Có trường ĐH "mở toang" đầu vào, “nới lỏng" đầu ra là thực trạng đáng lo ngại

25/05/2024 06:34
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Để thu hút tuyển sinh, một số trường đại học hạ điểm chuẩn xét tuyển xuống, để mời gọi được nhiều thí sinh hơn.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm năm 2024 theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở bậc trung học phổ thông (học bạ). Trong đó, có một số ngành/chương trình đào tạo, thí sinh chỉ cần có học bạ đạt 5-6 điểm/môn đã có thể trúng tuyển đại học.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để có thể nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở giáo dục khi mở rộng đầu vào thì cần chú trọng “siết chặt” đầu ra. Bởi lẽ, nếu đến lúc vào bậc đại học cũng dễ mà tốt nghiệp đại học cũng chẳng khó khăn, thì chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề đáng lo ngại.

“Mở toang" đầu vào, “nới lỏng" đầu ra là thực trạng đáng lo ngại

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thực chất, bài toán chất lượng đào tạo của mỗi trường đại học phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, các yếu tố ảnh hưởng hàng đầu có thể kể đến như: phương pháp giảng dạy, chương trình đào tạo, giáo trình học liệu, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất,...

Đặc biệt, chất lượng đầu vào là một yếu tố quan trọng, có sự ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo đại học. Vì vậy, trong những năm gần đây, nhiều trường thuộc tốp trên thực hiện công tác tuyển sinh đầu vào rất khắt khe, có tính cạnh tranh, yêu cầu điểm chuẩn hoặc điều kiện đạt các chứng chỉ cao.

Một số trường thực hiện phương thức xét tuyển theo học bạ, hay xét điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm thi đánh giá năng lực đều rất cao, đảm bảo nguồn tuyển đầu vào cho trường được tốt.

Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, chỉ tiêu của các trường đại học tăng cao. Cùng với đó, các trường đại học ngoài công lập và trường đại học công lập tự chủ tài chính duy trì nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí. Vì vậy, các cơ sở đào tạo đó cần tuyển sinh đủ số lượng chỉ tiêu đầu vào, đồng nghĩa với việc chấp nhận tiêu chí tuyển sinh đầu vào thấp, tỉ lệ cạnh tranh không cao.

pgsdovandung-9885-5738-5459.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NEU.

Chuyện mở rộng đầu vào, siết chặt đầu ra trong giáo dục đại học đã được nhiều nước phát triển trên thế giới áp dụng. Song, để đảm bảo chất lượng giáo dục và nâng cao giá trị đào tạo của các trường đại học ở nước ta, chúng ta cần thực hiện nghiêm túc tiêu chuẩn đầu ra của người học.

Có thể thấy, thực trạng còn tồn tại hiện nay là một số trường đại học vừa “mở toang" đầu vào, vừa “nới lỏng" đầu ra. Bởi lẽ, nếu tiêu chuẩn đầu ra khắt khe, việc kiểm tra và đánh giá người học không dễ dàng, thì tỉ lệ sinh viên thôi học sẽ tăng lên. Điều này dẫn đến một số trường không đảm bảo được nguồn thu.

Đây là tình trạng đáng lo ngại, có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Cơ sở đào tạo sẽ không có được sự tin tưởng, tín nhiệm từ các nhà tuyển dụng vì cho rằng chất lượng đào tạo của các trường đại học Việt Nam hiện nay không đảm bảo. Những cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thể không tin vào bằng cấp, bảng điểm nữa. Tuy có điểm số đẹp, nhưng người học vẫn không nắm bắt được kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc và sẽ gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm.

Mặt khác, hiện nay, một số bậc phụ huynh Việt Nam còn có tư tưởng rằng, con em mình bằng mọi giá phải vào đại học. Chính tâm lý này khiến cho điểm chuẩn của nhiều trường đại học hạ thấp xuống, để đồng thời đảm bảo đủ chỉ tiêu tuyển sinh, dù có ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo.

Trong khi đó, chúng ta cần thực hiện quy luật sàng lọc của xã hội, nếu trình độ của người học ở mức trung bình thì nên theo học tại các trường trung cấp, cao đẳng, dạy nghề cho phù hợp.

Vì vậy, vấn đề bất cập hiện nay là mâu thuẫn giữa chất lượng đào tạo và nguồn thu học phí. Nếu thực hiện xét tuyển điểm học bạ đòi hỏi tiêu chí cao hơn, thì một số trường đại học sẽ không tuyển sinh được sinh viên, không có nguồn thu học phí, khiến cho cơ sở giáo dục đó khó vận hành được.

Cần đảm bảo chuẩn đầu ra cho sinh viên

Cùng bàn luận về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, trong bức tranh toàn cảnh của tuyển sinh đại học Việt Nam, chúng ta có các ngành học khác nhau. Mỗi ngành học lại được phân tầng bởi các trường đại học khác nhau. Từ đó, chúng ta sẽ quyết định chuẩn đầu ra của người học. Chính từ những tiêu chuẩn đầu ra đó, chúng ta sẽ lựa chọn điều kiện của chuẩn đầu vào của các em sinh viên cần đáp ứng được.

Có thể thấy, nếu chúng ta đặt ra chuẩn đầu vào của bậc đại học quá cao thì có thể tạo ra sự vướng mắc, khó khăn cho một số trường thuộc tốp dưới. Ngược lại, nếu tiêu chuẩn đầu vào quá thấp thì cũng gây ảnh hưởng đến trình độ lao động của nhân lực sau này khi bước chân ra ngoài xã hội để làm việc.

giao-su-chu-duc-trinh-8265.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Vừa qua, nhiều trường cũng cân nhắc điểm sàn xét học bạ. Song, có thể nói, 5-6 điểm/môn của thí sinh đăng ký xét học bạ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Dựa vào cách thức chấm điểm của mỗi thầy cô giáo viên bậc trung học phổ thông khác nhau, sẽ có sự chênh lệch về kết quả đánh giá khác nhau. Ngoài ra, sự chênh lệch về điểm xét học bạ này còn thể hiện ở mỗi trường trung học phổ thông khác nhau, như: trường trọng điểm, trường chuyên về khối khoa học tự nhiên, trường chuyên về khối khoa học xã hội,...

Còn đối với trách nhiệm của các trường đại học, yếu tố tiên quyết quan trọng nhất vẫn nằm ở chất lượng chương trình đào tạo, đảm bảo chuẩn đầu ra cho sinh viên. Đó chính là trung tâm của mọi vấn đề. Và để đạt được đến mục tiêu đó, có rất nhiều khía cạnh liên quan, góp phần ảnh hưởng như: cách thức điều hành, quản lý cơ sở giáo dục, chất lượng giảng viên, chương trình đào tạo, phương pháp truyền thụ kiến thức và tiêu chuẩn đầu vào.

Vì vậy, đương nhiên các cơ sở đào tạo phải thực hiện đúng đắn, chuẩn chỉnh chất lượng và tiêu chuẩn của đầu ra. Điều này không chỉ áp dụng đối với các trường đại học, mà còn đối với cả các trường cao đẳng và trung cấp.

Tất cả các cơ sở giáo dục đều phải công bố chuẩn đầu ra của từng chương trình đào tạo trước khi tuyển sinh người học, nhằm đảm bảo việc đo lường được sinh viên tốt nghiệp ra trường đạt được yêu cầu nhất định trong công việc và xã hội.

“Song, tôi cho rằng, nếu em sinh viên nào có kết quả xét tuyển bằng điểm học bạ đạt ở mức khoảng 5-6 điểm mỗi môn, nhưng có sự nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, trau dồi kiến thức và năng lực trong quá trình học tập ở trường đại học, thì em sinh viên đó vẫn có đủ khả năng để bật lên được.

Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta cần sự tham gia của nhiều yếu tố từ các bên như: trách nhiệm của nhà trường; động lực của gia đình, cha mẹ học sinh; sự cố gắng của chính người học; và đặc biệt không thể thiếu là sự tham gia của các doanh nghiệp sử dụng nhân lực sau này. Nếu phối hợp thực hiện tốt giữa các bên thì chúng ta có thể tạo nên được một nền tảng giáo dục bền vững, đáp ứng tốt nhu cầu lao động cho xã hội”, Giáo sư Chử Đức Trình chia sẻ.

Cũng theo thầy Trình trong xã hội, với cùng một ngành học nhưng có sự phân tầng và cách thức tiệm cận nghề nghiệp khác nhau giữa các trường. Ví dụ, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những cơ sở đào tạo được định vị là trường đại học phục vụ nghiên cứu. Chuẩn đầu ra cao đòi hỏi ở người học những yêu cầu về kỹ năng và kiến thức chuyên sâu hơn, mang tính hàn lâm hơn.

Nhưng cùng trong một ngành học đó, sẽ có một số trường đào tạo định hướng đến mục tiêu sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ tham gia vào các dây chuyền sản xuất, quản trị một số khâu vận hành nhất định, mà không cần đến quá nhiều lượng kiến thức liên quan đến tổng hợp, phân tích, thiết kế, nghiên cứu, phát minh. Như vậy, việc phân tầng người học cũng như nhân lực lao động trong mỗi doanh nghiệp sẽ tạo ra một hệ thống “mắt xích” vận hành trong xã hội.

Siết chặt toàn bộ tiến trình giảng dạy

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ cho rằng, xét về mặt vĩ mô, chúng ta nên thực hiện nghiên cứu mang tính quốc gia nhằm phân tích các phương pháp tuyển sinh đầu vào ảnh hưởng như thế nào đến kết quả học tập của sinh viên.

Giáo sư Đặng Ứng Vận cũng bày tỏ ủng hộ việc đa dạng hoá các phương thức tuyển sinh, tuỳ thuộc vào từng trường. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần đảm bảo được chất lượng đào tạo của nhà trường.

-dsc8682-7857.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận. Ảnh: UEB.

Theo đánh giá của Giáo sư Đặng Ứng Vận, chương trình giáo dục phổ thông của nước ta hiện nay đã chuẩn bị tương đối đầy đủ để cho các em học sinh có thể phát huy năng lực, tiếp tục học lên bậc đại học. Chương trình giáo dục phổ thông đã mang tính chất ứng dụng nhiều hơn, định hướng được rõ ràng nghề nghiệp hơn, không thiên về nặng lý thuyết học thuật.

Để thu hút tuyển sinh, một số trường đại học hạ điểm chuẩn xét tuyển xuống, để mời gọi được nhiều thí sinh hơn.

Song, chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng chất lượng đầu ra không hoàn toàn phụ thuộc vào tiêu chí tuyển sinh đầu vào. Đó còn có thể là mối liên hệ tương quan trong suốt cả quá trình học tập của các em sinh viên. Ngoại trừ một số trường hợp cá biệt, giảng viên có thể đánh giá năng lực của người học dựa trên kết quả học tập trong học kì 1 của năm nhất, từ đó xây dựng phương pháp và chương trình giảng dạy phù hợp, hướng tới đáp ứng được chuẩn đầu ra.

Ở nhiều nước phát triển, việc mở đầu vào đi kèm với dịch vụ đào tạo chu đáo, đảm bảo hệ thống vận hành trơn tru, chất lượng, hoàn thiện con người trong bốn năm đại học giúp người học sau khi tốt nghiệp ra trường có kiến thức và kỹ năng tốt nhất.

Ở Việt Nam, nhìn vào góc độ toàn diện, kinh tế Việt Nam phần lớn có cơ cấu là các tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, nhà tuyển dụng có nhu cầu sử dụng nhân lực mỗi năm với số lượng không quá lớn. Do đó, các cơ sở giáo dục không nên áp lực đào tạo người học chạy theo số lượng, mà nên định hướng đảm bảo về chất lượng.

Còn theo quan điểm của Giáo sư Chử Đức Trình, câu chuyện cho việc đảm bảo chất lượng đầu ra hay đầu vào đại học đều cần đến ý thức người học, trách nhiệm người dạy, định hướng đúng đắn của gia đình trong toàn bộ quá trình giáo dục.

Đặc biệt, vai trò của các doanh nghiệp cũng rất quan trọng, nhằm góp phần đề xuất đổi mới nội dung chương trình, tạo điều kiện để sinh viên nâng cao kỹ năng, rèn luyện đạo đức, phát huy tính sáng tạo trong môi trường làm việc. Từ đó, chúng ta sẽ tạo thành một hệ sinh thái lành mạnh và hiệu quả.

Định hướng về vấn đề này, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng nêu một số giải pháp.

Thứ nhất, phải thay đổi tư duy của xã hội, vận động tuyên truyền tới các gia đình, bậc phụ huynh và các bên liên quan về việc không nên “đổ xô" vào đại học nếu như không đủ năng lực. Các em học sinh, sinh viên nên được phát triển trong môi trường phù hợp với đúng sở trường, khả năng và trình độ của mỗi cá nhân.

Thứ hai, trong những năm vừa qua xảy ra tình trạng ở một số trường đại học vi phạm quy chế để tuyển vượt chỉ tiêu. Từ đó, số chỉ tiêu càng cao thì điểm đầu vào càng thấp. Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tiếp tục rà soát chỉ tiêu tuyển sinh của các trường để các cơ sở chấp hành đúng quy định.

Thứ ba, công tác tuyển sinh đại học không nên thực hiện bằng kiểu “ăn xổi ở thì”. Chất lượng đầu ra của người học sau khi tốt nghiệp đại học cũng giống như một mặt hàng kinh doanh của tổ chức doanh nghiệp trên thị trường. Nếu chúng ta bán mặt hàng lỗi, kém chất lượng, nguyên liệu đầu vào hạn chế, ví như người học chưa đủ năng lực tiếp thu kiến thức; thì sau một thời gian, khách hàng sẽ nhận thấy chất lượng sản phẩm không tốt, người học không đáp ứng được công việc đầu ra. Điều này sẽ ảnh hưởng đến niềm tin, uy tín về chất lượng đào tạo của nhà trường.

Do đó, các cơ quan có thẩm quyền và các trường đại học nên thường xuyên rà soát, xây dựng định hướng, quản lý siết chặt đầu ra và thể hiện trách nhiệm của mình đối với người học và xã hội.

Lưu Diễm