Hiện nay, các trường đại học đang có xu hướng sử dụng đa dạng các phương thức xét tuyển để mở rộng cơ hội trúng tuyển đại học cho thí sinh.
Với phương thức xét học bạ, tại một số trường, mức điểm chuẩn chỉ dao động từ 15 điểm cho 3 môn học, tức thí sinh chỉ cần đạt khoảng 5 điểm/môn là đã có thể trúng tuyển.
Trên thực tế, câu chuyện chất lượng đầu vào và đầu ra của giáo dục đại học luôn là chủ đề thu hút sự chú ý và quan tâm của xã hội. Việc xét tuyển dựa vào kết quả điểm học bạ đã trở nên phổ biến nhưng vẫn đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.
Đầu vào đại học thấp có đáng lo ngại?
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, xét học bạ trong tuyển sinh đại học sẽ là một hình thức tiên tiến khi giảm áp lực cho học sinh trung học phổ thông và tăng cơ hội trúng tuyển vào đại học, nhưng với điều kiện phải phản ánh đúng năng lực của thí sinh.
Mặt khác, nếu thực hiện phương thức này một cách tràn lan và không kiểm định được chất lượng thì sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học.
Trên thực tế, điều kiện và chất lượng đào tạo tại bậc trung học phổ thông giữa các vùng, miền vốn đã có sự chênh lệch. Tiêu chí chấm điểm của trường trung học phổ thông miền núi sẽ khác so với trường trung học phổ thông khu vực thành thị.
Do đó, không thể quy chuẩn điểm học bạ giữa khu vực miền núi, nông thôn và đô thị trong cùng một ngưỡng để đánh giá, vì làm như vậy, sẽ khó đảm bảo tính công bằng trong cạnh tranh đại học.
Thầy Vỳ nói thêm, vốn dĩ điểm thi theo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm học bạ đã có sự chênh lệch đáng kể.
Nếu vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải kiểm tra, đánh giá chất lượng đầu ra của các thí sinh có đầu vào ở cả 2 phương thức để từ đó đối chiếu, so sánh chuẩn đầu ra có như nhau hay không, nếu còn chênh lệch ở chuẩn đầu ra thì Bộ cần ghi nhận và xem xét để điều chỉnh các phương thức xét tuyển đại học sao cho phù hợp.
Mặt khác, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, sử dụng phương thức xét học bạ để tuyển sinh đại học phải được căn cứ và xét theo từng khối ngành, lĩnh vực khác nhau bởi mỗi ngành học đều có những đặc điểm, yêu cầu đặc thù.
Đối với các trường sử dụng điểm học bạ để xét tuyển thì cần bổ sung những tiêu chí, điều kiện đi kèm để đảm bảo chất lượng đầu vào, đây chính là điều kiện tiên phong để nâng cao chất lượng đầu ra.
“Dù giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học song Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ra những tiêu chí, quy chế chung đối với phương thức xét tuyển bằng học bạ, quản lý chặt chẽ đầu vào thì mới đảm bảo được mặt bằng chung cho giáo dục đại học”, thầy Vỳ bày tỏ.
Trong khi đó, Tiến sĩ Bùi Phương Việt Anh - Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổ chức giáo dục EAS Việt Nam cho rằng, một số cơ sở giáo dục đại học hiện nay thực hiện quyền tự chủ và "nới rộng" đầu vào chủ yếu để thu hút người học, có nguồn kinh phí cho trường.
Đây chính là bất cập của của phương thức xét học bạ với ngưỡng điểm thấp.
Theo chuyên gia, việc nhiều trường đại học thực hiện quyền tự chủ và "mở toang" đầu vào sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối hệ sinh thái giáo dục và phân luồng nghề nghiệp ở Việt Nam. Bởi, khi một số cơ sở giáo dục đại học hạ thấp đầu vào thì người học càng thêm tâm lý "đổ xô" vào đại học. Việc này dẫn đến tình trạng nhiều thí sinh học đại học vì "đủ điểm" vào trường này chứ không phải do mục tiêu nghề nghiệp.
Khi đó, phương thức xét học bạ sẽ chỉ giải quyết được bài toán về hình thức là mở thêm nhiều cơ hội cho học sinh "được" học đại học, dân trí có bằng đại học chứ thực tế lại không giúp được nhiều cho thị trường lao động.
Tiến sĩ Bùi Phương Việt Anh trăn trở, tư tưởng “học kém ở bậc đại học vẫn còn hơn trường nghề" đã ngấm sâu vào nhận thức xã hội, nhưng nếu người học đại học tràn lan mà chất lượng giáo dục không đảm bảo thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Lúc đó, Nhà nước sẽ rất vất vả trong việc giải quyết các vấn đề tồn đọng mà phương thức này để lại cho giáo dục.
Xét trong mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ xã hội, nếu hạ thấp chuẩn đầu vào sẽ đồng nghĩa là chất lượng nguồn nhân lực sẽ bị ảnh hưởng.
Do đó, trên cương vị quản lý nhà nước, bên cạnh việc ban hành chính sách cho các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong tuyển sinh thì cần phải gắn chặt với 1 quy định bắt buộc và rõ ràng trong từng lĩnh vực, ngành nghề.
Ví dụ, với các ngành học không yêu cầu cao về kiến thức nền tảng mà đòi hỏi kỹ năng thực hành thì sẽ được phép "nới rộng" đầu vào. Tuy nhiên, với các ngành đặc thù như công an, quân đội, ngành y dược,.. thì công tác tuyển chọn cần phải siết chặt.
Cùng quan điểm trên, Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung, Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại cũng cho rằng, đánh giá thực tế giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay, bên cạnh những trường đại học “top đầu" có công tác tuyển sinh chặt chẽ, vẫn còn một số đơn vị chưa thể đạt được điều này khi cả quá trình xét tuyển đầu vào lẫn đầu ra còn “lỏng lẻo".
Việc sử dụng đa dạng các phương thức xét tuyển và chủ động trong tuyển sinh không có nghĩa là các cơ sở giáo dục đại học được “lơ là" trong việc lựa chọn người học. Theo đó, chất lượng đầu vào có ảnh hưởng rất lớn đến công tác đào tạo đại học và việc lạm dụng phương thức xét học bạ với mức điểm thấp chắc chắn sẽ gây ra ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra cho các đơn vị đào tạo.
Ghi nhận từ thực tế trong công tác tuyển sinh tại Trường Đại học Thương mại, thầy Trung cho hay, việc xét tuyển đầu vào chặt chẽ sẽ với mang lại nguồn tuyển chất lượng, giúp nhà trường có cơ hội tuyển được đúng người học phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường.
Với phương thức xét học bạ, trường cũng đặt ra những tiêu chí và điều kiện đi kèm như chỉ xét kết hợp với chứng chỉ quốc tế, xét riêng học bạ của các thí sinh học trường chuyên, trường trọng điểm quốc gia.
Do đó, có thể ghi nhận chất lượng đầu vào của thí sinh theo phương thức xét học bạ luôn được đảm bảo bởi mức điểm chuẩn của phương thức này tại Trường Đại học Thương mại luôn ở ngưỡng cao, dao động từ 21,5 -27,5 điểm.
Cần phải có một hệ thống kiểm định chặt chẽ ở bậc giáo dục phổ thông
Trên thực tế, phương thức xét học bạ không được sử dụng tại các trường đại học “top đầu" hoặc nếu có được dùng, thì chỉ chiếm phần trăm rất nhỏ trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh, đi kèm là các tiêu chí đánh giá, điều kiện khác nhau.
Thế nhưng, tại một số trường đại học “top dưới", xét học bạ lại được dùng gần như là phương thức chính và không yêu cầu thêm điều kiện hay tiêu chí đánh giá nào.
Lo ngại trước việc một số cơ sở giáo dục đại học lạm dụng trong việc sử dụng phương thức xét học bạ để tăng cơ hội cho thí sinh nhưng thực chất là để “tuyển đủ" người học, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ nhận định, cần phải quản lý chặt chẽ công tác tuyển sinh của các trường nếu sử dụng phương thức này.
Thầy Vỳ cho hay, không ít trường hợp sinh viên sau tốt nghiệp khi đi làm vẫn phải “học lại" tại doanh nghiệp. Vậy trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học ở đâu khi sứ mệnh và nhiệm vụ của trường đại học đều là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội.
Dẫu biết rằng chất lượng đầu ra được quyết định và chi phối bởi nhiều yếu tố, song nếu đại học chỉ “chăm chăm" tuyển lấy số lượng, hạ thấp đầu vào mà không tập trung về chất lượng thì rất khó có thể đảm bảo được chất lượng đầu ra.
Hơn hết, trên cương vị đào tạo, các trường cần xác định đúng đối tượng đào tạo của mình là ai thay vì tuyển “ồ ạt", nới lỏng đầu vào không phải là “vơ bèo vạt tép".
Giáo dục đại học mà chạy theo số lượng thì hệ quả đầu tiên là các trường đại học sẽ bị ảnh hưởng vì không đảm bảo được chất lượng đào tạo, tiếp theo là người học cũng bị tác động vì không theo kịp chương trình học, và trường hợp sinh viên nghỉ học giữa chừng cũng sẽ xảy ra.
Nhìn nhận những ưu điểm và hạn chế của phương thức xét học bạ trong tuyển sinh đại học, thầy Vỳ đề xuất, ngành giáo dục cần phải có một hệ thống kiểm định chặt chẽ ở các bậc.
“Hiện nay, chúng ta chưa tin kiểm soát hiệu quả việc thực hiện kiểm tra, đánh giá ở các trường phổ thông, vì vậy nhiều ý kiến chưa thực sự tin tưởng điểm số ở giáo dục phổ thông.
Do vậy, nếu vẫn sử dụng điểm học bạ để xét tuyển đại học thì cần phải có một hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông giống như công tác kiểm định chất lượng bên trong và bên ngoài ở bậc đại học.
Mặt khác, nếu không quản lý chặt chẽ phương thức xét học bạ, lâu dài sẽ dẫn đến hệ luỵ các trường phổ thông chạy đua “làm đẹp điểm học bạ", đại học thành nơi mà ai cũng có thể vào", thầy Vỳ nêu quan điểm.
Giáo dục đại học quan trọng nhất vẫn là chất lượng đào tạo
Trước quan điểm về việc tuyển đầu vào ở ngưỡng thấp thì các cơ sở giáo dục đại học cần “siết chặt" đầu ra thế nào, Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung cho hay, đầu vào thấp chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Nếu đầu ra không tốt thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở giáo dục đại học.
Tuy nhiên, điểm đầu vào chỉ là sự sàng lọc ban đầu, còn đào tạo trong nhà trường mới thực sự quan trọng, yếu tố tiên quyết quan trọng nhất trong giáo dục đại học vẫn nằm ở chất lượng chương trình đào tạo, đảm bảo chuẩn đầu ra cho sinh viên. Đó chính là trung tâm của mọi vấn đề.
Và để đạt được mục tiêu đó, có rất nhiều khía cạnh liên quan, góp phần ảnh hưởng như cách thức điều hành, quản lý cơ sở giáo dục, chất lượng giảng viên, chương trình đào tạo, phương pháp truyền đạt…
Vì vậy, theo thầy Trung, tất cả các cơ sở giáo dục đại học đều phải công khai minh bạch phương thức tuyển sinh, chuẩn đầu ra của từng chương trình đào tạo trước khi tuyển sinh. Phải đánh giá các phương thức tuyển sinh qua 2 tiêu chí kết quả học tập và tình hình việc làm đảm bảo có sự tương đồng giữa các phương thức.
Mặt khác, để đảm bảo chất lượng đầu ra, trong công tác đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học cần phải đảm bảo những yếu tố, tiêu chí như tổ chức thực hiện nghiêm túc chương trình đào tạo để hướng tới đạt mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đã tuyên bố, chấp nhận tỷ lệ sinh viên buộc thôi học do không đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo.
Thứ hai, cơ sở giáo dục đại phải đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn lực tham gia đào tạo và hỗ trợ đào tạo, bao gồm đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên phục vụ; nguồn lực tài chính phục vụ chi thường xuyên, chi đầu tư đáp ứng nhu cầu hoạt động đào tạo; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống quản lý học tập trực tuyến, hệ thống phần mềm quản lý đào tạo; học liệu phục vụ đào tạo.
Cuối cùng, cơ sở giáo dục đại cần đồng hành, tư vấn, hỗ trợ người học toàn diện trên các mặt nghiên cứu khoa học, phát triển ý tưởng khởi nghiệp, rèn luyện kỹ năng mềm, tham gia hoạt động kiến tập, ngoại khóa hay hướng nghiệp và việc làm trong suốt quá trình đào tạo để người học khi tốt nghiệp hội tụ đầy đủ kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và chịu trách nhiệm, thực sự là công dân toàn cầu và có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu của xã hội.
Mặt khác, Tiến sĩ Bùi Phương Việt Anh cho rằng, nếu sử dụng phương thức xét học bạ để tuyển sinh đại học, Việt Nam cần học theo một số quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, áp dụng công thức "nới lỏng đầu vào - siết chặt đầu ra".
Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học bắt buộc phải đảm bảo 1 ngưỡng kiểm định trong nước và 1 ngưỡng kiểm định quốc tế.
2 kiểm định đó sẽ là cơ sở để các trường đại học đảm bảo về mặt quản lý, chương trình đào tạo được kiểm định về mặt chất lượng. Ngoài ra, còn có thể đánh giá và kiểm định chất lượng của đội ngũ đào tạo chứ không chỉ đảm bảo về mặt hình thức như hiện nay.
Mặt khác, để có thể đảm bảo chất lượng đầu ra thì cần có sự vào cuộc của các đơn vị tuyển dụng. Tức là, các đơn vị tuyển dụng được tham gia đóng góp, phối hợp cùng các cơ sở giáo dục đại học trong công tác đào tạo.