2020-2021 đạt gần 7.000 người học. Đến năm học 2022-2023, quy mô đào tạo toàn trường đạt gần 10.000 người học, bao gồm các trình độ từ đại học chính quy, đại học vừa học vừa làm, bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ chuyên khoa II, bác sĩ nội trú, thạc sĩ và tiến sĩ.
Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và bệnh viện Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên là bệnh viện thực hành chính của Trường. Ngoài ra, trường còn có hệ thống các bệnh viện thực hành trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh khác như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La,...
Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên hiện đào tạo hệ chính quy và liên thông cho 7 ngành bậc đại học là: Bác sĩ đa khoa, Bác sĩ Răng Hàm Mặt, Bác sĩ Y học dự phòng, Cử nhân Điều dưỡng, Dược sĩ đại học, Cử nhân kỹ thuật xét nghiệm y học và Hộ sinh.
Đào tạo sau đại học gồm 43 mã ngành thuộc các chuyên khoa với các trình độ tiến sĩ, chuyên khoa II, cao học, bác sĩ nội trú, chuyên khoa I.
Về tỷ lệ sinh viên có việc làm, theo bảng thông tin về sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường (tại báo cáo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế năm học 2022-2023), Răng Hàm Mặt là ngành duy nhất có tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt 100%. Hai ngành Y khoa và Dược học có tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt trên 90%. Ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học đạt 75%. Riêng ngành Y học dự phòng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường chỉ đạt 57,14%. Ngành Điều dưỡng không có số liệu về tỷ lệ sinh viên có việc làm.
Trong khi đó, đối sánh với số liệu tỷ lệ có việc làm tại báo cáo tình hình việc làm sinh viên tốt nghiệp năm 2022, cả 7 ngành đào tạo trình độ đại học của Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên đều đạt từ 95%-100%. Đáng chú ý, tỷ lệ sinh viên có việc làm ở ngành Y học dự phòng từ con số 57,14% đã được cải thiện thành 100%. Tương tự, ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học cũng có tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt 100%.
Chia sẻ về sự thay đổi tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, vị lãnh đạo lý giải điều này do việc khảo sát được tiến hành ở các thời điểm khác nhau.
Cụ thể, với số liệu tại báo cáo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế năm học 2022-2023, vị lãnh đạo cho biết do sinh viên tốt nghiệp muộn vì tác động của đại dịch Covid-19 và thời điểm khảo sát việc làm là khi sinh viên mới tốt nghiệp được khoảng 3 tháng, nhiều sinh viên chưa xin được việc làm. Tuy nhiên để cung cấp số liệu vào tháng 6/2023 phục vụ báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, nhà trường vẫn thực hiện khảo sát để lấy số liệu báo cáo.
Còn số liệu tỷ lệ có việc làm tại báo cáo tình hình việc làm sinh viên tốt nghiệp năm 2022 là kết quả khảo sát này được thực hiện sau 12 tháng ra trường nên sinh viên đều đã có việc làm.
Theo kết quả công bố của trường, tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng với ngành đào tạo đạt gần 76%, tỷ lệ tiếp tục học đạt 20,37%, số lượng sinh viên có việc làm không liên quan đến ngành đào tạo không đáng kể. Ngoài ra, sinh viên chủ yếu làm việc ở khu vực nhà nước hoặc tư nhân, số lượng sinh viên làm việc tại các công ty/doanh nghiệp liên doanh nước ngoài hay tự tạo việc làm không nhiều.
Đội ngũ giảng viên có xu hướng giảm ở một số ngành
Về đội ngũ giảng viên, theo thống kê của phóng viên từ số liệu báo cáo 3 công khai, nhìn chung đội ngũ có sự giảm nhẹ trong những năm gần đây (giảm 11,41% sau 3 năm), đặc biệt đội ngũ giảng viên các ngành Nội khoa (giảm 59,65%), Ngoại khoa (52,83%), Nhi khoa (45,10%), Y tế công cộng (52,94%) (sau 3 năm, đối sánh số liệu báo cáo 3 công khai năm học 2021-2022, 2022-2023, 2023-2024).
Có 2/22 ngành đào tạo được thống kê chưa có giảng viên là Giáo sư, Phó giáo sư gồm ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học và ngành Hộ sinh. Hộ sinh cũng là ngành duy nhất chỉ có 1 giảng viên có trình độ Tiến sĩ, còn lại là giảng viên trình độ Thạc sĩ và Bác sĩ chuyên khoa II.
Điều 4 về Điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định:
Ngoài các điều kiện chung, cơ sở đào tạo mở ngành đào tạo trình độ đại học phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư này cho toàn bộ khóa học tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo. Một số điều kiện quy định gồm:
- Có ít nhất 01 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học của các ngành khác.
- Có ít nhất 05 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy chương trình (tính cả tiến sĩ ngành phù hợp quy định tại khoản 1 Điều này), trong đó mỗi thành phần của chương trình đào tạo phải có giảng viên với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy.
- Đối với ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khỏe phải đáp ứng các điều kiện theo quy định về cơ sở vật chất (khoản 5 Điều này) và phải bảo đảm các điều kiện cụ thể về phòng thí nghiệm, thực hành đối với từng ngành đào tạo theo quy định tại Bảng 2, Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
Về vấn đề đội ngũ giảng viên có xu hướng giảm ở một số ngành, lãnh đạo Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên lý giải điều này do chiến lược tuyển sinh của nhà trường.
“Thực chất không phải giảng viên các ngành này giảm, mà do tùy theo chiến lược tuyển sinh hàng năm, nhà trường thực hiện điều tiết phân bổ giảng viên đứng vào các ngành khác nhau để xác định chỉ tiêu”, lãnh đạo nhà trường lý giải.
Đối với 2 ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học và Hộ sinh, vị lãnh đạo cho biết đây là 2 ngành học nhà trường mới mở trong những năm gần đây, do đó đội ngũ nhân sự vẫn đang được tiếp tục bồi dưỡng phát triển.
Chia sẻ thêm về việc phát triển đội ngũ giảng viên, lãnh đạoTrường Đại học Y Dược Thái Nguyên bày tỏ: “Tuy còn nhiều khó khăn nhưng vấn đề phát triển đội ngũ giảng viên luôn được nhà trường ưu tiên, xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển. Song, trong bối cảnh nhân lực khó khăn, y tế tư nhân ngày càng phát triển với sự hấp dẫn nhất định về chế độ đãi ngộ. Trong khi đó, trường đại học công lập là đơn vị sự nghiệp nhà nước, mặc dù nhà trường đã cố gắng dành mọi nguồn lực để tạo điều kiện tốt nhất cho giảng viên, nhưng trong bối cảnh 3 năm liền học phí không tăng, ngân sách hạn chế nên nguồn chi trả cho thầy cô cũng chỉ ở trong chừng mực nhất định”.
Lãnh đạo Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên cho biết thêm, mới đây nhà trường đã thông qua chính sách thu hút giảng viên có trình độ tiến sĩ về làm việc tại trường. Theo đó, nếu giảng viên có trình độ tiến sĩ không do trường đào tạo, có trình độ chuyên môn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng sẽ được thưởng ngay 400 triệu đồng khi về trường công tác.
Với giảng viên nhà trường, khi học nghiên cứu sinh sẽ được chi trả toàn bộ học phí. Ngoài ra, nhà trường hỗ trợ thêm chi phí đi lại hàng tháng, hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài cấp Bộ với khoảng 50-100 triệu đồng/giảng viên, hay thưởng thêm cho giảng viên nếu bảo vệ đúng hạn,... Kinh phí cộng lại tương đương mức thưởng cho 1 giảng viên Tiến sĩ không do trường đào tạo khi về công tác tại trường.
Vì sao trường không có nguồn thu từ nghiên cứu khoa học?
Về tài chính, thống kê tài chính các năm 2019, 2020, 2021, 2022, cho thấy nhìn chung tổng thu của Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên có xu hướng tăng, tuy nhiên có sự biến động nhẹ ở năm 2020 và năm 2021.
Cụ thể, tổng thu năm 2020 tăng so với năm 2019, tuy nhiên từ năm 2020 đến năm 2021, tổng thu của trường lại có sự giảm nhẹ, và từ năm 2021 đến năm 2022, tài chính của trường tăng ổn định trở lại. Trong đó, tổng thu năm 2022 đạt 215,773 tỷ đồng, tăng 63,241 tỷ đồng so với năm 2021, tương đương 41,46%.
Về chi tiết các nguồn thu, theo thống kê, nguồn thu tài chính của Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên chủ yếu đến từ thu học phí, ngân sách và từ nguồn hợp pháp khác, trong đó chủ yếu thu chính từ học phí (chiếm gần 80% cơ cấu nguồn thu hàng năm).
Đáng chú ý, trường không có nguồn thu nào từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các năm qua.
Trong khi đó, theo thông tin công khai về các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử và tư vấn của nhà trường, hàng năm đơn vị có khá nhiều dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ từ cấp Bộ, tỉnh, doanh nghiệp đến cấp đại học, cấp khoa/bộ môn, với kinh phí thực hiện thấp nhất là 3 triệu đồng đến vài trăm triệu, một số ít dự án kinh phí thực hiện trên 1 tỷ đồng.
Lý giải về việc vì sao nhà trường không có nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trong khi hàng năm nhà trường có rất nhiều các dự án khoa học công nghệ các cấp, lãnh đạo Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên phân tích điều này do có sự khác nhau về cách hiểu thuật ngữ tài chính.
Đề tài khoa học nhà trường được giao chủ trì, kinh phí được phân bổ sẽ chi trả trực tiếp cho công khoa học của các thầy cô và vật tư phục vụ nghiên cứu đề tài, vì vậy không được xem là nguồn thu cho nhà trường.
Với trường hợp từ một đề tài khoa học tạo ra sản phẩm và bán được ra thị trường, lúc này tiền thu về được xem là nguồn thu từ chuyển giao công nghệ.
“Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên là cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe đặc thù, các sản phẩm chuyển giao để lượng hóa ra thành tiền rất khó. Đơn cử như việc nghiên cứu ra một trình chẩn đoán, hoặc phương pháp phẫu thuật mới hay phương pháp xét nghiệm khám chữa bệnh,... thì không thể lượng hóa ra được thành sản phẩm để đo lượng bằng tiền, mà chủ yếu được chuyển giao cho các bệnh viện, giúp bệnh viện ứng dụng vào quy trình vào công tác khám chữa bệnh, từ đó nâng cao hiệu quả chăm sóc khám chữa bệnh”, vị lãnh đạo phân tích.