Siết tỉ lệ viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tạo nên chuyển biến tích cực

13/06/2024 06:46
NGUYỄN THẾ TRUNG

GDVN - Một khi thầy cô giáo đầu tư nhiều cho chuyên môn, các phong trào, hội thi, không chỉ nhà trường có thành tích mà học sinh trong trường cũng được hưởng lợi.

Bắt đầu từ năm học 2023-2024, cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường công lập bắt đầu thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/ 8/2020.

Mặc dù, cũng còn một số nhà trường còn lúng túng và có phần bị động khi chưa xây dựng cụ thể được kế hoạch giao nhiệm vụ và tính các chỉ tiêu vượt mức nên sau khi nhà trường công bố kết quả đã có một số ý kiến trái chiều từ đội ngũ viên chức nhưng nhìn chung việc xếp loại viên chức theo Nghị định số 48/2023/NĐ-CP đã tạo ra được những chuyển biến tích cực.

Phần lớn những viên chức được đánh giá, xếp loại ở mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là những giáo viên, nhân viên tích cực, có nhiều thành tích nhất trong năm học. Vì thế, từ năm học 2024-2025 tới đây, có lẽ các nhà trường sẽ rút kinh nghiệm sau năm đánh giá, xếp loại đầu tiên theo Nghị định số 48/2023/NĐ-CP để xây dựng các tiêu chí cụ thể cho năm học và các viên chức nhà trường cần có sự nỗ lực nhiều hơn.

nhung-buc-tranh-de-thuong-ve-ngay-nha-giao-viet-nam-2011-990011a71d23442c90d1a446d9a1a139-8381.jpg
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Những viên chức nào được đánh giá, xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Những năm học trước đây, việc đánh giá, xếp loại viên chức trước đây không khống chế tỉ lệ Hoàn thành xuất sắc nhiệm nên những ai hoàn thành 100% nhiệm vụ và trong đó có 50% hoàn thành vượt mức là được xếp loại xuất sắc.

Vì thế, số lượng viên chức trong từng đơn vị trường học được xếp loại xuất sắc khá nhiều. Tất nhiên, những viên chức được xếp loại xuất sắc có những người thực sự xuất sắc nhưng cũng đan xen cả những người chưa đạt đến ngưỡng này vì thời điểm đó tiêu chí, tỷ lệ chưa giới hạn như bây giờ.

Năm học 2023-2024 này, các nhà trường công lập thực hiện việc đánh giá, xếp loại viên chức theo hướng dẫn của Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP nên tỉ lệ viên chức được xếp ở mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ được thực hiện tối đa là 20%.

Việc siết tỉ lệ ở mức xuất sắc chỉ còn 20% khiến cho Hội đồng nhà trường cũng trở nên căng thẳng vì nhiều viên chức phải cạnh tranh nhau gay gắt khi có thành tích tương đương nhau. Bên cạnh đó, hiệu trưởng nhà trường- người quyết định cuối cùng cũng phải đắn đo, tính toán và cân nhắc rất kĩ mới có thể đưa ra quyết định cuối cùng.

Nếu xếp loại chưa chính xác, công bằng, khách quan sẽ dẫn đến khiếu nại, thắc mắc từ đội ngũ giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Bởi thực tế, trong nhiều trường học hiện nay việc giáo viên so bì, hơn thua không hiếm. Trước quyền lợi cá nhân, một số giáo viên sẵn sàng cạnh tranh, so sánh đủ các mặt hoạt động của nhau để giành lấy quyền lợi về mình.

Vì thế, Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP còn là phép thử về bản lĩnh cho hiệu trưởng ở các nhà trường. Vì khi công bố kết quả xếp loại viên chức cũng đồng nghĩa phải giải thích cho những giáo viên, nhân viên thắc mắc, khiếu nại.

Những giáo viên, nhân viên trong nhà trường thực hiện tốt các nhiệm vụ, có hiệu quả giảng dạy cao, tham gia tốt các phong trào và đạt được thành tích nhiều thì việc xếp loại xuất sắc là đương nhiên, không ai thắc mắc được.

Nhưng, những viên chức được xếp loại xuất sắc mà còn một vài hạn chế như hiệu quả giảng dạy chưa thực sự vượt trội; ngày công chưa đảm bảo, còn đi trễ một vài lần; chưa có thành tích cấp huyện, cấp tỉnh…luôn được một số thầy cô có chỉ tiêu vượt mức tương đương đem ra so sánh.

Tuy nhiên, đó chỉ là một vài trường hợp, còn đại đa số những thầy cô được nhà trường xếp loại xuất sắc là những thầy cô tiêu biểu. Họ khát khao cống hiến, có nhiệt huyết với nghề, tích cực trong các hoạt động, các phong trào của trường, của ngành và địa phương phát động.

Bởi vậy, việc siết tỉ lệ Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ còn 20% sẽ tạo ra sự cạnh tranh nhau nhưng nó cũng tạo ra những mặt tích cực vì nếu không phấn đấu, không cố gắng, làm tàng tàng sẽ không thể nào cạnh tranh để đứng trong tỉ lệ 20% xuất sắc của nhà trường. Khi được xếp loại xuất sắc cũng đồng nghĩa với một số quyền lợi đi kèm.

Cú hích cho các năm học sau này

Hiện nay, đối với đội ngũ nhà giáo thì bên cạnh việc giảng dạy theo định mức số tiết/ tuần được nhà trường phân công còn có rất nhiều những công việc khác đi kèm trong mỗi năm học mà giáo viên có thể tham gia trên tinh thần tự nguyện hoặc được phân công.

Đó là việc kiêm nhiệm các công tác đoàn thể; chủ nhiệm lớp; bồi dưỡng học sinh học sinh giỏi; bồi dưỡng học sinh tham gia các hội thi, cuộc thi; tham gia các hội thi như giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi; viết sáng kiến kinh nghiệm; làm đồ dùng dạy học; tham gia các hoạt động công đoàn, đoàn – đội…

Những công việc này tất nhiên là là phải đầu tư, mất nhiều thời gian và vất vả đi kèm. Vì thế, muốn đạt hiệu quả thì đương nhiên cán bộ, giáo viên, nhân viên phải nhiệt tình trong các công việc, nỗ lực phấn đấu, đầu tư về chuyên môn, phương pháp và nhiều kĩ năng khác nữa.

Một khi thầy cô đầu tư nhiều cho chuyên môn, cho các phong trào, các hội thi không chỉ nhà trường có thành tích, học sinh được hưởng lợi mà bản thân những giáo viên này cũng có được những thành tích đi kèm.

Từ đó, việc xét loại viên chức cuối năm học sẽ thuận lợi hơn cho Hội đồng sư phạm nhà trường và quyết định của các hiệu trưởng. Họ có thể cân đối những viên chức hoàn thành các nhiệm vụ ký kết và có những chỉ tiêu vượt mức nhiều sẽ được xếp ở mức cao hơn theo thứ tự từ trên xuống đến khi đủ chỉ tiêu.

Vậy nên, việc áp dụng xếp loại viên chức theo Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP sẽ tạo ra cú hích cho đội ngũ nhà giáo và các nhà trường trong những năm học tiếp theo.

Một khi quyền lợi có tính cạnh tranh nhau sẽ tạo ra động lực cho tập thể và mỗi cá nhân trong từng đơn vị. Không phấn đấu, không cố gắng, không có khát khao cống hiến, không có đầu tư chuyên môn…sẽ không có cơ hội được xếp loại viên chức xuất sắc- đó là một thực tế hiển nhiên.

Vì vậy, các hoạt động dạy và học; các hoạt động ngoại khóa; các hội thi, cuộc thi; các phong trào của ngành, địa phương phát động trong những năm học tới đây chắc chắn sẽ được nâng lên và tạo ra những chuyển biến tích cực từ các nhà trường.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN THẾ TRUNG